Theo các nhà khoa học, Việt Nam không phải là quốc gia có tiềm năng lớn về khoáng sản năng lượng, trong đó có than đá, mặc dù có trữ lượng nhiều tỷ tấn nhưng ngày càng phải khai thác sâu hơn. Bể than sông Hồng được dự báo trữ lượng vài trăm tỷ tấn, nhưng nằm ở độ sâu hàng ngàn mét, điều kiện khai thác khó khăn, phức tạp cả về công nghệ, an sinh xã hội và môi trường.

Trong khi đó, theo Quy hoạch phát triển ngành than Việt Nam đến năm 2020, có xét triển vọng đến năm 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 60/QĐ-TTg, ngày 09/01/2012, mỗi năm phải đầu tư 18.000-19.000 tỷ đồng để thực hiện các dự án sản xuất than đúng tiến độ.

Tuy nhiên, thời gian qua, nhiều dự án bị chậm do nhiều nguyên nhân, từ thủ tục đầu tư, cấp phép thăm dò, khai thác bị kéo dài đến nguồn lực cho đầu tư bị hạn chế vì nhiều năm phải bán than thấp hơn giá thành cho một số hộ trong nước. Đặc biệt, từ năm 2012, do ảnh hưởng của suy giảm kinh tế nên lợi nhuận thấp, vốn đầu tư giảm. Hơn nữa, thuế, phí mấy năm gần đây tăng cao, so với năm 2007 thì việc đóng các loại thuế phí gấp 10 lần và cao hơn nhiều nước trên thế giới.

Mặt khác, do đặc thù là ngành công nghiệp nặng nhọc, nguy hiểm nên mặc dù rất chăm lo đến người lao động về nhà ở, đi lại, ăn uống, thu nhập… nhưng ngành Than vẫn không thu hút được lao động.

Vì vậy, để tập trung phát triển ngành Than, những năm gần đây, TKV đã thoái vốn tại nhiều ngành nghề để tập trung nguồn lực vào sản xuất than. Nhiều mỏ than mới đã được khởi công, đang trong quá trình đào lò xây dựng cơ bản, như: Dự án mỏ than hầm lò Núi Béo, khai thác xuống đến mức -400, sản lượng khai thác 2,5 triệu tấn với mức đầu tư trên 5.000 tỷ đồng; Dự án Khe Chàm II-IV khai thác xuống mức -500, sản lượng thiết kế 3,5 triệu tấn với mức đầu tư gần chục ngàn tỷ đồng.

Ngoài ra, TKV cũng đang mở rộng các mỏ than Mạo Khê, Mông Dương, Quang Hanh, Dương Huy, Thống Nhất, Hà Lầm khai thác đến mức -300. Riêng dự án xuống sâu của Hà Lầm có thể ra than trong vài năm tới.

Theo TKV, so với thời điểm thành lập TKV 20 năm trước, sản lượng than đã tăng gấp 7 lần, trong khi năng suất tăng gấp 4 lần, cơ bản đáp ứng đủ nhu cầu than trong nước và dành một phần hợp lý để xuất khẩu.

Từ năm 2011 đến nay, bình quân mỗi năm, TKV sản xuất khoảng 40 triệu tấn than sạch. Tuy nhiên, than xuất khẩu lại giảm dần qua từng năm để phục vụ nhu cầu trong nước. Do nhu cầu than cho các nhà máy nhiệt điện rất lớn, nên giai đoạn 2016-2020 sẽ phải nhập khẩu khoảng 20-30 triệu tấn than. Dự kiến, năm 2016, ngành Than bắt đầu nhập khẩu than cho sản xuất điện. Nếu các dự án điện đúng tiến độ thì sẽ nhập khoảng 3-5 triệu tấn và sẽ tăng dần qua các năm.

Để tự chủ nguồn than trong nước, hiện TKV đang tiếp tục đẩy mạnh thăm dò và khai thác bể than Đông Bắc vùng Quảng Ninh, Bắc Giang, Hải Dương và các mỏ than nội địa có điều kiện thuận lợi hơn, chất lượng than tốt và trữ lượng tài nguyên có thể tính đến 8-9 tỷ tấn ở độ sâu 1.000-1.200m.

TKV cũng đang triển khai nhiều đề tài nghiên cứu xử lý khó khăn do các mỏ than ngày càng sâu trong lòng đất, khí và nước nhiều, áp lực mỏ lớn… nhằm tăng năng xuất, sản lượng than khai thác hàng năm bám sát quy hoạch đã được phê duyệt./.