Trong đó, chính sách tín dụng ưu đãi đối với người lao động huyện nghèo đi làm việc ở nước ngoài theo Quyết định số 71/2009/QĐ-TTg và Quyết định số 27/2019/QĐ-TTg đã giải quyết cho 2.509 lượt người vay vốn xuất khẩu lao động, với doanh số cho vay đạt 198 tỷ đồng.

Nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn vốn vay hỗ trợ người lao động đi làm việc ở nước ngoài
Ảnh minh họa

Những chính sách trợ lực cho người nghèo đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng

Để hỗ trợ người lao động thuộc một số nhóm đối tượng yếu thế trong xã hội có vốn để đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội và các cơ quan liên quan đã trình ban hành một số chính sách cho vay, điển hình như: Quyết định số 365/2004/QĐ-NHNN về việc cho vay đối với người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài được thực hiện từ năm 2004. Đối tượng thụ hưởng của Quyết định này là người lao động thuộc hộ nghèo và thân nhân người có công với cách mạng. Về mức cho vay, căn cứ theo quy định trong từng thời kỳ, Ngân hàng Chính sách xã hội cho vay tối đa bằng 80% tổng chi phí cần thiết ghi trong hợp đồng lao động, riêng đối tượng chính sách đi lao động tại Malaysia được vay vốn tối đa bằng 100% chi phí cần thiết ghi trong hợp đồng; đến năm 2006, mức cho vay đã được nâng lên bằng 100% chi phí của người đi làm việc ở nước ngoài, nhưng không quá 20 triệu đồng/lao động (Nghị quyết số 171/NQ-HĐQT, ngày 29/8/2006 của Ngân hàng Chính sách xã hội); đến năm 2007, mức cho vay tối đa là 30 triệu đồng/lao động (Nghị quyết số 80/NQ-HĐQT, ngày 07/5/2007 của Ngân hàng Chính sách xã hội). Lãi suất vay vốn bằng lãi suất vay vốn đối với hộ nghèo theo từng thời kỳ do Chính phủ quy định.

Sau khi Chính phủ ban hành Nghị định số 61/2015/NĐ-CP, ngày 09/7/2015 về chính sách hỗ trợ tạo việc làm và Quỹ quốc gia về việc làm (có hiệu lực từ ngày 01/9/2015), việc cho vay đối với người thuộc hộ nghèo và thân nhân người có công với cách mạng được thực hiện theo quy định tại Nghị định số 61/2015/NĐ-CP, ngày 09/7/2015 của Chính phủ.

Quyết định số 52/2012/QĐ-TTg về hỗ trợ giải quyết việc làm và đào tạo nghề cho người lao động bị thu hồi đất nông nghiệp, người lao động thuộc các hộ gia đình trực tiếp sản xuất nông nghiệp trên phạm vi cả nước bị nhà nước thu hồi đất nông nghiệp, mà không có đất để bồi thường được vay vốn để đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.

Quyết định số 52/2012/QĐ-TTg được thay thế bằng Quyết định số 63/2015/QĐ-TTg ngày 10/12/2015 của Thủ tướng Chính phủ về chính sách hỗ trợ đào tạo nghề và giải quyết việc làm cho người lao động bị thu hồi đất (có hiệu lực từ ngày 01/02/2016). Đối tượng vay vốn, ngoài người lao động thuộc hộ gia đình, cá nhân trực tiếp sản xuất nông nghiệp bị nhà nước thu hồi đất nông nghiệp tại Quyết định số 52/2012/QĐ-TTg, thì Quyết định số 63/2015/QĐ-TTg bổ sung thêm nhóm “lao động thuộc hộ gia đình, cá nhân khi Nhà nước thu hồi đất ở kết hợp kinh doanh, dịch vụ mà phải di chuyển chỗ ở”.

Theo Nghị định số 61/2015/NĐ-CP về hỗ trợ tạo việc làm và Quỹ quốc gia về việc làm, Nghị định số 74/2019/NĐ-CP, ngày 23/9/2019 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 61/2015/NĐ-CP quy định về chính sách hỗ trợ tạo việc làm và Quỹ quốc gia về việc làm, người lao động thuộc hộ nghèo, cận nghèo, hộ bị thu hồi đất nông nghiệp, người lao động là người dân tộc thiểu số, thân nhân người có công với cách mạng được vay tối đa 100% chi phí đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng ký kết giữa người lao động và doanh nghiệp dịch vụ, tổ chức sự nghiệp đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, với các khoản vay từ 100 triệu đồng trở lên, người lao động phải có tài sản bảo đảm tiền vay theo quy định của pháp luật.

