Chính phủ vừa có tờ trình số 362/TTr-CP, ngày 31/08/2017 gửi Ủy ban Thường vụ về dự án Luật Quy hoạch.

Tại tờ trình, Chính phủ nêu rõ, đã thảo luận, thống nhất tại Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 6 năm 2017 (Nghị quyết số 61/NQ-CP ngày 11 tháng 7 năm 2017) và Phiên họp chuyên đề xây dựng pháp luật tháng 8 năm 2017 (Nghị quyết số 83/NQ-CP ngày 31 tháng 8 năm 2017) về việc sửa đổi, bổ sung các luật hiện hành đang điều chỉnh về hoạt động quy hoạch.

Theo đó, Chính phủ đề xuất phương án sửa đổi, bổ sung các luật liên quan đến hoạt động quy hoạch như sau:

Đối với việc sửa đổi các luật đang điều chỉnh hoạt động quy hoạch, có nội dung đơn giản về kỹ thuật, cụ thể, với 8 luật đang điều chỉnh hoạt động quy hoạch, có nội dung đơn giản về kỹ thuật được sửa đổi ngay tại Luật Quy hoạch gồm: Luật Công nghệ thông tin; Luật Người cao tuổi; Luật An toàn thực phẩm; Luật Đo lường; Luật Tổ chức chính quyền địa phương; Luật Thú y; Luật Dự trữ quốc gia, Luật Giáo dục nghề nghiệp, Chính phủ chỉ rõ, đây là những luật chỉ sửa đổi cụm từ “quy hoạch” thành “kế hoạch”; sửa đổi tên quy hoạch quy định tại các luật hiện hành để phù hợp với tên quy hoạch mới được quy định trong dự thảo Luật Quy hoạch; sửa đổi các điều trong các luật không nhiều.

Vì vậy, Chính phủ đề nghị bổ sung thêm một điều về sửa đổi, bổ sung các luật quy định về quy hoạch tại Điều 69 mới và chuyển Điều 69 cũ thành Điều 70 mới trong dự thảo Luật Quy hoạch.

Về việc sửa đổi các luật đang điều chỉnh hoạt động quy hoạch, có nhiều nội dung, chính sách phức tạp, Chính phủ đã chỉ đạo các bộ, cơ quan liên quan rà soát tổng thể các luật đang điều chỉnh hoạt động quy hoạch có nhiều nội dung, chính sách phức tạp và có liên quan đến đầu tư, kinh doanh, đất đai, nhà ở để đề xuất sửa đổi từng luật riêng hoặc luật sửa đổi, bổ sung một số luật thuộc lĩnh vực quản lý để đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ và khả thi trong việc sửa đổi, bổ sung các luật liên quan đến hoạt động quy hoạch.

“Đây là nhiệm vụ rất quan trọng và có khối lượng công việc rất lớn cần có thời gian để triển khai một cách thống nhất, đồng bộ”, Chính phủ nhấn mạnh.

Chính phủ cho biết, hiện tại, các bộ, cơ quan liên quan đang khẩn trương thực hiện nhiệm vụ của Chính phủ giao để vừa đáp ứng được về thời gian và chất lượng xây dựng của các luật, vừa đảm bảo tính khả thi của các luật khi được sửa đổi, bổ sung để đồng bộ với Luật Quy hoạch khi được Quốc hội thông qua.

Trên cơ sở đó, Chính phủ sẽ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội việc điều chỉnh chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2018 để sửa đổi, bổ sung các luật này, bảo đảm có hiệu lực thi hành đồng bộ với Luật Quy hoạch.

Về công tác chuẩn bị triển khai thi hành Luật Quy hoạch, Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, các bộ, cơ quan liên quan chủ động xây dựng Nghị quyết của Chính phủ về việc triển khai thi hành Luật Quy hoạch; xây dựng Nghị định hướng dẫn thi hành Luật Quy hoạch và xây dựng kế hoạch sửa đổi, bổ sung các luật bảo đảm có hiệu lực đồng thời với Luật Quy hoạch, trình Chính phủ ngay sau khi Quốc hội thông qua Luật Quy hoạch.

Vì vậy, Chính phủ đề nghị Uỷ ban Thường vụ Quốc hội thống nhất với Chính phủ báo cáo Quốc hội phương án đề xuất nói trên để bảo đảm tính khả thi trong việc rà soát, xây dựng đồng bộ các luật quan đến quy hoạch.

Dự án Luật Quy hoạch sẽ được trình Quốc hội khóa XIV xem xét, thông qua tại kỳ họp thứ 4 và có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01 tháng 01 năm 2019.

Như vậy, việc triển khai thực hiện Luật Quy hoạch sẽ có khoảng thời gian 2 năm để xử lý các vấn đề, như: tổ chức lập các quy hoạch mới cho thời kỳ phát triển 2021-2030 theo quy định của Luật Quy hoạch; xử lý việc chuyển tiếp các quy hoạch đã được cơ quan có thẩm quyền quyết định hoặc phê duyệt theo quy định của pháp luật hiện hành hoặc các trường hợp đang thực hiện theo quy định của các luật hiện hành trước khi Luật Quy hoạch có hiệu lực thi hành; loại bỏ các quy hoạch sản phẩm đang gây cản trở, trì hoãn hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp và người dân; ban hành các điều kiện, tiêu chuẩn, quy chuẩn ngành, lĩnh vực để phục vụ cho nhiệm vụ quản lý nhà nước theo chức năng, nhiệm vụ được phân công, phân cấp.

Đặc biệt, trong khoảng thời gian này, Chính phủ cũng sẽ rà soát, sửa đổi một số luật hiện hành có quy định về quy hoạch trình Quốc hội xem xét bổ sung vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2018, bảo đảm các luật được sửa đổi, bổ sung phù hợp với Luật Quy hoạch và có hiệu lực đồng thời với hiệu lực của Luật Quy hoạch từ ngày 01/01/2019.

Do đó, để xử lý các vấn đề nêu trên, đồng thời để đảm bảo không có khoảng trống pháp luật trong thời gian Luật Quy hoạch được thông qua cho đến khi Luật Quy hoạch có hiệu lực thi hành, Chính phủ đề xuất Quốc hội thông qua và ban hành dự thảo Nghị quyết về việc thi hành Luật Quy hoạch./.