TS. Đào Văn Thanh

ThS. Phạm Quốc Kiên

ThS. Dương Quốc Toản

Trường Đại học Kinh tế Quốc dân

Tóm tắt

Sử dụng mẫu bao gồm các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực dệt may tại Việt Nam từ năm 2000 đến năm 2016, nghiên cứu này xem xét ảnh hưởng của đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) lên năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) của các doanh nghiệp dệt may Việt Nam. Kết quả đã đưa ra những bằng chứng thực nghiệm về tác động tràn của FDI lên tăng trưởng năng suất của các doanh nghiệp ngành dệt may Việt Nam.

Từ khóa: FDI, ảnh hưởng lan tỏa, bán tham số


GIỚI THIỆU

Do những đóng góp quan trọng của FDI tới tăng trưởng kinh tế ở các nước đang phát triển như Việt Nam, nên các nhà phân tích, định hướng chính sách luôn chú trọng xác định các yếu tố tác động đến việc thu hút và thực hiện dòng vốn này. Một trong những tác động của FDI chính là tác động tràn (còn gọi là hiệu ứng lan tỏa) khi tác động trực tiếp tới tăng trưởng của nền kinh tế và tác động gián tiếp tới các doanh nghiệp trong nước, như: hiệu quả kinh doanh, thúc đẩy quá trình chuyển giao công nghệ. Nghiên cứu của Caves (1974), Blomstrom và Persson (1983)… đã chỉ ra những tác động tràn tích cực của FDI.

Ở Việt Nam cũng đã có nhiều nghiên cứu về tác động của FDI tới tăng trưởng kinh tế thông qua kênh đầu tư và cải thiện nguồn nhân lực. Tuy nhiên, số lượng nghiên cứu về tác động tràn của FDI tới ngành dệt may của Việt Nam vẫn còn rất ít. Do vậy, nghiên cứu này sẽ tập trung vào việc xem xét tác động tràn của FDI đến tăng trưởng năng suất của các doanh nghiệp dệt may Việt Nam.

MÔ HÌNH ĐÁNH GIÁ TÁC ĐỘNG CỦA LAN TỎA CỦA FDI ĐẾN TFP

Để xem xét mức độ lan tỏa của FDI đến các doanh nghiệp ngành dệt may, bài viết sử dụng mô hình ước lượng gồm các biến độc lập thể hiện đặc trưng của doanh nghiệp ngành dệt may và những biến độc lập đại diện cho các tác động lan tỏa của FDI bằng phương trình sau đây:

Trong đó:

lntfpit là loga tự nhiên của TFP được ước lượng bằng phương pháp bán tham số của Levinsohn và Petri (2003) và thuật toán GMM của Wooldridge (2009);

fornshipit là biến giả, nhận giá trị bằng 1 nếu doanh nghiệp là doanh nghiệp FDI hoặc liên doanh với doanh nghiệp FDI;

Lcjt là lao động có chất lượng của doanh nghiệp i, ngành j năm t, xấp xỉ bằng tổng số tiền lương, thưởng trên công nhân (thu nhập trên đầu người);

vngoaijt biểu thị phần vốn vay từ bên ngoài doanh nghiệp;

FSit cho biết phần chia vốn của doanh nghiệp FDI trong tổng số vốn của các doanh nghiệp thuộc ngành công nghiệp dệt may;

Horjt cho biết mức độ tham gia của nhà đầu tư nước ngoài trong ngành dệt may và được tính bằng tỷ trọng vốn nước ngoài trên tổng số vốn của tất cả các doanh nghiệp trong ngành;

Backjt biểu thị cho những lan tỏa ngược đi từ các doanh nghiệp nước ngoài sang các nhà cung cấp địa phương phía thượng nguồn. Hay nói cách khác, nó biểu thị cho mức độ tham gia của nước ngoài trong các ngành, mà ngành cung cấp đầu vào cho chúng có các doanh nghiệp được nghiên cứu, do vậy nó sẽ phản ánh mức độ hợp tác giữa các nhà cung cấp nội địa với các khách hàng là doanh nghiệp đa quốc gia;

Forwjt là biến lan tỏa xuôi đi từ công ty nước ngoài sang bên mua tại địa phương phía hạ nguồn của nó;

Sbackjt thể hiện mối liên kết ngược cung.

