Diễn biến mới về chính sách điều hành tiền tệ của Fed

Đa số các quan chức của Fed đang tranh luận về việc nên có 1 hay 2 lần nâng lãi suất cơ bản trong năm nay, căn cứ vào việc thị trường lao động chuyển biến tốt và kỳ vọng lạm phát sẽ tiến tới mục tiêu 2%.

Trong bài phát biểu hôm thứ Tư (8/7), Chủ tịch Fed tại San Francisco, John Williams, vẫn kỳ vọng Fed sẽ tăng lãi suất trong năm nay, làm giảm rủi ro quốc tế ảnh hưởng đến nền kinh tế Mỹ mà ông cho rằng vẫn đang trên một “quỹ đạo ổn định.”

Rạng sáng nay (9/7), Biên bản cuộc họp FOMC được công bố, cho biết Fed cần thêm những dấu hiệu phục hồi từ nền kinh tế, trước khi đi đến quyết định nâng lãi suất.

Trong bài phát biểu tối qua (9/7), Chủ tịch Fed tại Chicago Charles Evans đưa ra phát biểu rằng, Cục dữ trữ liên bang nên chờ đợi cho đến giữa năm 2016 để tiến hành nâng lãi suất. Ông bày tỏ quan điểm lo ngại về những bất ổn trên toàn cầu và nền kinh tế nội địa vẫn chưa thực sự hồi phục.

IMF hạ dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu

IMF hạ dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu – Ảnh : IMF

Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) hạ dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu trong năm nay và bày tỏ tin tưởng rằng những bất ổn trên thị trường tài chính từ Trung Quốc tới Hy Lạp sẽ không gây thiệt hại lan rộng ra toàn cầu.

Trong báo cáo “Triển vọng kinh tế toàn cầu” công bố hôm qua (9/7), IMF dự đoán kinh tế thế giới sẽ tăng trưởng 3,3% trong năm 2015, thấp hơn mức 3,5% dự đoán trong tháng 4 và thấp hơn tốc độ năm ngoái 3,3%. Đối với tăng trưởng năm sau, IMF giữ nguyên kỳ vọng là 3,8%.

IMF hạ dự báo tăng trưởng kinh tế Mỹ trong năm nay, từ mức dự báo 3,1% xuống còn 2,8%. Trong tuần này IMF cũng đã cảnh báo những rủi ro nếu Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tăng lãi suất quá sớm, và cho rằng Fed nên bắt đầu thắt chặt trong nửa đầu năm sau, khi tiền lương và lạm phát được dự đoán sẽ tăng lên.

IMF hạ dự báo tăng trưởng tại các nền kinh tế phát triển, từ 2,4% xuống còn 2,1%. Tăng trưởng khu vực đồng Euro không đổi ở mức 1,5%, trong khi kinh tế Nhật Bản được cho là sẽ tăng trưởng 0.8%, giảm từ mức dự đoán 1% trong tháng 4.

IMF dự báo tăng trưởng của Trung Quốc sẽ đạt 6,8% và cho biết: “Những khó khăn ngày càng gia tăng của Trung Quốc khi chuyển sang mô hình tăng trưởng mới, thể hiện qua những biến động thị trường tài chính gần đây, đang gây ra những rủi ro đối với sự phục hồi kinh tế toàn cầu”. Đồng thời, IMF cũng nhận định rằng các thị trường mới nổi sẽ tăng trưởng 4,2% trong năm nay, giảm 0,1% so với báo cáo hồi tháng 4.

Chứng khoán Trung Quốc tăng điểm mạnh sau hàng loạt giải cứu của Chính phủ

Những can thiệp của chính phủ Trung Quốc dấy lên nghi ngờ về tính bền vững của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới. Ảnh: EPA

Hôm nay (10/7), thị trường chứng khoán Trung quốc “khởi sắc”, ghi nhận đà tăng liên tiếp 2 ngày ấn tượng nhất kể từ năm 2008, sau những nỗ lực can thiệp của Chính phủ. Trong tuần này, chỉ số Shanghai Composite đã “vọt” lên 5,7%, kết thúc chuỗi giảm sâu trong 3 tuần. Chỉ số Hong Kong’s Hang Seng China Enterprises tăng 3.8%, chỉ số Hang Seng cũng đi lên 2.1%.

Chính phủ Trung Quốc đã tung ra hàng loạt biện pháp khác nhau nhằm vực dậy thị trường chứng khoán đã “bốc hơi” 3.9 nghìn tỷ USD chỉ trong chưa đầy 1 tháng.

