eMagazine
Quy hoạch tỉnh Bến Tre thời kỳ 2021-2030: Tạo sự đột phá mới trong phát triển

21:36 | 13/01/2023

Ngày 13/1, Hội đồng thẩm định quy hoạch tỉnh đã thông qua Quy hoạch tỉnh Bến Tre thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, với điều kiện có chỉnh sửa, bổ sung.

Quy hoạch tỉnh Bến Tre thời kỳ 2021-2030: Tạo sự đột phá mới trong phát triển

Ngày 13/1, Hội đồng thẩm định quy hoạch tỉnh đã thông qua Quy hoạch tỉnh Bến Tre thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, với điều kiện có chỉnh sửa, bổ sung. Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương, Phó Chủ tịch Hội đồng thẩm định quy hoạch tỉnh chủ trì phiên họp. Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre Trần Ngọc Tam tham dự Hội nghị.

KINH TẾ - XÃ HỘI tỉnh Bến Tre vẫn còn những tồn tại, hạn chế

Phát biểu mở đầu Hội nghị, Thứ trưởng Trần Quốc Phương cho biết, công tác lập quy hoạch đóng vai trò vô cùng quan trọng đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của cả nước nói chung, của từng ngành, từng vùng, từng địa phương nói riêng. Việc lập quy hoạch thời kỳ 2021-2030 cần nhận diện các yếu tố mới, trong điều kiện hoàn cảnh mới để chủ động ứng phó với các thách thức. Từ bối cảnh mới, nhận ra đâu là cơ hội, đâu là thách thức mới, sẵn sàng ứng phó vượt qua các thách thức, góp phần xây dựng đất nước phát triển.

Quy hoạch tỉnh Bến Tre thời kỳ 2021-2030: Tạo sự đột phá mới trong phát triển

Theo Thứ trưởng Trần Quốc Phương, với vị trí tiếp giáp vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, chỉ cách TP. Hồ Chí Minh 86km, tỉnh Bến Tre có hệ thống giao thông đường thủy với 4 sông chính hướng ra biển Đông và hệ thống kênh, rạch là các trục giao thông đối ngoại quan trọng gắn kết Bến Tre với các tỉnh vùng Đồng bằng sông Cửu Long và vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, rất thuận lợi cho phát triển các lĩnh vực kinh tế - xã hội. Đặc biệt, kể từ khi được Chính phủ quan tâm đầu tư xây dựng các cầu: Rạch Miễu (năm 2008), Hàm Luông (năm 2010) và Cổ Chiên (năm 2015) đã phá thế cô lập về giao thông đường bộ giúp tiềm năng kinh tế - xã hội của Bến Tre được khơi dậy và phát triển mạnh mẽ.

Kinh tế phát triển khá toàn diện; hạ tầng kinh tế - xã hội tiếp tục được đầu tư xây dựng; diện mạo đô thị và nông thôn có nhiều khởi sắc. Văn hóa - xã hội có nhiều chuyển biến tích cực. Đời sống người dân tiếp tục được cải thiện. An ninh chính trị ổn định, trật tự an toàn xã hội được đảm bảo.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, tỉnh Bến Tre vẫn còn những tồn tại, hạn chế.

Tăng trưởng kinh tế của Tỉnh chưa có sự đột phá; chất lượng và hiệu quả tăng trưởng chưa cao, chủ yếu theo chiều rộng; nội lực kinh tế của Tỉnh chưa mạnh, quy mô kinh tế còn nhỏ; năng suất lao động và GRDP bình quân đầu người thấp.

Quá trình công nghiệp hóa và đô thị hóa còn chậm. Cơ sở hạ tầng được quan tâm đầu tư, nhưng do hệ thống sông rạch nhiều, đất đai bị ngăn cách nên nhu cầu vốn đầu tư lớn, chưa đáp ứng yêu cầu phát triển một số ngành, lĩnh vực; chi phí vận chuyển nguyên liệu cao.

