Xảy ra nhiều hiện tượng vi phạm quy định về xuất khẩu lao động

Theo Cục Quản lý lao động ngoài nước, số người đi làm việc ở nước ngoài tăng đều hàng năm. Năm 2016, cả nước có hơn 126.000 lao động đi làm việc ở nước ngoài (tăng 26% so với kế hoạch). Riêng 10 tháng đầu năm 2017, trung bình mỗi tháng có hơn 10.000 người ra nước ngoài làm việc, vượt xa mục tiêu đề ra. Nhờ chú tâm làm việc, học hỏi nâng cao kỹ năng nghề nên đa số lao động làm việc ở nước ngoài có thu nhập ổn định và gửi tiền về phụ giúp gia đình.

Tình trạng vi phạm pháp luật trong XKLĐ đang diễn biến phức tạp

Tuy nhiên, bên cạnh các kết quả tích cực, thì tình trạng vi phạm pháp luật trong lĩnh vực xuất khẩu lao động cũng đang diễn biến phức tạp.

Gần đây nhất, Cục Quản lý lao động ngoài nước cũng đã bêu tên 46 doanh nghiệp xuất khẩu lao động bị thu hồi giấy phép hoạt động.

Hầu hết, những doanh nghiệp bị thu hồi giấy phép là do vi phạm quy định về xuất khẩu lao động, như: không trực tiếp tuyển dụng lao động, cho người khác sử dụng giấy phép, lợi dụng hoạt động đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài để thu tiền trái phép; đưa lao động ra nước ngoài làm việc nhưng không đăng ký hợp đồng cung ứng lao động…

Bên cạnh đó, ở một số thị trường chính của Việt Nam, như: Nhật Bản và Đài Loan, trong thời gian 5 năm gần đây cũng đã phát sinh một số vấn đề gây ảnh hưởng tiêu cực đến khả năng ổn định và phát triển thị trường như: Người lao động phải chịu mức phí xuất cảnh quá cao; tỷ lệ lao động vi phạm pháp luật, bỏ hợp đồng ra ngoài làm việc bất hợp pháp tăng.

Hay như thị trường Ả rập Xê út, từ năm 2014 đã phát sinh một số vụ việc dẫn đến phải đưa người lao động về nước như người lao động khiếu nại về thời gian làm việc, thời gian nghỉ ngơi, điều kiện ăn uống, chủ sử dụng ngược đãi; sức khoẻ không đảm bảo, không được đào tạo, giáo dục định hướng đầy đủ nên người lao động không giao tiếp được với chủ sử dụng, khó hòa nhập môi trường sống mới với văn hoá khác biệt.

Những vi phạm này đã gây ra những hậu quả nặng nè đối với hoạt động xuất khẩu lao động của nước ta, không chỉ xâm hại quyền lợi của người lao động, mà còn ảnh hưởng tới uy tín của thị trường lao động Việt Nam với đối tác nước ngoài.

Sẽ siết quản lý đối với hoạt động xuất khẩu lao động

Trước những diễn biến phức tạp trên thị trường xuất khẩu lao động hiện nay, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội cho rằng, cần thiết phải siết chặt quản lý đối với hoạt động xuất khẩu lao động.

Theo Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội các điều kiện đầu tư kinh doanh trong lĩnh vực hoạt động dịch vụ đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài (bao gồm vốn pháp định, tiền ký quỹ, người lãnh đạo điều hành, bộ máy bồi dưỡng kiến thức cần thiết và hoạt động dịch vụ đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài, cơ sở vật chất bồi dưỡng kiến thức cần thiết vẫn đang được quy định rải rác tại Luật người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng; Nghị định số 126/2007/NĐ-CP (mức vốn pháp định, tiền ký quỹ, người lãnh đạo điều hành) và Quyết định 18/2007/QĐ-LĐTBXH ngày 18/07/2007 (về cơ sở vật chất bồi dưỡng kiến thức cần thiết), Quyết định 19/2007/QĐ-LĐTBXH của Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội (về tổ chức bộ máy, cán bộ hoạt động trong bộ máy).

