eMagazine
Những thành quả năm 2022 tạo thế và lực cho đất nước phát triển nhanh và bền vững trong năm 2023

08:01 | 22/01/2023

Trong năm 2022, kinh tế thế giới có nhiều bất định, khó lường, đã tác động mạnh tới kinh tế trong nước. Vượt qua khó khăn, thách thức, kinh tế nước ta đã đạt được nhiều thành quả đáng khích lệ, tạo thế và lực cho đất nước phát triển nhanh và bền vững trong năm 2023 và những năm tiếp theo.

Những thành quả năm 2022 tạo thế và lực cho đất nước phát triển nhanh và bền vững trong năm 2023

Trong năm 2022, kinh tế thế giới có nhiều bất định, khó lường, đã tác động mạnh tới kinh tế trong nước. Vượt qua khó khăn, thách thức, kinh tế nước ta đã đạt được nhiều thành quả đáng khích lệ, tạo thế và lực cho đất nước phát triển nhanh và bền vững trong năm 2023 và những năm tiếp theo. Trong không khí đón chào năm mới 2023, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương đã có cuộc trò chuyện với phóng viên Tạp chí Kinh tế và Dự báo xung quanh những điểm sáng của nền kinh tế năm 2022 và dự cảm về nền kinh tế năm 2023.

Những thành quả năm 2022 tạo thế và lực cho đất nước phát triển nhanh và bền vững trong năm 2023

TĂNG TRƯỞNG KINH TẾ NĂM 2022 LẬP KỲ TÍCH, ĐẠT 8,02%

PV: Năm 2022, trong bối cảnh kinh tế thế giới đối mặt với nhiều thách thức, áp lực lạm phát bủa vây, tăng trưởng kinh tế Việt Nam đã lập kỳ tích, đạt 8,02%, vượt khá nhiều mục tiêu kế hoạch. Những kết quả này có được do đâu, thưa Thứ trưởng?

Thứ trưởng Trần Quốc Phương: Năm 2022, hoạt động kinh tế nước ta diễn ra trong bối cảnh kinh tế thế giới đối mặt với nhiều thách thức. Các nền kinh tế hàng đầu phải chống chọi với nhiều khó khăn, tổng cầu suy giảm tác động đến hoạt động thương mại quốc tế của nước ta. Rủi ro, bất ổn đan xen buộc các nền kinh tế phải đánh đổi giải pháp điều hành vĩ mô. Lạm phát tiếp tục là mối quan ngại hàng đầu của nhiều nền kinh tế, giá năng lượng, lương thực biến động phức tạp, khó lường. Dấu hiệu suy thoái kinh tế toàn cầu ngày càng rõ nét, kinh tế thế giới chống chịu khủng hoảng đa tầng, không dễ vượt qua trong ngắn hạn.

Kinh tế Việt Nam có độ mở lớn, sản xuất phụ thuộc khá nhiều vào nguyên, nhiên vật liệu nhập khẩu, sức chống chịu và khả năng cạnh tranh hạn chế. Vì thế, bối cảnh kinh tế thế giới như vậy đã tác động không nhỏ tới kinh tế Việt Nam. Điều này cũng đã được minh chứng đối với tăng trưởng kinh tế quý IV/2022 của Việt Nam.

Nếu 9 tháng đầu năm là một bức tranh tươi sáng cho kinh tế Việt Nam, thì 3 tháng cuối năm, bức tranh đang trở nên u ám. Trong đó, khu vực công nghiệp, đặc biệt là một số ngành công nghiệp chế biến chế tạo chủ lực có xu hướng tăng trưởng chậm, thậm chí tăng trưởng âm, như: ngành sản xuất kim loại, sản xuất sản phẩm từ kim loại đúc sẵn, sản xuất thiết bị điện, sản xuất giường tủ bàn ghế, sản xuất cao su, plastic, sản xuất thuốc lá, khai thác than; ngành dệt may, da giầy, sản xuất sản phẩm điện tử, máy vi tính giảm tốc trong quý IV...; tình trạng doanh nghiệp giải thể, người lao động buộc phải nghỉ việc hoặc giảm giờ làm đang phổ biến.