Quyết định số 27/2019/QĐ-TTg về tín dụng đối với người lao động tại huyện nghèo đi làm việc ở nước ngoài đến năm 2020 (Chính sách tín dụng ưu đãi đối với người lao động huyện nghèo đi làm việc ở nước ngoài trong giai đoạn 2009 đến ngày 25/10/2019 thực hiện theo quy định tại Quyết định số 71/2009/QĐ-TTg, ngày 29/4/2009 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án hỗ trợ các huyện nghèo đẩy mạnh xuất khẩu lao động góp phần giảm nghèo bền vững giai đoạn 2009-2020). Đối tượng vay vốn là người lao động sinh sống tại huyện nghèo theo Nghị quyết số 30/2008/NQ-CP. Người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng tại các huyện nghèo được vay theo nhu cầu và tối đa bằng các khoản chi phí phải đóng góp theo từng thị trường và theo điều khoản hợp đồng đi làm việc ở nước ngoài được ký kết giữa người lao động và doanh nghiệp dịch vụ hoặc tổ chức sự nghiệp đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài.

Mới đây, Bộ Tài chính ban hành Thông tư số 46/2022/TT-BTC, ngày 28/7/2022 quy định quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí sự nghiệp từ nguồn ngân sách trung ương thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025.

Thông tư quy định rõ về việc hỗ trợ lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng. Cụ thể, nội dung và mức hỗ trợ như sau:

a) Đối với người lao động thuộc hộ nghèo, hộ đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện nghèo, xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang, ven biển và hải đảo có nhu cầu đi làm việc ở nước ngoài: Nội dung và mức chi thực hiện theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 25 Thông tư số 15/2022/TT-BTC (không bao gồm chi phí hỗ trợ tiền đi lại (1 lượt đi và về) cho người lao động từ nơi đăng ký hộ khẩu thường trú đến địa điểm đào tạo);

b) Đối với người lao động thuộc hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo trên địa bàn huyện nghèo, xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang, ven biển và hải đảo có nhu cầu đi làm việc ở nước ngoài được hỗ trợ tiền đào tạo nghề, bổ túc kỹ năng nghề theo chi phí thực tế, tối đa theo mức quy định tại Quyết định số 46/2015/QĐ-TTg; hỗ trợ đào tạo ngoại ngữ theo chi phí thực tế, tối đa bằng 70% và hỗ trợ các chi phí khác theo mức hỗ trợ đối với đối tượng quy định tại điểm a nêu trên;

c) Đối với người lao động khác đang sinh sống trên địa bàn huyện nghèo, xã bãi ngang, ven biển và hải đảo có nhu cầu đi làm việc ở nước ngoài được hỗ trợ tiền đào tạo nghề, bổ túc kỹ năng nghề theo chi phí thực tế, tối đa theo mức quy định tại Quyết định số 46/2015/QĐ-TTg; hỗ trợ đào tạo ngoại ngữ theo chi phí thực tế, tối đa bằng 50% theo mức hỗ trợ đối với đối tượng quy định tại điểm a.

Bên cạnh đó, chi hỗ trợ một phần chi phí đào tạo nâng cao trình độ ngoại ngữ cho người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo các hiệp định ký giữa Chính phủ Việt Nam và chính phủ nước tiếp nhận: Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội quyết định mức hỗ trợ cụ thể đảm bảo phù hợp với thỏa thuận giữa hai chính phủ về việc hỗ trợ chi phí đào tạo nâng cao trình độ ngoại ngữ cho người lao động đi làm việc ở nước ngoài và trong phạm vi dự toán được cấp có thẩm quyền giao.

Chi hỗ trợ người làm công tác trực tiếp giới thiệu, tư vấn cho người lao động và thân nhân người lao động đi làm việc ở nước ngoài: Tối đa 50.000 đồng/người/buổi tư vấn, nhưng không quá 500.000 đồng/tháng.

