eMagazine
Thông qua Quy hoạch Cần Thơ 2021-2030: Kỳ vọng đánh thức các tiềm năng, lợi thế của Cần Thơ

09:13 | 14/02/2023

Quy hoạch TP. Cần Thơ sau khi được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt sẽ mở ra không gian phát triển mới, khai thác tiềm năng và thế mạnh của địa phương; phát huy có hiệu quả các nguồn lực phục vụ phát triển kinh tế-xã hội nhanh, bền vững…
Cần Thơ phải trở thành trung tâm của vùng ĐBSCL, cực tăng trưởng của đất nước

Chủ tịch Hội đồng thẩm định, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng chủ trì Hội nghị

Cần Thơ phải đóng vai trò, sứ mệnh mới cao hơn...

Phát biểu mở đầu Hội nghị, Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho rằng, công tác quy hoạch có vai trò hết sức quan trọng, nếu không chọn được cách tiếp cận đúng, không xác định được định hướng đúng, cách đi, đích đến, thời gian đến và phương thức thực hiện, thì không thể phát triển nhanh và bền vững, nhất là trong thời điểm có nhiều khó khăn thách thức.

Vì thế, việc thực hiện quy hoạch sẽ giúp rà soát, sắp xếp lại không gian phát triển, định hướng các ngành, các vùng, lĩnh vực để tạo nên xung lực mới, đảm bảo mục tiêu phát triển nhanh và bền vững.

“Cả nước đang tiến hành lập các quy hoạch theo Luật Quy hoạch. Vừa qua, chúng ta đã làm được việc rất lớn là trình Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Chính phủ và được Quốc hội thông qua với tỷ lệ rất cao đối với Quy hoạch tổng thể quốc gia. Lần đầu tiên thực hiện, lập theo phương pháp mới, với gần 7.000 trang tài liệu, 41 nghiên cứu của các viện, trường, tổ chức nghiên cứu tham gia. Đó là một kết quả công việc khá đồ sộ mà chúng ta đã vượt qua, được Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Quốc hội và đông đảo dư luận xã hội đánh giá rất cao” – Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng chia sẻ thông tin tại Hội nghị.

Trong 63 tỉnh, thành phố, Hội đồng Thẩm định quy hoạch tỉnh đã thông qua 21 quy hoạch, trong đó 3 quy hoạch đã được Thủ tướng phê duyệt. Như vậy, còn lại 42 quy hoạch địa phương cần thẩm định và 60 quy hoạch địa phương cần thông qua.

Trong bối cảnh đó, Cần Thơ đang có những điều kiện thuận lợi để triển khai Quy hoạch thành phố.

Bộ trưởng chỉ rõ, được coi là trung tâm Vùng đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), trong Quy hoạch tổng thể quốc gia và Quy hoạch vùng đều xác định Cần Thơ phải đóng vai trò, sứ mệnh mới cao hơn, trở thành trung tâm của vùng ĐBSCL, cực tăng trưởng của đất nước, bệ đỡ lan tỏa, thúc đẩy lôi kéo phát triển cho cả vùng, chứ không phải riêng của Cần Thơ.

Do đó, Bộ trưởng yêu cầu, các các chuyên gia tập trung phân tích cho rõ các nội dung: Cần Thơ đang ở đâu, sắp tới phát triển thế nào, gắn với vùng thế nào để lan tỏa, kết nối, thúc đẩy cho cả vùng, xứng đáng với vai trò của Cần Thơ, phải đặt trong phát triển của cả vùng trong thời gian tới. Làm sao Cần Thơ có bản quy hoạch chất lượng tốt nhất, đảm bảo cho địa phương có bước phát triển đột phá thời gian tới?

Hạ tầng chưa hoàn thiện là điểm yếu khiến tiềm năng của Cần Thơ chưa được phát huy tối đa

Cần Thơ hiện là đô thị loại I trực thuộc Trung ương, Thành phố có vị trí và vai trò trung tâm của vùng ĐBSCL, là giao điểm của hành lang kinh tế đô thị dọc sông Hậu và hành lang kinh tế đô thị TP. Hồ Chí Minh - Cần Thơ, nằm trong tứ giác trung tâm vùng.

