Nghị quyết được kỳ vọng là "nghị quyết động lực của sự phát triển".

Tỉnh ủy Quảng Ngãi ban hành nghị quyết tạo động lực cho phát triển

Nhà máy lọc dầu Dung Quất - Biểu tượng của nền công nghiệp tại Quảng Ngãi

Vẫn còn nhiều điểm nghẽn trong đầu tư, phát triển kết cấu hạ tầng của Tỉnh

Tại Nghị quyết, Ban Thường vụ Tỉnh ủy chỉ rõ các điểm nghẽn. Đó là hệ thống kết cấu hạ tầng trên địa bàn tỉnh vẫn còn nhiều hạn chế, đầu tư thiếu đồng bộ, chưa hiện đại, tính kết nối chưa cao, chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội kể cả trước mắt và lâu dài.

Cụ thể, hạ tầng giao thông chưa đồng bộ, nhất là hạ tầng giao thông thành phố Quảng Ngãi chậm kết nối. Hạ tầng đô thị chậm phát triển, việc triển khai thực hiện các dự án còn nhiều khó khăn, vướng mắc.

Hạ tầng thương mại, dịch vụ chưa đáp ứng được yêu cầu, nhất là khu vực nông thôn, miền núi. Hạ tầng du lịch phát triển chậm. Hạ tầng Khu kinh tế Dung Quất, các khu công nghiệp, cụm công nghiệp chậm hoàn thiện, ảnh hưởng đến quá trình phát triển, thu hút đầu tư.

Hạ tầng công trình ứng phó thiên tai, biến đổi khí hậu còn yếu kém; hệ thống cấp, thoát nước còn bất cập, nhiều vùng chưa có nước sạch sử dụng.

Hạ tầng xã hội còn thiếu về số lượng, yếu về chất lượng, hiệu quả sử dụng chưa cao. Một số dự án, công trình quan trọng chưa được đầu tư, chậm hoàn thành. Việc huy động nguồn lực ngoài ngân sách đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng chưa đáp ứng được yêu cầu; công tác quản lý, duy tu, bảo dưỡng thường xuyên các công trình hạ tầng còn nhiều hạn chế.

2021-2025, tập trung ưu tiên đầu tư các công trình, dự án quan trọng

Nghị quyết nêu rõ, định hướng phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng là huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực để phát triển kết cấu hạ tầng, bảo đảm hài hòa lợi ích giữa nhà nước, nhà đầu tư và người dân.

Trong đó, nguồn lực từ ngân sách nhà nước tập trung ưu tiên đầu tư các công trình, dự án quan trọng của tỉnh, có sức lan tỏa, tạo đột phá về phát triển kết cấu hạ tầng mà các thành phần kinh tế khác không tham gia đầu tư. Ưu tiên đầu tư hệ thống giao thông theo quy hoạch; các công trình quan trọng, thiết yếu ở thành phố Quảng Ngãi và các đô thị. Tập trung nguồn vốn ngân sách nhà nước để hoàn thiện các dự án chuyển tiếp từ giai đoạn 2016 - 2020 sang giai đoạn 2021 - 2025 để sớm đưa vào sử dụng, phát huy hiệu quả đầu tư.

Trong đó, về đường bộ, tỉnh sẽ tập trung hoàn thành các dự án chuyển tiếp. Tranh thủ nguồn vốn của Trung ương và cân đối nguồn lực của tỉnh để đầu tư phát triển hệ thống hạ tầng giao thông đồng bộ, bảo đảm kết nối tỉnh Quảng Ngãi với các tỉnh trong khu vực; trong đó đầu tư hoàn thành đường ven biển Dung Quất - Sa Huỳnh giai đoạn IIa; đường Hoàng Sa - Dốc Sỏi. Nâng cấp, cải tạo, mở rộng và xây dựng mới các tuyến chính ra vào thành phố Quảng Ngãi kết nối đến trung tâm các huyện, khu công nghiệp, khu kinh tế, các khu, điểm du lịch; đầu tư hoàn thiện một số tuyến giao thông huyết mạch kết nối giữa các địa phương. Phấn đấu đến năm 2025, nhựa hóa, cứng hóa 100% đường huyện và 90% đường xã.

Huy động các nguồn lực tập trung đầu tư hoàn thành và đưa vào khai thác hệ thống cảng biển tại Khu kinh tế Dung Quất; xây dựng các tuyến đê biển, đường vành đai ven biển quan trọng phục vụ cho mục đích quốc phòng, an ninh, phát triển kinh tế.

Huy động nguồn lực đầu tư, nâng cấp các tuyến vận tải hành khách từ Sa Kỳ, Vạn Tường đến Lý Sơn, đảo Lớn - đảo Bé, huyện Lý Sơn. Thực hiện dự án nạo vét, chỉnh trị sông Trà Khúc.

Trong giai đoạn tới, Tỉnh cũng sẽ đẩy mạnh huy động các nguồn lực đầu tư xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đô thị từng bước đồng bộ, hiện đại; đồng thời, dành quỹ đất cho giao thông theo quy định khi xây dựng các khu đô thị mới để cải thiện nhu cầu giao thông trong giai đoạn trước mắt và lâu dài.

