Thời gian qua, các CTMTQG được quản lý, điều hành qua các quy định tại Quyết định số 41/2016/QĐ-TTg ngày 10/10/2016 của Thủ tướng Chính phủ. Việc quản lý, điều hành thực hiện các CTMTQG đã đạt được một số kết quả tích cực như: kiện toàn thống nhất bộ máy quản lý, điều hành; chuyển từ lập kế hoạch thực hiện chương trình theo hàng năm sang lập kế hoạch theo trung hạn giai đoạn 5 năm; tăng cường cơ chế phân cấp trong huy động nguồn lực, tổ chức thực hiện đảm bảo sự chủ động của các địa phương trong huy động nguồn lực, tổ chức thực hiện…

Tạo khung khổ pháp lý thống nhất, hiệu quả trong quản lý Chương trình mục tiêu quốc gia
Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã chủ trì, phối hợp với các cơ quan có liên quan xây dựng dự thảo Nghị định quy định cơ chế quản lý, tổ chức thực hiện các CTMTQG.

Đến thời điểm hiện tại, đã có ý kiến tham gia của của 27 cơ quan trung ương và 61 địa phương; các ý kiến đều thống nhất với sự cần thiết ban hành Nghị định, đồng thời, có nhiều ý kiến tham gia góp ý cụ thể vào từng nội dung dự thảo Nghị định.

Bên cạnh đó, cơ chế đặc thù trong quản lý xây dựng đối với một số dự án thuộc các CTMTQG giai đoạn 2016 - 2020 (thực hiện theo Nghị định 161/2016/NĐ-CP) đã bước đầu tạo điều kiện thuận lợi thực hiện chủ trương tăng cường phân cấp, từng bước trao quyền và nâng cao năng lực cho cấp xã trong thực hiện các dự án đầu tư có quy mô nhỏ, kỹ thuật không phức tạp, gắn liền với lợi ích của người dân, cộng đồng.

Song, tổng kết thực hiện, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, quá trình quản lý, triển khai thực hiện các CTMTQG cho thấy một số quy định còn bất cập, không còn phù hợp thực tiễn.

Đơn cử, phương thức cân đối, bố trí vốn chưa được thực hiện thống nhất theo chủ trương của Trung ương, đa số địa phương chưa chủ động cân đối ngân sách cấp tỉnh đối ứng đủ theo tỷ lệ quy định. Nhiều địa phương thực hiện ấn định phân bổ chỉ tiêu xuống ngân sách huyện, xã và chỉ tiêu huy động từ người dân để xác định nguồn vốn đối ứng.

Việc ấn định chỉ tiêu bố trí vốn đối ứng ngân sách địa phương mặc dù không trái quy định, nhưng “gây khó” cho cấp cơ sở và người dân, nhất là những cấp ngân sách còn khó khăn, không có nguồn thu, nằm ở địa bàn có điều kiện khó khăn, như: Hà Giang, Tuyên Quang, Bắc Kạn, Thái Nguyên, Quảng Nam, Quảng Ngãi…

Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng chỉ rõ, việc lồng ghép nguồn lực thực hiện các CTMTQG thực chất mới chỉ thực hiện được giữa các chương trình, dự án để huy động nguồn lực thực hiện CTMTQG xây dựng nông thôn mới. Công tác lồng ghép nguồn lực có sự trùng lặp rất lớn giữa 2 CTMTQG, dẫn đến phản ánh không chính xác hiệu quả của giải pháp này.

Việc quy định ban hành thiết kế mẫu cho những công trình nhỏ để áp dụng cơ chế đặc thù trong quản lý dự án đầu tư khó thực hiện tại các khu vực miền núi, có điều kiện địa hình phức tạp, không đồng nhất giữa các địa bàn thực hiện công trình…

Việc thu thập thông tin để thực hiện chương trình giám sát, đánh giá còn có sự trùng lặp giữa các cơ quan tổng hợp và chủ chương trình dẫn đến nhiều địa phương phản ánh phải thực hiện nhiều biểu mẫu thống kê khác nhau của các bộ, cơ quan trung ương cùng về CTMTQG để báo cáo cho các đầu mối cơ quan trung ương…

Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Văn bản số 1385/VPCP-QHĐP ngày 04/3/2021 của Văn phòng Chính phủ về đề nghị xây dựng Nghị định quy định cơ chế quản lý đối với chương trình mục tiêu quốc gia (CTMTQG), trong đó Thủ tướng Chính phủ “Giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì soạn thảo, xây dựng Nghị định nêu trên theo trình tự, thủ tục rút gọn, lấy ý kiến đầy đủ các Bộ, ngành, địa phương, cơ quan liên quan và các đối tượng chịu sự tác động trực tiếp của Nghị định, hoàn thiện hồ sơ theo quy định của pháp luật về ban hành văn bản quy phạm pháp luật”.

Nhằm tạo khung khổ pháp lý thống nhất, đồng bộ, minh bạch, khả thi, dễ tiếp cận, hiệu lực và hiệu quả trong quản lý đối với CTMTQG, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã xây dựng Nghị định quy định cơ chế quản lý đối với CTMTQG theo trình tự, thủ tục rút gọn. Dự thảo Nghị định hiện đang được Bộ Kế hoạch và Đầu tư công bố lấy ý kiến rộng rãi, gồm 7 Chương, 43 Điều.