"Cần Thơ được cả nước xác định là trung tâm của ĐBSCL. Mặc dù ở giữa nhưng trung tâm nó chỉ là vị trí thôi. Khái niệm trung tâm với sức hút, sức mạnh về kinh tế, có khả năng lan toả thì Thành phố chưa có", Bí thư Thành uỷ TP. Cần Thơ Lê Quang Mạnh chia sẻ về khó khăn của Thành phố tại Hội nghị.

Theo ông Mạnh, cho tới nay, tiềm năng của Cần Thơ chưa được phát huy tối đa, một phần cơ bản là do hệ thống hạ tầng chính của vùng chưa hoàn thiện và chiến lược phát triển của Cần Thơ chưa được đồng bộ.

Cần Thơ phải trở thành trung tâm của vùng ĐBSCL, cực tăng trưởng của đất nước
Bí thư Thành uỷ TP. Cần Thơ Lê Quang Mạnh phát biểu tại Hội nghị

"Các công năng cấp vùng còn chưa đủ tầm, chưa đủ lớn, nằm rải rác, chưa tạo được hiệu quả đầu tàu, động lực", ông Mạnh nói.

Do đó, quy hoạch TP. Cần Thơ giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 được kỳ vọng sẽ tạo ra bước đột phá nhằm đánh thức các tiềm năng và lợi thế của Cần Thơ.

Quy hoạch mới thể hiện một khát vọng vươn lên để trở thành đô thị sông nước đáng sống

"Cần Thơ thực hiện Quy hoạch tích hợp với một quyết tâm cao nhằm trở thành đầu tàu, kéo theo sự phát triển toàn diện cho toàn vùng đất chín rồng. Quy hoạch mới thể hiện một khát vọng vươn lên để trở thành đô thị sông nước đáng sống trong tương lai", ông Dương Tấn Hiển - Phó Chủ tịch thường trực UBND TP. Cần Thơ nhấn mạnh điều này, khi báo cáo về dự thảo Quy hoạch TP. Cần Thơ giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Căn cứ vào dự báo bối cảnh quốc tế, trong nước, tiềm năng, lợi thế, cơ hội, thách thức phát triển của đất nước, Quy hoạch đưa ra quan điểm phát triển của Thành phố. Đó là, trong tương lai Cần Thơ là đô thị loại I trực thuộc Trung ương với tầm nhìn thành phố đáng sống ở Việt Nam, tập trung phát triển hướng tới sự phát triển cân bằng, phát huy các tiềm năng, lợi thế cho việc phát triển hài hòa theo 3 trụ cột: Kinh tế - Xã hội - Môi trường với chất lượng cuộc sống con người được đảm bảo.

Về kinh tế, Cần Thơ định hướng trở thành trung tâm động lực của ĐBSCL. Thành phố Cần Thơ sẽ đảm nhiệm vai trò động lực cho sự phát triển của vùng, hợp tác và liên kết vùng, là cầu nối giữa vùng với quốc gia, quốc tế để phát triển toàn diện để trở thành trung tâm công nghiệp cao, đô thị hạt nhân của ĐBSCL với kết cấu hạ tầng hiện đại, thông minh.

Về sinh thái môi trường, Cần Thơ là đô thị sinh thái sông nước, với phát triển theo hướng đảm bảo bền vững gắn với bảo vệ môi trường; phòng, chống thiên tai và ứng phó với biến đổi khí hậu. Biến thách thức thành cơ hội, thích ứng với biến đổi khí hậu bằng cách phân bổ, khai thác và sử dụng hợp lý, hiệu quả nguồn tài nguyên thiên nhiên và bảo tồn các di tích lịch sử - văn hóa, di sản văn hóa, cảnh quan tự nhiên đặc trưng.

Song song với việc phát triển kinh tế, Cần Thơ cũng chú trọng mục tiêu nâng cao đời sống vật chất, tinh thần và an sinh xã hội của người dân. Xem con người là trung tâm của sự phát triển thông qua việc cải thiện mức sống, cải thiện chỉ số phát triển con người, cải thiện năng suất lao động, rút ngắn khoảng cách giàu - nghèo, khoảng cách thành thị và nông thôn, cải thiện tiếp cận dịch vụ tiện ích và phúc lợi xã hội.