Zhang Haidong, chiến lược gia cấp cao tại Jinkuang Investment Management, Thượng Hải cho biết: “Thời kỳ tồi tệ nhất đã qua, nhờ vào sự hỗ trợ từ Chính phủ. Thị trường có thể đã chạm mức đáy trong trung hạn, nếu xét trong bối cảnh kinh tế và chính sách tiền tệ không thay đổi”.

Tuy nhiên, giới phân tích cho rằng, những can thiệp của chính phủ Trung Quốc dấy lên nghi ngờ về tính bền vững của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.

Hy Lạp đưa ra đề xuất cải cách mới

Quốc hội của Hy lạp sẽ biểu quyết về các đề xuất cải cách của chính phủ vào ngày 10/7 - Ảnh BBC

Trước đó, vào ngày 30/06, Hy Lạp đã không thể trả nợ của Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) trị giá 1,5 tỷ Euro nên về lý thuyết đã “vỡ nợ”. Vào ngày 20/7 tới, Hy Lạp đến hạn trả nợ 3,5 tỷ Euro cho Ngân hàng trung ương Châu Âu (ECB) nhưng nếu không có gì thay đổi thì chắc chắn Hy Lạp sẽ tiếp tục “khất nợ”.

Các ngân hàng và thị trường chứng khoán của Hy Lạp phải đóng cửa để tránh đổ vỡ hệ thống tài chính quốc gia. ECB không nới trần Hỗ trợ Thanh khoản Khẩn cấp (ELA) cho nước này đang gây rủi ro mất thanh khoản hệ thống ngân hàng và cạn kiệt tiền mặt tại Hy Lạp.

Cuộc trưng cầu dân ý hôm 05/07 tại Hy Lạp về đề xuất của các chủ nợ để đổi lấy một gói cứu trợ mới đã kết thúc với chiến thắng áp đảo thuộc về phe bỏ phiếu “Không”. Điều này khiến các chủ nợ quốc tế tức giận và ra tối hậu thư cho Hy Lạp phải có kế hoạch mới để giải quyết khủng hoảng nợ vào Chủ nhật (12/07).

Ông Jeroen Dijsselbloem, chủ tịch nhóm các bộ trưởng tài chính khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurogroup), xác nhận đã nhận được đề xuất mới từ Hy Lạp vào rạng sáng nay, theo giờ Việt Nam, hai tiếng trước thời hạn cuối do EU áp đặt.

Các biện pháp được đề ra bao gồm :

- Tăng thuế đối với các công ty vận tải, bãi bỏ ưu đãi thuế đối với các đảo nhỏ.
- Áp mức thuế giá trị gia tăng (VAT) ở mức chuẩn 23%.
- Cắt giảm các ưu đãi lương hưu.
- Cắt giảm thêm 300 triệu Euro từ ngân sách quốc phòng trước năm 2016

Hôm nay, 10/7, Thủ tướng Tsipras sẽ đệ trình lên Nghị viện Hy Lạp bản kế hoạch mới và chờ đợi được phê chuẩn.

Bản kế hoạch mới này sẽ được các bộ trưởng tài chính khu vực đồng Euro thảo luận vào ngày 11/7 và sau đó, các lãnh đạo EU sẽ đưa ra quyết định cuối cùng trong hội nghị tại Brussels vào ngày 12/07.

Hôm qua Thủ tướng Đức, bà Angela Merkel cũng bác bỏ khả năng xóa một phần nợ cho Hy Lạp và "không tính đến chuyện này". Dù vậy, bà cũng không loại trừ các biện pháp giảm nợ khác, như khả năng hạ lãi suất hay gia hạn các khoản vay.

Chuyên gia Chris Scicluna tại Daiwa Capital Markets, London nhận định: “Hy Lạp đã có những nhượng bộ rõ rệt trong đề xuất gần đây nhất của mình. Vần đề còn lại là các chủ nợ có muốn tăng cường thêm mức độ của các biện pháp “thắt lưng, buộc bụng” của Hy Lạp hay không?”.

Trong khi khủng hoảng nợ Hy Lạp sẽ ảnh hưởng lớn đến nền kinh tế của quốc gia này, thì với việc nền kinh tế dựa chủ yếu vào du lịch của Hy Lạp lại chỉ chiếm 2% tổng sản phẩm quốc nội của khu vực Eurozone, nên cho đến nay vẫn chưa tạo ra nhiều hiệu ứng lây lan, Olivier Blanchard, nhà kinh tế trưởng của IMF cho biết tại một cuộc họp báo ở Washington.