Những thành quả năm 2022 tạo thế và lực cho đất nước phát triển nhanh và bền vững trong năm 2023

Tuy nhiên, nhờ sự vào cuộc quyết liệt, quyết tâm, trên dưới đồng lòng của cả hệ thống chính trị; sự lãnh đạo, chỉ đạo đúng đắn, kịp thời của Đảng; sự quản lý hiệu lực, hiệu quả của Nhà nước; sự chung sức, đồng lòng của cộng đồng doanh nghiệp, nhân dân cả nước; sự hỗ trợ, giúp đỡ của bạn bè quốc tế, nền kinh tế nước ta đã vượt qua thách thức và đạt được những kết quả quan trọng, khá toàn diện trên nhiều ngành, lĩnh vực, hoàn thành và vượt nhiều chỉ tiêu. Kinh tế vĩ mô duy trì ổn định, lạm phát được kiểm soát, các cân đối lớn được đảm bảo. Tăng trưởng GDP ước đạt khoảng 8,02%. Thị trường tài chính, tiền tệ cơ bản ổn định; điều hành lãi suất, tỷ giá phù hợp với diễn biến thị trường; bảo đảm thanh khoản, tăng trưởng tín dụng hợp lý, tháo gỡ những nút thắt của dòng vốn trong nền kinh tế; hướng tín dụng vào các lĩnh vực sản xuất, lĩnh vực ưu tiên. Công tác điều hành giá được chỉ đạo quyết liệt, sát sao, hiệu quả, nhất là đối với các mặt hàng thiết yếu, như: xăng, dầu, sách giáo khoa, hỗ trợ hoạt động kinh doanh và đời sống người dân…

Trong bức tranh tăng trưởng chung, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 3,36%, đảm bảo cung cấp đầy đủ nhu cầu lương thực thực phẩm của nền kinh tế với giá ổn định là nền tảng trong kiểm soát lạm phát bình quân cả năm ở mức 3,15%, thấp hơn khá nhiều mục tiêu lạm phát 4% trong bối cảnh giá lương thực, thực phẩm tăng cao tại nhiều quốc gia trên thế giới.

NĂM 2023, TĂNG TRƯỞNG 6,5%: MỤC TIÊU ĐẦY THÁCH THỨC

B

PV: Năm 2023, dự báo tình hình kinh tế thế giới và trong nước vẫn còn nhiều khó khăn và mục tiêu tăng trưởng Quốc hội đề ra là 6,5% cũng là một thách thức. Xin Thứ trưởng cho biết những nhận định của mình về nền kinh tế Việt Nam năm 2023?

Thứ trưởng Trần Quốc Phương: Thế giới đang trong thời kỳ nhiều biến động, những thay đổi về kinh tế, địa chính trị và sinh thái đều tác động đến triển vọng toàn cầu, Việt Nam sẽ không nằm ngoài sự tác động này.

Bức tranh kinh tế toàn cầu năm 2023 dần hiện rõ với dự báo tăng trưởng chậm lại trước những biến động của lạm phát cao, các vấn đề địa chính trị, xung đột vũ trang, thiên tai, dịch bệnh. Một số tổ chức quốc tế đã hạ mức dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu, như: Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đã hạ mức tăng trưởng từ 2,9% xuống còn 2,7% so với thời điểm tháng 7/2022. Fitch Ratings điều chỉnh so với dự báo trong tháng 9/2022, từ mức 1,7% xuống còn 1,4%. Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) đã hạ dự báo tăng trưởng kinh tế thế giới năm 2023 xuống mức 2,2% thay vì 2,8% như trong dự báo hồi tháng 6.

Có thể thấy, bối cảnh quốc tế sẽ trở nên khó khăn hơn trong năm 2023 và sẽ tác động không nhỏ tới tăng trưởng kinh tế của Việt Nam. Trong bối cảnh này, Quốc hội đã đặt mục tiêu tăng trưởng năm 2023 là 6,5%, với quy mô GDP tăng 916,2 đến 969,7 nghìn tỷ so với năm 2022, tương đương với mức tăng quy mô GDP của năm 2022 so với năm 2021 với tốc độ tăng trưởng 8,02%. Tuy mục tiêu tăng 6,5% GDP năm 2023 thấp hơn mức tăng 8,02% của năm 2022, nhưng 1% GDP năm 2023 đạt 104,1 nghìn tỷ, cao hơn 9,7 nghìn tỷ so với 1% GDP của năm 2022.

Để đạt mục tiêu tăng trưởng 6,5% năm 2023, dự kiến khu vực nông, lâm nghiệp và thuỷ sản phải tăng 3%; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 7,6%-8,3%; khu vực dịch vụ tăng 6,5%-7,0%. Đây là các mức tăng không dễ đạt được trong bối cảnh kinh tế thế giới nói chung, các nền kinh tế lớn là đối tác thương mại quan trọng của Việt Nam dự báo rơi vào suy thoái sẽ tác động rất mạnh tới kinh tế Việt Nam.

