eMagazine
Thủ tục hành chính đối với hoạt động của doanh nghiệp trên một số lĩnh vực còn phức tạp, rườm rà

22:11 | 08/11/2023

Theo Thủ tướng Phạm Minh Chính, đúng như các vị đại biểu Quốc hội đã nêu, một số quy định pháp luật, cơ chế, chính sách không còn phù hợp, chậm được sửa đổi, bổ sung. Thủ tục hành chính đối với sản xuất kinh doanh, hoạt động của doanh nghiệp trên một số lĩnh vực còn phức tạp, rườm rà. Quy trình, thủ tục hành chính trong nội bộ của từng cơ quan và giữa các cơ quan có lúc, có nơi chưa đáp ứng yêu cầu. Việc phân cấp, phân quyền trong một số lĩnh vực còn vướng mắc về thể chế, nhất là đối với những vấn đề phát sinh mới...

Thủ tục hành chính đối với hoạt động của doanh nghiệp trên một số lĩnh vực còn phức tạp, rườm rà

Thủ tục hành chính đối với hoạt động của doanh nghiệp trên một số lĩnh vực còn phức tạp, rườm rà

Theo Thủ tướng Phạm Minh Chính, đúng như các vị đại biểu Quốc hội đã nêu, một số quy định pháp luật, cơ chế, chính sách không còn phù hợp, chậm được sửa đổi, bổ sung. Thủ tục hành chính đối với sản xuất kinh doanh, hoạt động của doanh nghiệp trên một số lĩnh vực còn phức tạp, rườm rà. Quy trình, thủ tục hành chính trong nội bộ của từng cơ quan và giữa các cơ quan có lúc, có nơi chưa đáp ứng yêu cầu. Việc phân cấp, phân quyền trong một số lĩnh vực còn vướng mắc về thể chế, nhất là đối với những vấn đề phát sinh mới...

Tăng trưởng GDP dự kiến khó đạt kế hoạch vì nhiều nguyên nhân

Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 6, hôm nay (ngày 8/11), dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Quốc hội họp phiên Chất vấn và trả lời chất vấn. Tại phiên họp, thay mặt Chính phủ, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã báo cáo, làm rõ nhiều số vấn đề được các vị đại biểu Quốc hội, cử tri quan tâm.

Theo đó, năm 2023, như Chính phủ đã báo cáo Quốc hội, dự kiến có 5 chỉ tiêu khó đạt kế hoạch đề ra, gồm: (1) Tốc độ tăng tổng sản phẩm trong nước (GDP); (2) GDP bình quân đầu người; (3) Tỷ trọng công nghiệp chế biến, chế tạo trong GDP; (4) Tốc độ tăng năng suất lao động xã hội; (5) Tỷ trọng lao động nông nghiệp trong tổng lao động xã hội.

Theo Thủ tướng, nguyên nhân chủ yếu dẫn đến tốc độ tăng trưởng GDP dự kiến không đạt kế hoạch đề ra là do tác động, ảnh hưởng nặng nề từ bên ngoài và những hạn chế, bất cập từ bên trong, sản xuất kinh doanh còn gặp nhiều khó khăn, trong khi nước ta là nước đang phát triển, nền kinh tế đang trong quá trình chuyển đổi, xuất phát điểm thấp, quy mô còn khiêm tốn, độ mở lớn, sức chống chịu và khả năng cạnh tranh còn hạn chế.

Tốc độ tăng trưởng GDP không đạt mục tiêu là một yếu tố quan trọng dẫn đến các chỉ tiêu khác như: GDP bình quân đầu người, tốc độ tăng năng suất lao động xã hội cũng không đạt được mục tiêu đề ra.

Lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo chịu ảnh hưởng nặng nề từ thị trường quốc tế. Tính chung 10 tháng chỉ đạt 0,5% tăng trưởng, dẫn đến chỉ tiêu tỷ trọng công nghiệp chế biến, chế tạo trong GDP thấp hơn mục tiêu đề ra.

