Nhận diện hạn chế

“Trong bối cảnh còn nhiều khó khăn do dịch bệnh, nhưng kinh tế - xã hội nước ta tiếp tục được duy trì ổn định, lạm phát được kiểm soát, mặt bằng lãi suất giảm, tỷ giá ổn định, đồng tiền Việt Nam tăng giá, dự trữ ngoại hối tăng trên 10%...”, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đánh giá, khi phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị tổng kết công tác tài chính - ngân sách nhà nước năm 2021 và triển khai nhiệm vụ năm 2022, do Bộ Tài chính tổ chức hôm nay (ngày 6/1).

Phải có tiêu chí phân bổ ngân sách công bằng, hạn chế tiêu cực, chạy chọt…
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính lưu ý ngành Tài chính tích cực phòng chống tiêu cực, tham nhũng, lợi ích nhóm trong ngành. Ảnh: MOF

Cùng với đó, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa trong năm qua tăng 22,6%, đạt 668,5 tỷ USD, cao nhất từ trước đến nay, đưa Việt Nam trở thành 1 trong 20 nước có quy mô thương mại lớn nhất thế giới, theo Bộ Tài chính…

Tuy nhiên, Thủ tướng cũng chỉ ra một số hạn chế mà ngành Tài chính cần khắc phục như: công tác tham mưu cho Đảng, Nhà nước trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ của Bộ Tài chính còn có những hạn chế; công tác quản lý tài sản công còn bất cập; việc cơ cấu lại, đổi mới khu vực doanh nghiệp còn chậm; nợ thuế có xu hướng tăng…

Thủ tướng còn lưu ý Bộ Tài chính về công tác tham mưu, nhất là tham mưu chiến lược để không bị động, bất ngờ liên quan tới tài chính – ngân sách nhà nước. Việc phân bổ thu chi ngân sách nhà nước cần hợp lý. Phải có chính sách khuyến khích thu, có tiêu chí phân bổ ngân sách công bằng, hạn chế tiêu cực, chạy chọt. Phải đầu tư công sức nghiên cứu để khắc phục hạn chế, bất cập…

Cần khắc phục triệt để yếu kém

Người đứng đầu Chính phủ nhìn nhận, năm 2022 tình hình kinh tế - xã hội có cả thời cơ, thuận lợi và khó khăn, thách thức nhưng khó khăn, thách thức nhiều hơn thời cơ, thuận lợi. Chính phủ đã đề ra phương châm hành động cho năm 2022 là “Đoàn kết, kỷ cương, chủ động thích ứng, an toàn hiệu quả, phục hồi phát triển”...

Cần phối hợp nhịp nhàng giữa chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ để đảm bảo hai chính sách này độc lập, nâng đỡ nhau. Theo Thủ tướng, đây là hai chính sách rất quan trọng giúp điều hành nền kinh tế đất nước, tránh việc chính sách tài khóa triệt tiêu chính sách tiền tệ và ngược lại, tránh các lợi ích cục bộ, cần đặt lợi ích chung lên trên để phối hợp nhịp nhàng giữa hai chính sách.

Trong bối cảnh trên, đối với nhiệm vụ của ngành Tài chính trong năm 2022, Thủ tướng nhấn mạnh cần tập trung vào các nội dung trọng tâm như: Bộ Tài chính bám sát xây dựng các nhiệm vụ cụ thể thuộc chức năng, nhiệm vụ quyền hạn của đơn vị và tổ chức thực hiện có hiệu quả, đồng thời cần khắc phục triệt để, có hiệu quả các hạn chế, yếu kém, bất cập mà ngành Tài chính đã chỉ ra. Ngành cũng cần nắm chắc tình hình, tham mưu các chiến lược cho Đảng, Chính phủ các vấn đề liên quan đến tài chính ngân sách như: xu hướng phát triển các thị trường, giá cả các mặt hàng chủ lực, thị trường xuất nhập khẩu thế giới…

Người đứng đầu Chính phủ yêu cầu ngành Tài chính cần tìm các biện pháp đẩy mạnh tăng thu ngân sách, giảm các khoản chi không thực sự cần thiết, trong giai đoạn hiện nay cần “thắt lưng buộc bụng” và “không chỉ là hô hào khẩu hiệu”. Kiểm soát bội chi chặt chẽ, quản lý nợ công trong giới hạn cho phép. Cần chỉ ra các nguyên nhân làm chậm tiến độ cổ phần hóa, thoái vốn… Đặc biệt, việc quản lý đất đai trong cổ phần hóa doanh nghiệp dẫn đến nhiều sai phạm, cần phối hợp với Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp để nghiên cứu các nguyên nhân gây ách tắc, tiêu cực. Cần tăng cường kỷ luật, kỷ cương tài chính ngân sách trong toàn ngành, chú trọng công tác giám sát…

Một giải pháp nữa mà Thủ tướng lưu ý ngành Tài chính tập trung triển khai là đẩy mạnh cải cách hành chính, tạo điều kiện cho kinh doanh, đẩy mạnh chuyển đổi số, xây dựng ngành Tài chính số, Chính phủ số, tạo mọi điều kiện thuận lợi phục vụ cho người dân, doanh nghiệp, hướng tới thực hiện mục tiêu theo chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2021- 2030…/.