Cần Thơ phải trở thành trung tâm của vùng ĐBSCL, cực tăng trưởng của đất nước

Mục tiêu là đến năm 2030, xây dựng Cần Thơ là thành phố sinh thái, văn minh, hiện đại mang đậm bản sắc văn hóa sông nước vùng ĐBSCL; là trung tâm của vùng về dịch vụ thương mại, du lịch, logistics, công nghiệp chế biến, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, giáo dục và đào tạo, y tế chuyên sâu, khoa học công nghệ, văn hóa, thể thao; là đô thị hạt nhân vùng ĐBSCL; đời sống vật chất và tinh thần của người dân đạt mức cao; tổ chức đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; quốc phòng, an ninh được bảo đảm vững chắc.

Đến năm 2050, Cần Thơ tiếp tục phát triển đồng đều định hướng trở thành thành phố thông minh đáng sống của Việt Nam, là điểm đến hấp dẫn về dịch vụ tiêu dùng chất lượng cao, tập trung vào hoạt động bán lẻ hiện đại và du lịch giá trị cao, tiên phong trong phát triển đô thị xanh. Thành phố tập trung phát triển các lợi thế của vùng ĐBSCL trên nền tảng công nghệ cao, kinh tế xanh, tuần hoàn, bền vững, thích ứng tốt với biến đổi khí hậu và bắt kịp xu hướng công nghệ mới của thế giới.

phát triển hạ tầng kết nối, xây dựng 2 trung tâm kinh tế, 3 vùng phát triển

Để hiện thực hoá các mục tiêu cho thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến 2050, Quy hoạch Cần Thơ xác định giao thông đường bộ sẽ là huyết mạch để kết nối liên vùng. Khung kết nối bao gồm 3 tuyến cao tốc, 6 tuyến quốc lộ, 1 tuyến liên tỉnh, 20 tuyến đường tỉnh, các trục chính đô thị và tuyến vành đai thành phố.

Song song với đó, phát triển đường thủy nội địa và kiến thiết hạ tầng đường biển đảm bảo lưu thông tàu trọng tải đến 20.000 tấn trên luồng sông Hậu. Từ đó, xây dựng hệ thống cảng biển Cần Thơ thành cửa ngõ quan trọng nhất cho xuất nhập khẩu của vùng ĐBSCL trong vài thập kỷ tới.

Thành phố cũng định hướng mở rộng Cảng hàng không Quốc tế Cần Thơ liên vận quốc tế, đồng thời quy hoạch trung tâm logistics chuyên dụng hàng không kết nối với Cảng hàng không này.

Phát triển một vùng đô thị cảng hàng không rộng hàng chục ngàn ha, để trở thành cửa ngõ hàng không xứng tầm của vùng. Bên cạnh đó là tinh gọn và hoàn thiện kết nối giao thông công cộng từ hệ thống xe buýt, định hướng sau năm 2030 có thể đưa vào đầu tư xe điện, các tuyến đường sắt metro sau năm 2050 dựa vào nhu cầu thực tế.

Bên cạnh hạ tầng giao thông, vấn đề không gian phát triển cũng là một trong các trọng tâm trong quy hoạch TP. Cần Thơ giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Theo đó, Cần Thơ định hướng phát triển hai trung tâm kinh tế động lực gồm: Phía Bắc, từ Thốt Nốt kéo dọc theo tuyến đường quốc lộ 80 và Cao tốc Lộ Tẻ, Rạch Sỏi; Phía Nam, xung quanh khu vực trung tâm hiện hữu Ninh Kiều, Bình Thuỷ, Cái Răng.

Cụm phía Bắc thiên về công nghiệp, cụm phía Nam đa chức năng, nhưng thiên về đô thị, thương mại, dịch vụ. Hai cụm này được kết nối với nhau bởi tuyến đường đa phương thức Nam sông Hậu.

Cần Thơ phải trở thành trung tâm của vùng ĐBSCL, cực tăng trưởng của đất nước

Định hướng không gian phát triển của Cần Thơ

Quy hoạch đưa định hướng phát triển Cần Thơ theo 3 vùng lõi: Vùng lõi trung tâm đô thị phía Nam: Liên kết bốn quận Ninh Kiều - Bình Thủy - Cái Răng - Phong Điền, lưu vực sông Cần Thơ; Vùng phát triển kinh tế mới phía Bắc: Liên kết các quận/huyện Ô Môn, Thốt Nốt, Cờ Đỏ, Thới Lai, Vĩnh Thạnh thành khu vực phía Bắc; Vùng cải tạo sinh kế nông nghiệp phía Tây đường cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng.

