Trên cơ sở tập hợp ý kiến của doanh nghiệp, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) vừa gửi tới Vụ Chính sách thuế, Bộ Tài chính ý kiến góp ý cho dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 57/2020/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 122/2016/NĐ-CP về Biểu thuế xuất khẩu, Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi, Danh mục hàng hóa và mức thuế tuyệt đối, thuế hỗn hợp, thuế nhập khẩu ngoài hạn ngạch thuế quan và Nghị định số 125/2017/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 122/2016/NĐ-CP.

Theo đó, đối với mặt hàng đá, dự thảo dự kiến điều chỉnh thuế suất thuế xuất khẩu với mặt hàng đá thuộc nhóm 68.01 – 68.03 từ 5% lên 10% và lên mức 20% vào năm 2023. Theo phản ánh của các doanh nghiệp, điều chỉnh như vậy vào thời điểm này là chưa phù hợp với tình hình kinh doanh của doanh nghiệp. Theo số liệu VCCI nhận được, lượng tiêu thụ nội địa sản phẩm này của các doanh nghiệp trong 6 tháng đầu năm nay giảm khoảng 50% so với cùng kỳ năm trước, do các công trình xây dựng không triển khai được vì giá sắt, thép tăng quá cao. Mặt khác, doanh thu của các doanh nghiệp xuất khẩu mặt hàng này trong 6 tháng đầu năm 2021 cũng giảm khoảng 60% so với cùng kỳ năm trước. Do vậy, đề nghị cơ quan soạn thảo cân nhắc thời điểm điều chỉnh thuế suất thuế xuất khẩu mặt hàng này theo hướng có lưu ý đến tình hình sản xuất, kinh doanh khó khăn của doanh nghiệp trong bối cảnh dịch Covid-19 bùng phát...

Đối với mặt hàng vàng, dự thảo dự kiến điều chỉnh mức thuế suất thuế xuất khẩu với mặt hàng đồ trang sức và bộ phận rời của đồ trang sức bằng vàng (nhóm 72.13), đồ kỹ nghệ và các bộ phận rời (nhóm 71.14) và các sản phẩm khác bằng vàng (nhóm 71.15) có hàm lượng vàng dưới 95% từ 0% lên 2%. Theo phản ánh của doanh nghiệp, việc tăng thuế với mặt hàng này sẽ làm tăng giá thành sản phẩm xuất khẩu của doanh nghiệp. Điều này khiến sản phẩm vàng của Việt Nam không đủ sức cạnh tranh với các doanh nghiệp nước ngoài. Do vậy, đề nghị cơ quan soạn thảo cân nhắc lại phương án tăng thuế với mặt hàng này.

Thời đại dịch Covid-19, chính sách thuế đừng “làm khó” doanh nghiệp
Tăng thuế có nguy cơ khiến sản phẩm vàng của Việt Nam không đủ sức cạnh tranh với các doanh nghiệp nước ngoài

Về mặt hàng phôi thép, dự thảo dự kiến điều chỉnh thuế suất thuế xuất khẩu mặt hàng này (nhóm 72.06 và 72.07) từ 0% lên 5%. Lý do mà cơ quan soạn thảo đưa ra đề xuất này là nhằm hạn chế việc xuất khẩu phôi thép để giữ cho sản xuất trong nước, từ đó ổn định nguồn cung phôi thép cho thị trường trong nước, bình ổn giá trên thị trường.

Tuy nhiên, theo VCCI lập luận trên chưa thuyết phục do thị trường trong nước dường như không thiếu phôi thép. Điều này thể hiện qua năng lực sản xuất phôi thép của Việt Nam đang tăng trưởng tốt: công suất đạt 24 triệu tấn/năm. Năm 2020, sản lượng phôi thép đạt 17,21 triệu tấn, còn 4 tháng đầu năm 2021, sản lượng đạt 7,13 triệu tấn, tăng 35% so với cùng kỳ năm 2020. Trong khi đó nhập khẩu phôi thép có xu hướng giảm mạnh: nhập khẩu năm 2020 giảm 97,5% so với năm 2019, xuống 1,2 triệu USD; 5 tháng đầu năm 2021, giá trị nhập khẩu giảm mạnh chỉ còn 252.000 USD.

Thực tế trên cho thấy, nguồn cung phôi thép trong nước không thiếu, nên việc tăng thuế suất thuế xuất khẩu không chắc có thể giảm giá phôi thép trong nước, qua đó khó tác động giảm giá thép thành phẩm như mục tiêu đề ra. Trong khi đó, việc tăng thuế suất có thể trực tiếp ngay lập tức tác động đến giá và lợi nhuận của các đơn hàng xuất khẩu của doanh nghiệp sản xuất phôi thép. Do vậy, đề nghị cơ quan soạn thảo đánh giá lại nguyên nhân dẫn đến việc giá thép xây dựng tăng cao, đồng thời rà soát, đánh giá toàn diện tác động của việc điều chỉnh thuế với phôi thép, từ đó xây dựng phương án điều chỉnh phù hợp.../.