Tôi cho rằng, khó khăn đến từ yếu tố bên ngoài nhiều hơn đến từ nội tại của Việt Nam. Trong đó, bên cạnh sự suy giảm tiêu dùng của các nước phát triển, còn một số yếu tố phụ như chuỗi cung ứng toàn cầu gián đoạn có thể tác động đến Việt Nam. Vì thế, chịu ảnh hưởng lớn nhất tiếp tục đến từ khu vực công nghiệp và cụ thể là ngành công nghiệp chế biến, chế tạo. Vấn đề đơn hàng, giá cả nguyên vật liệu, chi phí đầu vào chính là vấn đề cần giải quyết trong năm 2023 nếu muốn thoát khỏi sự trì trệ trong thời gian tới.

Cùng với ngành công nghiệp chế biến, chế tạo gặp nhiều khó khăn, lĩnh vực xuất, nhập khẩu, cầu nối cho hoạt động công nghiệp chế biến, chế tạo trong nước sẽ bị ảnh hưởng khi hàng hóa xuất khẩu giảm, nguyên vật liệu đầu vào cho sản xuất giảm bởi cung – cầu trong nước và thế giới đều giảm.

Bên cạnh những dự báo khó khăn trong lĩnh vực sản xuất và xuất, nhập khẩu, thì có thể tiêu dùng của hộ cư dân cũng sẽ chịu ảnh hưởng khi nền kinh tế tăng trưởng chậm lại. Việc làm giảm, lao động nghỉ việc sẽ tác động lớn tới thói quen chi tiêu dùng. Cầu tiêu dùng giảm cũng sẽ tác động ngược tới cung trong nước và nhu cầu nhập khẩu hàng hóa. Đó là một bài toán cần đặt ra trong năm tới.

Những thành quả năm 2022 tạo thế và lực cho đất nước phát triển nhanh và bền vững trong năm 2023

ĐẦU TƯ CÔNG VẪN LÀ ĐỘNG LỰC CHÍNH TRONG TĂNG TRƯỞNG KINH TẾ NĂM 2023

PV: Theo Thứ trưởng, những động lực nào để kinh tế Việt Nam đạt được mức tăng trưởng 6,5% như mục tiêu Quốc hội đã đặt ra?

Thứ trưởng Trần Quốc Phương: Với các chính sách, giải pháp phục hồi và thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội, với chỉ đạo khẩn trương, sát sao và cụ thể của Chính phủ, trong bối cảnh kinh tế thế giới có thể rơi vào suy thoái, mục tiêu tăng trưởng 6,5% của năm 2023 có tính khả thi, dù không dễ đạt được. Các động lực chính có thể kể đến, như:

Một là, hoạt động nông, lâm nghiệp và thủy sản. Năm 2022, bất chấp mọi khó khăn do ảnh hưởng của hậu dịch Covid-19, xung đột Nga và Ukraine làm đứt gãy các chuỗi cung ứng sản xuất và tiêu dùng toàn cầu; nguyên vật liệu đầu vào phục vụ cho sản xuất, như: xăng dầu, phân bón, thức ăn chăn nuôi tăng; ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, như: hạn hán, lũ lụt, xâm nhập mặn…, nhưng nông nghiệp Việt Nam vẫn tăng trưởng ổn định. Nhờ vận dụng linh hoạt các cơ chế, chính sách hỗ trợ đầu tư sản xuất nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, ngành nông, lâm nghiệp và thủy sản đã tạo bước đột phá mạnh mẽ với sự chuyển dịch tích cực trong cơ cấu, nhiều giống cây trồng, vật nuôi có năng suất, chất lượng được đưa vào sản xuất.

Ngành nông, lâm nghiệp và thủy sản tiếp tục thể hiện rõ vai trò bệ đỡ của nền kinh tế, không chỉ bảo đảm nguồn cung lương thực, thực phẩm trong nước, mà còn khẳng định vị trí là nước xuất khẩu nông sản hàng đầu, đóng vai trò quan trọng trong bảo đảm an ninh lương thực toàn cầu.

Với sự nỗ lực không ngừng, năm 2023 được dự báo vẫn sẽ là một năm gặt hái nhiều thành công của ngành này.