Theo nhóm tác giả, ở đây có một số vấn đề kinh tế lượng cần được giải quyết:

Thứ nhất, việc bỏ sót các biến không quan sát được. Có thể tồn tại những nhân tố đặc trưng cho doanh nghiệp, thời gian và vùng mà các nhà kinh tế lượng chưa biết, nhưng các doanh nghiệp lại biết. Trong khi đó, các nhân tố này có thể ảnh hưởng tới tương quan giữa năng suất của doanh nghiệp với sự hiện diện của phía nước ngoài. Ví dụ của các biến này là chất lượng quản lý cao ở một doanh nghiệp cụ thể hoặc kết cấu hạ tầng tốt hơn gắn với một vùng nào đó. Nhóm tác giả khắc phục những vấn đề này bằng phương pháp của Haskel và cộng sự (2002), sử dụng hiệu số theo thời gian và toàn bộ tập hiệu ứng cố định cho các năm, ngành và vùng. Ngoài việc loại bỏ những biến động không quan sát đặc trưng cho doanh nghiệp đã bị cố định, việc lấy hiệu số cũng sẽ giúp loại bỏ các tác động vùng và ngành bị cố định, như: kết cấu hạ tầng và cơ hội công nghệ. Các tác động cố định đối với thời gian, ngành và vùng sẽ kiểm soát được những yếu tố không quan sát được mà có ảnh hưởng tới những thay đổi về mức độ hấp dẫn của một ngành hay vùng cụ thể. Do vậy, chỉ định của nhóm tác giả là:

Thứ hai, như một số tác giả đã chỉ ra, các nhà đầu tư nước ngoài có xu hướng mua cổ phần của các các doanh nghiệp thành công nhất và lớn nhất tại các nền kinh tế chuyển đổi. Nếu tính tới vấn đề này, thì các kết quả ước lượng có thể bị chệch. Do vậy, nhóm tác giả sử dụng thủ tục hai bước do Maddala (1983) đưa ra. Thủ tục này sẽ ước lượng mô hình probit đầu tiên về việc liệu doanh nghiệp i đã từng nhận FDI có phụ thuộc vào quy mô doanh nghiệp (được đo bằng tổng số vốn) và khả năng sinh lời (đo bằng tỷ số tổng lợi nhuận trên doanh số bán) trong năm đầu tiên của mẫu hay không, sau đó nó không được dùng ở giai đoạn thứ hai. Các ước lượng từ giai đoạn một được dùng để làm biến giải thích bổ sung trong ước lượng giai đoạn hai cho việc năng suất phụ thuộc vào sự hiện diện của nước ngoài, các biến giả năm và vùng. Các kết quả sẽ cho chúng ta các kết quả định tính giống nhau.

Thứ ba, việc sử dụng bình phương tối thiểu thông thường có thể không phù hợp khi ước lượng năng suất bởi vì phương pháp này coi lao động và các biến đầu vào khác là ngoại sinh. Griliches và cộng sự (1995) cho rằng, đầu vào cần được coi là biến nội sinh, bởi các doanh nghiệp sẽ lựa chọn chúng căn cứ vào năng suất của mình, chỉ có các nhà sản xuất thấy được điều này còn các nhà kinh tế lượng không thấy được. Việc không tính đến tính nội sinh của lựa chọn sản lượng có thể làm chệch đi các hệ số ước lượng được. Trọng tâm của bài viết này là năng suất của doanh nghiệp, do vậy, tính thống nhất của kết quả ước lượng là điều tối quan trọng. Vì lẽ đó, nhóm tác giả sử dụng thủ tục ước lượng bán tham số do Levinsohn và Petrin (2003) và Wooldridge (2009) đưa ra.