Phát triển thành phố Quảng Ngãi về hướng biển, đến năm 2025, hoàn chỉnh đô thị loại II, đạt một số tiêu chí đô thị loại I; phấn đấu đến năm 2030 cơ bản đạt chuẩn đô thị loại I. Quan tâm đầu tư phát triển trung tâm huyện lỵ mới Sơn Tịnh và các đô thị trung tâm ở các huyện. Phấn đấu đến năm 2025: thị xã Đức Phổ đạt chuẩn đô thị loại IV và đạt một số tiêu chí đô thị loại III; xây dựng thị trấn Di Lăng thành trung tâm phát triển vùng phía Tây của tỉnh và đạt tiêu chí đô thị loại IV; phát triển huyện Bình Sơn đạt tiêu chí đô thị loại IV và tiến đến thành lập thị xã.

Tỉnh cũng sẽ tập trung hoàn thành các công trình, dự án quan trọng ở thành phố Quảng Ngãi có tác dụng lan tỏa lớn, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, như: đập dâng hạ lưu sông Trà Khúc, mở rộng nút giao thông Ngã 5 cũ, Kè chống sạt lở và tôn tạo cảnh quan bờ Nam sông Trà Khúc; tiếp tục đầu tư và huy động nguồn lực đầu tư Công viên và một số hạng mục cần thiết tại khu vực núi Thiên Bút... Nghiên cứu xây dựng quy hoạch, kế hoạch phát triển đô thị đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 theo hướng đô thị xanh, đô thị thông minh. Huy động nguồn lực đầu tư hạ tầng Công viên cây xanh và các khu vui chơi giải trí quy mô lớn.

Thay đổi phương thức đầu tư hạ tầng kỹ thuật khu công nghiệp, cụm công nghiệp

Về phát triển hạ tầng khu kinh tế, khu công nghiệp, cụm công nghiệp, Nghị quyết nêu rõ, phát triển đồng bộ hệ thống kết cấu hạ tầng khu công nghiệp, khu kinh tế. Thay đổi phương thức đầu tư hạ tầng kỹ thuật khu công nghiệp, cụm công nghiệp từ chủ yếu sử dụng ngân sách nhà nước sang khuyến khích doanh nghiệp đầu tư, kinh doanh hạ tầng khu công nghiệp, cụm công nghiệp theo hình thức đối tác công tư (PPP). Trong đó, ưu tiên kêu gọi các nhà đầu tư đầu tư, kinh doanh kết cấu hạ tầng các khu công nghiệp trong Khu kinh tế Dung Quất, Khu công nghiệp Phổ Phong và các cụm công nghiệp; các dự án xử lý nước thải, rác thải tại khu công nghiệp, cụm công nghiệp; đầu tư các dự án phát triển nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân và các hạ tầng xã hội thiết yếu (nhà trẻ, mẫu giáo, trường học, dịch vụ khám chữa bệnh…) phục vụ đời sống của công nhân đang làm việc trên địa bàn Khu kinh tế Dung Quất và các khu công nghiệp Quảng Ngãi.

Tập trung hoàn thành các dự án giao thông quan trọng, bảo đảm kết nối các trục phát triển chính trên địa bàn Khu kinh tế Dung Quất; đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án Khu công nghiệp, Đô thị và Dịch vụ VSIP 2 Quảng Ngãi, Khu công nghiệp - đô thị Dung Quất, Khu công nghiệp nhẹ Bình Hòa - Bình Phước; đầu tư xây dựng cụm cảng tổng hợp - container Dung Quất. Khẩn trương hoàn thành các khu tái định cư phục vụ nhu cầu tái định cư cho các hộ dân bị ảnh hưởng bởi các dự án, nhất là các dự án trọng điểm.

Đổi mới mạnh mẽ về tư duy, đa dạng hóa các hình thức và huy động tối đa các nguồn lực

Để giải quyết những bất cập và đạt được những mục tiêu đặt ra, Nghị quyết cũng đưa ra rất nhiều giải pháp đã được đặt ra, như: tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo; xây dựng các chương trình hành động cụ thể trên từng lĩnh vực và từng giai đoạn thực hiện...

Với quan điểm chỉ đạo của Tỉnh ủy là phải đổi mới mạnh mẽ về tư duy, đa dạng hóa các hình thức và huy động tối đa các nguồn lực đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội phù hợp với quy hoạch; gắn kết chặt chẽ giữa quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch xây dựng nông thôn mới và quy hoạch ngành, lĩnh vực, đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội nhanh, bền vững.

Trong đó, nguồn lực nhà nước tập trung đầu tư các công trình, dự án có sức lan tỏa lớn, thực sự cần thiết, cấp bách và các công trình an sinh xã hội ở vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn... Ban Thường vụ Tỉnh ủy sẽ thực hiện việc giám sát quá trình triển khai thực hiện nghị quyết ở từng đơn vị, địa phương, nhằm kịp thời chấn chỉnh, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc./.