Dự thảo Quy hoạch Cần Thơ cũng định hướng phát triển 2 trục phát triển theo chiều dọc, 3 trục phát triển theo chiều ngang. Trong đó, 2 trục dọc là dọc theo sông Hậu và dọc tuyến cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng. 3 trục ngang là trục phía bắc dọc cao tốc Lộ Tẻ-Rạch Sỏi, trục giữa dọc theo tuyến liên vùng Đồng Tháp - Ô Môn - Giồng Riềng và trục phía nam dọc theo quốc lộ 1A và cao tốc TP. Hồ Chí Minh - Cần Thơ - Cà Mau.

"Thành phố sẽ sử dụng những yếu tố chính của đô thị thông minh như: Công nghệ số, kết nối internet vạn vật để cho phép phát triển đô thị mà trước đây không làm được", ông Dương Tấn Hiển - Phó Chủ tịch UBND TP. Cần Thơ cho biết.

Có thể cô đọng lại toàn bộ các chiến lược phát triển chính, mang tính chất đột phá cho Cần Thơ trong một sơ đồ với 3 tầng ba trụ, với tổng thể 9 nhóm nhiệm vụ chính, 27 khâu đột phá lớn bao gồm cả 3 lĩnh vực kinh tế - xã hội - môi trường, đồng bộ cả phần chương trình phát triển và không gian phát triển. Trong đó, 9 nhóm giải pháp đột phá chính bao gồm: (1) Nuôi đất, bảo tồn và nâng cao giá trị đất; (2) Nuôi nước - bảo toàn và nâng cao giá trị nước; (3) Nuôi con người - bảo toàn và nâng cao giá trị con người; (4) Sử dụng đất hiệu quả - biến đất thành giá trị kinh tế: (5) Sử dụng nước hiệu quả - biến nước thành giá trị kinh tế; (6) Sử dụng con người hiệu quả - dùng lao động vào việc gì tối ưu; (7) Định hình cấu trúc đất; (8) Định hình cấu trúc nước - hướng tới đô thị bản sắc sông nước; (9) Định hình không gian sinh hoạt đô thị cho con người - lấy con người làm trung tâm.

hội đồng thông qua Quy hoạch Cần Thơ VỚI ĐIỀU KIỆN CÓ CHỈNH SỬA, BỔ SUNG

Thay mặt Hội đồng thẩm định, TS. Đinh Trọng Thắng, Vụ trưởng Vụ Quản lý quy hoạch, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đánh giá, nội dung quy hoạch Thành phố thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã bám sát vào quan điểm, mục tiêu và nhiệm vụ giải pháp đã được Bộ Chính trị chỉ đạo tại Nghị quyết số 59-NQ/TW, ngày 5/8/2020 về xây dựng và phát triển TP. Cần Thơ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, phấn đấu xây dựng Cần Thơ trở thành đô thị trung tâm vùng theo yêu cầu được đặt ra; đồng thời, nội dung này cũng đảm bảo phù hợp với Nghị quyết số 13-NQ/TW, ngày 2/4/2022 của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng ĐBSCL đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; phù hợp nội dung quy hoạch vùng ĐBSCL thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 287/QĐ-TTg, ngày 28/2/2022 và Nhiệm vụ quy hoạch đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1056/QĐ-TTg, ngày 20/7/2020.

Cần Thơ phải trở thành trung tâm của vùng ĐBSCL, cực tăng trưởng của đất nước

Toàn cảnh Hội nghị

Hội đồng thẩm định nhất trí thông qua Quy hoạch và Báo cáo đánh giá môi trường chiến lược quy hoạch TP. Cần Thơ với điều kiện phải chỉnh sửa, bổ sung và hoàn thiện.

