Nợ thuế tăng

Báo cáo với Uỷ ban thường vụ Quốc hội tại Phiên họp thứ 57 về tình hình thực hiện ngân sách nhà nước (NSNN) tháng 5, 5 tháng/2021, dự báo thực hiện 6 tháng đầu năm 2021 và các giải pháp trong 6 tháng cuối năm 2021, theo Văn phòng Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, 5 tháng đầu năm nay, thu NSNN đạt 49,7% dự toán (tăng 15,2% so cùng kỳ năm 2020), nhưng chi mới đạt 34,5% dự toán. Dự báo 6 tháng đầu năm nay, thu NSNN ước đạt 55,5% dự toán, tăng 10,9% so với cùng kỳ năm 2020, xấp xỉ so với mức thực hiện cùng kỳ năm 2019; chi ước đạt 43% dự toán.

Thu ngân sách từ cổ phần hoá đạt kết quả rất thấp
Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cho biết cần tăng cường thanh tra, kiểm tra thuế để đảm bảo thu ngân sách nhà nước. Ảnh: QH
“Số nợ thuế của doanh nghiệp có xu hướng tăng (tổng số nợ thuế nội địa đến hết tháng 5/2021 ước khoảng 120,46 nghìn tỷ đồng, tăng so với cuối năm 2020). Có tình trạng gian lận, trốn lậu thuế...”, Bộ trưởng Bộ Tài chính cho biết.

Theo tư lệnh Ngành Tài chính, những tháng cuối năm nay còn nhiều yếu tố rủi ro, thách thức, nhất là tình hình dịch bệnh Covid-19 đang diễn biến phức tạp; năng lực nội tại của nền kinh tế thấp, phụ thuộc vào khu vực có vốn đầu tư nước ngoài; áp lực lạm phát trong nước tăng do chịu ảnh hưởng bởi tình hình quốc tế. Nếu không sớm kiểm soát được tình hình dịch bệnh Covid-19, dự báo sẽ ảnh hưởng lớn đến hoạt động kinh tế và thu, chi NSNN trong thời gian tới…

Trong bối cảnh trên, giải pháp được Chính phủ đưa ra là tiếp tục thực hiện miễn, giãn một số khoản thu cho các đối tượng gặp khó khăn do đại dịch; tăng cường thanh tra, kiểm tra thuế; chống chuyển giá, trốn lậu thuế. Đôn đốc thu hồi các khoản nợ đọng thuế, phấn đấu giảm tỷ lệ nợ đọng thuế xuống dưới 5% tổng thu NSNN năm 2021. Tập trung đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, tạo động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế...

Đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công

Trình bày báo cáo thẩm tra sơ bộ tình hình thực hiện NSNN 5 tháng, dự báo 6 tháng đầu năm 2021 và các giải pháp trong 6 tháng cuối năm 2021, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội Đinh Văn Nhã cho biết, trong điều kiện thực hiện “mục tiêu kép” tổng thu NSNN 6 tháng ước đạt trên 55% dự toán đã cho thấy sự cố gắng lớn của các bộ, cơ quan trung ương, địa phương và cộng đồng doanh nghiệp... Tuy nhiên, công tác đánh giá, dự báo kết quả thu NSNN còn chưa tích cực, làm cho việc lập dự toán thu NSNN năm 2021 chưa sát với thực tế.

Trước tình trạng nợ đọng thuế tiếp tục tăng cao, Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội đề nghị Chính phủ cần có biện pháp quyết liệt để xử lý nghiêm và ngăn chặn tình trạng trốn lậu thuế, chống chuyển giá; sớm có biện pháp để quản lý thuế đối với các hoạt động kinh doanh thương mại điện tử và kinh doanh trên nền tảng số.

Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội đánh giá, việc triển khai phân bổ ngân sách còn chậm. Tổng số vốn đầu tư chưa phân bổ còn khoảng 12% kế hoạch; dự toán chi thường xuyên còn lại chưa phân bổ của các bộ, cơ quan trung ương khoảng 2.400 tỷ đồng. Đặc biệt, vốn đầu tư phát triển của các Chương trình mục tiêu quốc gia đã được Quốc hội phân bổ 16.000 tỷ đồng, nhưng đến nay chưa được giao kế hoạch, không có khả năng giải ngân trong những tháng cuối năm 2021…

Về nguyên nhân tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công rất thấp, nhất là vốn ngoài nước, Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội cho rằng, lý do chính là khó khăn trong tổ chức thực hiện. Bởi vậy, đề nghị Chính phủ chỉ đạo rút kinh nghiệm, khắc phục những vướng mắc; khẩn trương có giải pháp tháo gỡ vướng mắc, sửa đổi cơ chế, chính sách (nếu có) để đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công trong bối cảnh đại dịch Covid-19; tăng cường kỷ cương, kỷ luật, nâng cao hiệu quả trong quản lý, sử dụng vốn đầu tư công, đồng thời, có giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, phục hồi nền kinh tế.../.