Bên cạnh đó, áp lực cắt giảm việc làm do sản xuất kinh doanh khó khăn tạo ra sự chuyển dịch lao động sang khu vực nông nghiệp, dẫn đến tỷ lệ lao động nông nghiệp trong tổng lao động có việc làm khoảng 26,9%, khó đạt mục tiêu đặt ra (26,2%).

Thủ tục hành chính đối với hoạt động của doanh nghiệp trên một số lĩnh vực còn phức tạp, rườm rà

Thời gian tới, Chính phủ chỉ đạo tập trung thực hiện quyết liệt, hiệu quả các nhiệm vụ như: tiếp tục ưu tiên thúc đẩy các động lực tăng trưởng (đầu tư, tiêu dùng, xuất khẩu); tập trung phát triển mạnh thị trường trong nước; mở rộng xuất khẩu; đẩy mạnh hơn nữa giải ngân vốn đầu tư công, đồng thời tăng cường thu hút các nguồn vốn đầu tư xã hội, đầu tư tư nhân, đầu tư nước ngoài; tập trung tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, nhất là mở rộng thị trường, kiên quyết cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính, quy định kinh doanh.

Cùng với đó là đẩy mạnh phát triển sản xuất công nghiệp, nhất là công nghiệp chế biến, chế tạo; các ngành, lĩnh vực mới nổi và công nghiệp hỗ trợ, nhất là việc tìm kiếm thị trường cho các sản phẩm này. Thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa, đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu nội ngành nông nghiệp. Tập trung đầu tư phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại, thúc đẩy liên kết vùng, phát huy vai trò của 6 vùng kinh tế-xã hội, tạo các động lực mới cho phát triển nhanh, bền vững.

Thủ tục hành chính đối với hoạt động của doanh nghiệp trên một số lĩnh vực còn phức tạp, rườm rà

Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, trong thời gian còn lại của năm 2023, Chính phủ tiếp tục chỉ đạo thực hiện quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp trên các lĩnh vực, vừa giải quyết những vấn đề trước mắt, vừa chuẩn bị cơ sở, tiền đề cho những năm tiếp theo. Trong đó, tập trung thúc đẩy các động lực tăng trưởng (đầu tư, tiêu dùng, xuất khẩu), các địa phương đầu tàu tăng trưởng; thực hiện các chính sách hỗ trợ tăng tổng cầu, nhất là các chính sách tài khóa và tiền tệ; tăng khả năng tiếp cận tín dụng, đất đai, mở rộng thị trường, đa dạng sản phẩm, chuỗi cung ứng; đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công; thu hút vốn đầu tư xã hội, đầu tư tư nhân và đầu tư nước ngoài.

Thúc đẩy phát triển mạnh công nghiệp, nhất là công nghiệp chế biến, chế tạo; đẩy mạnh phát triển thị trường trong nước và thúc đẩy xuất khẩu, tận dụng tốt cơ hội thị trường vào dịp cuối năm, lễ, Tết...

Năng suất lao động xã hội tăng trưởng liên tục nhưng chưa đạt mục tiêu Quốc hội giao

Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết, năng suất lao động xã hội (được tính bằng GDP/tổng số lao động làm việc bình quân trong nền kinh tế) là một trong những thước đo quan trọng đánh giá trình độ phát triển kinh tế của một quốc gia.

Trong nhiều năm qua, năng suất lao động xã hội của Việt Nam tăng trưởng liên tục và cao hơn so với bình quân của khu vực và thế giới. Tuy nhiên, chỉ tiêu này vẫn chưa đạt mục tiêu Quốc hội giao. Thực trạng này có nhiều lý do, trong đó nguyên nhân trực tiếp là tăng trưởng GDP không đạt mục tiêu đề ra.

