Đây là hội thảo thứ 3 trong chuỗi hội thảo chuyên đề của VCSF 2021 thu hút sự quan tâm của cộng đồng doanh nghiệp. Nếu hội thảo chuyên đề số 1 “Doanh nghiệp phát triển bền vững thực hiện mục tiêu kép” trước đó tập trung chia sẻ các thông lệ tốt và kiến nghị từ các doanh nghiệp thực hiện kinh doanh bền vững trong đảm bảo sản xuất kinh doanh, phòng chống dịch, góp phần đồng hành cùng Chính phủ thực hiện mục tiêu kép, hội thảo chuyên đề số 2 “Kinh tế tuần hoàn – Tương lai của tăng trưởng kinh tế bình đẳng và bền vững” gắn trọng tâm thảo luận vào chủ đề “vốn tự nhiên” – 1/3 trụ cột của chiến lược phát triển bền vững doanh nghiệp, thì hội thảo số 3 về quản trị doanh nghiệp nhấn mạnh vào nội dung đảm bảo “vốn tài chính” và “vốn xã hội”. Đây là 2 trụ cột quan trọng khác của chiến lược kinh doanh bền vững, cũng như thúc đẩy các giải pháp chuyển đổi số trong doanh nghiệp, tạo bàn đạp thực hiện thành công các mục tiêu của doanh nghiệp nhanh hơn.

Phát biểu khai mạc Hội thảo, ông Binu Jacob, Tổng Giám đốc Nestlé Việt Nam, Đồng Chủ tịch VBCSD-VCCI cho biết tác động của đại dịch Covid-19 là lâu dài và không thể đoán trước. “Giải pháp cơ bản là chúng ta cần hợp tác với nhau. Vì vậy, cộng đồng doanh nghiệp đánh giá cao sáng kiến ​​của VCCI thành lập “Hội đồng Hợp tác Doanh nghiệp ứng phó Covid-19”, cũng như sáng kiến xây dựng Bộ chỉ số doanh nghiệp bền vững (CSI) của VBCSD-VCCI”, Tổng giám đốc Nestle khẳng định.

Tái thiết nền tảng quản trị giúp doanh nghiệp vượt đại dịch và thích ứng bối cảnh bình thường mới
Ông Binu Jacob, Tổng Giám đốc Nestlé Việt Nam, Đồng Chủ tịch VBCSD-VCCI, phát biểu khai mạc Hội thảo

Theo ông Jacob, CSI đóng vai trò như kim chỉ nam giúp các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ, tăng cường quản trị doanh nghiệp bền vững, từ đó nâng cao khả năng chống chịu trong thời kỳ đại dịch. Về phía Nestlé Việt Nam, ông Binu Jacob nhấn mạnh 3 trụ cột tăng trưởng bền vững của công ty bao gồm "Chuyển đổi số", "Đổi mới - Định hướng người tiêu dùng" và "Phát triển bền vững". Trong đó, yếu tố quan trọng nhất dẫn đến thành công của chuyển đổi số là tư tưởng lãnh đạo và lộ trình phát triển công nghệ rõ ràng kết hợp với việc nâng cao năng lực của nhân viên để thích ứng với sự chuyển đổi của doanh nghiệp.

Xoay trục quản trị giúp doanh nghiệp vượt qua khủng hoảng đại dịch

Chia sẻ tại phiên tọa đàm 1 với chủ đề “Xoay trục chiến lược quản trị doanh nghiệp: Tiếp cận và vượt qua khủng hoảng từ góc nhìn chiến lược mới”, bà Nguyễn Hải Hưng, Giám đốc điều hành Deloitte Việt Nam cho rằng, dịch Covid-19 tạo ra khủng hoảng nhưng sẽ có tính chu kỳ. Sau một thời gian hoành hành gây bão cho nền kinh tế, dịch sẽ được khống chế và sau mỗi lần như vậy thì cả nền kinh tế cũng như cộng đồng doanh nghiệp sẽ đúc rút được những kinh nghiệm hiệu quả hơn để đối phó, vượt qua nhằm duy trì tồn tại, phục hồi và tiếp tục phát triển. Do đó, từng doanh nghiệp nên có sự chuẩn bị và sẵn sàng tâm thế, rút ra những bài học kinh nghiệm để vượt qua khó khăn dễ dàng hơn, tránh bị động như thời gian qua. “Quan trọng nhất là cần đảm bảo giữ được tính chủ động trong mọi hoàn cảnh. Nếu coi hệ thống doanh nghiệp như một cơ thể khỏe mạnh thì cơ thể đó cần phải có hệ miễn dịch, vaccine. Ở đây vaccine chính là việc thực hiện tốt quản trị nhân lực, quản trị rủi ro, tài chính… Đây chính là những lá chắn hữu hiệu để bảo vệ doanh nghiệp trước đại dịch”, bà Nguyễn Hải Hưng phân tích.

