Doanh nghiệp tự chịu trách nhiệm về vốn góp đăng ký

Nhìn nhận từ góc độ pháp lý, Cục Quản lý đăng ký kinh doanh (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho biết về bản chất, việc đăng ký doanh nghiệp hiện nay hoàn toàn khác với việc cấp phép kinh doanh, tức là cơ quan đăng ký kinh doanh không có quyền “cho”. Trên cơ sở tôn trọng quyền tự do kinh doanh đã được Hiến pháp quy định, cơ quan đăng ký kinh doanh chỉ “ghi nhận” ý chí, nguyện vọng tham gia vào thị trường của doanh nghiệp, trong đó có quyền tự kê khai vốn. Vốn góp trong hồ sơ đăng ký doanh nghiệp do doanh nghiệp tự khai, tự chịu trách nhiệm. Nếu hồ sơ đăng ký doanh nghiệp là hợp lệ, cơ quan đăng ký kinh doanh phải cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp.

Thực thi tốt quyền, nghĩa vụ góp vốn đăng ký, thuận lợi cho doanh nghiệp gia nhập thị trường
Doanh nghiệp tự khai, tự chịu trách nhiệm về vốn góp trong hồ sơ đăng ký kinh doanh

Việc đăng ký vốn góp của doanh nghiệp được thực hiện tại cơ quan đăng ký kinh doanh, theo trình tự thủ tục mà pháp luật quy định trong thời gian 3 ngày làm việc theo đúng cơ chế quản lý “tiền đăng hậu kiểm”. Doanh nghiệp tự chịu trách nhiệm về tính trung thực, chính xác của thông tin kê khai trong hồ sơ đăng ký doanh nghiệp và các báo cáo; trường hợp phát hiện thông tin đã kê khai hoặc báo cáo thiếu chính xác, chưa đầy đủ thì phải kịp thời sửa đổi, bổ sung các thông tin đó”. Đồng thời, Luật Doanh nghiệp cũng quy định rõ về các hành vi bị nghiêm cấm, trong đó có: “Kê khai khống vốn điều lệ, không góp đủ số vốn điều lệ như đã đăng ký; cố ý định giá tài sản góp vốn không đúng giá trị”.

Quy định về thời hạn góp vốn trong đăng ký doanh nghiệp

Liên quan đến thời hạn góp vốn trong đăng ký doanh nghiệp, Luật Doanh nghiệp năm 2020 đã quy định cụ thể về tài sản góp vốn, thời hạn góp vốn, tăng, giảm vốn đối với từng loại hình doanh nghiệp nhằm tạo ra hành lang pháp lý để các doanh nghiệp thực hiện, đồng thời bảo vệ quyền và lợi ích của các đối tác, bạn hàng và người tham gia góp vốn thành lập doanh nghiệp.

Cụ thể, đối với công ty TNHH hai thành viên trở lên, điều 47 Luật Doanh nghiệp 2020 quy định “Thành viên phải góp vốn cho công ty đủ và đúng loại tài sản đã cam kết khi đăng ký thành lập doanh nghiệp trong thời hạn 90 ngày kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, không kể thời gian vận chuyển, nhập khẩu tài sản góp vốn, thực hiện thủ tục hành chính để chuyển quyền sở hữu tài sản. Trong thời hạn này, thành viên có các quyền và nghĩa vụ tương ứng với tỷ lệ phần vốn góp đã cam kết”; “Trường hợp có thành viên chưa góp vốn hoặc chưa góp đủ số vốn đã cam kết, công ty phải đăng ký thay đổi vốn điều lệ, tỷ lệ phần vốn góp của các thành viên bằng số vốn đã góp trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày cuối cùng phải góp đủ phần vốn góp”. “Các thành viên chưa góp vốn hoặc chưa góp đủ số vốn đã cam kết phải chịu trách nhiệm tương ứng với tỷ lệ phần vốn góp đã cam kết đối với các nghĩa vụ tài chính của công ty phát sinh trong thời gian trước ngày công ty đăng ký thay đổi vốn điều lệ và tỷ lệ phần vốn góp của thành viên”.

