Bộ trưởng giải trình tại phiên họp hội trường ngày 06/11/2024 về Luật Đầu tư công (sửa đổi) |
Bảo đảm tính khả thi, chặt chẽ trong quản lý, nhưng vẫn gỡ được các vướng mắc |
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, sẽ nghiêm túc tiếp thu các ý kiến hết sức sâu sắc, trách nhiệm, sát thực tế của đại biểu để hoàn thiện các nội dung tại dự thảo Luật, bảo đảm tính khả thi, chặt chẽ trong quản lý, nhưng vẫn tháo gỡ được các khó khăn, vướng mắc, để sử dụng hiệu quả nguồn lực đầu tư công để Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ 8. Quy định pháp luật phải tạo động lực, không gian mới và khơi thông điểm nghẽn, giải phóng nguồn lực cho phát triển đất nước. |
luật phải vừa quản lý, vừa kiến tạo và mở ra cho phát triển, để tạo ra các động lực mới |
"Trước hết, chúng ta phải thống nhất với nhau về quan điểm sửa và nguyên tắc sửa", Bộ trưởng nhấn mạnh và chỉ rõ, đầu tiên, phải thay đổi tư duy xây dựng pháp luật như Tổng Bí thư đã có phát biểu. "Chúng ta phải thống nhất tư duy xây dựng luật này, trước đây chỉ tập trung vào khâu quản lý, lần này phải vừa quản lý, vừa kiến tạo cho phát triển và mở ra cho phát triển để tạo ra các động lực mới, tạo ra các không gian mới, khơi thông được các điểm nghẽn, giải phóng được các nguồn lực, đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước, đây là yêu cầu hết sức quan trọng và đây là tư duy thay đổi rất lớn", Bộ trưởng nêu quan điểm và chỉ ra rằng, trước đây chúng ta chỉ tập trung vào vấn đề quản lý, nhưng chưa nghĩ đến vấn đề làm thế nào để kiến tạo cho phát triển, lần này sẽ thể hiện một cách rõ nét hơn. "Đây là một vấn đề rất lớn", Bộ trưởng nhấn mạnh. Nguyễn tắc thứ hai cần lưu ý đó là, phải chuyển từ phương thức tiền kiểm sang hậu kiểm. Dẫn kinh nghiệm của các nước, Bộ trưởng chỉ rõ, họ làm rất nhanh chính là vì ban hành các quy chuẩn, tiêu chuẩn, cứ thế thực hiện, không cần phải xin phép trước, khi thực hiện chúng ta phải theo quy chuẩn, tiêu chuẩn đã được quy định, ai vi phạm người đấy sẽ chịu trách nhiệm và xử lý theo pháp luật, nên rất nhanh. "Không cần phải lập dự án, trình các bước rất mất thời gian, sau này chúng ta không kiểm soát được chặt chẽ không bằng chúng ta quy định, người ta làm và chúng ta hậu kiểm. Đây là chuyển phương thức quản lý rất mạnh", Bộ trưởng nêu rõ. Thứ ba, đẩy mạnh phân cấp, phân quyền. Bộ trưởng kể kinh nghiệm đi Trung Quốc, một tỉnh của Trung Quốc 3 năm người ta làm được 2.000 km đường cao tốc. "Tôi có hỏi một đồng chí bộ trưởng tại sao làm được nhanh thế, tại sao Trung Quốc làm được nhiều thế, tại sao lại rẻ thế. Các đồng chí nói có 3 vấn đề: Một, các đồng chí có dám vay không; Hai là, các đồng chí có phân cấp mạnh cho địa phương không; Ba là, chúng tôi thành lập các công ty nhà nước để thực hiện các dự án đầu tư công. Đường sá, cầu cống xong chúng tôi chuyển nhượng lại quyền khai thác đó cho tư nhân, chúng tôi thu hồi vốn đó về và chúng tôi vẫn tranh thủ được vốn của tư nhân và vốn của Nhà nước đi làm việc khác. Chúng tôi cứ quay vòng như thế và làm rất nhanh", Bộ trưởng kể và nhấn mạnh rằng, chúng ta phải học tập họ. "Tại sao người ta làm được