Chúc mừng TP. Cần Thơ đã trở thành địa phương thứ 22 được Hội đồng thẩm định thông qua Dự thảo Quy hoạch, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng lưu ý lãnh đạo Thành phố và cơ quan soạn thảo, đơn vị tư vấn sớm hoàn thiện nội dung quy hoạch theo quy định của pháp luật về quy hoạch, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Theo đó, Bộ trưởng yêu cầu UBND TP. Cần Thơ chỉ đạo cơ quan lập quy hoạch nghiêm túc tiếp thu, giải trình và hoàn thiện Hồ sơ quy hoạch theo ý kiến tham gia thẩm định của các bộ, cơ quan ngang bộ, ý kiến các chuyên gia phản biện, ý kiến của các cơ quan tại Hội thảo tham vấn ý kiến đối với Báo cáo đánh giá môi trường chiến lược và kết luận của Hội đồng thẩm định tại Báo cáo thẩm định; tập trung làm rõ và giải trình một số nội dung để hoàn thiện hồ sơ quy hoạch như tại Hội nghị đã nêu. Đặc biệt, cần làm rõ các tồn tại, hạn chế, các “điểm nghẽn” về: (1) Điều kiện tự nhiên; (2) Phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội; (3) Tổ chức không gian chức năng và sử dụng đất; (4) Phát triển kết cấu hạ tầng; (5) Bảo vệ môi trường, biến đổi khí hậu, bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học. Trong đó, lưu ý làm rõ vấn đề về nguồn nhân lực và cân đối cơ cấu kinh tế của Thành phố trong thời kỳ quy hoạch.

"Về phương án tổ chức không gian các hoạt động kinh tế - xã hội, rà soát, điều chỉnh cho phù hợp với định hướng phát triển của vùng ĐBSCL đã nêu trong Quy hoạch tổng thể quốc gia như: Hành lang kinh tế - đô thị - công nghiệp Cần Thơ - Long An là động lực của vùng; (ii) Hành lang kinh tế Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng, kết nối với cảng biển Trần Đề phục vụ xuất nhập khẩu trực tiếp cho vùng trong tương lai, thúc đẩy phát triển các trung tâm đầu mối về nông nghiệp, công nghiệp, dịch vụ, logistics liên quan đến nông nghiệp của vùng ĐBSCLg...", Bộ trưởng lưu ý.

Về phương án phát triển kết cấu hạ tầng, để tạo động lực giúp Cần Thơ thực sự là cực tăng trưởng của vùng, theo Bộ trưởng cần rà soát, điều chỉnh cho phù hợp với định hướng phát triển vùng động lực ĐBSCL tại Quy hoạch tổng thể quốc gia, đặc biệt là kết nối các tuyến đường cao tốc, trong đó có cao tốc Bắc - Nam phía Đông đoạn Cần Thơ - Vĩnh Long; cao tốc Cần Thơ – Cà Mau, cao tốc Châu Đốc – Cần Thờ - Sóc Trăng, đường sắt nối TP. Hồ Chí Minh - Cần Thơ; hệ thống đường ven biển qua các tỉnh.

Chủ tịch Hội đồng thẩm định cũng yêu cầu, phải rà soát hệ thống bản đồ và cơ sở dữ liệu quy hoạch đảm bảo tính chính xác và thống nhất với nội dung quy hoạch; rà soát và chỉnh lý Báo cáo ĐMC để đưa ra được những kiến nghị nhằm hoàn thiện quy hoạch.

"Hoàn thiện hồ sơ quy hoạch (bao gồm cả Báo cáo đánh giá môi trường chiến lược quy hoạch) trên cơ sở tiếp thu giải trình toàn bộ ý kiến tham gia thẩm định và Báo cáo thẩm định theo đúng quy định hiện hành. Chịu trách nhiệm về tính chính xác của nội dung, số liệu trong Báo cáo Quy hoạch và hệ thống bản đồ, cơ sở dữ liệu trong Hồ sơ Quy hoạch TP. Cần Thơ", Bộ trưởng chỉ rõ công việc trong thời gian tới.

Bộ trưởng cũng kỳ vọng, Quy hoạch khi được thông qua và được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt sẽ giúp mở ra không gian phát triển mới, khai thác tiềm năng và thế mạnh của địa phương để trở thành trung tâm của vùng ĐBSCL, cực tăng trưởng của đất nước, bệ đỡ lan tỏa, thúc đẩy lôi kéo phát triển cho cả vùng, chứ không phải riêng của Cần Thơ./.

Phương Anh

Ảnh: Đức Trung (MPI)

Tạp chí Kinh tế và Dự báo 09:13 | 14/02/2023