Nhiều ông lớn nhà nước chuyển mình sau bán vốn

UBQLVNN cho biết, hoạt động mua bán cổ phần của các doanh nghiệp nhà nước (DNNN) trong thời gian qua đã đạt được kết quả đáng ghi nhận, trong đó có sự tham gia khá tích cực của nhiều nhà đầu tư nước ngoài mua cổ phần tại các doanh nghiệp do Ủy ban làm đại diện chủ sở hữu. Số liệu thống kê của cơ quan này về tình hình triển khai bán vốn cho NĐTNN cho thấy, trong số 7 tập đoàn, tổng công ty do Ủy ban thực hiện quyền đại diện chủ sở hữu đã chính thức hoạt động theo mô hình công ty cổ phần, 2 doanh nghiệp là Tổng công ty Hàng không Việt Nam (VNA) và Tập đoàn Xăng dầu Việt nam (Petrolimex) có sự tham gia của cổ đông chiến lược nước ngoài; 2 doanh nghiệp là Tổng công ty Lâm nghiệp Việt nam (Vinafor) và Tổng công ty Lương thực miền Nam (Vinafood2) có sự tham gia của cổ đông chiến lược trong nước (CTCP Tập đoàn T&T); 3 doanh nghiệp là Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (VIMC), Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) và Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam (VRG) không có sự tham gia của cổ đông chiến lược.

Rộng cửa cho nhà đầu tư chiến lược nước ngoài tham gia tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước
Hiệu quả hoạt động của nhiều doanh nghiệp sau khi có sự tham gia của NĐTNN đã tăng lên rõ rệt

Bên cạnh việc bán vốn cho NĐTNN của các doanh nghiệp do Ủy ban làm đại diện chủ sở hữu, các doanh nghiệp do Ủy ban làm đại diện chủ sở hữu cũng đã bán vốn của các doanh nghiệp là công ty con, doanh nghiệp có vốn góp cho NĐTNN, trong đó có nhiều trường hợp khá thành công mang lại lợi ích cho tất cả các bên sau khi NĐTNN mua cổ phần. Các trường hợp điển hình như SCIC thoái vốn tại Vinamilk, CTCP Nhựa Bình Minh; Vinachem thoái vốn tại Công ty TNHH 2TV Phân bón Việt Nhật, CTCP Pin Hà Nội; Petrolimex cổ phần hóa và thoái vốn cho NĐTCLNN là Tập đoàn JXTG Nippon Oil & Energy của Nhật Bản (nay là ENEOS Corporation); PVN cổ phần hóa và thoái vốn cho NĐTNN tại Tổng công ty Dầu Việt Nam, Tổng công ty Điện lực Dầu khí Việt Nam, Công ty TNHH MTV Lọc - Hóa dầu Bình Sơn, Công ty TNHH Hóa dầu Long Sơn; Vietnam Airlines (VNA) cổ phần hóa và thoái vốn cho NĐTCLNN là ANA Holdings Inc. (Nhật Bản); Vinacafe thoái vốn tại CTCP Vinacafe Biên Hòa…

Đánh giá của UBQLVNN cho thấy hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp sau khi có sự tham gia của NĐTNN đã tăng lên rõ rệt. Đáng chú, trong đó có nhiều tập đoàn tổng công ty lớn của nhà nước thuộc ủy ban đã có sự chuyển mình tích cực với sự tham gia của NĐTNN trong chiến lược tái cơ cấu. Chẳng hạn như Petrolimex sau khi có thêm cổ đông chiến lược nước ngoài đã trở thành doanh nghiệp đại chúng quy mô lớn thuộc top VN30; cơ cấu cổ đông hiện tại có hơn 100 quỹ, tổ chức nước ngoài; vốn hóa thuộc nhóm các công ty lớn nhất sàn chứng khoán Việt Nam.

Hay như ông lớn hàng không VNA, với việc lựa chọn được nhà đầu tư chiến lược nước ngoài là ANA tham gia mua phần vốn đã giúp VNA nâng cao vị thế, uy tín, hình ảnh, giá trị thương hiệu của VNA, cũng như mở rộng các cơ hội tốt hơn khi tiếp cận nguồn vốn từ thị trường vốn, thị trường chứng khoán. Việc ANA trở thành cổ đông chiến lược đã góp phần cải thiện tình hình tài chính của VNA, và quan trọng hơn, những lợi ích hai bên nhận được từ hợp tác chiến lược đóng vai trò quan trọng và lâu dài.

