Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm: "Cứu dân là ưu tiên cao nhất" |
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm nhấn mạnh, không chỉ với Tuyên Quang, mà với cả các tỉnh phía Bắc bị ảnh hưởng của bão cần xác định "cứu dân là ưu tiên cao nhất", "sức mạnh lực lượng vũ trang là nòng cốt" để triển khai đồng bộ, quyết liệt mọi biện pháp từ phòng ngừa, đến cứu hộ, cứu nạn, cứu trợ. |
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm: Bộ Chính trị chỉ đạo toàn hệ thống chính trị tập trung thực hiện mọi biện pháp để bảo đảm đạt được 5 mục tiêu |
Chiều 12/9, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm và đoàn công tác kiểm tra công tác phòng, chống lụt bão và thăm hỏi, động viên nhân dân vùng lụt, bão tại xã Trường Sinh, huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang. Ngay đầu giờ chiều, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm đã tới thăm hỏi, động viên các lực lượng đang tập trung xử lý mạch sủi và gia cố tuyến đê xung yếu tại xã Trường Sinh, huyện Sơn Dương. Hiện mực nước sông Lô đang rút dần; hàng trăm cán bộ, chiến sĩ quân đội, công an và các lực lượng của địa phương đang nỗ lực xử lý sự cố, bảo đảm an toàn cho khu vực. Tới thăm hỏi người dân đang được sơ tán tới Nhà văn hóa Thôn Phú Thọ 1, xã Trường Sinh, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm chia sẻ sâu sắc với người dân đang phải chịu ảnh hưởng do bão lũ gây ra, mong muốn người dân tiếp tục đoàn kết hỗ trợ nhau vượt qua khó khăn. Đảng, Nhà nước sẽ nỗ lực hết sức để sớm đưa cuộc sống của người dân trở lại bình thường. Đối với những vùng còn ngập, hoặc khó tiếp cận với người dân đang bị cô lập, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước yêu cầu lãnh đạo Tỉnh và các lực lượng triển khai đồng bộ quyết liệt mọi giải pháp, từ phòng ngừa đến cứu hộ, cứu nạn, cứu trợ; triển khai nhanh nhất các biện pháp để đưa nhu yếu phẩm đến cho người dân và chú trọng bảo đảm an toàn cho lực lượng tham gia cứu hộ, cứu nạn, cứu trợ. Theo Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm, những ngày vừa qua, Đảng, Nhà nước, cấp ủy, chính quyền các cấp, lực lượng vũ trang và nhân dân cả nước đã triển khai mạnh mẽ, đồng bộ nhiều giải pháp nhằm giảm thiểu thiệt hại do bão lũ gây ra. Bộ Chính trị đã họp, chỉ đạo toàn hệ thống chính trị tập trung thực hiện mọi biện pháp để bảo đảm đạt được 5 mục tiêu: (1) Tập trung cao độ cứu người, tìm kiếm người mất tích, lo hậu sự cho người xấu số; (2) Không để người dân nào thiếu ăn, thiếu mặc, thiếu chỗ ở, không có nơi nương tựa, không để các cháu học sinh thiếu lớp, thiếu trường, không để người bệnh không có nơi khám chữa bệnh; (3) Khắc phục các sự cố về điện, nước, viễn thông, sớm khôi phục sản xuất kinh doanh và hoạt động bình thường của đời sống xã hội; (4) Thống kê thiệt hại để có giải pháp khắc phục kịp thời; (5) Ứng phó hậu quả hoàn lưu bão như lũ ống, lũ quét, sạt lở, sụt lún… Về phương hướng thời gian tới, cơ bản thống nhất với các giải pháp mà Tỉnh ủy Tuyên Quang đề ra, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm nhấn mạnh, không chỉ với Tuyên Quang, mà với cả các tỉnh phía Bắc bị ảnh