GDP tăng trưởng tích cực trong khó khăn

Theo Văn phòng Quốc hội, tại phiên họp thứ 57 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, sáng nay (ngày 15/6), thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng trình bày báo cáo đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước 6 tháng đầu năm và các giải pháp thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước 6 tháng cuối năm 2021.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, tuy trong bối cảnh còn nhiều khó khăn, tình hình kinh tế - xã hội 5 tháng đầu năm tiếp tục có những chuyển biến tích cực, đạt được những kết quả đáng ghi nhận, nổi bật là: kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát…

Liên quan đến dự báo tình hình thực hiện một số chỉ tiêu 6 tháng đầu năm 2021, Chính phủ nhận định, kinh tế vĩ mô và các cân đối lớn của nền kinh tế tiếp tục được duy trì ổn định; lạm phát được kiểm soát; thị trường tiền tệ, ngoại hối ổn định, cơ cấu tín dụng chuyển dịch theo hướng tích cực. Quy mô tổng sản phẩm trong nước (GDP) 6 tháng dự báo đạt gần 4 triệu tỷ đồng; tốc độ tăng GDP dự báo đạt khoảng 5,8%, thấp hơn 0,42 điểm phần trăm so với mục tiêu kịch bản đề ra tại Nghị quyết số 01/NQ-CP của Chính phủ (tăng 6,22%) và thấp hơn 0,12 điểm phần trăm so với mục tiêu kịch bản Chính phủ cập nhật lại tại quý I/2021 (tăng 5,92%)…

Bên cạnh những kết quả đạt được, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, vẫn còn một số hạn chế. Trong đó, tốc độ tăng trưởng GDP quý I và dự báo 6 tháng đầu năm chưa đạt mục tiêu theo kịch bản đề ra. Các thị trường tài chính, bất động sản, chứng khoán, vàng còn tiềm ẩn rủi ro...

Đến hết tháng 5/2021, còn 15,6% vốn kế hoạch đầu tư công từ nguồn ngân sách trung ương chưa được các bộ, cơ quan trung ương và địa phương phân bổ chi tiết, do phải chờ thông qua Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025. Giải ngân vốn đầu tư từ nguồn ngân sách trung ương 5 tháng đầu năm 2021 còn chậm, đạt 22,12% kế hoạch, thấp hơn so với cùng kỳ năm trước (25,98%), trong đó vốn nước ngoài giải ngân rất thấp, chỉ đạt 2,97%. Thu hút vốn FDI đạt 14 tỷ USD, nhưng số dự án cấp mới, điều chỉnh và góp vốn mua cổ phần giảm trên 50%, cho thấy tín hiệu còn nhiều khó khăn. Hoạt động đầu tư, sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp và người dân còn gặp nhiều khó khăn, số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường tăng 23%...

Trình bày báo cáo thẩm tra sơ bộ đánh giá kết quả thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm 2021 và các giải pháp chủ yếu 6 tháng cuối năm, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh cho biết, Thường trực Ủy ban Kinh tế tán thành với nhận định của Chính phủ rằng, GDP 6 tháng đầu năm dự báo đạt khoảng 5,8%, thấp hơn kỳ vọng, nhưng đây là mức tăng tích cực trong bối cảnh khó khăn. Kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát, tạo dư địa trong điều hành giá. Thị trường tiền tệ, ngoại hối, tỷ giá ổn định, mặt bằng lãi suất cho vay giảm; thanh khoản của hệ thống tổ chức tín dụng được bảo đảm. Tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu có tốc độ tăng cao. Cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh tiếp tục được đẩy mạnh...

Báo cáo rõ hơn việc chậm giải ngân của một số bộ, ngành và địa phương

Bên cạnh những kết quả tích cực đã đạt được, Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội đề nghị Chính phủ quan tâm, đánh giá kỹ hơn việc triển khai thực hiện các gói hỗ trợ nhân dân, người lao động và hoạt động của doanh nghiệp bị ảnh hưởng do dịch còn chậm, chưa đạt hiệu quả mong muốn, chưa tiếp cận được nhiều nhóm đối tượng dễ bị tổn thương và khó khăn…

Cùng với đề nghị đánh giá rõ hơn về tác động ảnh hưởng của tình hình tăng giá xăng dầu, nguyên, nhiên, vật liệu đầu vào cho sản xuất; nguyên nhân giá thép tăng; chi phí vận tải đường biển, hàng không đối với một số ngành hàng tăng cao..., Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội còn đề nghị Chính phủ đánh giá rõ hơn về cơ cấu nguồn vốn đầu tư đăng ký có yếu tố nước ngoài; báo cáo rõ hơn việc chậm giải ngân của một số bộ, ngành và địa phương; tiến độ triển khai xây dựng các dự án giao thông quan trọng… Đề nghị Chính phủ chỉ đạo đánh giá rõ chất lượng tín dụng; nguồn thu, lợi nhuận tăng cao của các ngân hàng; đồng thời báo cáo rõ kết quả xử lý nợ xấu, tình hình nợ xấu của hệ thống tổ chức tín dụng và xu hướng trong thời gian tới. Bổ sung kết quả triển khai cơ cấu lại các tổ chức tín dụng, nhất là các ngân hàng đã mua bắt buộc và ngân hàng thương mại yếu kém...

Tốc độ tăng GDP 6 tháng đầu năm nay dự báo đạt 5,8%
Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội đề nghị Chính phủ đánh giá các dòng vốn chảy vào lĩnh vực chứng khoán, bất động sản và những rủi ro có thể xảy ra. Ảnh: QH

Nhiều thách thức với 6 tháng cuối năm

Liên quan đến dự báo tình hình kinh tế- xã hội 6 tháng cuối năm 2021, Chính phủ nhìn nhận, triển vọng tăng trưởng kinh tế trong nước còn nhiều yếu tố rủi ro, thách thức; dịch Covid-19 còn diễn biến phức tạp; năng lực nội tại của nền kinh tế thấp, phụ thuộc vào khu vực có vốn đầu tư nước ngoài; khả năng lạm phát gia tăng…

Cùng với tiếp tục thực hiện các nhiệm vụ và giải pháp được nêu trong Nghị quyết số 124/2020/QH14 của Quốc hội về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2021, ông Vũ Hồng Thanh cho biết, đề nghị Chính phủ chủ động xây dựng các kịch bản phát triển kinh tế - xã hội trong ngắn hạn, dài hạn; đánh giá lại các chỉ tiêu, các cân đối lớn của nền kinh tế cho cả năm 2021; tiếp tục phối hợp đồng bộ giữa chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ, duy trì ổn định kinh tế vĩ mô; quan tâm các vấn đề về lạm phát, bội chi ngân sách nhà nước…

“Giám sát, kiểm soát dòng vốn có xu hướng dịch chuyển sang các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro như bất động sản, chứng khoán; xử lý hài hòa, hợp lý mối quan hệ giữa lợi nhuận của các ngân hàng với khó khăn của doanh nghiệp. Theo dõi, dự báo tình hình nợ xấu có khả năng phát sinh trong thời gian tới để có giải pháp phù hợp, đặc biệt là nợ được cơ cấu lại...”, ông Thanh nhấn mạnh.

Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cũng đề nghị Chính phủ xây dựng chính sách phù hợp nhất để tăng cường hợp tác đầu tư nước ngoài, thu hút dòng vốn FDI chất lượng cao; xây dựng các đề án triển khai mở rộng thị trường và khai thác các lợi thế, lợi ích từ các Hiệp định CPTPP, EVFTA và các FTA khác.../.