Bên canh đó, doanh nghiệp nhà nước cổ phần hóa có sự tham gia của nhà đầu tư chiến lược cũng đạt hiệu quả cao, như Tổng công ty cổ phần Bảo hiểm Bưu Điện (PTI) có thể xem như là 1 trường hợp điển hình. Sau hơn 5 năm từ khi có sự tham gia của cổ đông chiến lược Dongbu (DB Insurance), PTI đã có sự phát triển vượt bậc về doanh thu, mức trả cổ tức, năng lực tài chính, xếp hạng doanh nghiệp, quản trị hiện đại, trở thành 1 trong những DNNN cổ phần hóa thành công với sự tham gia của nhà đầu tư chiến lược nước ngoài.

Vẫn còn hạn chế bất cập

Bên cạnh những thương vụ thành công cho cả doanh nghiệp và các cổ đông sau khi có sự tham gia của NĐTNN, vẫn còn nhiều ông lớn nhà nước dù có tiềm lực lớn, tiềm năng cao, được nhà đầu tư nước ngoài săn đón và thậm chí thương vụ thương thảo tưởng như đã có thể đi đến hồi kết, nhưng sau đó lại thất bại. Có thể thấy một sổ trường hợp NĐTNN mua cổ phần không thành công như thương vụ mua cổ phần của Tổng công ty đường sắt Việt Nam (VNR). Ở thương vụ này, việc triển khai cổ phần hóa Công ty TNHH MTV Xe lửa Gia Lâm và Công ty TNHH MTV Xe lửa Dĩ An đã không đạt được thỏa thuận với Tập đoàn Jin Xin (Trung Quốc) do vướng mắc về ngành nghề, tỷ lệ sở hữu và vấn đề nhà đất.

Hay thậm chí "ông lớn" điện lực EVN cũng phải nếm mùi thất bại trong thương vụ thoái vốn tại EVNGENCO3. Mặc dù trong giai đoạn tìm kiếm NĐTCLNN tại công ty này năm 2018, EVNGENCO3 đã tìm được 4 NĐTNN đáp ứng tiêu chí. Tuy nhiên do còn nhiều khó khăn, vướng mắc như chưa có hướng dẫn về Quy chế đấu giá NĐTCL, thời gian diễn ra gấp nên NĐTCL không có đủ thời gian để nghiên cứu và đánh giá toàn diện về doanh nghiệp, do đó các NĐTCL chưa đưa ra quyết định đầu tư, nên việc tìm kiếm NĐTCL đã không thành công.

Thực tế này cho thấy vẫn còn nhiều vấn đề vướng mắc tồn tại cản trở việc thu hút, khuyến các NĐTCLNN tham gia mua phần vốn nhà nước tại các doanh nghiệp thuộc Ủy ban cũng như khu vực DNNN nói chung. Ngoài lý do khách quan từ phía bên mua khi các trường hợp thoái vốn chưa thực sự nhận được nhiều sự quan tâm của các nhà đầu tư, thì vẫn có nhiều trường hợp có nhà đầu tư nước ngoài quan tâm nhưng quá trình mua, bán vốn lại không thành công do hạn chế khúc mắc từ viêc thiếu các quy định cũng như tính đồng bộ thống nhất và bất cập trong các quy định, chính sách hiện hành, mà trường hợp của EVNGENCO3 là một ví dụ điển hình.

Hiện nay, pháp luật về lựa chọn nhà đầu tư chiến lược, bao gồm cả nhà đầu tư trong nước và nhà đầu tư nước ngoài, tham gia mua cổ phần của doanh nghiệp cổ phần hóa được quy định tại Nghị định số 126/2017/NĐ-CP ngày 16/11/2017 của Chính phủ; chưa có quy định tách bạch đối với trường hợp lựa chọn NĐTCLNN tham gia mua cổ phần của doanh nghiệp cổ phần hóa, thoái vốn. Trong khi đó, pháp luật về lựa chọn nhà đầu tư chiến lược mới chỉ tập trung vào việc quy định nghĩa vụ, trách nhiệm mà nhà đầu tư phải thực hiện, chưa quy định về những quyền lợi, lợi ích và cơ chế hoạt động cho nhà đầu tư.