hưởng của bão cần xác định "cứu dân là ưu tiên cao nhất", "sức mạnh lực lượng vũ trang là nòng cốt" để triển khai đồng bộ, quyết liệt mọi biện pháp từ phòng ngừa đến cứu hộ, cứu nạn, cứu trợ. Tổng Bí thư, Chủ tịch nước đề nghị rà soát, xác định ngay những điểm có nguy cơ cao lũ ống, lũ quét, sạt lở đất, đá, vỡ đê, ngập úng để di dời người dân đến nơi an toàn; thường xuyên phát hiện, cảnh báo người dân, bố trí lực lượng chốt chặn không để người dân đi lại, ở những nơi có nguy cơ cao; thường xuyên kiểm tra, khắc phục ngay những nguy cơ có thể xảy ra đối với hệ thống đê điều, hồ đập, cầu cống; có kế hoạch phân lũ trong trường hợp khẩn cấp để chủ động di dân. Đối với những địa bàn bị ảnh hưởng, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm lưu ý, triển khai nhanh nhất các biện pháp cứu hộ, cứu nạn, hỗ trợ lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm đến tận tay người cần hỗ trợ; lực lượng vũ trang (quân đội, công an) là nòng cốt; sử dụng mọi nguồn lực, trang thiết bị, ứng dụng khoa học công nghệ tìm kiếm người mất tích, người chết; đồng thời phải bảo đảm tuyệt đối an toàn cho lực lượng tham gia cứu hộ, cứu nạn, cứu trợ người dân. Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm yêu cầu, triển khai lực lượng, biện pháp khôi phục ngay các hoạt động bình thường của đời sống xã hội và sản xuất kinh doanh, vệ sinh môi trường, sửa chữa, khắc phục nhanh hệ thống giao thông, lưới điện, thông tin liên lạc, trường học, bệnh viện, tuyệt đối không để các cháu học sinh thiếu lớp, thiếu trường, không để người bệnh không có nơi khám chữa bệnh; lưu ý phòng, chống dịch bệnh sau lũ; hỗ trợ người dân tiếp cận nguồn vốn vay sớm để khôi phục sản xuất. Triển khai các biện pháp bảo vệ tuyệt đối an ninh, trật tự; xử lý kịp thời những đối tượng đưa tin sai sự thật gây hoang mang về tình hình thiên tai, không để xảy ra tình trạng lợi dụng đẩy giá, trục lợi, trộm cắp tài sản. Nhân dịp này, dưới sự chứng kiến của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã trao số tiền 20 tỷ đồng ủng hộ tỉnh Tuyên Quang khắc phục hậu quả do bão số 3 gây ra. |
Thủ tướng Phạm Minh Chính: Không để người dân nào thiếu ăn, thiếu mặc, thiếu chỗ ở, thiếu nước sạch… |
Tối 12/9, tại trụ sở UBND huyện Bảo Yên, tỉnh Lào Cai, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã có cuộc làm việc với các bộ, ngành, địa phương về công tác khắc phục hậu quả thiên tai, ngay sau khi thị sát hiện trường vụ sạt lở làm gần 100 người chết và mất tích tại thôn Làng Nủ, xã Phúc Khánh, huyện Bảo Yên. Phát biểu tại cuộc làm việc, Thủ tướng cho biết, cuộc họp nhằm đánh giá lại đợt thiên tai vừa qua và công tác ứng phó, khắc phục hậu quả trên địa bàn tỉnh Lào Cai nói chung, huyện Bảo Yên nói riêng. Lịch sử Lào Cai chưa bao giờ có trận mưa lũ như lần này. Thay mặt Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm và lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Thủ tướng gửi lời chia buồn, thăm hỏi sâu sắc nhất tới các gia đình có người thân bị thiệt mạng, mất tích; đồng thời hoan nghênh Đảng bộ, chính quyền, quân và dân Lào Cai đã nỗ lực, quyết tâm, vận dụng hết khả năng, "gồng mình" ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai. Ngoài thiệt hại về vật chất, Người đứng đầu Chính phủ cho rằng, tổn thương về tinh thần, tâm lý của một bộ phận người dân cũng rất nặng nề, cần được động viên, chia sẻ và có giải pháp.T