diện tích đường cao tốc lớn nhất thế giới, đường sắt cao tốc lớn nhất thế giới, người ta có 49.000 km đường sắt cao tốc, có 200.000 km đường sắt tốc độ cao. Chúng ta chưa có km nào, nếu chúng ta làm theo quy định như thế sẽ rất chậm và không đáp ứng được yêu cầu, phải phân cấp mạnh hơn", Bộ trưởng nêu vấn đề. Người đứng đầu Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng chỉ rõ, tinh thần chung của Trung ương Đảng, của Quốc hội và Chính phủ hiện nay cũng đang là như thế. Như vậy Trung ương, Quốc hội, Chính phủ tập trung giữ vai trò kiểm soát, kiến tạo, tăng cường hoàn thiện thể chế môi trường và làm rõ các trách nhiệm, kết quả cắt giảm, đơn giản hóa các thủ tục hành chính; giảm xin - cho, "giảm quyền anh, quyền tôi", giảm đùn đẩy, né tránh. |
Bộ trưởng lưu ý, Luật Đầu tư công cũng phải sửa đổi để phù hợp với xu thế mới, yêu cầu mới |
Bộ trưởng cũng cho biết thêm, chiều 6/11, việc sửa 4 luật cũng theo tinh thần này. Nội dung sửa lần này đều là những vấn đề cốt lõi, những vấn đề vướng mắc trong thực tiễn chúng ta đã tổng hợp và thực sự quan trọng và cấp bách, đang vướng mắc thực sự đã được thu gọn lại, tập trung vào những vấn đề cốt lõi, những vấn đề lớn. Còn những vấn đề không cấp bách chúng ta để lại sửa sau. "Lần này, luật thay thế một số điều nhưng thay thế luôn luật năm 2019 để cho đồng bộ và thực hiện được ngay. Chúng ta kế thừa, phát huy những điểm tốt của luật năm 2019 đang còn tồn tại, phù hợp với Hiến pháp và các luật liên quan. Quá trình làm rất công phu, nghiêm túc và nhanh chóng. Đến nay đã tạo được sự đồng thuận cơ bản của các đại biểu, các bộ, ngành, địa phương, cộng đồng trong nước và ngoài nước", Bộ trưởng nhấn mạnh. Trên cơ sơ đó, Bộ trưởng chỉ rõ, việc sửa đổi Luật đã bám sát các quan điểm. Thứ nhất, thể hiện sâu sắc tinh thần đột phá, cải cách, phân cấp, phân quyền của Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Quốc hội, Chính phủ theo phương châm “địa phương quyết, địa phương làm, địa phương chịu trách nhiệm”, Trung ương, Quốc hội, Chính phủ giữ vai trò kiến tạo, tăng cường hoàn thiện thể chế và kiểm tra, giám sát; bảo đảm rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm, rõ kết quả; cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính, tránh tạo cơ chế “xin-cho”… Thứ hai, các chính sách sửa đổi tại Luật là các vấn đề “đã chín”, “đã rõ”, thực sự quan trọng, thực sự cấp bách và được kiểm nghiệm trên thực tế, đặt ra yêu cầu phải thể chế hóa tại Luật. Thứ ba, kế thừa, phát huy các ưu điểm, thành quả của Luật Đầu tư công năm 2019, sửa đổi có chọn lọc, tránh gây xáo trộn lớn, tạo điều kiện triển khai Luật ngay sau khi được Quốc hội ban hành. Thứ tư, phù hợp với Hiến pháp và các Luật liên quan, tạo môi trường pháp luật đồng bộ, liền mạch để thực hiện dự án đầu tư công thuận lợi. |
Toàn cảnh phiên thảo luận tại Hội trường |