Doanh nghiệp phát triển nhanh nhưng chưa có nhiều doanh nghiệp lớn làm đầu tàu, chủ yếu là doanh nghiệp nhỏ và vừa, trình độ ứng dụng khoa học - công nghệ chưa cao, năng lực sản xuất, kinh doanh và cạnh tranh còn yếu, hạn chế khi tiếp cận đến các thị trường xuất khẩu khó tính.

Môi trường đầu tư, kinh doanh của Tỉnh mặc dù đã có nhiều cải thiện, các Chỉ số PCI và PAPI tăng cao, nhưng còn thiếu quỹ đất sạch, giải phóng mặt bằng gặp khó khăn, chi phí đầu tư cao..., nên chưa tạo ra nhiều cơ hội để nhà đầu tư, doanh nghiệp mở rộng đầu tư sản xuất, kinh doanh và thu hút đầu tư.

Quy hoạch tỉnh Bến Tre thời kỳ 2021-2030: Tạo sự đột phá mới trong phát triển
Quy hoạch tỉnh Bến Tre thời kỳ 2021-2030: Tạo sự đột phá mới trong phát triển
Quy hoạch tỉnh Bến Tre thời kỳ 2021-2030: Tạo sự đột phá mới trong phát triển
Quy hoạch tỉnh Bến Tre thời kỳ 2021-2030: Tạo sự đột phá mới trong phát triển

Mật độ dân số cao, hầu hết đất sở hữu bởi cá nhân, diện tích đất manh mún, khó thu hồi đất, chi phí bồi thường giải phóng mặt bằng cao, khó tạo quỹ “đất sạch” cho đầu tư phát triển, nhất là phát triển lĩnh vực công nghiệp.

Năng lực nội sinh yếu, đặc biệt là chất lượng nguồn nhân lực còn thấp, thu ngân sách nhà nước trên địa bàn Tỉnh thấp, thu nhập của người dân thấp dẫn tới khả năng tiếp thu ngoại lực hạn chế.

Bến Tre cần xây dựng một bản quy hoạch phát huy tối đa các tiềm năng, thế mạnh

Thứ trưởng Trần Quốc Phương nhấn mạnh, trong những năm tới, để đẩy mạnh phát triển kinh tế gắn với giải quyết tốt các vấn đề xã hội, thích ứng với biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường, đưa Bến Tre phát triển nhanh, bền vững, Tỉnh cần xây dựng một bản quy hoạch có thể đề ra các phương án phát triển phát huy tối đa các tiềm năng, thế mạnh, giải quyết các khó khăn, thách thức, đẩy mạnh thu hút đầu tư có chọn lọc.

Bên cạnh đó, cần huy động tối đa và sử dụng có hiệu quả mọi nguồn lực trong và ngoài địa phương để đầu tư phát triển kinh tế - xã hội. Tiếp tục duy trì tốc độ tăng trưởng cao, tạo sự đột phá mới trong phát triển, hướng tới một khát vọng thịnh vượng. Trong thời gian qua, tỉnh Bến Tre đã nỗ lực, tập trung xây dựng được bản quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 - 2030 để trình Hội đồng thẩm định xem xét trước khi trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Phát biểu tại phiên họp, Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre Trần Ngọc Tam cho biết, Bến Tre đã nhận thức rõ được tầm quan trọng của Quy hoạch tỉnh trong giai đoạn tới, vì vậy trong quá trình lập Quy hoạch đã nghiên cứu, chọn lựa các định hướng, chiến lược phát triển và kịch bản phát triển để khai thác và phát huy hiệu quả nhất nguồn lực nội tại của địa phương kết hợp với huy động các nguồn lực khác.

Đồng thời, Bến Tre xác định, Quy hoạch tỉnh phải nằm trong tổng thể chung của Quy hoạch vùng Đồng bằng sông Cửu Long và Quy hoạch ngành, Quy hoạch tổng thể quốc gia, vì vậy, trong quá trình lập Quy hoạch tỉnh đã nghiên cứu, lồng ghép các nội dung quan trọng của Quy hoạch vùng, Quy hoạch ngành đã được phê duyệt và bám sát theo định hướng của Quy hoạch tổng thể quốc gia.