|
hủ tướng nhấn mạnh 4 mục tiêu: (i) Không để người dân nào thiếu ăn, thiếu mặc, thiếu chỗ ở, thiếu nước sạch; (ii) Nhanh chóng ổn định tình hình cho người dân, doanh nghiệp và toàn xã hội; (iii) Khôi phục sản xuất, kinh doanh cả nông nghiệp, công nghiệp, dịch vụ, tạo việc làm, sinh kế cho người dân; (iv) Giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội, an ninh, an toàn, an dân. Người đứng đầu Chính phủ yêu cầu tất cả hệ thống chính trị phải vào cuộc, Đảng bộ, chính quyền, quân và dân, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội các cấp thực hiện thật tốt các công việc theo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn để khắc phục hậu quả mưa lũ thật hiệu quả, tự tin, tự lực, tự cường, phấn đấu bằng mọi khả năng của mình, với tinh thần đặt tính mạng, an toàn, sức khỏe của người dân lên trên hết, trước hết. |
Chỉ rõ 15 nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm với các địa phương nói chung và Lào Cai nói riêng, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu trước hết cần tập trung lực lượng tìm kiếm người mất tích, cứu chữa người bị thương, bị bệnh, lo hậu sự và chính sách cho người thiệt mạng. Thứ hai, đánh giá, quy hoạch, di dời người dân ra khỏi khu vực nguy hiểm với giải pháp tổng thể cho toàn tỉnh Lào Cai. Riêng với thôn Làng Nủ, cần khẩn trương tìm địa điểm an toàn để chậm nhất 31/12/2024 phải hoàn thành việc xây dựng lại thôn này, đáp ứng mong mỏi của người dân, nơi ở mới phải tốt hơn nơi ở cũ. Thứ ba, tìm mọi cách, bằng mọi phương tiện để tiếp cận những nơi bị chia cắt, trên cơ sở đổi mới tư duy, không tiếp cận theo cách suy nghĩ lối mòn; từ đó tiếp tế lương thực, thực phẩm, nước sạch, nhu yếu phẩm cho người dân. Cùng với đó, dọn dẹp, bảo đảm vệ sinh môi trường; khôi phục hạ tầng giao thông, điện, nước, viễn thông; tổ chức lại sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm, sinh kế cho người dân; sửa chữa các trường lớp, nơi nào ổn định phải cho học sinh trở lại trường ngay; sửa chữa cơ sở y tế để khám chữa bệnh cho người dân; rà soát thiệt hại, phân tích nguyên nhân, đề ra nhiệm vụ, giải pháp khắc phục. Giao một số nhiệm vụ cụ thể cho các bộ, ngành trong hỗ trợ, hướng dẫn các địa phương, trong đó có Lào Cai, Thủ tướng yêu cầu lực lượng quân đội, công an có thể điều động thêm người, tích cực tham gia khắc phục hậu quả thiên tai, hỗ trợ địa phương nhanh chóng ổn định tình hình. Về khôi phục hệ thống giao thông bị hư hại, ảnh hưởng, Bộ Giao thông vận tải lo đường lớn, tỉnh lo tỉnh lộ, huyện lo huyện lộ, xã lo xã lộ. Bộ Công Thương bảo đảm nguồn cung xăng dầu và các loại hàng hóa, bảo đảm không găm hàng, đội giá, làm giá, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phải tính toán lại số thiệt hại về lúa, hoa màu, nhanh chóng hướng dẫn bà con khôi phục canh tác, nuôi trồng thuỷ sản, vật nuôi. |