Hàm sản xuất có tính tới hiệu chỉnh Levinsohn-Petrin được ước lượng cho ngành dệt may. Từ ước lượng này, nhóm tác giả sẽ có được thước đo TFP, nó là hiệu số giữa mức sản lượng thực tế và mức sản lượng dự đoán và nhóm tác giả sử dụng nó trong ước lượng mô hình cơ bản của mình. Lưu ý rằng, thủ tục Levinsohn-Petrin dựa vào giả thiết các nhân tố điều chỉnh trọn vẹn trước các cú sốc trong mỗi thời kỳ và thị trường cạnh tranh hoàn hảo.

Thứ tư, trong trường hợp hồi quy đối với các đơn vị vi mô, nhưng lại bao gồm các biến thị trường tổng hợp, sai số chuẩn từ bình phương bé nhất thông thường sẽ bị ước lượng quá thấp. Việc không tính tới yếu tố này sẽ dẫn tới ước lượng chệch xuống của sai số ước lượng được, dẫn tới các nhận định không đúng về mức ý nghĩa thống kê của biến tổng hợp mà nhóm tác giả đưa vào. Để khắc phục vấn đề này, nhóm tác giả hiệu chỉnh sai số chuẩn theo tương quan giữa các quan sát cho cùng một ngành trong một năm đã cho (nói cách khác, nhóm tác giả gộp lại sai số chuẩn của tất cả các quan sát cho cùng một ngành và một năm).

KẾT QUẢ NGHIÊN CỨU

Bảng số liệu trình bày kết quả ước lượng tác động của các kênh lan tỏa FDI từ các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đến tăng trưởng TFP. Cột 1 và 2 của Bảng thể hiện kết quả ước lượng mô hình (1) và hai cột cuối trình bày kết quả ước lượng được của mô hình sai phân (2). Mô hình (1) được cho dưới dạng loga nên có thể giải thích hệ số của các biến độc lập dưới dạng loga là độ co giãn của TFP theo nhân tố tương ứng. Phương trình (2) ở dạng sai phân nhằm khắc phục tính chệch của (1).

Kết quả kiểm định Hausman đều không chấp nhận ảnh hưởng ngẫu nhiên, có nghĩa là mô hình đánh giá tác động ngẫu nhiên ảnh hưởng cố định được ưa thích hơn trong việc nghiên cứu tác động của lan tỏa công nghệ từ các doanh nghiệp FDI đến TFP của doanh nghiệp.

Dấu của Lnfs và dấu của dlnfs là dương và có ý nghĩa thống kê cao trong cả 2 mô hình, điều này chứng tỏ rằng, FDI có tác động ròng dương trong ngành dệt may.

Bảng: Kết quả ước lượng tác động FDI đến TFP

lnTFP

Coef.

dlnTFP

Coef.

Lnfs

0,1146***

(0,0063)

Dlnfs

0,0714***

(0,0126)

Lnhor

0,0252***

(0,0066)

Dlnhor

-0,0076

(0,0104)

Lnback

0,0119***

(0,0042)

Dlnback

-0,0119**

(0,0049)

Lnsback

0,0124***

(0,0028)

Dlnsback

0,0088***

(0,0030)

Lnfor

0,0081**

(0,0037)

Dlnfor

0,0107***

(0,0036)

Lnvng

-0,0778***

(0,0044)

Dlnvng

-0,0529***

(0,0076)

Lnlc

0,4930***

(0,0052)

Dlnlc

0,4489***

(0,0066)

Lnsize

-0,5639***

(0,0093)

Dlnsize

-0,6363***

(0,0146)

_cons

1,8115***

(0,0848)

_cons

0,0314***

(0,0053)

sigma_u

0,8155

sigma_u

0,7825

sigma_e

0,7346

sigma_e

0,9694

Rho

0,5520

Rho

0,3945

R2

R2

-within

0,1735

-within

0,1655

-between

0,2171

-between

0,1699

-overall

0,2271

-overall

0,1652

F

1185,51

F

697,84

P

0,0000

P

0,0000

***, ** các ký hiệu này chỉ ra rằng, các tham số ước lượng có ý nghĩa thống kê ở mức ý nghĩa 1% và 5% tương ứng. Sai số tiêu chuẩn ở trong ngoặc đơn dưới các hệ số.