Tái thiết nền tảng quản trị giúp doanh nghiệp vượt đại dịch và thích ứng bối cảnh bình thường mới
Phiên tọa đàm “Xoay trục chiến lược quản trị doanh nghiệp: Tiếp cận và vượt qua khủng hoảng từ góc nhìn chiến lược mới” trong khuôn khổ Hội thảo

Với cách nhìn như vậy, bà Hưng cho rằng, cơn đại dịch Covid-19, theo một cách nào đó, là “cú hích” để các doanh nghiệp thay đổi tư duy nhìn nhận về khủng hoảng, từ đó có sự chuẩn bị và đầu tư, thậm chí tập trung nhiều nguồn lực hơn, cho việc thiết lập khung quản lý rủi ro và kế hoạch hoạt động liên tục, để khi khủng hoảng xảy ra, doanh nghiệp có thể khởi động ngay cơ chế phòng ngự và khắc phục sự cố, từ đó phục hồi và phát triển bền vững hơn. “Quản trị khủng hoảng và quản trị rủi ro chính là “vaccine” bảo vệ hữu hiệu cho doanh nghiệp trong giai đoạn dịch. Khi dịch được khống chế, kinh tế phục hồi, trên cơ sở những lợi thế cạnh tranh của doanh nghiệp đã tạo dựng chính là nguồn nhân lực và niềm tin của người lao động với doanh nghiệp, doanh nghiệp sẽ có nền tảng vững vàng để sớm khôi phục và quay trở lại quỹ đạo tăng trưởng”, bà Hưng nhấn mạnh.

Bảo vệ nhân lực kết hợp quản trị rủi ro để giữ vững doanh nghiệp

Đối với Công ty CP Dịch vụ Hàng không Sân bay Tân Sơn Nhất (SASCO), doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực bị tổn thất đặc biệt nghiêm trọng do đại dịch, bà Đoàn Thị Mai Hương, Tổng Giám đốc SASCO cho biết trong gần 2 năm qua, công ty đã chuyển từ trạng thái phát triển kinh doanh mạnh mẽ sang chiến lược bảo tồn nguồn vốn quý giá nhất của doanh nghiệp là nguồn nhân lực - người lao động của công ty, tận dụng thời gian hoạt động kinh doanh bị gián đoạn để đào tạo và tái đào tạo cho người lao động. “Trải qua những lần đại dịch, Công ty đã rút ra được nhiều kinh nghiệm quý giá cho chính mình, đó là ưu tiên chăm lo sức khỏe người lao động. Lúc này, các chỉ tiêu kinh doanh phải đưa xuống hàng thứ hai, bởi khi nhân lực được bảo về thì công ty cũng được bảo vệ. Trong giai đoạn dịch bùng phát, chúng tôi tận dụng thời gian để phát hiện tiềm năng, đào tạo và nâng cao chất lượng nhân lực hơn nữa. Bên cạnh đó, doanh nghiệp cũng tập trung hỗ trợ, đảm bảo thu nhập để người lao động vượt qua giai đoạn khủng hoảng mặc dù các hoạt động kinh doanh đều lần lượt bị sụt giảm. Khi giữ vững được nguồn nhân lực, duy trì được văn hóa và tinh thần của công ty, việc phục hổi và phát triển hơn nữa hoạt động kinh doanh của công ty sau dịch bệnh là việc tất nhiên, cơ hội và thuận lợi nhiều hơn khó khăn và thách thức”, bà Đoàn Thị Mai Hương chia sẻ.