Hai là, mặc dù có dấu hiệu sụt giảm trong quý IV/2022, nhưng một số ngành công nghiệp chế biến vẫn duy trì được mức tăng trưởng giá trị sản xuất khá tốt, nên đã giúp kiềm chế đà rơi mạnh của toàn ngành công nghiệp, như: Sản xuất đồ uống tăng 33%, chế biến thực phẩm tăng gần 12%, chế biến gỗ tăng 19%, sản xuất phương tiện vận tải tăng 16%, sản xuất khoáng phi kim loại tăng gần 12%... Đây sẽ tiếp tục là động lực của khu vực này trong năm 2023.

Ba là, du lịch phục hồi ấn tượng, đặc biệt là đối với du lịch nội địa (dự kiến tăng gấp gần 3 lần so với năm trước) kéo theo các hoạt động du lịch lữ hành; vận tải kho bãi; lưu trú, ăn uống; bán buôn, bán lẻ tăng trưởng mạnh, đang dần về mức như trước đại dịch. Đây là các ngành dịch vụ thị trường đóng góp lớn vào tăng trưởng của khu vực dịch vụ nói chung.

Bốn là, cầu tiêu dùng hồi phục sau đại dịch Covid-19 và được hỗ trợ tối đa từ nhu cầu du lịch trong nước tăng mạnh từ giữa và nửa cuối năm 2022, đã đóng góp vào tăng trưởng kinh tế.

Năm là, năm 2022 tiếp tục là năm thành công trong xuất khẩu nông, lâm, thủy sản. Nhờ vào đa dạng hóa thị trường, đa dạng hóa sản phẩm, nhiều mặt hàng đạt giá trị xuất khẩu cao hơn năm trước, như: cà phê tăng 28,3%; cao su tăng 1,4%; gạo tăng 6,2%; hồ tiêu tăng 2,7%; sắn và sản phẩm sắn tăng 17,1%, gỗ và sản phẩm gỗ tăng 7%. Đáng chú ý là lần đầu tiên xuất khẩu thủy sản đạt mốc 10,9 tỷ USD, tăng 22,9% so với năm 2021. Năm 2023 hứa hẹn vẫn sẽ là một năm thành công của xuất khẩu các sản phẩm nông sản.

Sáu là, đầu tư công sẽ là vốn mồi cho các hoạt động sản xuất, kích cầu của nền kinh tế cả trong ngắn hạn và dài hạn. Trong ngắn hạn, đầu tư công giúp tăng tổng cầu, tạo việc làm nhờ thúc đẩy hoạt động xây dựng, mở rộng năng lực sản xuất cho các ngành kinh tế. Trong dài hạn, đầu tư công giúp phát triển hệ thống cơ sở hạ tầng quốc gia, thúc đẩy tốc độ hồi phục kinh tế và tạo nền tảng cho tăng trưởng trong những năm tiếp theo.

Trong nhiều năm liền, đầu tư công luôn là động lực chính cho tăng trưởng kinh tế Việt Nam. Đặc biệt, khi tiêu dùng trong giai đoạn phục hồi mạnh sau dịch Covid-19 đã có dấu hiệu chậm lại và đầu tư nước ngoài vẫn là một ẩn số khi hiện nay vốn đăng ký giảm, dù vốn thực hiện có tăng, thì đầu tư công vẫn là động lực chính trong tăng trưởng kinh tế năm 2023.

PV: Có thể nhận thấy rằng, trọng trách của đầu tư công trong năm 2023 là rất lớn. Nhưng, trong thực tế, việc giải ngân vốn đầu tư luôn ì ạch, chưa kể năm 2022 còn có bộ, ngành xin trả lại nguồn vốn được giao, vì không phân bổ được..., thì có thể thấy, nhiệm vụ giải ngân vốn đầu tư công trong năm 2023 rất nặng nề, thưa Thứ trưởng?

Thứ trưởng Trần Quốc Phương: Thực tế năm 2022 cho thấy, dù Chính phủ và các cơ quan quản lý ráo riết vào cuộc, song ước giải ngân kế hoạch đầu tư vốn ngân sách nhà nước từ đầu năm đến ngày 30/11/2022 là 338.319,81 tỷ đồng, đạt 58,33% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, thấp hơn cùng kỳ năm 2021 và một số năm gần đây, nhưng là năm có số giải ngân tuyệt đối cao nhất so với các năm trước.