đến năm 2050, Bến Tre sẽ phát triển thịnh vượng

Theo báo cáo quy hoạch tỉnh Bến Tre thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 được ông Nguyễn Trúc Sơn, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh trình bày tại Hội nghị, đến năm 2030, Tỉnh phấn đấu trở thành Tỉnh có trình độ phát triển ở mức khá của cả nước dựa trên thu hút hiệu quả nguồn lực đầu tư để mở rộng không gian phát triển Tỉnh về hướng Đông gắn với kinh tế biển. Có hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, hạ tầng số đồng bộ, hiện đại và kết nối thuận lợi với các Tỉnh trong vùng và cả nước...

Giai đoạn 2021-2025, tốc độ tăng trưởng kinh tế GRDP bình quân 8,5%-9,5%/năm, GRDP bình quân đầu người 83-85 triệu đồng, huy động vốn đầu tư phát triển toàn xã hội 230.000 tỷ đồng. Giai đoạn 2026-2030, Tỉnh đặt mục tiêu tăng trưởng kinh tế 11%-11,5%/năm, GRDP bình quân đầu người 138-142 triệu đồng, huy động vốn đầu tư phát triển toàn xã hội 400.000 tỷ đồng.

Trong 630.000 tỷ đồng vốn đầu tư phát triển cần thiết cho giai đoạn 2021-2030, tỉnh Bến Tre dự kiến vốn khu vực nhà nước khoảng 171.360 tỷ đồng (vốn ngân sách nhà nước khoảng 63.000 tỷ đồng), vốn ngoài nhà nước khoảng 416.430 tỷ đồng, vốn nước ngoài khoảng 42.210 tỷ đồng.

Các dự án động lực mà Tỉnh xác định là xây dựng cầu Rạch Miễu 2; tuyến đường bộ ven biển kết nối tỉnh Bến Tre với tỉnh Trà Vinh, Tiền Giang; Bệnh viện đa khoa tỉnh Bến Tre; dự án lấn biển tại các huyện Bình Đại, Ba Tri, Thạch Phú; dự án xây dựng Trường Đại học Tây Nam Bộ - Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh; cơ sở hạ tầng các khu, cụm công nghiệp, các khu đô thị...

Tầm nhìn đến năm 2050, Bến Tre sẽ phát triển thịnh vượng, với đô thị sinh thái, hiện đại, thông minh, có môi trường sống lý tưởng cho người dân.

Quy hoạch tỉnh Bến Tre xác định 5 quan điểm phát triển Tỉnh trong thời kỳ quy hoạch, trong đó nhấn mạnh quan điểm phát triển về hướng Đông (hướng biển với trọng tâm là kinh tế biển) là tầm nhìn xuyên suốt của thời kỳ quy hoạch với mục tiêu lấn biển tạo quỹ đất, mở rộng không gian phát triển mới.

Không gian phát triển của Tỉnh sẽ chia thành 3 vùng là Vùng Bắc sông Hàm Luông, Vùng Nam sông Hàm Luông và Vùng ven biển; 5 hành lang kinh tế gồm 3 hành lang phát triển theo hướng Tây - Đông, 2 hành lang phát triển theo hướng Bắc - Nam. Đến năm 2030, tỉnh Bến Tre có tỷ lệ đô thị hóa đạt 50% với 37 đô thị.

hỘI ĐỒNG THẨM ĐỊNH thông qua DỰ THẢO QUY HOẠCH với điều kiện có chỉnh sửa, bổ sung

