Tính bền vững chưa được quan tâm đúng mức

Sáng nay, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) phối hợp với Trường Chính sách công - Đại học Tổng hợp Tokyo tổ chức Diễn đàn nghiên cứu Việt Nam - Nhật Bản với chủ đề "Tăng cường hợp tác Việt Nam - Nhật Bản nhằm phát triển năng lượng bền vững ở Tiểu vùng sông Mekong mở rộng giai đoạn hậu COVID-19".

Trong những năm gần đây, hợp tác của các nước thuộc GMS - gồm Myanmar, Lào, Thái Lan, Campuchia, Việt Nam và 2 tỉnh Vân Nam, Quảng Tây của Trung Quốc - đã gia tăng đáng kể. Khu vực này được đánh giá có tiềm năng tăng trưởng lớn trong khu vực ASEAN.

Theo TS. Trần Thị Hồng Minh, Viện trưởng CIEM, cùng với quá trình hội nhập sâu rộng của ASEAN và ASEAN+, các nước ở khu vực GMS cũng đã có nhiều sáng kiến và nỗ lực hợp tác trên nhiều lĩnh vực, từ thương mại - đầu tư cho đến phát triển kết cấu hạ tầng, năng lượng, viễn thông, phát triển nguồn nhân lực và môi trường... Trong đó, năng lượng là một lĩnh vực quan trọng, gắn kết mật thiết với quá trình hợp tác và phát triển của các ngành, lĩnh vực khác.

GS. Fukunari Kimura, Đại học Keio đánh giá, GMS được xem là tiểu vùng thành công nhất với tốc độ tăng trưởng kinh tế và xóa đói giảm nghèo nhanh trong ba thập kỷ qua. Mặc dù vậy, khoảng cách phát triển giữa các nước trong khu vực vẫn còn rộng. Tính bền vững chưa được quan tâm đúng mức, thường bị xem nhẹ tại GMS do các nước này vẫn phụ thuộc nhiều vào nguyên liệu hóa thạch, chậm chuyển đổi sang các nguồn năng lượng khác. Các vấn đề về phát triển bền vững khác như quản lý nguồn nước và môi trường nói chung đang trở thành những vấn đề cấp bách trong tiểu vùng.

Toàn cảnh hội thảo

Ở một góc nhìn khác, ông Nguyễn Anh Dương – Trưởng ban Nghiên cứu tổng hợp (CIEM) cho rằng, GMS là khu vực kinh tế năng động và cùng với tăng trưởng kinh tế, nhu cầu năng lượng cũng gia tăng, đòi hỏi phải huy động các nguồn năng lượng để đáp ứng nhu cầu.

“Nguồn năng lượng của các nước trong GMS khá đa dạng, tuy nhiên mức độ khai thác còn khá thấp so với tiềm năng sẵn có”, ông Nguyễn Anh Dương nhận xét.

Theo TS. Võ Trí Thành - Viện trưởng Viện Chiến lược thương hiệu và cạnh tranh, đã có nhiều cơ chế hợp tác nội vùng GMS cũng như hợp tác giữa các nước với đối tác ngoài vùng, điều này thể hiện tầm quan trọng của phát triển bền vững trong GMS. Nhiều nghiên cứu chỉ ra, nhờ cải cách bên trong và hội nhập, hợp tác…, kết quả phát triển của các nước GMS có những thành tựu khá ấn tượng.

Mặc dù vậy, khoảng cách phát triển giữa các nước trong tiểu vùng còn lớn, góc độ bứt phá của GMS chưa đạt được kỳ vọng. TS. Thành nhấn mạnh, các thách thức chính đặt ra hiện nay đối với hợp tác GMS bao gồm:

Thứ nhất, các quốc gia tham gia vào cơ chế hợp tác tiểu vùng (ngoại trừ những đối tác chính bên ngoài như Trung Quốc, Nhật Bản, và Hoa Kỳ) đều có năng lực kinh tế khiêm tốn và phụ thuộc vào hỗ trợ từ bên ngoài.

Thứ hai, hiệu quả thực thi của một số cơ chế, sáng kiến, dự án còn thấp. Nguyên nhân là do thành viên tham gia không đủ năng lực, điều phối không hiệu quả giữa các đối tác tham gia…

Thứ ba, có quá nhiều cơ chế hợp tác chồng chéo và trùng lặp các lĩnh vực, nội dung ưu tiên. Một số cơ chế sử dụng dự án của đối tác khác, dẫn đến những con số ảo và không phản ánh chính xác thực tế hợp tác trong khu vực.

Cần xây dựng khung chính sách chung về năng lượng

TS. Võ Trí Thành đưa ra hàm ý, trong điều kiện nguồn lực và năng lực hạn chế, GMS cần tập trung cho các ưu tiên và hiệu quả của cơ chế hợp tác (chiến lược tổng thể xác định rõ trọng tâm và nguồn lực cần thiết để đạt hiệu quả tối ưu). Cần nâng cao năng lực thể chế và phát triển nguồn nhân lực để tận dụng lợi thế của Cách mạng công nghiệp 4.0 và kỷ nguyên số cũng như tăng cường khả năng chống chịu với các cú sốc, rủi ro khác nhau. Ngoài ra, TS. Thành cũng nhấn mạnh việc thúc đẩy vai trò của truyền thông và mạng xã hội.

Còn theo ông Nguyễn Anh Dương, cần đảm bảo cơ cấu năng lượng cân bằng hơn (thủy điện, nhiệt điện, năng lượng tái tạo), tạo điều kiện thuận lợi cho xuất nhập khẩu năng lượng ở mức độ hợp lý. Đồng thời, thúc đẩy thảo luận thực chất hơn về năng lượng và phát triển bền vững với các nước GMS, nâng cao năng lực đánh giá tác động môi trường của các dự án năng lượng gần/dọc sông Mekong.

Đồng thời, ông Nguyễn Anh Dương cho rằng, GMS là khu vực kinh tế năng động nên tăng cường sản xuất điện là rất cần thiết để hỗ trợ phát triển kinh tế. Tất cả các nước GMS đều có tiềm năng khai thác năng lượng, nên việc hợp tác có một chính sách chung về năng lượng là cần thiết.

Đồng ý với quan điểm này, TS. Trần Thị Hồng Minh khẳng định: “Dù đều được dự báo sẽ cần thêm năng lượng trong những thập niên tới, các nước ở khu vực GMS sẽ khó có thể phát triển bền vững và hiệu quả nếu chỉ xây dựng chính sách năng lượng một cách độc lập, không hài hòa với nhau. Chính ở đây, khu vực GMS vẫn cần gia tăng hợp tác nhằm hướng tới một chính sách năng lượng bền vững và hài hòa ở cấp vùng”.

VIện trưởng CIEM cũng gợi ý, Nhật Bản là nước có nhiều kinh nghiệm trong việc theo dõi, đánh giá tác động, cũng như xây dựng các kế hoạch, biện pháp xử lý các rủi ro liên quan đến các dự án năng lượng. Do vậy, Nhật Bản có nhiều dư địa để gia tăng hợp tác với các nước GMS, từ đó đóng góp vào phát triển năng lượng bền vững ở tiểu vùng./.