Nguồn: Nhóm tác giả ước lượng từ số liệu điều tra doanh nghiệp của Tổng cục Thống kê

Kết quả trên có thể giải thích như sau: ảnh hưởng lan tỏa năng suất từ FDI xảy ra khi có sự gia nhập hoặc xuất hiện của các doanh nghiệp đa quốc gia làm tăng năng suất của doanh nghiệp nội địa ở nước nhận đầu tư và các doanh nghiệp đa quốc gia không thụ hưởng toàn bộ giá trị lợi ích này. Ảnh hưởng lan tỏa có thể xảy ra khi doanh nghiệp nội địa nâng cao hiệu quả bằng cách bắt chước công nghệ của các doanh nghiệp nước ngoài hoạt động trên thị trường nội địa thông qua quan sát hoặc tuyển các lao động đã được phía nước ngoài đào tạo. Một dạng lan tỏa khác là sự gia nhập của các doanh nghiệp đa quốc gia sẽ làm tăng sức cạnh tranh ở thị trường của quốc gia nhận đầu tư và buộc các doanh nghiệp nội địa phải sử dụng nguồn lực hiện có hiệu quả hơn, hoặc phải tìm kiếm công nghệ mới. Ảnh hưởng lan tỏa tri thức có thể là một luận điểm để chính phủ trợ cấp cho các dòng FDI đi vào, nhưng sự gia tăng năng suất của doanh nghiệp nội địa là do sức cạnh tranh tăng lên thì không, bởi vì việc khuyến khích cạnh tranh có thể đạt được bằng các cách thức khác (tự do hóa nhập khẩu, các chính sách chống độc quyền).

LnHor trong mô hình (1) có giá trị dương, chứng tỏ ngay cả ảnh hưởng theo chiều ngang cũng dương, tức là các doanh nghiệp nội địa được hưởng lợi từ sự hiện diện của các doanh nghiệp nước ngoài trong nội bộ ngành. Khi các doanh nghiệp trong nước cạnh tranh với doanh nghiệp đa quốc gia, thì các doanh nghiệp đa quốc gia sẽ có động cơ che đậy việc rò rỉ công nghệ và không để xảy ra ảnh hưởng lan tỏa. Điều này có thể đạt được thông qua việc bảo hộ chính thức đối với tài sản tri thức, bí mật thương mại, chi trả tiền lương cao hơn hoặc đầu tư vào những quốc gia hay những ngành mà doanh nghiệp nội địa hạn chế về khả năng bắt chước công nghệ. Tuy nhiên, hệ số của dlnhor là âm, chứng tỏ tác động ngang giảm dần theo thời gian.

Lnfor có giá trị dương trong cả mô hình (1) và (2), chứng tỏ ảnh hưởng theo chiều dương. Điều này có thể giải thích là doanh nghiệp FDI và các doanh nghiệp trong nước có những phân khúc thị trường khác nhau, mặt khác công nghệ trong ngành dệt may không khó khăn lắm trong học hỏi hay bắt chước. Những điều này khiến ảnh hưởng theo chiều ngang cũng dương. Hệ số của dlnhor là âm, chứng tỏ tác động ngang giảm dần theo thời gian.