Tham gia ý kiến tại Hội nghị, các đại biểu cho rằng, về cơ bản hồ sơ lập quy hoạch tỉnh Bến Tre đáp ứng yêu cầu; được xây dựng đầy đủ, công phu, khoa học; xác định được các thách thức cũng như tham vọng phát triển. Các đại biểu tập trung cho ý kiến về tính hợp lý, sự đảm bảo để phù hợp với quy định tại Điều 32 của Luật Quy hoạch về nội dung thẩm định quy hoạch; đánh giá phương pháp lập quy hoạch và nội dung bản quy hoạch Bến Tre, đặc biệt về việc áp dụng phương pháp tích hợp quy hoạch về dữ liệu, chồng lớp bản đồ; xác định vai trò, vị thế của Tỉnh trong vùng gắn với những điều kiện riêng có của Tỉnh; quan điểm, triết lý, tầm nhìn phát triển của Tỉnh trong kỳ quy hoạch; định hướng phát triển trong từng ngành, từng địa phương; kịch bản, mục tiêu, hành lang phát triển; định hướng phân bổ không gian từng ngành, từng địa phương; định hướng phân bổ nguồn lực, phân bổ các dự án có tính đột phá và tạo động lực cho sự phát triển của Bến Tre; về các phương án phát triển hệ thống đô thị và nông thôn, phòng chống thiên tai và biến đổi khí hậu, phân bổ và khoanh vùng đất đai; xác định rõ hơn vai trò của nông nghiệp đối với đóng góp cho tăng trưởng, cho đời sống xã hội; đánh giá hiệu quả, tiềm năng sử dụng đất đối với ngành này, chuyển từ sản xuất số lượng sang tăng chất lượng nông sản. Danh mục dự án ưu tiên đầu tư, đặc biệt là các dự án kết cấu hạ tầng để kết nối với các tỉnh trong vùng như dự án giao thông vận tải.

Sau khi đã thảo luận, cho ý kiến, các thành viên Hội đồng thẩm định đã xem xét, biểu quyết vào Phiếu đánh giá với kết quả 100% đồng ý thông qua với điều kiện có chỉnh sửa, bổ sung.

Phát biểu kết luận Hội nghị, Thứ trưởng Trần Quốc Phương đánh giá cao ý kiến của các thành viên Hội đồng thẩm định, các chuyên gia và đề nghị tỉnh Bến Tre tiếp thu, hoàn thiện để trình cấp có thẩm quyền theo quy định của pháp luật.

Thứ trưởng lưu ý, UBND tỉnh Bến Tre chỉ đạo Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Bến Tre xem xét, rà soát lại việc tiếp thu, chỉnh sửa Hồ sơ quy hoạch theo ý kiến tham gia thẩm định của các thành viên Hội đồng thẩm định và các chuyên gia; lập Báo cáo tiếp thu, giải trình, chịu trách nhiệm trong việc bảo lưu (nếu có) toàn bộ ý kiến tham gia bằng văn bản của các bộ, cơ quan ngang bộ, chuyên gia, ý kiến tham gia của các đại biểu tham dự tại phiên họp thẩm định, ý kiến của Cơ quan thường trực Hội đồng thẩm định, kết luận của Người chủ trì phiên họp thẩm định và Biên bản họp thẩm định Quy hoạch tỉnh Bến Tre của Hội đồng thẩm định. Tiếp thu, giải trình và hoàn thiện Báo cáo ĐMC của Quy hoạch tỉnh Bến Tre theo nội dung quy hoạch được chỉnh sửa theo Báo cáo thẩm định Quy hoạch tỉnh Bến Tre. Hoàn thiện Hồ sơ Quy hoạch tỉnh Bến Tre và hệ thống bản đồ, cơ sở dữ liệu theo Báo cáo thẩm định Quy hoạch tỉnh Bến Tre.

Về phương án phát triển không gian đô thị, đến năm 2030, tỉnh Bến Tre có 37 đô thị. Các phân khu chức năng chính được phát triển trong thời kỳ quy hoạch bao gồm: Khu vực lấn biển; khu đô thị nông nghiệp - công nghiệp sạch và du lịch tổng hợp; khu chức năng công nghiệp; hệ thống trung tâm logistic, cảng biển, cảng sông.

Bài: Phương Anh
Ảnh: Minh Trang

Tạp chí Kinh tế và Dự báo 21:36 | 13/01/2023