Ngoài ra, còn phải kể tới một thực tế là một số doanh nghiệp có sự tham gia của các nhà đầu tư nước ngoài nhưng với tỷ lệ sở hữu thấp, với vai trò là nhà đầu tư tài chính (không phải là nhà đầu tư chiến lược), không đủ điều kiện chi phối, không tham gia hoặc ít có ảnh hưởng trong công tác điều hành, hạn chế trong việc cải thiện, chuyển giao công nghệ tiên tiến, không mang lại hiệu quả như kỳ vọng.

Đi tìm nguyên nhân

Có nhiều nguyên nhân tồn tại dẫn đến các vướng mắc này, khiến các thương mại mua vốn khi DNNN thoái vốn hoặc cổ phần hóa không thành công như mong đợi. Trước hết theo UBQLVNN, đó là do các quy định pháp luật về cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước vẫn còn bất cập. Cụ thể, về trình tự lựa chọn và giá bán cổ phần cho các NĐTCL khi cổ phần hóa doanh nghiệp, theo quy định về lựa chọn NĐTCL tại Nghị định số 126/2017/NĐ-CP và Nghị định số 140/2020/NĐ-CP, việc lựa chọn tổ chức đăng ký mua cổ phần của các nhà đầu tư chiến lược đủ điều kiện tham gia mua cổ phần được thực hiện trước thời điểm công bố thông tin bán cổ phần lần đầu ra công chúng, trong khi giá bán cho các nhà đầu tư chiến lược phụ thuộc vào giá đấu thành công bình quân theo kết quả của cuộc đấu giá công khai ra công chúng.Việc này gây ra khó khăn cho nhà đầu tư chiến lược trong việc đưa ra quyết định trong việc mua cổ phần do chưa xác định được mức giá mà nhà đầu tư sẽ phải trả.

Bên canh đó, thời gian lựa chọn nhà đầu tư chiến lược trong vòng 20 ngày theo quy định hiện nay là không đủ để nhà đầu tư thực hiện các công việc cần thiết như nắm thông tin, tổng hợp thông tin, số liệu, rà soát, phân tích, đánh giá, đưa ra quyết định và nộp Hồ sơ đăng ký. Đồng thời cũng không đảm bảo thời gian cho doanh nghiệp cổ phần hóa đánh giá hồ sơ, tổng hợp danh sách NĐT đủ điều kiện, báo cáo cơ quan chủ sở hữu xem xét, phê duyệt. Ngoài ra, việc lựa chọn nhà đầu tư chiến lược được thực hiện trước khi tổ chức bán đấu giá cổ phần công khai ra công chúng (IPO) sẽ khiến quá trình IPO bị chậm lại để đợi kết quả của việc lựa chọn và tổ chức đăng ký mua cổ phần của nhà đầu tư chiến lược.

Một nguyên nhân khác cũng gây ảnh hưởng tới kết quả của các thương vụ mua bán vốn DNNN đó là thời gian hoàn thành bán cổ phần khi cổ phần hóa doanh nghiệp theo quy định hiện hành chưa phù hợp. Theo các doanh nghiệp, việc quy định thời hạn hoàn thành bán cổ phần trong vòng 4 tháng không đảm bảo thời gian để triển khai các công việc theo thực tế. Giao dịch chào bán cổ phần cho nhà đầu tư chiến lược là một trong những giao dịch có quy mô chào bán lớn, gắn với các điều kiện ràng buộc về trách nhiệm khác. Với các giao dịch lớn như vậy, nhà đầu tư cần nhiều thời gian nghiên cứu đánh giá đầu tư trước khi quyết định tham gia đầu tư. Thực tế trong quá trình triển khai đã có nhiều nhà đầu tư mặc dù rất quan tâm nhưng đã rút lui khỏi quá trình chào bán vì lý do thiếu thời gian tiến hành soát xét doanh nghiệp, không đủ thời gian để thực hiện các thủ tục nội bộ để xem xét, trình phê duyệt, ra quyết định đầu tư.

