6 tháng đầu năm 2021, ngân sách nhà nước có thặng dư

Tổ chức Hội nghị sơ kết 6 tháng đầu năm 2021 sáng 16/7/2021, Bộ Tài chính đồng thời công bố hoạt động thu - chi ngân sách nhà nước (NSNN) 6 tháng đầu năm.

Quyết tâm không để tình trạng “dự toán thu trên giấy”
NSNN 6 tháng đầu năm có thặng dư, trong đó, cân đối ngân sách trung ương bội chi khoảng 63 nghìn tỷ đồng, ngân sách địa phương thặng dư xấp xỉ 150 nghìn tỷ đồng.

Theo đó, về thu NSNN, 6 tháng đầu năm đạt 781 nghìn tỷ đồng, bằng 58,2% dự toán, tăng 16,3% so với cùng kỳ năm 2020, tăng 4,5% so với cùng kỳ năm 2019. Cả nước có 60/63 địa phương đảm bảo tiến độ dự toán thu nội địa (đạt trên 50%), trong đó 48 địa phương đạt trên 55% dự toán; có 54/63 địa phương có tăng trưởng thu, trong đó một số địa phương có mức tăng trưởng thu trên 15% so với cùng kỳ năm 2020. Kết quả thu NSNN 6 tháng được đánh giá là tích cực. Trong đó, các khoản thu từ hoạt động sản xuất – kinh doanh đều đạt trên 52% dự toán và tăng trên 17% so với cùng kỳ.

Về chi NSNN, Bộ Tài chính cho biết, 6 tháng đầu năm ước đạt 694,4 nghìn tỷ đồng, bằng 41,2% dự toán; trong đó: chi đầu tư phát triển đạt 28,1% dự toán, chi trả nợ lãi đạt 51,6% dự toán, chi thường xuyên đạt 48,3% dự toán, đáp ứng kịp thời nhiệm vụ chi phát sinh theo tiến độ thực hiện và dự toán được giao của các đơn vị sử dụng ngân sách.

Do tiến độ chi thấp hơn tiến độ thu ngân sách, nên về tổng thể cân đối NSNN 6 tháng đầu năm có thặng dư (thu lớn hơn chi); trong đó, cân đối ngân sách trung ương bội chi khoảng 63 nghìn tỷ đồng, ngân sách địa phương thặng dư xấp xỉ 150 nghìn tỷ đồng.

Liên quan đến việc hỗ trợ doanh nghiệp và người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19, Bộ Tài chính cho biết, Bộ Tài chính đã đề xuất Chính phủ ban hành Nghị định số 52/2021/NĐ-CP ngày 19/4/2021 về gia hạn thời hạn nộp thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân và tiền thuê đất năm 2021; ban hành theo thẩm quyền nhiều văn bản miễn giảm nhiều loại phí, lệ phí trong năm 2021. Đồng thời chỉ đạo cơ quan Thuế, Hải quan triển khai kịp thời các chính sách như: (i) cho phép tính vào chi phí các khoản chi ủng hộ, tài trợ (tiền, hiện vật) cho các hoạt động phòng, chống dịch Covid-19 khi xác định thu nhập chịu thuế của doanh nghiệp theo Nghị định số 44/2021/NĐ-CP ngày 31/3/2021 của Chính phủ; (ii) giảm 30% mức thuế bảo vệ môi trường đối với nhiên liệu bay đến hết năm 2021 theo Nghị quyết số 1148/2020/UBTVQH14 ngày 21/12/2020 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Kết quả thực hiện 6 tháng đầu năm đã miễn, giảm, gia hạn các khoản thuế, tiền thuê đất, phí, lệ phí 27,5 nghìn tỷ đồng, trong đó: (i) cơ quan Thuế đã tiếp nhận, xử lý kịp thời, đúng quy định cho 52,38 nghìn người nộp thuế gửi giấy đề nghị gia hạn, với tổng số thuế, tiền thuê đất được gia hạn khoảng 23,2 nghìn tỷ đồng; (ii) thực hiện miễn giảm khoảng 4,3 nghìn tỷ đồng các khoản thuế, phí, lệ phí cho các đối tượng. Qua đó giúp doanh nghiệp, người dân giảm bớt khó khăn, tiếp tục duy trì các hoạt động sản xuất - kinh doanh.

Lấy thắng lợi của chống dịch làm nền tảng vực dậy nền kinh tế

Trong bối cảnh “chống dịch như chống giặc”, Bộ Tài chính cho biết, cả ngân sách trung ương và ngân sách địa phương đã ưu tiên bố trí kinh phí cho công tác phòng, chống dịch và hỗ trợ người dân gặp khó khăn do dịch Covid-19.

Quyết tâm không để tình trạng “dự toán thu trên giấy”
Phó Thủ tướng Lê Minh Khái chỉ đạo phải lấy thắng lợi của công tác phòng chống dịch là yếu tố quyết định, nền tảng vững chắc để khôi phục và vực dậy nền kinh tế

Trong 6 tháng đầu năm, NSNN đã chi 4,65 nghìn tỷ đồng; tính từ năm 2020 đến hết tháng 6/2021, đã chi 21,5 nghìn tỷ đồng, trong đó: (i) 8,4 nghìn tỷ đồng cho công tác phòng chống dịch Covid-19 (mua vắc-xin, vật tư, trang thiết bị y tế, hỗ trợ các đối tượng bị cách ly, phụ cấp cho lực lượng tham gia phòng chống dịch); (ii) 13,1 nghìn tỷ đồng để hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 theo các Nghị quyết 42/NQ-CP ngày 09/4/2020 và 154/NQ-CP ngày 19/10/2020 của Chính phủ.