Thủ tướng cũng yêu cầu kêu gọi, phát huy tinh thần tương thân, tương ái của người dân, lá lành đùm lá rách, lá rách đùm lá rách hơn; phân bổ nguồn ủng hộ một cách phù hợp, tránh tiêu cực, thất thoát. Cùng với đó, đẩy mạnh công tác truyền thông, thúc đẩy tinh thần tự lực, tự cường và tăng cường thông tin hướng dẫn kỹ năng ứng phó thiên tai, mưa lũ và thực hiện nghiêm chỉ đạo của các cơ quan có thẩm quyền. Tiến hành công tác tổng kết, làm tốt việc thi đua, khen thưởng những người làm tốt, xử lý những cán nhân, đơn vị không hoàn thành nhiệm vụ. |
Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn: Quán triệt sâu sắc quan điểm đặt tính mạng, an toàn về người lên cao nhất |
Chiều 12/9, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn và Đoàn công tác Trung ương đã đến làm việc tại tỉnh Thái Nguyên trực tiếp nắm tình hình; hỗ trợ và chia sẻ với địa phương nhằm sớm khắc phục hậu quả do bão số 3 gây ra. Thị sát tình hình, thăm và động viên nhân dân xã Nga My - một trong những nơi là “rốn lũ” của huyện Phú Bình (tỉnh Thái Nguyên) với mực nước lũ dâng cao trong những ngày qua, Chủ tịch Quốc hội mong muốn bà con đoàn kết, “tương thân, tương ái”, cùng nhau chia sẻ khó khăn, chung tay khắc phục hậu quả mưa lũ. |
Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đã trao 200 suất quà động viên các hộ dân chịu ảnh hưởng trực tiếp từ cơn bão số 3 và mưa lũ gây ra của huyện Phú Bình. Trước đó, phát biểu thăm hỏi và động viên Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Thái Nguyên, Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, bão số 3 là cơn bão rất mạnh trong vòng hàng chục năm trở lại đây. Mặc dù lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các cấp, các ngành đã chỉ đạo quyết liệt, triển khai đồng bộ nhiều giải pháp, nhưng với sức gió rất mạnh, cơn bão đã gây ra sức tàn phá rất lớn và ngay sau bão là mưa lũ, gây ảnh hưởng nặng nề tới tính mạng, tài sản của người dân các tỉnh phía Bắc. Trước tình hình đó, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm đã có thư thăm hỏi và lời kêu gọi đồng bào, chiến sĩ, cả hệ thống chính trị cùng sự chung tay của toàn xã hội khẩn trương hỗ trợ nhân dân khắc phục hậu quả bão lũ. Chia sẻ với những thiệt hại về người và tài sản do cơn bão, mưa lũ gây ra cho tỉnh Thái Nguyên, Chủ tịch Quốc hội đề nghị Đảng bộ, chính quyền tỉnh tiếp tục quán triệt, thực hiện đầy đủ, nghiêm túc các chỉ đạo của Trung ương. Trong đó, tỉnh tiếp tục tập trung cao độ, huy động cả hệ thống chính trị để khắc phục nhanh hậu quả thiên tai, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại về người và tài sản; kịp thời tổ chức cứu trợ người dân khu vực ngập sâu, tổ chức tốt các điểm di dân, cứu trợ, bảo đảm không có người bị đói, không có chỗ ngủ, không có nơi tránh trú an toàn, nhất là người già, trẻ em, các đối tượng yếu thế, không nơi nương tựa. Người đứng đầu Quốc hội yêu cầu tỉnh Thái Nguyên tiếp tục huy động lực lượng hỗ trợ người dân sửa chữa nhà ở, dọn dẹp vệ sinh môi trường, phòng, chống dịch bệnh sau khi nước rút, bảo đảm người dân sớm ổn định cuộc sống; nhanh chóng khắc phục thiệt hại bảo đảm cấp điện, kết nối thông tin liên lạc; khắc phục các đoạn đường sạt lở, sụt lún; kiểm tra lại