Tiếp theo, nhóm tác giả tập trung vào xem xét ảnh hưởng lan tỏa dọc ngược. Cả lnback và lnsback đều dương và có ý nghĩa thống kê cao trong mô hình (1). Tuy nhiên, trong mô hình (2), cả dlnback và dlnsback đều có ý nghĩa thống kê cao, nhưng dlnback là dương, còn dlnsback lại âm.

Về mặt lý thuyết, ảnh hưởng lan tỏa theo chiều dọc (xét cả các mối liên kết ngược) là ảnh hưởng lan tỏa năng suất diễn ra do các mối liên kết giữa doanh nghiệp nước ngoài với các nhà cung cấp nội địa. Những ảnh hưởng lan tỏa như vậy xảy ra thông qua: (i) chuyển giao tri thức một cách trực tiếp từ khách hàng nước ngoài tới các nhà cung cấp địa phương. Những yêu cầu cao hơn về chất lượng sản phẩm và cung cấp hàng đúng thời gian, mà các doanh nghiệp đa quốc gia đặt ra khiến cho các nhà cung cấp trong nước có động cơ cải thiện công nghệ và quản lý sản xuất; (ii) chuyển giao tri thức gián tiếp thông qua các dòng vận động của lao động; (iii) tăng cầu về sản phẩm trung gian do các doanh nghiệp đa quốc gia gia nhập nhiều hơn, nó khiến cho các nhà cung cấp địa phương có thể hưởng lợi từ tính kinh tế theo quy mô. Hiệu ứng cạnh tranh - các doanh nghiệp đa quốc gia thâu tóm được doanh nghiệp nội địa có thể lựa chọn tìm kiếm các sản phẩm trung gian ở nước ngoài và do vậy phá vỡ đi các mối liên kết nhà cung cấp - khách hàng hiện có, điều này làm tăng sức cạnh tranh trên thị trường sản phẩm trung gian.

Chuyển sang các nhân tố có thể điều chỉnh ảnh hưởng lan tỏa theo chiều dọc. Một là, động cơ tiến hành FDI có thể ảnh hưởng tới mức độ sử dụng nguồn lực địa phương của doanh nghiệp nước ngoài. Các doanh nghiệp nước ngoài có định hướng vào thị trường nội địa có xu hướng mua các sản phẩm trong nước nhiều hơn các doanh nghiệp theo định hướng xuất khẩu, tuy nhiên trong ngành dệt may thì chủ yếu hướng vào xuất khẩu. Các yêu cầu về chất lượng và kỹ thuật gắn với hàng hóa mục tiêu của thị trường nội địa có thể thấp hơn và do vậy, các nhà cung cấp nội địa có thể dễ dàng đáp ứng cho các doanh nghiệp đa quốc gia trên thị trường nội địa hơn. Mặt khác, các doanh nghiệp đa quốc gia hoạt động trên thị trường toàn cầu có thể áp đặt những yêu cầu về chi phí và chất lượng nghiêm ngặt hơn, trong khi các doanh nghiệp nội địa khó có thể đáp ứng các yêu cầu này. Ngoài ra, các doanh nghiệp này cũng là một phần trong hệ thống sản xuất quốc tế và nó có thể phụ thuộc vào các chính sách khai thác đầu vào toàn cầu của công ty mẹ, do vậy không có nhiều tự do để lựa chọn nhà cung cấp cho riêng mình.