Đối với công ty TNHH một thành viên, Điều 75 Luật Doanh nghiệp 2020 quy định “Chủ sở hữu công ty phải góp vốn cho công ty đủ và đúng loại tài sản đã cam kết khi đăng ký thành lập doanh nghiệp trong thời hạn 90 ngày kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, không kể thời gian vận chuyển, nhập khẩu tài sản góp vốn, thực hiện thủ tục hành chính để chuyển quyền sở hữu tài sản. Trong thời hạn này, chủ sở hữu công ty có các quyền và nghĩa vụ tương ứng với phần vốn góp đã cam kết”. Trường hợp không góp đủ vốn điều lệ trong thời hạn quy định, “chủ sở hữu công ty phải đăng ký thay đổi vốn điều lệ bằng giá trị số vốn đã góp trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày cuối cùng phải góp đủ vốn điều lệ”. “Chủ sở hữu phải chịu trách nhiệm tương ứng với phần vốn góp đã cam kết đối với các nghĩa vụ tài chính của công ty phát sinh trong thời gian trước ngày cuối cùng công ty đăng ký thay đổi vốn điều lệ theo quy định”

Còn đối với công ty cổ phần, điều 113 Luật Doanh nghiệp 2020 nêu rõ “Các cổ đông phải thanh toán đủ số cổ phần đã đăng ký mua trong thời hạn 90 ngày kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, trừ trường hợp Điều lệ công ty hoặc hợp đồng đăng ký mua cổ phần quy định một thời hạn khác ngắn hơn. Trường hợp cổ đông góp vốn bằng tài sản thì thời gian vận chuyển nhập khẩu, thực hiện thủ tục hành chính để chuyển quyền sở hữu tài sản đó không tính vào thời hạn góp vốn này”. “Trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày kết thúc thời hạn phải thanh toán đủ số cổ phần đã đăng ký mua”, “công ty phải đăng ký điều chỉnh vốn điều lệ bằng mệnh giá số cổ phần đã được thanh toán đủ, trừ trường hợp số cổ phần chưa thanh toán đã được bán hết trong thời hạn này; đăng ký thay đổi cổ đông sáng lập”.

Cũng theo quy định tại điều 113 của Luật, “Cổ đông chưa thanh toán hoặc chưa thanh toán đủ số cổ phần đã đăng ký mua phải chịu trách nhiệm tương ứng với tổng mệnh giá cổ phần đã đăng ký mua đối với các nghĩa vụ tài chính của công ty phát sinh trong thời hạn trước ngày công ty đăng ký điều chỉnh vốn điều lệ”. “Thành viên Hội đồng quản trị, người đại diện theo pháp luật phải chịu trách nhiệm liên đới về các thiệt hại phát sinh do không thực hiện hoặc không thực hiện đúng quy định”.

Các quy định này buộc những người tham gia góp vốn phải chịu trách nhiệm hoàn toàn do việc không góp đủ, đúng hạn số vốn đã cam kết, qua đó hạn chế việc ảnh hưởng đến quyền và lợi ích của chính doanh nghiệp và các cá nhân có liên quan.

Các chế tài xử phạt việc góp vốn không đúng quy định

Việc doanh nghiệp không góp vốn đúng quy định của pháp luật sẽ dẫn đến rủi ro và tác động tới chính doanh nghiệp cũng như bạn hàng, đối tác, các đối tượng có liên quan, đồng thời ảnh hưởng đến công tác quản lý nhà nước, làm sai lệch thông tin về tình hình đăng ký doanh nghiệp, tác động đến bức tranh tổng thể về kinh tế của đất nước, cũng như ảnh hưởng đến sự minh bạch, an toàn của môi trường đầu tư kinh doanh. Do đó, Luật Doanh nghiệp đã quy định hành vi “kê khai khống vốn điều lệ, không góp đủ số vốn điều lệ như đã đăng ký; cố ý định giá tài sản góp vốn không đúng giá trị” là một trong những hành vi bị nghiêm cấm của doanh nghiệp.