Tái thiết nền tảng quản trị giúp doanh nghiệp vượt đại dịch và thích ứng bối cảnh bình thường mới
Đại diện Sasco và các doanh nghiệp chia sẻ tại tọa đàm

Đại diện Unilever Việt Nam, ông Đỗ Thái Vương, Phó Chủ tịch Phát triển bền vững và Đối ngoại chia sẻ các kinh nghiệm tốt của doanh nghiệp trong giảm thiểu, hạn chế tác động tiêu cực từ dịch bệnh nói chung và đứt gãy chuỗi cung ứng của doanh nghiệp nói riêng. Ông cũng đánh giá cao sự hợp tác giữa VBCSD-VCCI và cộng đồng doanh nghiệp trong thời gian qua để cùng nhau giải quyết các rào cản do dịch bệnh gây ra, tạo điều kiện thuận lợi cho các hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp, thúc đẩy phát triển kinh tế.

Bên cạnh phần chia sẻ của đại diện các doanh nghiệp, tọa đàm còn mang đến những thông tin hữu ích liên quan đến vai trò của bình đẳng giới gắn với sự đa dạng và bao trùm trong văn hóa doanh nghiệp đối với việc đảm bảo, phát triển nguồn vốn xã hội của doanh nghiệp duy trì và phục hồi hoạt động sản xuất kinh doanh, cũng như phát triển bền vững trong dài hạn. Đặc biệt, vai trò của Bộ chỉ số CSI trong hỗ trợ quản trị doanh nghiệp bền vững nói chung và quản trị nguồn vốn xã hội nói riêng được các doanh nghiệp đánh giá cao và coi đây như công cụ hữu hiệu giúp doanh nghiệp chủ động vượt qua được những khó khăn trong giai đoạn dịch và sớm phục hồi để trở lại tăng trưởng.

Nói cụ thể về bộ chỉ số này, ông Phạm Hoàng Hải - Trưởng nhóm Hợp tác, Ban Thư ký VBCSD-VCCI cho biết bộ chỉ số CSI sẽ là công cụ hỗ trợ chỉ dẫn cho doanh nghiệp cách thức quản trị rủi ro, tái cấu trúc doanh nghiệp; chuyển đổi từ bị động sang chủ động trong khủng hoảng. Hiệu quả của bộ chỉ số CSI đã được chứng mình trong giai đoạn dịch khi những doanh nghiệp áp dụng bộ chỉ số này đều nhận định có tác dụng tăng doanh thu, tăng thu nhập lao động và ổn định lao động, sản xuất.

Chuyển đổi số, nền tảng phát triển bền vững cho doanh nghiệp

Trong phiên tọa đàm 2 với chủ đề “Phát triển bền vững doanh nghiệp trên nền tảng số”, đại diện cho Cục Tin học hóa, Bộ Thông tin và Truyền thông, ông Nguyễn Phú Tiến – Phó Cục trưởng đã chia sẻ những thông tin hữu ích về các chiến lược cụ thể của Chính phủ để hỗ trợ phát triển nền kinh tế số bền vững, và khuyến nghị cho cộng đồng doanh nghiệp về những ưu tiên cần chuẩn bị để nắm bắt được các cơ hội tiềm năng mà các chính sách của Chính phủ đem đến khi chuyển đổi số. Theo ông Tiến, chuyển đổi số là xu thế tất yếu trên toàn cầu và Việt Nam không là ngoại lệ. Thủ tướng Chính phủ cũng xác định rõ những trụ cột để chuyển đổi số; trong đó có Chính phủ số, kinh tế số và xã hội số.