Liên quan đến phương thưc dựng sổ khi bán cổ phần lần đầu, Nghị định số 126/2017/NĐ-CP đã cho phép áp dụng phương thức dựng sổ khi bán cổ phần lần đầu. Thông tư số 21/2019/TT-BTC đã quy định chi tiết về phương thức này. Đây là phương thức đã được áp dụng rộng rãi tại nhiều quốc gia, giúp cho mức giá phát hành công khai lần đầu trở nên khách quan và chính xác hơn. Tuy nhiên, quy định hiện tại về phương thức dựng sổ ở Việt Nam còn nhiều điểm bất cập như thiếu quy định chi tiết về mức giá khởi điểm, giá mở sổ, biên độ giá và giá phân phối; thời gian mở sổ lệnh ngắn; quy định về huỷ kết quả dựng sổ chưa cụ thể.

Đối với phương thức thoái vốn nhà nước đầu tư tại công ty cổ phần, hiện nay pháp luật quy định phương thức thoái vốn theo trình tự ba bước gồm Đấu giá công khai; Đấu giá không thành công thì chào bán cạnh tranh; Chào bán cạnh tranh không thành công thì thực hiện theo phương thức thỏa thuận. Tuy nhiên, UBQLVNN cho rằng với phương thức thoái vốn này, NĐTNN có thể phải bỏ một khoản tiền lớn nhưng chưa chắc có cơ hội tiếp cận, tìm hiểu doanh nghiệp một cách kỹ lưỡng, mà trông đợi toàn bộ vào thông tin được công bố công khai; với các thông tin được công bố công khai, nhiều nội dung sẽ không bảo đảm đủ tính thuyết phục với nhiều nhà đầu tư, tạo tâm lý e dè trong quá trình quyết định tham gia mua phần vốn của các nhà đầu tư.

Ngoài ra, đó là còn chưa kể đến các bất cập tồn tại trong các quy định về ngành nghề, tỷ lệ sở hữu của NĐTNN, việc áp dụng chuẩn mực kế toán, cơ chế ưu đãi theo luật hiện hành, những vướng mắc kỹ thuật khi thực hiện cổ phần hóa, thoái vốn về đặt cọc, đồng tiền thanh toán, mã giao dịch, định mức chi phí thuê tư vấn, truyền thông, trao đổi thông tin… là những rào cản khiến các nhà đầu tư khó có thể mặn mà để theo đuổi được đến cùng.

Để khắc phục những bất cập khiếm khuyết này, tạo nền tảng xây dựng cơ chế chính sách thuận lợi cho việc tham gia của các NĐTNN vào quá trình tái cơ cấu DNNN, UBQLV đã xây dựng và hoàn thiện Đề án “Khuyến khích khu vực đầu tư nước ngoài mua phần vốn tại doanh nghiệp nhà nước do Ủy ban là đại diện chủ sở hữu để góp phần cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước theo hướng nâng cao hiệu quả trên nền tảng công nghệ hiện đại, năng lực đổi mới sáng tạo, quản trị theo chuẩn mực quốc tế, hình thành đội ngũ quản lý chuyên nghiệp, có trình độ cao". Đề án hướng tới mục tiêu tập trung xác định và đưa ra các giải pháp để khuyến khích, thu hút NĐTNN tham gia mua cổ phần tại các doanh nghiệp do Ủy ban làm đại diện chủ sở hữu. Các giải pháp này tập trung vào việc hoàn thiện cơ sở pháp lý và các cơ chế ưu đãi cho NĐTNN tham gia mua cổ phần của doanh nghiệp nhà nước; trên cơ sở đó, triển khai việc bán phần vốn nhà nước tại một số doanh nghiệp cho NĐTNN, từ đó đẩy nhanh quá trình tái cơ cấu DNNN do Ủy ban đại diện chủ sở hữu, đồng thời nâng cao hiệu quả hoạt động tái cơ cấu này. Dự thảo Đề án đang được đưa ra lấy ý kiến đóng góp của các cơ quan hữu quan để có thể trình Thủ tướng xem xét phê duyệt trong thời gian tới./.