Bộ trưởng nhấn mạnh rằng, cơ sở chính trị, cơ sở thực tiễn đều đặt ra yêu cầu phải khẩn trương sửa đổi Luật nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, giải phóng nguồn lực, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, đạt được các mục tiêu về phát triển kinh tế - xã hội cũng như phát triển kết cấu hạ tầng tại Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2021-2030. Tạo căn cứ pháp lý để áp dụng ngay cho quá trình xây dựng và thực hiện Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2026-2030. Bộ trưởng cho biết, việc xây dựng Luật không phải đến nay mới làm mà là kết quả của cả một quá trình đánh giá những ưu điểm, hạn chế của Luật năm 2019 trong triển khai thực tế, từ đó đề ra giải pháp tháo gỡ, phù hợp với yêu cầu quản lý trong tình hình mới. Chính phủ đã chỉ đạo rất quyết liệt, Bộ Kế hoạch và Đầu tư ngay từ khi bắt đầu đã khẩn trương phối hợp chặt chẽ với các cơ quan của Quốc hội, các bộ, cơ quan, địa phương tập trung xây dựng dự thảo Luật, đạt sự đồng thuận cao ngay từ đầu (tổ chức 20 cuộc tọa đàm, 04 hội nghị lấy ý kiến 63 địa phương và các đối tác phát triển, nhà tài trợ nước ngoài). "Nếu Luật không được thông qua tại Kỳ họp thứ 8 thì Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2026-2030 sẽ được xây dựng theo Luật năm 2019, nhưng thực hiện theo Luật mới, không đồng bộ, phát sinh nhiều trường hợp chuyển tiếp, rất phức tạp trong quá trình thi hành", Bộ trưởng nêu rõ lý do vì sao phải thông qua Luật tại kỳ họp này. Đồng thời, tại Kết luận số 97/KL-TW, Trung ương đã quyết nghị giao Chính phủ trình Quốc hội thông qua Luật trong Kỳ họp thứ 8. |
Tiêu chí dự án quan trọng quốc gia sử dụng vốn đầu tư công từ 10.000 tỷ đồng trở lên đã lỗi thời |
Về nâng quy mô vốn đầu tư công của các nhóm dự án, Bộ trưởng nêu rõ, tiêu chí dự án quan trọng quốc gia sử dụng vốn đầu tư công từ 10.000 tỷ đồng trở lên đã được quy định từ năm 1997 (trước khi có Luật Đầu tư công), được kế thừa và quy định tại Luật Đầu tư công năm 2014 và giữ nguyên tại Luật Đầu tư công năm 2019. Như vậy, sau 27 năm triển khai, tiêu chí này chưa được điều chỉnh. "Trong khi quy mô nền kinh tế của chúng ta đã tăng gấp 10 lần so với năm 2000, tăng 2,5 lần so với năm 2013. Tổng chi ngân sách nhà nước đã tăng lên 3 lần. Trượt giá bình quân từ năm 2000 đến nay là 3%/năm", Bộ trưởng nêu vấn đề và chỉ rõ, dự kiến đời sống của luật này ít nhất phải giữ được 5-10 năm. Nếu 20.000 tỷ đồng như một số đại biểu nêu có thể phù hợp ở thời điểm hiện nay, nhưng theo Bộ trưởng, có thể sau một vài năm nữa do tình hình phát triển, yêu cầu phát triển và do trượt giá, thì số đó lại không phù hợp. "Chúng tôi cho rằng, để đảm bảo tính ổn định thì xin Quốc hội cho giữ 30.000 tỷ đồng là phù hợp", Bộ trưởng đề xuất. Trên thực tế, từ năm 2021 đến năm 2025, Quốc hội đã quyết nghị 10 dự án quan trọng quốc gia, trong đó có 9 dự án quy mô trên 10.000 tỷ đồng, trong 9 dự án đó có 5 dự án quy mô trên 30.000 tỷ đồng. Trong giai đoạn 2026-2030 tới đây, theo chỉ đạo của Bộ Chính trị. Nghị quyết Đại hội XIV đang chuẩn bị, thì sẽ có 40 dự án trên 10.000 tỷ và có 30 dự án trên 30.000 tỷ đồng. |