Tái thiết nền tảng quản trị giúp doanh nghiệp vượt đại dịch và thích ứng bối cảnh bình thường mới
Các doanh nghiệp và chuyên gia chia sẻ tại phiên Tọa đàm 2 về “Phát triển bền vững doanh nghiệp trên nền tảng số” tại Hội thảo

Đối với cộng đồng kinh doanh, đây không chỉ là bài toán dành riêng doanh nghiệp lớn có lợi thế về năng lực chuyển đổi số, mà là câu chuyện chung đối với các doanh nghiệp có khả năng chuyển đổi, thích ứng nhanh với công nghệ số. Cục Tin học hóa đã có những chương trình hỗ trợ, qua đó các doanh nghiệp công nghệ số sẽ cung cấp các sản phẩm miễn phí giai đoạn đầu, để doanh nghiệp nhỏ và vừa có điều kiện tiếp cận, phù hợp với nền tảng của mình. Hiện có hơn 20 nền tảng số để doanh nghiệp có thể tiếp cận, với hàng nghìn doanh nghiệp tham gia. Theo ông Tiến, vấn đề quan trọng nhất hiện nay bên cạnh nâng cao năng lực là câu chuyện nhận thức của lãnh đạo các doanh nghiệp. “Nâng cao nhận thức là quan trọng nhất trong chuyển đổi số, lãnh đạo doanh nghiệp phải xác định đó là xu thế tất yếu, từ đó lan tỏa tới người lao động. Với các chính sách và nền tảng đã có, doanh nghiệp cần sớm tiếp cận để khai thác và tối ưu hóa hiệu quả từ chuyển đổi số phục vụ cho hoạt động sản xuất kinh doanh của mình”, ông Tiến khuyến nghị.

Từ góc nhìn của doanh nghiệp, ông Lê Thành Liêm, Giám đốc Điều hành - Tài chính của Vinamilk cho biết nhiều năm trước khi đại dịch xảy ra, Vinamilk đã xác định “Công nghệ là chìa khóa của thành công” và khuyến khích, tạo mọi điều kiện sâu rộng để tận dụng công nghệ vào trong hoạt động của Công ty. Vì vậy, Vinamilk đã chuyển đổi số và đầu tư công nghệ từ rất sớm, nên dù là công ty lớn, vẫn không bị gián đoạn kinh doanh khi đại dịch xuất hiện. Đại diện tiêu biểu cho cộng đồng doanh nghiệp start-up, ông Đỗ Hoài Nam, Đồng sáng lập và Chủ tịch UPGen Việt Nam chia sẻ về vai trò của doanh nghiệp khởi nghiệp trong thúc đẩy xây dựng nền kinh tế số và phát triển bền vững khu vực kinh tế tư nhân, dự báo xu hướng phát triển của cộng đồng start-up và đưa ra những kiến nghị để hỗ trợ hiệu quả của cộng đồng start-up trong bối cảnh bình thường mới và tương lai số hóa.

Với kinh nghiệm quốc tế trong hỗ trợ chuyển đổi số và là một đối tác chiến lược uy tín chuyên cung cấp các giải pháp kỹ thuật mạng di động tiên tiến cho tất cả các nhà mạng viễn thông lớn tại Việt Nam trong hơn 28 năm qua, ông Denis Brunetti, Chủ tịch Ericsson Việt Nam, Lào, Myanmar và Campuchia đưa ra dự báo về những xu hướng công nghệ trên toàn cầu có tiềm năng tác động mạnh mẽ đến sự phục hồi và tăng trưởng kinh tế trong tương lai bình thường mới, cũng như đưa ra nhiều kiến nghị thiết thực cho Chính phủ và doanh nghiệp Việt Nam sẵn sàng chuyển đổi số và thích ứng trong tình hình mới sau đại dịch.

Diễn đàn Doanh nghiệp Phát triển bền vững Việt Nam (VCSF) là hoạt động thúc đẩy đối thoại về phát triển bền vững doanh nghiệp quan trọng nhất trong năm do VBCSD-VCCI chủ trì. Năm 2021, VCSF được tổ chức với chủ đề “Hướng tới thập kỷ phát triển bền vững tốt đẹp hơn: Không để ai bị bỏ lại phía sau”. Những nội dung trọng điểm được thảo luận tại Diễn đàn năm nay chính là những vấn đề then chốt cần được giải quyết nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế-xã hội bao trùm và bền vững trong thập niên 2021-2030, bao gồm: Doanh nghiệp phát triển bền vững thực hiện mục tiêu kép; Kinh tế tuần hoàn: Tương lai của tăng trưởng kinh tế bình đẳng và bền vững; Quản trị doanh nghiệp bền vững với CSI và Tối ưu hóa chuyển đối số doanh nghiệp./.