Địa phương cũng "trợ lực"

Ngoài các chính sách cho vay vốn nêu trên, một số địa phương có các chính sách cho vay đối với người lao động cư trú trên địa bàn từ nguồn ngân sách của tỉnh, ủy thác qua Ngân hàng Chính sách xã hội, như: Vĩnh Phúc, Bến Tre, Tiền Giang, An Giang, Kiên Giang, Ninh Thuận, Bình Định, Lâm Đồng, Thừa Thiên Huế, Trà Vinh, Hải Dương, Khánh Hòa, Bạc Liêu, Vĩnh Long, Long An, hoặc ưu tiên trích từ nguồn thu hồi cho vay từ Quỹ quốc gia giải quyết việc làm để cho vay xuất khẩu lao động (như: Quảng Ngãi, Bến Tre, Sóc Trăng...).

Đối với chính sách cho vay để đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng do các địa phương ban hành, đối tượng vay vốn được mở rộng là thanh niên chưa có việc làm ổn định, người hoàn thành nghĩa vụ quân sự, công an, người thuộc diện mồ côi hoặc từ các cơ sở bảo trợ xã hội.

Theo Ngân hàng Chính sách xã hội Chi nhánh tỉnh Yên Bái, giai đoạn 2012 - 2022 đơn vị đã thực hiện giải ngân cho 254 lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng với doanh số đạt 19.350 triệu đồng. Trong đó, cho vay tại huyện nghèo theo Quyết định số 71/2009/QĐ-TTg và Quyết định số 27/2019/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ là 15.106 triệu đồng. Đến nay, dư nợ của Chương trình đạt 7,5 tỷ đồng với 119 khách hàng còn dư nợ.

Ngân hàng này chỉ rõ, con số này chưa tương xứng với tiềm năng thực tế và nguyên nhân khách quan là do từ đầu năm 2020 tới nay, công tác xuất khẩu lao động gần như bị đóng băng do đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp tại nhiều quốc gia.

Nguyên nhân chủ quan là do một số trường hợp lao động người dân tộc thiểu số chưa thực sự thay đổi được tư duy trong lao động, ý thức kỷ luật lao động không cao, nên dễ xảy ra tình trạng bỏ dở công việc, vi phạm hợp đồng lao động... Điều này dẫn đến, hiện nay nợ quá hạn, nợ khoanh của chương trình chiếm 4,3% tổng dư nợ và hầu hết là nợ khó có khả năng thu hồi, do hộ vay đi làm việc tại nước ngoài phải về nước trước thời hạn, nhưng không đủ giấy tờ chứng minh hoàn cảnh gia đình khó khăn không có khả năng trả nợ.

Đặc biệt, việc triển khai cho vay theo chính sách tại một số địa phương còn hạn chế, chủ yếu do nguồn ngân sách nhiều địa phương không bố trí được nguồn vốn vay; Quỹ quốc gia về việc làm cũng chưa được bổ sung nguồn vốn để cho vay đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.

Để nâng cao hiệu quả nguồn vốn hỗ trợ

Vì thế, để thực hiện tốt công tác đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, cũng như nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn vốn hỗ trợ người lao động, đặc biệt là đối tượng thuộc nhóm yếu thế đi làm việc ở nước ngoài trong thời gian tới, Cục Quản lý lao động ngoài nước, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội sẽ tiếp tục tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện hoạt động đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng của các doanh nghiệp, chấn chỉnh việc ký hợp đồng, cung cấp hoá đơn, chứng từ thu tiền của doanh nghiệp đối với người lao động.

Tăng cường đôn đốc các doanh nghiệp giải quyết nhanh chóng các trường hợp phát sinh đối với người lao động, đảm bảo quyền và lợi ích cho họ. Tiếp tục phối hợp với Ngân hàng Chính sách xã hội rà soát và đôn đốc doanh nghiệp giải quyết các tồn đọng liên quan đến các khoản vốn vay của người lao động nộp cho doanh nghiệp, nhưng không đi được hoặc phải về nước trước thời hạn. Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cần nghiên cứu, xem xét và có thể kiến nghị Chính phủ có cơ chế xử lý nợ đặc thù đối với các trường hợp hộ nghèo, hộ dân tộc thiểu số thuộc huyện nghèo vay vốn đi làm việc tại nước ngoài theo hợp đồng phải về nước trước thời hạn, vì lý do khách quan trong giai đoạn khủng hoảng kinh tế, chính trị trên thế giới.

Đồng thời, kiến nghị với các cơ quan chức năng xem xét bổ sung nguồn vốn cho Quỹ quốc gia về việc làm để cho vay đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng./.