hệ thống cầu đường trên địa bàn, bảo đảm tuyệt đối an toàn cho người dân; có cảnh báo vùng nguy hiểm, có nguy cơ sạt lở, lũ lụt... Lãnh đạo Tỉnh chỉ đạo ngành giáo dục sớm khắc phục các điểm trường ngập lụt, bảo đảm 100% các cháu ở các cấp học đều được đến trường, sớm ổn định việc dạy và học; quan tâm đến các em học sinh có hoàn cảnh khó khăn, động viên, hỗ trợ để các em sớm trở lại trường học. Chủ tịch Quốc hội yêu cầu các cấp, ngành, chính quyền của tỉnh tổ chức ứng trực 24/24 giờ, nắm bắt tình hình để có biện pháp ứng phó kịp thời, không chủ quan, lơ là. Bên cạnh các nhiệm vụ được phân công, các cấp, các ngành, các lực lượng phải chủ động bám sát để thực hiện, không chờ đợi sự chỉ đạo, hỗ trợ; quán triệt sâu sắc quan điểm đặt tính mạng, an toàn về người lên cao nhất, tiếp tục duy trì công tác dự báo, truyền thông, cập nhật tình hình nhanh đến nhân dân; tuyên truyền, vận động người dân tuyệt đối lắng nghe chỉ đạo, thông báo của chính quyền địa phương; phát huy tinh thần “tương thân tương ái”, “lá lành đùm lá rách”, tham gia ủng hộ, khắc phục hậu quả mưa lũ. Đồng thời, bảo đảm giữ vững an ninh, trật tự trên địa bàn; phản bác lại các luận điệu xuyên tạc, chống phá Nhà nước. Nhân dịp này, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đã trao 30 tỷ đồng của Ban Cứu trợ Trung ương cho tỉnh Thái Nguyên để hỗ trợ khắc phục hậu quả cơn bão số 3 và mưa lũ xảy ra trên địa bàn. |
Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Hòa Bình: Ý thức của người dân rất tốt, chấp hành nghiêm các các chỉ đạo của chính quyền |
Tiếp theo Hà Nam, Hưng Yên là địa phương thứ 2 Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình tới thị sát tình hình mưa lũ, kiểm tra thiệt hại về nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản và công tác phòng, chống lũ lụt tại các xã trên địa bàn tỉnh. Phó Thủ tướng Thường trực cùng đoàn công tác của Chính phủ đã đi cano dọc tuyến sông Hồng thuộc địa bàn Hưng Yên để thị sát tình hình mưa lũ, kiểm tra thiệt hại về nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản và công tác phòng, chống lũ lụt tại các xã trên địa bàn Tỉnh. |
Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Hòa Bình đánh giá cao các cấp ủy đảng, chính quyền, đặc biệt là các lực lượng chức năng như quân đội, công an của Hưng Yên… đã rất nỗ lực và quyết liệt, trách nhiệm trong công tác phòng, chống cơn bão số 3 vừa qua, cũng như công tác ứng phó với lũ lụt hiện nay; cho rằng, trong thời gian ngắn, Hưng Yên đã di chuyển và sơ tán được số lượng lớn hộ dân ở ngoài đê đến nơi an toàn; ý thức của người dân rất tốt, chấp hành nghiêm các các chỉ đạo của chính quyền. Người dân được di dời đến nơi an toàn được chính quyền chăm lo, bảo đảm các điều kiện về chỗ ở, ăn uống, sinh hoạt trong những ngày chống lũ. “Yêu cầu các cấp chính quyền của Hưng Yên thường xuyên bám sát tình hình mưa lũ; dân cư sinh sống ở những vùng có nguy cơ cao, không an toàn phải kiên quyết trong công tác di dời người dân tới vùng an toàn. Sau khi nước rút, lãnh đạo, chính quyền các cấp của Hưng Yên cần đặc biệt quan tâm đến công tác vệ sinh môi trường, phòng, chống dịch bệnh; có sự hỗ trợ cần thiết đối với người dân, nhất là người yếu thế để sớm ổn định cuộc sống, sinh hoạt sau lũ.”, Phó Thủ tướng Thường trực lưu ý. Nhân dịp này, Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Hòa Bình đã thăm hỏi, tặng quà cho người dân vùng lũ của tỉnh Hưng Yên; tặng xã Hùng Cường và xã Phú Cường (thuộc TP. Hưng Yên) là 2 trong số các xã bị thiệt hại nặng nề nhất của mưa lũ, mỗi xã 10 tấn gạo để hỗ trợ người dân. |