Cũng theo Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài và các văn bản hướng dẫn không quy định rõ về các loại giấy tờ chứng minh việc doanh nghiệp đáp ứng từng điều kiện đầu tư kinh doanh cụ thể theo quy định (ví dụ, không có quy định về tài liệu chứng minh đáp ứng điều kiện về “vốn pháp định”).

Chính vì vậy, để chấn chỉnh hoạt động xuất khẩu lao động, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội đang lấy ý kiến xây dựng dự thảo nghị định mới liên quan tới việc đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, thay thế cho các quy định không còn phù hợp.

Hiện tại, Dự thảo Nghị định được xây dựng gồm 07 Chương, 41 Điều. Cụ thể:

Chương I: những quy định chung. So với Nghị định 126/2007/NĐ-CP, ngày 01/08/2007 về quy định và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, Dự thảo nghị định hiện tại đã mở rộng phạm vi điều chỉnh về điều kiện đối với hoạt động đưa người lao động Việt Nam sang làm việc Đài Loan, thực tập sinh sang Nhật Bản và người lao động sang Ả rập Xê út làm giúp việc gia đình;

Chương II: quy định về tiền ký quỹ, khu vực, ngành nghề cấm đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài. So với Nghị định 126, dự thảo bỏ nghề vũ công, ca sĩ làm việc tại nhà hàng, khách sạn hoặc trong các trung tâm giải trí trong danh mục nghề và công việc cấm đi làm việc ở nước ngoài;

Chương III: Quy định điều kiện về hoạt động dịch vụ đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài. So với Nghị định 126, dự thảo đã bổ sung các quy định về: hồ sơ chứng minh doanh nghiệp đủ điều kiện về vốn pháp định; hồ sơ chứng minh người lãnh đạo điều hành và cán bộ chuyên trách; tổ chức bộ máy sau khi được cấp phép hoặc sau khi có thay đổ;

Đồng thời sửa đổi các quy định trước đây ở một số văn bản khác, như: (i) tổ chức bộ máy của doanh nghiệp phù hợp với thực tế triển khai (trước đây được quy định tại Quyết định số 19/2007/QĐ-LĐTBXH); (ii) cán bộ chuyên trách và điều kiện đối với cán bộ này của doanh nghiệp phù hợp với thực tế triển khai (trước đây được quy định tại Quyết định số 19/2007/QĐ-LĐTBXH); (iii) cơ sở vật chất để tổ chức bồi dưỡng kiến thức cần thiết (trước đây được quy định tại Quyết định số 18/2007/QĐ-LĐTBXH, bổ sung thêm tiêu chuẩn định mức); (iv) nội dung Đề án (trước đây được Điều 4 Nghị định 126); (v) hồ sơ đề nghị cấp, đổi giấy phép (trước đây được quy định tại Mục I Thông tư 21/2007/TT-BLĐTBXH);

Chương IV, V, VI: quy định các điều kiện, hồ sơ thủ tục đối với doanh nghiệp đưa lao động sang Nhật Bản, Đài Loan và giúp việc gia đình sang Ả rập Xê út. Đây là các nội dung không được giao trong Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài mà là các biện pháp cụ thể để thực hiện các chính sách kinh tế - xã hội và các vấn đề thuộc thẩm quyền quản lý, điều hành của Chính phủ theo quy định tại Khoản 2 Điều 19 của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật 2015.

Chương này cũng quy định giao Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội quy định chi tiết về nội dung hợp đồng cung ứng lao động, hợp đồng đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài và chi phí người lao động phải trả theo quy định tại Khoản 1 Điều 11 của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật 2015;

Chương VII: quy định về tổ chức thực hiện. So với Nghị định 126, dự thảo điều chỉnh quy định của các Bộ để chủ trì thực hiện các nội dung có liên quan để phù hợp với Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật 2015 (không còn hình thức thông tư liên tịch nên Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội không tiếp tục chủ trì).

Đồng thời quy định thời hạn tham gia ý kiến của các cơ quan, tổ chức quy định tại điểm a, b và c khoản 2 Điều 10 của Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng khi Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội đề nghị cho ý kiến về việc cấp giấy phép hoạt động dịch vụ đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài cho doanh nghiệp./.