Chưa rõ Nghị viện Hy Lạp sẽ phê chuẩn hay không và các chủ nợ quốc tế có chấp thuận các nhượng bộ của Hy Lạp như thế nào, nhưng diễn biến mới nhất này đã khiến thị trường chứng khoán toàn cầu tăng điểm, đồng Euro lên giá và không khí căng thẳng trên các thị trường lắng dịu.

Biến động các thị trường toàn cầu

Trong bối cảnh Fed do dự trong chính sách thắt chặt tiền tệ, khủng hoảng nợ Hy Lạp dồn dập các diễn biến trái chiều, chứng khoán Trung Quốc chao đảo và IMF hạ dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu, các đồng tiền chính trên thế giới biến động lớn, thị trường chứng khoán toàn cầu rung lắc mạnh và giá cả hàng hóa cũng bị tác động lên xuống liên tục.

Chỉ số USD (thước đo sức mạnh đồng Mỹ kim so với 6 đồng tiền chính của thế giới, bao gồm : Euro, Yên Nhật, Bảng Anh, Đô la Canada, Krona Thụy Điển và Franc Thụy Sỹ) đã tăng từ 93,20 điểm vào cuối tháng 5 lên mức 97,50 điểm trong ngày đầu tuần. Nhưng, sau các tín hiệu lạc quan từ Hy Lạp, chứng khoán Trung Quốc hồi phục và IMF hạ dự báo tăng trưởng của Mỹ, đồng USD đã mất giá trở lại so với các đồng tiền chính trong rổ tiền tệ. Sáng nay, chỉ số USD đã giảm về mức 96,15 điểm.

Đồng Euro tăng giá sau tin vui từ Hy Lạp và trấn an của IMF rằng khủng hoảng nợ Hy Lạp không ảnh hưởng nhiều đến khu vực Eurozone cũng như toàn cầu. Đồng USD giảm giá cũng giúp cho Euro tăng điểm. Sáng nay, đồng Euro đã tăng 0,6% so với Yên Nhật và 0,3% so với USD.

Mặc dù đã hồi phục trong hôm qua và sáng nay, nhưng giá vàng đang giảm xuống mức thấp nhất kể từ giữa tháng 3/2015. Lúc 13 giờ, giá vàng đang dao động quanh mức 1163 USD/ounce, giảm hơn 50 USD sau 2 tháng.

Giá dầu thô đã có sự hồi phục. Sáng nay, giá dầu WTI giao tháng 8/2015 trên sàn Nymex tăng 1,13 USD, tức 2,2%, lên 52,78 USD/thùng. Giá dầu Brent giao tháng 8/2015 trên sàn ICE Futures Europe tăng 1,56 USD, tương ứng 2,7%, lên 58,61 USD/thùng, sau khi xuống thấp nhất trong 3 tháng là 55,10 USD/thùng hôm 6/7.

Giá cà phê Arabica đã giảm sâu về mức thấp nhất 17 tháng qua hay mất 46% giá trị sau những ảnh hưởng từ nhiều phía, trong đó nổi bật là sự tăng giá mạnh của đồng USD và sự mất giá của đồng Euro và đồng nội tệ real của Brazil. Những tia hy vọng khủng hoảng nợ Hy Lạp sắp có chuyển biến tốt đã khiến USD giảm, Euro tăng nên giá cà phê này đã tăng trở lại 1,3% từ mức thấp nhất 17 tháng qua. Trong khi đó, giá cà phê Robusta (loại cà phê mà Việt Nam là nước sản xuất nhiều nhất thế giới) giảm hơn 100 USD từ đầu tháng 7/2015 nhưng cũng đang tăng trở lại trong 2 ngày nay theo sự gia tăng của đồng Euro và diễn biến khả quan của Hy Lạp.

Tại Trung Quốc, sáng nay, chỉ số Shanghai Composite đã tăng điểm mạnh mẽ trong ngày thứ 2 liên tiếp, kéo theo sự tăng điểm của hầu hết các thị trường chứng khoán trên thế giới.
Hôm qua, kết thúc phiên giao dịch, chỉ số Dow Jones đã tăng 0,19%, chỉ số Nasdaq tăng 0,25%, chỉ số S&P 500 tăng 0,21%.

Ngược chiều với các biến cố trên thế giới, các chỉ số chứng khoán của Việt Nam cũng đang tăng ấn tượng. VN Index tăng sát mức kỷ lục của 6 năm qua, đạt mức 627,76 điểm vào lúc 13 giờ 30 phút trưa nay./.