Theo đánh giá của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, có nhiều nguyên nhân làm chậm tiến độ giải ngân vốn đầu tư công năm 2022, trong đó có nguyên nhân khách quan và chủ quan, có những nguyên nhân tồn tại trong nhiều năm, có những nguyên nhân mang tính đặc thù của từng năm kế hoạch. Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã báo cáo, tổng hợp 3 nhóm nguyên nhân chủ yếu, đó là nhóm thể chế, chính sách pháp luật; nhóm khó khăn liên quan đến tổ chức, triển khai thực hiện; nhóm khó khăn liên quan đến những đặc thù của năm 2022 với 39 nhóm vấn đề vướng mắc quy định tại các nghị định của Chính phủ và văn bản pháp luật liên quan đến 7 lĩnh vực đất đai, bảo vệ môi trường, đấu thầu, ngân sách và công sản, xây dựng, tài nguyên và khoáng sản, đầu tư công…

Để năm 2023 đạt được mục tiêu thúc đẩy giải ngân đầu tư công - vốn được xem là động lực tăng trưởng kinh tế quan trọng trước tiên, cần xem đây là ưu tiên hàng đầu.

Trong năm 2023, theo Kế hoạch đầu tư công được Quốc hội thông qua, thì năm nay, chúng ta phải giải ngân được tổng số vốn trên 700 nghìn tỷ đồng. Đây là một thách thức lớn, vì số vốn này so với kế hoạch năm 2022, tăng khoảng 25% (khoảng 140 nghìn tỷ đồng) và tăng khoảng 260 nghìn tỷ đồng so với kế hoạch năm 2021 (năm đầu tiên của kế hoạch đầu tư công trung hạn 2021-2025). Năm 2023 cũng yêu cầu phải giải ngân toàn bộ số vốn thuộc Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.

Bài toán đặt ra là cần có giải pháp để tiến độ giải ngân đạt hiệu quả, bởi điều này có ý nghĩa then chốt trong việc tạo ra năng lực phát triển và tốc độ tăng trưởng bền vững của kinh tế đất nước trong năm 2023 và những năm tiếp theo.

Trong bối cảnh hiện nay, để thực hiện thành công Kế hoạch đầu tư công năm 2023, đòi hỏi tinh thần đổi mới, quyết tâm chính trị cao, trách nhiệm hơn nữa của các cấp, các ngành từ Trung ương đến địa phương, trong đó, cần tập trung vào các giải pháp, như: rà soát, hoàn thiện hệ thống pháp luật điều chỉnh hoạt động các dự án đầu tư công. Làm tốt công tác chuẩn bị đầu tư, chuẩn bị thực hiện dự án, kiểm tra, rà soát từng dự án bố trí kế hoạch vốn năm 2023, đặc biệt là các dự án khởi công mới, lựa chọn dự án đủ thủ tục đầu tư, đáp ứng điều kiện bố trí vốn theo quy định, nâng cao tính sẵn sàng và tính khả thi, khả năng triển khai thực hiện dự án.

Các bộ, ngành, địa phương cần phân bổ chi tiết kế hoạch vốn năm 2023 cho các nhiệm vụ, dự án trước ngày 31/12/2022 để có thể giải ngân từ ngày đầu của năm 2023. Việc phân bổ phải bảo đảm nguyên tắc, tiêu chí, thứ tự ưu tiên quy định tại Luật Đầu tư công, Nghị quyết của Quốc hội và Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, phù hợp với mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, ngành, lĩnh vực, địa phương và các quy hoạch đã được phê duyệt.

Cùng đó là tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong đầu tư công, xác định rõ trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân liên quan, xử lý nghiêm vi phạm theo quy định; kiểm soát chặt chẽ mục tiêu, hiệu quả sử dụng vốn đầu tư; bảo đảm công bằng, công khai, minh bạch thông tin, phòng chống tham nhũng, lãng phí và lợi ích nhóm trong đầu tư công.

PV: Xin cám ơn Thứ trưởng về cuộc trao đổi hôm nay, chúc Thứ trưởng năm mới An khang, thịnh vượng!

Tôi cho rằng, khó khăn đến từ yếu tố bên ngoài nhiều hơn đến từ nội tại của Việt Nam. Trong đó, bên cạnh sự suy giảm tiêu dùng của các nước phát triển, còn một số yếu tố phụ như chuỗi cung ứng toàn cầu gián đoạn có thể tác động đến Việt Nam.- Thứ trưởng Trần Quốc Phương-

Những thành quả năm 2022 tạo thế và lực cho đất nước phát triển nhanh và bền vững trong năm 2023

Phương Anh (Thực hiện)

(Tạp chí Kinh tế và Dự báo, số 01+02 tháng 01/2023)

Tạp chí Kinh tế và Dự báo 08:01 | 22/01/2023