Chế tài xử phạt đối với các doanh nghiệp vi phạm quy định về góp vốn thành lập doanh nghiệp đã được nêu cụ thể tại Nghị định số 50/2016/NĐ-CP của Chính phủ ngày 01/6/2016 quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kế hoạch và đầu tư. Cụ thể: Theo Khoản 3 Điều 28 Nghị định 50/2016/NĐ-CP thì hành vi “không đăng ký thay đổi với cơ quan đăng ký kinh doanh khi không góp đủ vốn Điều lệ như đã đăng ký” sẽ bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng, đồng thời biện pháp khắc phục hậu quả kèm theo là buộc doanh nghiệp “đăng ký điều chỉnh vốn Điều lệ, tỷ lệ phần vốn góp, cổ phần của các thành viên, cổ đông bằng số vốn đã góp”.

Đối với hành vi “cố ý định giá tài sản góp vốn không đúng giá trị thực tế”: Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng và biện pháp khắc phục hậu quả kèm theo là “buộc định giá lại tài sản góp vốn và đăng ký vốn điều lệ phù hợp với giá trị thực tế của tài sản góp vốn”.

Đối với hành vi “kê khai không trung thực, không chính xác nội dung hồ sơ đăng ký doanh nghiệp”: Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng. Biện pháp khắc phục hậu quả kèm theo là “buộc đăng ký thay đổi và thông báo lại các thông tin doanh nghiệp đã kê khai không trung thực, không chính xác”.

Bên cạnh đó, trong trường hợp nội dung kê khai trong hồ sơ đăng ký doanh nghiệp là giả mạo, doanh nghiệp sẽ bị thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp. Nếu như doanh nghiệp, cá nhân khai khống vốn nhằm mục đích lừa đảo còn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Theo Cục Quản lý đăng ký kinh doanh, việc đơn giản hóa trình tự, thủ tục, trao sự chủ động trong đăng ký doanh nghiệp cho người dân là nhằm tạo điều kiện cho số đông doanh nghiệp có nhu cầu làm ăn, kinh doanh chân chính, muốn tạo công ăn việc làm và thu nhập cho người lao động cũng như đóng góp trong việc phát triển kinh tế đất nước. Tuy nhiên, thời gian qua, vẫn có hiện tượng doanh nghiệp lợi dụng sự thông thoáng của pháp luật, cố tình kê khai khống vốn điều lệ, không góp đủ số vốn đã đăng ký... Gần đây nhất, có một số vụ việc doanh nghiệp thành lập mới với số vốn đăng ký cao bất thường, gây xôn xao trong dư luận.

Trong bối cảnh môi trường kinh doanh và các thủ tục hành chính ngày càng được cải thiện theo hướng thuận lợi hơn, doanh nghiệp được quyền tự quyết các vấn đề của mình theo đúng tinh thần của Hiến pháp trên cơ sở thực hiện đầy đủ các quy định của pháp luật. Tình trạng doanh nghiệp, người dân không hiểu đúng các quy định hoặc lợi dụng sự thông thoáng của pháp luật để vi phạm, trục lợi chỉ là thiểu số, không thể vì thế mà thắt chặt quy trình “khai sinh doanh nghiệp”, thực hiện cơ chế “tiền kiểm” thay vì “hậu kiểm” là đi ngược lại chủ trương của Chính phủ trong việc cải thiện môi trường kinh doanh, không phù hợp với xu hướng chung về cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh trên thế giới.

Do đó, việc nâng cao nhận thức về quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm của doanh nghiệp trong việc góp vốn thành lập doanh nghiệp và các thủ tục gia nhập thị trường là hết sức cần thiết, giúp doanh nghiệp thuận lợi trong gia nhập thị trường, giữ gìn uy tín với bạn hàng và đối tác cũng như đảm bảo công tác quản lý nhà nước, từ đó tạo dựng một môi trường kinh doanh an toàn, hiệu quả và minh bạch./.