Việc nâng quy mô vốn đầu tư công của dự án quan trọng quốc gia lên 30.000 tỷ đồng cũng là để phân cấp mạnh mẽ hơn trong quản lý đầu tư công, bảo đảm tính ổn định trong thực hiện Luật, tránh việc phải điều chỉnh thường xuyên. Đối với các dự án nhóm A, nhóm B, nhóm C, việc tăng quy mô vốn đầu tư công lên 02 lần là phù hợp với khả năng hoàn thành dự án theo thời gian bố trí vốn thực hiện dự án (dự án nhóm A 6 năm, nhóm B 4 năm, nhóm C 3 năm). - Trong giai đoạn 2021-2025, Quốc hội đã quyết nghị chủ trương đầu tư 10 dự án quan trọng quốc gia, trong đó có 09 dự án có quy mô trên 10.000 tỷ đồng . Trong số 09 dự án này, có 05 dự án có quy mô trên 30.000 tỷ đồng. - Trong giai đoạn 2026-2030, tổng hợp sơ bộ các dự án cần triển khai theo các Nghị quyết của Bộ Chính trị, có khoảng 40 dự án có quy mô trên 10.000 tỷ đồng, trong đó có khoảng 30 dự án có quy mô trên 30.000 tỷ đồng. |
"Nếu với số 30 dự án trên 30.000 tỷ trong một nhiệm kỳ của Quốc hội, chúng tôi cho rằng đã lớn và nhiều. Nếu chúng ta giảm xuống còn 20.000 thì số này còn tăng lên nữa, Quốc hội sẽ mất rất nhiều công cho các dự án quan trọng quốc gia. Chúng tôi xin tha thiết đề nghị với Quốc hội ủng hộ giữ 30.000 và cũng phù hợp với thực tế, tăng phân cấp, phân quyền cho cấp dưới, cho Chính phủ hoặc cho địa phương và Quốc hội tập trung vào làm những vấn đề quyết sách lớn của đất nước", Bộ trưởng khẩn thiết đề nghị. |
phân cấp điều chỉnh chủ trương đầu tư công trung hạn cho Thủ tướng: Không vi phạm hiến pháp |
Vấn đề thứ hai là phân cấp điều chỉnh chủ trương đầu tư công trung hạn, nguồn ngân sách trung ương từ Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho Thủ tướng Chính phủ. Trả lời câu hỏi là có vi phạm với Hiến pháp không? Bộ trưởng khẳng định, là không vi phạm Hiến pháp. "Hiến pháp của chúng ta quy định là thẩm quyền của Quốc hội và Ủy ban Thường vụ Quốc hội là phân bổ và điều chỉnh dự toán ngân sách nhà nước hằng năm, không quy định về kế hoạch đầu tư công trung hạn. Nếu chúng ta chẻ câu chữ ra thì xin thưa là không trái và không có vi phạm với Hiến pháp", Bộ trưởng luận giải. Thứ hai, theo Bộ trưởng nếu thực hiện phân cho Thủ tướng Chính phủ thì chúng ta sẽ giảm bớt được 5 bước, hiện nay đang có 11 bước, 6 bước của Chính phủ và 5 bước ở Quốc hội, nếu chúng ta giảm được như vậy thì xuống còn có 6 bước, trong đó giảm được 3 bước ở Chính phủ và 2 bước tại Ủy ban Thường vụ Quốc hội. "Như vậy chúng ta sẽ giảm trung bình khoảng 4 tháng, chúng ta sẽ tiết kiệm được nhiều thời gian, nhưng quan trọng hơn là đảm bảo tính linh hoạt", Bộ trưởng nhấn mạnh và dẫn chứng rằng, chuyện điều chỉnh phát sinh hàng ngày, hàng tháng, không phải theo đợt, tỉnh A có thể hôm nay có phát sinh, ngày mai tỉnh B, ngày kia tỉnh C có phát sinh thế, không thể nào Chính phủ lại đi trình với Quốc hội lắt nhắt từng vấn đề, từng tỉnh. Ủy ban Thường vụ Quốc hội không thể nào làm được như thế, mặc dù có thể mấy tuần họp một lần cũng không làm được việc đó. Nếu chờ đủ một mẻ để làm thì lại lỡ hết cả việc của các địa phương khác đã trình. "Chúng tôi cho rằng Quốc hội quản lý những vấn đề lớn, còn chi tiết phát sinh, dịch chuyển, điều chỉnh giữa các bộ, ngành của đầu tư công trung hạn thì nên giao lại cho Chính phủ sẽ linh hoạt hơn mà Quốc hội vẫn đảm bảo kiểm soát được và việc đấy sẽ đảm bảo một cách chủ động, linh hoạt cho các địa phương, phù hợp với thực tế phát sinh", Bộ trưởng tha thiết đề nghị.