Để tập trung nguồn lực đẩy nhanh tiến độ mua và sử dụng vắc-xin tiêm phòng Covid-19, Bộ Tài chính đã trình Chính phủ: (i) bổ sung 1.237 tỷ đồng từ nguồn dự phòng ngân sách trung ương năm 2021; (ii) trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội bố trí 13,3 nghìn tỷ đồng từ nguồn tiết kiệm chi và kinh phí còn lại của ngân sách trung ương năm 2020; (iii) thành lập Quỹ vắc-xin phòng Covid-19 để huy động tài trợ, hỗ trợ của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước. Đến nay, Quỹ vắc-xin đã huy động được khoảng 8 nghìn tỷ đồng, một số địa phương chủ động bố trí nguồn ngân sách địa phương và huy động đóng góp để đảm bảo nguồn kinh phí mua vắc-xin phòng Covid-19 khoảng 2,5 nghìn tỷ đồng, tổng cộng nguồn lực khoảng 25 nghìn tỷ đồng. Ngày 30/6/2021, Thủ tướng Chính phủ đã quyết định sử dụng 7,65 nghìn tỷ đồng để mua và sử dụng vắc-xin phòng Covid-19.

Theo đánh giá của Phó Thủ tướng, dịch Covid-19 đang tiếp tục diễn biến phức tạp, tác động mạnh mẽ đến mọi mặt của đời sống xã hội, hoạt động sản xuất - kinh doanh. “Tùy từng địa phương, tùy từng thời điểm thực hiện linh hoạt, nhấn mạnh ưu tiên mục tiêu phòng chống dịch bệnh hay ưu tiên mục tiêu phát triển kinh tế hoặc cân bằng giữa 2 mục tiêu này. Song về cơ bản, phải lấy thắng lợi của công tác phòng chống dịch là yếu tố quyết định, nền tảng vững chắc để khôi phục và vực dậy nền kinh tế”, Phó Thủ tướng yêu cầu.

Không để “dự toán thu trên giấy”, phấn đấu tăng thu tối thiểu 3-5% so với dự toán

Bộ Tài chính cần dự báo và đánh giá mức độ ảnh hưởng của dịch Covid-19 đến thực hiện nhiệm vụ thu NSNN để có giải pháp chỉ đạo, điều hành thu phù hợp; phấn đấu tăng thu tối thiểu 3-5% so dự toán Quốc hội giao

Chỉ đạo ngành tài chính tại Hội nghị sơ kết 6 tháng đầu năm tổ chức sáng 16/7/2021, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái đề nghị lãnh đạo các cấp ở địa phương vào cuộc, chỉ đạo sát sao thực hiện các giải pháp về tài chính ngân sách đã được Quốc hội, Chính phủ quyết định và chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Cùng với đó, cần phối hợp chặt chẽ với cơ quan Thuế, Hải quan, tăng cường quản lý thu; chống thất thu, chống chuyển giá; quản lý chặt chẽ hoàn thuế, xử lý, thu hồi nợ đọng thuế; dự báo và đánh giá mức độ ảnh hưởng của dịch Covid-19 đến thực hiện nhiệm vụ thu NSNN trên địa bàn để có giải pháp chỉ đạo, điều hành thu phù hợp; phấn đấu tăng thu tối thiểu 3-5% so dự toán Quốc hội giao.

Phó Thủ tướng yêu cầu thực hiện một số nhiệm vụ trọng tâm, trong đó nhấn mạnh việc nghiên cứu các giải pháp tạo điều kiện tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, hoàn thiện khung khổ pháp lý cho phát triển kinh tế số, ứng dụng số hóa trong cung cấp dịch vụ công. Cơ quan Thuế, Hải quan cần tăng cường công tác quản lý thu, nắm chắc nguồn thu, phù hợp với từng lĩnh vực, địa bàn, đối tượng thu. Cùng với đó, tiếp tục theo dõi sát diễn biến giá cả thị trường nhất là các mặt hàng quan trọng thiết yếu, đề xuất các giải pháp cân đối cung – cầu, bình ổn giá cả thị trường. Tăng cường quản lý, giám sát chứng khoán, có giải pháp dự báo và kiểm soát tốt dòng tiền nóng, đảm bảo phát triển ổn định thị trường, khắc phục tình trạng nghẽn lệnh do lỗi kỹ thuật. “Kiên quyết chống thao túng giá trong hoạt động chứng khoán và xử lý nghiệm các hành vi vi phạm”- Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

Phó thủ tướng yêu cầu ngành tài chính chú trọng công tác xây dựng dự toán NSNN năm 2022 và tăng cường phối hợp với các Bộ, cơ quan, nhất là Ngân hàng Nhà nước, Bộ Kế hoạch Đầu tư nâng cao hiệu quả chính sách tài khoá – tiền tệ, thực hiện phân bổ hoặc báo cáo cấp có thẩm quyền điều chỉnh kế hoạch vốn đầu tư công của các dự án chậm tiến độ, kém hiệu quả cho các dự án có nhu cầu vốn để đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công theo mục tiêu đề ra.