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà: Mong muốn người dân nhanh chóng vượt qua khó khăn do thiên tai Chiều 12/9, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đã kiểm tra công tác khắc phục hậu quả sau bão số 3 và tình trạng ngập lụt tại tỉnh Nam Định. “Trước những diễn biến phức tạp của mưa lũ, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã có những chỉ đạo kịp thời với mục tiêu đảm bảo an toàn, sức khỏe, tính mạng cho nhân dân là trên hết, trước hết. Do đó, tỉnh Nam Định cần tiếp tục chủ động, chuẩn bị đầy đủ phương án để giảm thiểu thiệt hại cho người dân.”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh. Phó Thủ tướng đề nghị, Nam Định tiếp tục quan tâm, chỉ đạo các lực lượng hỗ trợ người dân. Chính quyền cùng người dân để giải quyết các vấn đề khắc phục sau ngập lụt, như vấn đề nước uống, dọn dẹp vệ sinh môi trường, dịch bệnh… Bộ Y tế nắm bắt tình hình nguy cơ dịch bệnh, đảm bảo phòng chống chủ động sau khi nước lũ rút đi. Bộ Tài nguyên và Môi trường bảo đảm vật tư, hoá chất xử lý ô nhiễm môi trường. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hướng dẫn địa phương họ trợ người dân chuẩn bị giống hoa màu, phân bón... để người dân nhanh chóng quay trở lại sản xuất, chuẩn bị cho dịp cuối năm. “Mặc dù 5 tuyến đê biển của Nam Định vẫn an toàn, nhưng cần phải rút ra những bài học kinh nghiệm, xác định nhiệm vụ cụ thể, bao gồm cả đầu tư hạ tầng thiết yếu nhằm chủ động hơn nữa với thiên tai, bão lũ trong thời gian tới; báo cáo Trung ương những vấn đề vượt khả năng của Tỉnh.”, Phó Thủ tướng lưu ý. Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà mong muốn người dân nhanh chóng vượt qua khó khăn do thiên tai, thực hiện nghiêm túc chỉ đạo, hướng dẫn của cấp uỷ, chính quyền địa phương, sớm trở lại cuộc sống sinh hoạt, sản xuất thường ngày. Phó Thủ tướng Lê Thành Long: Trong mọi tình huống thì ưu tiên cao nhất luôn là sức khỏe, tính mạng của nhân dân Sáng 11/9, Phó Thủ tướng Lê Thành Long đã đến thị sát tình hình hồ thủy điện Thác Bà (tỉnh Yên Bái) và kiểm tra công tác vận hành công trình này. Thời điểm đến kiểm tra, trời đã bớt mưa; hồ thủy điện đang vận hành ổn định, lưu lượng nước về hồ ở mức hơn 3.100 m3/giây. Trao đổi với lãnh đạo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), tỉnh Yên Bái, Giám đốc Thủy điện Thác Bà, Phó Thủ tướng Lê Thành Long nhấn mạnh yêu cầu tiếp tục thực hiện nghiêm các chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, đặc biệt lưu ý, trong mọi tình huống thì ưu tiên cao nhất luôn là sức khỏe, tính mạng của nhân dân. Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc: Không để xảy ra thiệt hại về người sau khi bão đi qua Chiều 10/9, Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc cùng đoàn công tác Trung ương đã đi kiểm tra, chỉ đạo công tác phòng, chống mưa lũ tại tỉnh Bắc Kạn. Đi khảo sát khu dân cư bị cô lập, thăm hỏi động viên nhân dân và làm việc với UBND Tỉnh về công tác ứng phó, khắc phục hậu quả mưa lũ, Phó Thủ tướng đề nghị tiếp tục thông tin rộng rãi về công tác ứng phó mưa lũ để bà con chủ động ứng phó, không để xảy ra thiệt hại về người sau khi bão đi qua. Đề nghị tỉnh chỉ đạo huyện và các cơ quan làm lại và sửa chữa ngay lại nhà cho dân bị sập đổ, hư hỏng trong bão, dựa trên nguồn kinh phí của tỉnh và đề nghị Trung ương hỗ trợ. Yêu cầu tỉnh tập trung khắc phục các công trình hạ tầng; kiểm tra ngay các điểm sạt lở trên các tuyến giao thông, có cảnh báo tránh để xảy ra hậu quả và xử lý; kiểm tra an toàn hệ thống cầu treo, đê đập, công trình thủy lợi để có giải pháp khắc phục trước mắt và lâu dài... Về khắc phục hệ thống điện, phải đảm báo tiến độ và bảo đảm an toàn tính mạng cho người dân. Đặc biệt về giáo dục, tỉnh phải huy động lực lượng khẩn trương sửa sang, vệ sinh lại trường lớp để các em học sinh sớm trở lại trường. Liên quan đến những kiến nghị liên quan đến tài chính, Phó Thủ tướng yêu cầu Tỉnh làm ngay báo cáo gửi về trung ương để xử lý trước mắt. Yêu cầu Bộ Y tế cấp ngay hóa chất khử khuẩn để tỉnh xử lý môi trường… Phó Thủ tướng Bùi Thanh Sơn: Không để người dân nào thiếu lương thực, nước uống Chiều 11/9, ngay sau khi làm việc với UBND tỉnh Lạng Sơn, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn đã trực tiếp kiểm tra, thị sát và chỉ đạo công tác ứng phó lũ lụt; thăm và tặng quà các gia đình bị thiệt hại do bão số 3 gây ra, tặng quà lực lượng vũ trang đang làm nhiệm vụ tại các huyện Tràng Định, Văn Lãng thuộc tỉnh Lạng Sơn. Yêu cầu Lạng Sơn nhanh chóng xử lý hậu quả mưa lũ, ổn định đời sống người dân. Kiểm tra công tác ứng cứu, di dời người dân tại huyện Văn Lãng, Phó Thủ tướng Bùi Thanh Sơn lưu ý, tình hình mưa bão vẫn diễn biến rất phức tạp. Các cấp lãnh đạo tỉnh, huyện cần tiếp tục bám sát diễn biến thực tế trên địa bàn để kịp thời chỉ đạo triển khai ứng phó, nhất là nhiệm vụ di dời người dân, tài sản ra khỏi các khu vực bị sạt lở, ngập lụt và có nguy cơ nguy hiểm. Trên cơ sở đó, tiếp tục triển khai lực lượng, phương tiện hỗ trợ người dân khắc phục hậu quả, thiệt hại và ổn định sinh hoạt, đời sống. Phó Thủ tướng Bùi Thanh Sơn nhấn mạnh, UBND Tỉnh phải tiếp tục chỉ đạo UBND các xã, thị trấn thường xuyên theo dõi các vị trí ngập úng, sẵn sàng huy động các lực lượng thực hiện nhiệm vụ khắc phục hậu quả mưa lũ với phương châm "nước rút đến đâu xử lý đến đó". Đồng thời, phát huy tinh thần quyết tâm, quyết liệt trong xử lý các sự cố, bảo đảm cấp điện, nước sinh hoạt cho nhân dân sau bão. Phó Thủ tướng yêu cầu chính quyền tỉnh Lạng Sơn và huyện Tràng Định tiếp tục khẩn trương rà soát các gia đình trong các khu vực ngập lụt, không để người dân nào thiếu lương thực, nước uống. Cần phải phối hợp với các cơ quan liên quan, chỉ đạo đơn vị điện lực, viễn thông trên địa bàn kịp thời khắc phục các sự cố, nhanh chóng khôi phục thông tin liên lạc và cấp điện cho nhân dân…/. |
TV Ảnh: VGP, nhandan.vn |