Hai là, chúng ta có thể cho rằng các doanh nghiệp được hình thành thông qua M&A (thâu tóm và sáp nhập) hoặc liên doanh có nhiều khả năng sử dụng nguồn nội địa hơn các dự án dưới dạng đầu tư mới hoàn toàn. Trong khi dạng đầu tư mới hoàn toàn cần thời gian và công sức để phát triển các mối liên kết với nước bản địa, thì dạng ban đầu có thể tận dụng các mối liên kết với nhà cung cấp của các đối tác bản địa và doanh nghiệp vừa được thâu tóm. Bằng chứng thực nghiệm ủng hộ cho quan điểm này. Trong trường hợp sau, sự khác biệt cũng diễn ra trong thời gian dài hơn. Chúng ta không thể phân biệt giữa thâu tóm, liên doanh và các dự án đầu tư mới trong tập dữ liệu của chúng ta, tuy nhiên chúng ta lại có thông tin về mức độ sở hữu nước ngoài. Sở hữu 100% vốn nước ngoài là biến đại diện cho các dự án đầu tư mới, chúng ta kỳ vọng các doanh nghiệp sở hữu 100% vốn nước ngoài có thể sử dụng nhiều đầu vào nhập khẩu hơn, còn các dự án đầu tư có liên kết với doanh nghiệp bản địa sẽ trông cậy nhiều hơn vào nguồn lực trong nước. Do vậy, các mối liên kết ngược gắn với nhóm doanh nghiệp liên doanh có thể mang lại ảnh hưởng lan tỏa lớn hơn. Đó là lý do giải thích hệ số của lnback có giá trị dương.

Các biến đặc trưng doanh nghiệp là Lnlc mang dấu dương và đều có ý nghĩa thống kê cao ở tất cả các mô hình. Điều này cho thấy, chất lượng lao động rất quan trọng trong ngành dệt may. Điều này hoàn toàn phù hợp với thực tế. Doanh nghiệp có nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, thì mới có đủ trình độ tiếp cận với công nghệ mới, phương thức tổ chức sản xuất mới, từ đó mới tăng được khả năng hấp thụ công nghệ, nâng cao hiệu quả hoạt động. Biến Lnlc mang dấu âm, điều này có thể giải thích do thị trường vốn chưa phát triển, chưa đáp ứng được nhu cầu vốn của doanh nghiệp.

KẾT LUẬN

Bài viết đã tập trung nghiên cứu ảnh hưởng lan tỏa của FDI thông qua mối liên kết ngược (tức là các thỏa thuận giữa các công ty trong nước với các nhà cung cấp đầu vào trong nước) và thông qua nội bộ ngành (tức là lợi ích mà các công ty nội địa hưởng lợi từ sự xuất hiện của phía nước ngoài trong ngành đó). Nhóm tác giả đã tìm thấy bằng chứng thực nghiệm rằng, có ảnh hưởng lan tỏa dương khi có sự hiện diện của FDI đối với TFP các doanh nghiệp trong mẫu. Bên cạnh đó, có ảnh hưởng theo chiều ngang và theo chiều dọc vì kết quả ước lượng được của hệ số của các biến này là dương và có ý nghĩa thống kê./.

Tài liệu tham khảo

1. Blomstrom Magnus, Hakan Persson (1983). Foreign and Spillover Efficiency in an Underdeveloped Economy: Evidence from the Mexican Manufacturing Industry, World Development, 11(6), 493-501

2. Caves, Richard E. (1974). Multinational Firms, Competition and Productivity in Host - Country Markets, Economical, 41(162), 176–93

3. Griliches, Z. and J. Mairesse (1995). Production: the Search for Identification, NBER Working paper 5657

4. Haskel, Jonathan E, Sonia C. Pereira and Matthew J Slauter (2002). Does Inward Foreign Direct investment Boost the Productivity of Domestic Firms?, NBER Working paper 8724

5. Levinsohn, J., A. Petrin (2003). Estimating Production Functions Using Inputs to Control for Unobservable, Review of Economic Studies, 70 (2), 317–341

6. Maddala, G. S. (1983), Limited-Dependent and Qualitative Variables in Economics, New York: Cambridge University Press

7. Wooldridge, J.M. (2009) On estimating firm-level production functions using proxy variables to control for unobservables, Economics Letters, 104(3), 112–114

Summary

Using data of textile and garment enterprises in Vietnam from 2000 to 2016, this study examines the impact of foreign direct investment (FDI) on total-factor productivity (TFP). The results provide an empirical evidence on the spillover effects of FDI on TFP in these enterprises.

Keywords: FDI, spillover effects, semi-parameters