|
Về những ý kiến không đồng thuận với phân cấp từ Hội đồng nhân dân cho Ủy ban nhân dân các cấp để quyết định chủ trương đầu tư đối với dự án nhóm B, nhóm C. Bộ trưởng dẫn Điều 17 của Luật, trong đó đã cho phép trong trường hợp cần thiết Hội đồng nhân dân có thể giao cho Ủy ban nhân dân. Đó là trên cơ sở pháp lý, còn trên thực tế có 43 tỉnh đã phân, đã giao và vừa rồi Chính phủ rất cẩn thận là đã lấy ý kiến lại của 63 địa phương, cả 63 địa phương đều nhất trí 100%. Nhưng ở đây có câu chuyện là có thể có địa phương về họp Thường trực của tỉnh để quyết thì có lấy ý kiến cả Hội đồng nhưng có địa phương không lấy ý kiến của Hội đồng. Vì thế, Bộ trưởng cho biết, sẽ nghiêm túc tiếp thu ý kiến này và cơ quan soạn thảo cùng với cơ quan thẩm tra sẽ nghiên cứu kỹ lưỡng về vấn đề này xem có phân cho Ủy ban không hay vẫn giữ nguyên như hiện nay để lập luận một cách chặt chẽ hơn và thuyết phục hơn, cũng có thể giữ nguyên và có thể điều chỉnh theo phương án khác. "Tôi đang nghĩ có thể điều chỉnh tách ra nguồn thuộc ngân sách của tỉnh, nguồn thuộc ngân sách của huyện, những việc của huyện giao như thế nào, còn ở tỉnh thì Ủy ban như thế nào. Việc này cho phép chúng tôi nghiên cứu kỹ lưỡng một chút, vì chúng tôi thấy các đại biểu nêu rất có lý và quyết định thế nào thì cho phép chúng tôi nghiên cứu rồi sẽ báo cáo lại Chính phủ và sẽ báo cáo lại Quốc hội", Bộ trưởng báo cáo Quốc hội. |
tách giải phóng mặt bằng: câu chuyện rất nan giải |
Còn một số vấn đề đối với tách giải phóng mặt bằng, theo Bộ trưởng đây là câu chuyện rất nan giải và đây sẽ là một bước tiến. "Trước đây chúng ta chỉ quy định có 2 bước, chuẩn bị đầu tư và thực hiện dự án, bây giờ tách ra làm 3 bước là chuẩn bị đầu tư, chuẩn bị dự án và thực hiện dự án, như vậy giải phóng mặt bằng nằm ở chuẩn bị dự án. Nếu tách bạch cả 3 chỗ này ra thì chúng ta sẽ biết nguyên nhân nằm ở đâu, trách nhiệm thuộc về ai và như vậy chúng ta sẽ tách giải phóng mặt bằng ra cho làm trước, làm song song với làm thủ tục đầu tư, khi chúng ta làm xong thủ tục đầu tư là có thể thực hiện được ngay, thay vì phải xong quyết định đầu tư mới được làm giải phóng mặt bằng", Bộ trưởng lý giải và khẳng định, đây là một cuộc cải cách rất lớn. Tuy nhiên, Bộ trưởng cũng đồng ý với các đại biểu phải quy định chặt chẽ trên tinh thần linh hoạt, mở ra nhưng phải quản lý được, kiểm soát được chứ không phải tràn lan dẫn đến hậu quả này, hậu quả kia, thất thoát, lãng phí cũng không được. "Chúng tôi đã quy định phải phù hợp quy hoạch, phù hợp kế hoạch, phù hợp khả năng cân đối vốn, khi xem xét các dự án này sẽ đồng thời xem xét các dự án có tách hay không tách giải phóng mặt bằng và cần thiết chúng tôi sẽ làm rõ hơn chỗ này nhưng tinh thần phải quản lý được', Bộ trưởng cho biết thêm. |
|
Đối với cấp xã, Bộ trưởng thừa nhận, đúng như các đại biểu nói là cấp xã có xã không có người, có xã không có đủ năng lực. Vì thế, Luật đã thiết kế rằng, Ủy ban nhân dân cấp huyện sẽ quyết định có giao hay không giao cho cấp xã, nếu thấy cấp xã đó không có người, không có đủ năng lực là không giao hoặc giao rồi mà không thực hiện được lại thu về, hoặc những dự án qua 2 địa bàn địa giới của 2 xã cũng giao cho Ban quản lý cấp huyện làm. "Như vậy sẽ đảm bảo vừa phân cấp vừa linh hoạt với tình hình thực tế", Bộ trưởng nói rõ./. |
Phương Anh Ảnh: MPI |