Thông tin của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, trên cơ sở cuộc họp Ban soạn thảo lần 1 (tháng 5/2021), Bộ đã hoàn thiện dự thảo Nghị định để tổ chức lấy ý kiến các bộ ngành và địa phương và các đối tượng chịu tác động theo quy định. Bên cạnh đó, Bộ đã tổ chức xin ý kiến các cơ quan tại các cấp tỉnh, huyện, xã của 63 tỉnh bằng phiếu khảo sát đối với các nội dung quy định cụ thể tại dự thảo Nghị định.

Đến thời điểm hiện tại, đã có ý kiến tham gia của của 27 cơ quan trung ương và 61 địa phương; các ý kiến đều thống nhất với sự cần thiết ban hành Nghị định, đồng thời, có nhiều ý kiến tham gia góp ý cụ thể vào từng nội dung dự thảo Nghị định.

Dự thảo Nghị định có tên gọi là “Nghị định của Chính phủ quy định cơ chế quản lý, tổ chức thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia” được bố cục thành 8 Chương, 45 Điều, phạm vi điều chỉnh gồm: Lập và giao kế hoạch thực hiện CTMTQG giai đoạn 5 năm và hằng năm; Huy động và sử dụng nguồn vốn thực hiện CTMTQG; Cơ chế đặc thù trong tổ chức thực hiện dự án đầu tư xây dựng quy mô nhỏ, kỹ thuật không phức tạp; Cơ chế tổ chức thực hiện hoạt động hỗ trợ phát triển sản xuất thuộc CTMTQG; Tổ chức quản lý các CTMTQG; Giám sát, đánh giá CTMTQG.

Về nội dung chính của dự thảo Nghị định, ngoài các quy định tại chương I về phạm vi điều chỉnh, giải thích từ ngữ, nguyên tắc quản lý và tại chương VIII về trách nhiệm của các bộ, cơ quan trung ương và địa phương, các nội dung còn lại của Nghị định gồm: Lập và giao kế hoạch thực hiện CTMTQG giai đoạn 5 năm và hằng năm, gồm 04 điều. Huy động và sử dụng nguồn vốn thực hiện các CTMTQG, gồm 04 điều quy định tại Chương này có sự kế thừa một phần nội dung quy định tại Chương III Quy chế 41. Đồng thời, cụ thể hóa các quy định của Quốc hội tại các Nghị quyết số: 120/2020/QH14; 24/2021/QH15; 25/2021/QH15 về chủ trương đầu tư từng CTMTQG giai đoạn 2021-2025 đã bổ sung quy định chi tiết hơn về: Lồng ghép các nguồn vốn trong thực hiện CTMTQG. Đảm bảo huy động tối đa nguồn vốn tín dụng thực hiện CTMTQG thông qua các chính sách tín dụng cho từng đối tượng, nội dung thuộc phạm vi đầu tư từng CTMTQG.

Cơ chế đặc thù trong tổ chức thực hiện dự án đầu tư xây dựng quy mô nhỏ, kỹ thuật không phức tạp, gồm 07 điều, có kế thừa các nội dung quy định tại Nghị định số 161/2016/NĐ-CP. Đồng thời, bổ sung các quy định mới tháo gỡ vướng mắc, khó khăn phát sinh trong thực hiện Nghị định 161/2016/NĐ-CP ở giai đoạn 2016-2020; cụ thể hóa quy định của Quốc hội tại các Nghị quyết của Quốc hội về chủ trương đầu tư các CTMTQG.

Cơ chế thực hiện hoạt động hỗ trợ phát triển sản xuất thuộc chương trình mục tiêu quốc gia, gồm 06 điều là những nội dung đề xuất nhằm cụ thể hóa yêu cầu xây dựng “cơ chế đặc thù trong tổ chức quản lý, thực hiện” của Quốc hội tại các Nghị quyết của Quốc hội phê duyệt chủ trương đầu tư từng CTMTQG.

Tổ chức quản lý các chương trình mục tiêu quốc gia, gồm 05 điều quy định cụ thể về công tác tổ chức quản lý đối với các CTMTQG theo quy định Luật Đầu tư công và kế thừa quy định tại Điều 13, Điều 15 Quy chế 41. Đồng thời, bổ sung làm rõ giải pháp nâng cao năng lực quản lý, thực hiện và truyền thông về chương trình mục tiêu quốc gia cấp cơ sở, tại cộng đồng để cụ thể hóa nguyên tắc về “phân cấp, trao quyền”, “lồng ghép” tại các nghị quyết của Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư CTMTQG và theo chủ trương của Đảng và Nhà nước.

Giám sát, đánh giá CTMTQG, gồm 05 điều, kế thừa quy định Chương V Quy chế 41, đồng thời bổ sung, cụ thể hóa quy định tại Luật Đầu tư công về giám sát, đánh giá CTMTQG./.