Các thị trường tiếp nhận chính đều sụt giảm

Theo số liệu tổng hợp của Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ LĐ-TB&XH), trong tháng 3/2021, tổng số lao động đi làm việc ở nước ngoài là 3.423 lao động (1.155 lao động nữ), chỉ bằng 29,61% so với con số 11.560 lao động xuất khẩu cùng kỳ năm ngoái. Như vậy, tính chung trong 3 tháng đầu năm 2021, tổng số lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài là 29.541 lao động, trong đó có 12.022 lao động nữ, giảm gần 8% so với cùng kỳ năm ngoái và mới chỉ đạt 32,82% kế hoạch xuất khẩu lao động trong năm 2021.

Thị trường tiếp nhận đóng băng vì dịch Covid-19, doanh nghiệp XKLD lao đao

Các thị trường lớn đều tạm dừng tiếp nhận lao động do tác động bởi dịch Covid-19 khiến nhiều doanh nghiệp trong lĩnh vực xuất khẩu lao động vô cùng khó khăn

Năm 2020, do ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid 19, số lượng lao động xuất khẩu cũng giảm sút so với trước. Ước tính trong quý 1/2020, tổng số lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài là 32.062 lao động, lớn nhất là thị trường Nhật Bản 18.178 lao động và Đài Loan 10.333 lao động. Tuy nhiên, trong cả năm 2020, số lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài chỉ đạt trên 78.000 người, thấp hơn nhiều so với kế hoạch.

Theo kế hoạch năm nay, Bộ LĐ-TBXH dự kiến đưa lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng là 90.000 lao động, thấp hơn nhiều so với 148.000 người năm 2019, nhưng dự kiến cao hơn năm 2020.

Đánh giá về tình hình thị trường tiếp nhận, Cục Quản lý lao động ngoài nước cho biết, thị trường Đài Loan (Trung Quốc) vẫn duy trì tiếp nhận lao động xuất khẩu khá đều do quy mô DN nhỏ, nhà máy không bị ảnh hưởng nhiều và có thể linh hoạt chuyển đổi sản xuất. Tuy nhiên, đối với 2 thị trường lớn và trọng điểm là Nhật Bản, Hàn Quốc do phần lớn lao động làm việc tại các DN lớn, quy mô sử dụng lao động nhiều và lao động kỹ thuật cao nên 2 thị trường này hầu như đóng băng do tác động kéo dài bởi dịch Covid-19. Với Thị trường Hàn Quốc, Cục Quản lý lao động ngoài nước cho biết hiện đang đàm phán để có thể mở lại tiếp nhận lao động xuất khẩu, trong đó có lao động Việt Nam trong thời gian tới.

Doanh nghiệp ở tình thế khó khăn

Trước tình hình ảnh hưởng dịch Covid-19 kéo dài khiến hầu hết những thị trường lớn đều tạm dừng tiếp nhận lao động Việt Nam, nhiều doanh nghiệp trong lĩnh vực xuất khẩu vô cùng khó khăn, thậm chí có doanh nghiệp đối mặt với nguy cơ phá sản nếu tình hình từ nay tới cuối năm không có tiến triển.

Theo lãnh đạo Công ty cổ phần Du lịch IIG, dịch Covid-19 lần này gây thiệt hại vô cùng lớn đối với các doanh nghiệp xuất khẩu lao động. Hoạt động đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài hiện vô cùng khó khăn và biến động từng tháng bởi phụ thuộc vào tình hình dịch của cả nước cung ứng và nước tiếp nhận. “Do phần lớn các thị trường tiếp nhận đều đóng băng nên các hoạt động đào tạo, tuyển dụng của các DN hầu như đều tạm dừng, một số được duy trì bằng cách chuyển sang hình thức online.

Không chỉ khó khăn ở thị trường tiếp nhận, ngay cả trong khâu tuyển dụng lao động xuất khẩu thị Việt Nam cũng vô cùng khó khăn do ngay bản thân người lao động có tâm lý sợ dịch nên số lượng đăng ký đi làm việc ở nước ngoài rất ít. Chưa kể, làn sóng dịch kéo dài và liên tục giữa các đợt khiến công tác tuyển lao động không thể triển khai rộng rãi”, đại Công ty cổ phần Du lịch IIG cho biết.

Tương tự, Công ty cổ phần Nhân lực quốc tế Thắng Lợi cho biết, tính đến nay 90% nhân viên của công ty đã phải nghỉ việc. Các hoạt động tại trung tâm đào tạo, tuyển dụng lao động cũng phải tạm ngừng. Tính từ giữa năm 2020 đến nay, DN lâm vào tình thế cấp bách bởi hầu như không có doanh thu trong khi chi phí duy trì doanh nghiệp hàng tháng vẫn phát sinh. Theo lãnh đạo công ty, nếu từ nay tới cuối năm tình hình không có biến chuyển thì nhiều doanh nghiệp XKLĐ sẽ đối mặt với nguy cơ phá sản rất cao, trong đó, bản thân doanh nghiệp này cũng không là ngoại lệ.

Đánh giá về tình hình hiện nay, Cục Quản lý lao động ngoài nước cho biết hiện chỉ còn Đài Loan (Trung Quốc) tiếp nhận lao động Việt Nam trong các thị trường tiếp nhận chính, tuy nhiên ở mức độ nhỏ giọt. Việc đưa lao động ra nước ngoài làm việc hiện chủ yếu phụ thuộc vào nhu cầu tuyển dụng từ đối tác và chính sách biên giới từ các nước này. Do đó, vấn đề tập trung hiện nay là phối hợp với các cơ quan nước sở tại theo dõi sát tình hình lao động, kịp thời xử lý các vấn đề phát sinh, đảm bảo quyền lợi và sự an toàn cho người lao động.

Để đảm bảo an toàn cho người lao động trong bối cảnh tình hình dịch bệnh Covid-19 đang diễn biến rất phức tạp và có xu hướng ngày càng gia tăng, Cục Quản lý lao động ngoài nước đã ban hành Công văn số 588/QLLĐNN-VP yêu cầu các doanh nghiệp hoạt động dịch vụ đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài phải thực hiện nghiêm các quy định về phòng, chống dịch bệnh.

Trong trường hợp ghi nhận thông tin người lao động xuất cảnh bị nhiễm, nghi nhiễm Covid-19, doanh nghiệp phải chủ động trao đổi với đối tác nước ngoài để đảm bảo người lao động được khám, cách ly, chữa bệnh theo quy định sở tại; báo cáo ngay với cơ quan chức năng địa phương nơi doanh nghiệp đặt trụ sở và nơi người lao động thường trú để phối hợp và có biện pháp xử lý y tế phù hợp; đồng thời báo cáo Cục Quản lý lao động ngoài nước để phối hợp, theo dõi và thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh theo quy định.

Trong khi đó, đại diện Bộ LĐ-TB&XH cho biết, bộ này cũng đã đề xuất Chính phủ tiếp tục tổ chức các chuyến bay hỗ trợ đưa lao động hết hạn về nước, đồng thời sẽ xem xét có các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp trên cơ sở đề xuất từ phía các doanh nghiệp.