Đồng thời, do đại dịch Covid-19, nhu cầu quốc tế suy giảm, dẫn đến sự chuyển dịch lao động từ các khu vực công nghiệp, dịch vụ có năng suất lao động cao hơn sang khu vực nông nghiệp, khu vực phi chính thức có năng suất lao động thấp hơn và tình trạng làm việc tạm thời, lao động bán thời gian tăng lên.

Trong khi đó, chất lượng nguồn nhân lực và trình độ khoa học công nghệ (KHCN) còn hạn chế; năng lực quản trị doanh nghiệp, quản lý lực lượng lao động còn bất cập và một số nguyên nhân khác cũng đã ảnh hưởng đến tốc độ tăng năng suất lao động xã hội trong thời gian qua.

Chính phủ còn tập trung chỉ đạo phát triển mạnh thị trường KHCN, phát huy hiệu quả các quỹ về KHCN; thúc đẩy đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp và các trung tâm hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo quốc gia. Tăng cường hợp tác quốc tế, nhất là về đào tạo nguồn nhân lực; hợp tác chặt chẽ với các quốc gia, tổ chức quốc tế, doanh nghiệp để tranh thủ các nguồn lực về vốn, công nghệ, quản trị quốc gia; qua đó góp phần thúc đẩy nâng cao năng suất lao động xã hội, khả năng cạnh tranh và tiềm lực kinh tế của đất nước.

Thủ tục hành chính đối với hoạt động của doanh nghiệp trên một số lĩnh vực còn phức tạp, rườm rà

Thời gian tới, Chính phủ tập trung chỉ đạo: Thực hiện đồng bộ, hiệu quả các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, nhất là khu vực công nghiệp gắn với chuyển dịch cơ cấu lao động, đặc biệt là thu hút lao động nông nhàn, phi chính thức sang các khu vực công nghiệp và dịch vụ; đẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng dựa vào KHCN, đổi mới sáng tạo và nguồn nhân lực chất lượng cao; phát triển kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, thương mại điện tử và các ngành, lĩnh vực mới nổi; sớm hoàn thiện, ban hành Chương trình quốc gia về tăng năng suất lao động.

Cùng với đó là tạo bước chuyển biến thực chất trong đào tạo đại học và đào tạo nghề; nâng cao hiệu quả quản lý, sử dụng nguồn nhân lực; hoàn thiện hệ thống thông tin thị trường lao động, phát triển các sàn giao dịch việc làm, kết nối cung cầu lao động bền vững, lành mạnh. Tập trung đầu tư hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại, nhất là hệ thống hạ tầng giao thông, hạ tầng số, hạ tầng đô thị, hạ tầng xã hội về giáo dục và y tế...

Thị trường khoa học công nghệ còn bất cập

Thủ tướng cho biết, trình độ nhân lực chất lượng cao chưa đáp ứng yêu cầu, đặc biệt là đối với các ngành, lĩnh vực mới; thị trường KHCN còn bất cập; chưa có nhiều sản phẩm thành công; các hoạt động đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp chưa nhiều…

Nguyên nhân chủ yếu là do một số quy định pháp luật, cơ chế, chính sách liên quan có nội dung còn chưa phù hợp với yêu cầu thực tiễn; đầu tư từ ngân sách nhà nước, đầu tư của doanh nghiệp cho đào tạo nhân lực chất lượng cao và KHCN còn dàn trải, kém hiệu quả; chưa có cơ chế, chính sách đủ mạnh khuyến khích phát triển KHCN, đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp, nhất là về thuế, tín dụng, nhân lực, hạ tầng, quy trình các khâu thanh toán…

Thủ tục hành chính đối với hoạt động của doanh nghiệp trên một số lĩnh vực còn phức tạp, rườm rà

