BOE nâng dự báo tăng trưởng kinh tế

BOE ngày 3/11 đã nâng dự báo tăng trưởng kinh tế của nước này trong năm 2017, trong khi quyết định giữ nguyên lãi suất cơ bản ở mức thấp kỷ lục là 0,25% để duy trì gói kích thích kinh tế.

BoE đã nâng dự báo về mức tăng trưởng Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Anh trong năm 2017 lên 1,4% từ mức 0,8% dự báo trước đó. Mức điều chỉnh dự báo theo hướng lạc quan này được BoE đưa ra bất chấp triển vọng tăng trưởng được cải thiện từ hồi tháng 8 vừa qua đang bị "phủ bóng đen" do quyết định của Tòa án Hành chính Tối cao Anh liên quan tới tiến trình bỏ phiếu đưa Anh rời khỏi Liên minh châu Âu (EU), hay còn gọi là Brexit.

Theo phán quyết của tòa án này, quyết định thời điểm bắt đầu đàm phán rời EU sẽ do Quốc hội đưa ra chứ không phải là Chính phủ Anh.

Trung Quốc "bơm" thêm gần 65 tỷ USD vào hệ thống tài chính

Ngày 3/11, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC) thông báo đã "bơm" 437 tỷ Nhân dân tệ (64,7 tỷ USD) vào hệ thống tài chính trong các hoạt động thị trường mở thông qua cơ chế cho vay trung hạn.

Số tiền này sẽ được rót cho 21 thể chế tài chính, trong đó 230 tỷ NDT có kỳ hạn 6 tháng với mức lãi suất không đổi là 2,85% và 207 tỷ NDT có kỳ hạn 1 năm với lãi suất 3%.

Hãng Chứng khoán CITIC nhận định động thái này sẽ không làm giảm nhiều tỷ lệ dự trữ bắt buộc của ngân hàng vì PBoC sẽ dựa vào các hoạt động thị trường mở nhiều hơn để đảm bảo khả năng thanh toán bằng tiền mặt.

Trong khi đó, PBoC tái khẳng định nhu cầu duy trì một chính sách tiền tệ thận trọng với việc điều chỉnh đúng thời điểm nhằm tạo ra môi trường thuận lợi cho tăng trưởng kinh tế lẫn giảm nợ.

Chính phủ Nga đề xuất cắt giảm mạnh ngân sách trong 3 năm tới

Chính phủ Nga đang dự kiến cắt giảm ngân sách trong 3 năm tới do phải đối phó với tình trạng thâm hụt ngân sách mạnh, trong bối cảnh giá dầu trên thế giới giảm sâu và kinh tế trong nước suy thoái.

Theo đó, Nga dự kiến cắt giảm 27% chi tiêu của năm 2017, trong đó những lĩnh vực bị cắt giảm mạnh gồm y tế, giáo dục và thậm chí cả chi tiêu quốc phòng. Chính phủ Nga đưa ra dự báo, GDP năm 2016 của nước này sẽ giảm 0,6%, năm thứ 3 liên tiếp có mức tăng trưởng âm. Tuy nhiên, báo cáo cũng dự đoán kinh tế Nga năm 2017 sẽ tăng trưởng trở lại ở mức 0,6%.

Nga dự định lên kế hoạch bán cổ phần tại Tập đoàn dầu khí quốc gia Rosneft nhằm giúp hạn chế tình trạng thâm hụt ngân sách quốc gia. Nhưng đây chỉ là giải pháp trong ngắn hạn.

Theo kế hoạch, Nga sẽ giảm mức thâm hụt ngân sách từ 3,7% GDP năm 2016 xuống còn 1,2% GDP vào năm 2019. Dự thảo đưa ra đề xuất cắt giảm tổng chi ngân sách năm 2017, 2018 và 2019 lần lượt ở mức 1%, 1,3% và 0,33%.

Mexico chuẩn bị kế hoạch tài chính dự phòng đối với “kịch bản xấu”

Ngày 3/11, Thống đốc Ngân hàng trung ương nước này Agustín Carstens cho biết Chính phủ Mexico đã chuẩn bị kế hoạch tài chính dự phòng trong trường hợp xảy ra một “kich bản xấu” sau cuộc bầu cử tổng thống Mỹ vào ngày 8/11 tới.

Trước tình hình đồng nội tệ Peso của Mexico đang bị tác động mạnh do những diễn biến liên quan tới cuộc bầu cử trên và khả năng ứng cử viên thuộc đảng Cộng hòa Donald Trump có thể bất ngờ thắng cử, ông Carstens cho biết đang thảo luận với Bộ trưởng Tài chính và Tín dụng công José Antonio Meade về việc áp dụng các biện pháp cần thiết và điều chỉnh chính sách tài chính, tiền tệ để tránh những hệ quả xấu do kết quả bầu cử tại Mỹ.

Thống đốc Banxico nhận định trong trường hợp ông Trump thắng cử, Mexico sẽ phải hứng chịu một “cơn siêu bão,” nhưng nếu bà Hillary Clinton giành thắng lợi thì đây sẽ là một “tin vui” đối với nền kinh tế lớn thứ 2 ở khu vực Mỹ Latinh này./.