Thời gian tới, Chính phủ chỉ đạo tiếp tục triển khai đồng bộ, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp, gồm: (1) Rà soát, hoàn thiện cơ chế, chính sách tạo đột phá phát triển nhân lực chất lượng cao, thu hút, trọng dụng nhân tài, nhất là đội ngũ chuyên gia, nhà khoa học, lao động trình độ cao cả trong và ngoài nước; (2) Ưu tiên bố trí nguồn lực đào tạo nhân lực chất lượng cao cho các ngành, lĩnh vực mới nổi (như chuyển đổi số, trí tuệ nhân tạo, chíp bán dẫn, chuyển đổi năng lượng sạch, hydrogen...); (3) Thực hiện đồng bộ các giải pháp nâng cao chất lượng giáo dục đào tạo, dạy nghề đáp ứng yêu cầu thị trường lao động và KHCN; (4) Xây dựng cơ chế đặc thù chấp nhận rủi ro trong nghiên cứu khoa học; nâng cao hiệu quả hoạt động của các quỹ phát triển KHCN; (5) Phát triển mạnh thị trường KHCN hiệu quả, hội nhập, bền vững, khẩn trương hình thành các sàn giao dịch công nghệ, có chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào KHCN; (6) Đẩy mạnh phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo; phát huy hiệu quả Trung tâm Đổi mới sáng tạo quốc gia (NIC).

Kịp thời các chính sách tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh

Theo Thủ tướng, Chính phủ tiếp tục chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương tập trung rà soát, phát hiện, xử lý kịp thời những bất cập, khó khăn, vướng mắc, cả về quy định pháp luật, cơ chế, chính sách và tổ chức thực hiện. Từ đầu nhiệm kỳ đến nay, đã tập trung triển khai nhiệm vụ này và cần phải đẩy mạnh hơn nữa trong thời gian tới.

Tiếp tục đề xuất các cấp có thẩm quyền, ban hành kịp thời các chính sách tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, nhất là về tài khóa, tiền tệ, xử lý vướng mắc của các thị trường bất động sản, trái phiếu doanh nghiệp, hỗ trợ người lao động, cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh…

Kỷ luật, kỷ cương hành chính trong một số cơ quan, đơn vị, địa phương còn chưa nghiêm, trong đó người đứng đầu có lúc, có nơi chưa thực sự phát huy hết tinh thần trách nhiệm; còn tình trạng một bộ phận cán bộ, công chức né tránh, đùn đẩy trách nhiệm, sợ sai, chưa thực sự vì lợi ích chung…

Thủ tục hành chính đối với hoạt động của doanh nghiệp trên một số lĩnh vực còn phức tạp, rườm rà

Thời gian tới, Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương tiếp tục rà soát, giải quyết vướng mắc pháp lý, nhất là về định giá đất, nhà ở, bất động sản, quy hoạch, đấu thầu, đầu tư, xây dựng…; rà soát, đơn giản hóa điều kiện, quy định kinh doanh, quy trình thủ tục về thẩm định, phê duyệt các dự án đầu tư, xây dựng; các thủ tục hành chính liên quan trực tiếp đến người dân, doanh nghiệp và đẩy mạnh thực hiện Đề án 06. Yêu cầu người đứng đầu các bộ, ngành, địa phương trực tiếp lãnh đạo, chỉ đạo và chịu trách nhiệm về công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế, pháp luật, cải cách hành chính.

Thủ tục hành chính đối với hoạt động của doanh nghiệp trên một số lĩnh vực còn phức tạp, rườm rà

Cùng với đó là đẩy mạnh phân cấp, phân quyền gắn với phân bổ nguồn lực, nâng cao năng lực cấp dưới và tăng cường kiểm tra, giám sát, kiểm soát quyền lực, đề cao trách nhiệm người đứng đầu; phát huy tính chủ động, tích cực, sáng tạo của các cấp, các ngành, các địa phương. Tiếp tục hoàn thiện quy định để khuyến khích, bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm vì lợi ích chung; đồng thời xử lý nghiêm các trường hợp né tránh, không phối hợp, đùn đẩy trách nhiệm, làm chậm, kém hiệu quả.../.

T.V

Ảnh: quochoi.vn

Tạp chí Kinh tế và Dự báo 22:11 | 08/11/2023