Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã nghiên cứu, xây dựng dự thảo Nghị định quy định cơ chế, chính sách ưu đãi và khuyến khích đối với Trung tâm đổi mới sáng tạo quốc gia. Dự thảo Nghị định gồm 02 chương 9 điều và đang được đăng tải trên Cổng thông tin điện tử Bộ Kế hoạch và Đầu tư để lấy ý kiến rộng rãi.

Trong bối cảnh Cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang diễn ra nhanh chóng và các nước đang chạy đua xây dựng các trung tâm đổi mới sáng tạo để thúc đẩy hoạt động nghiên cứu phát triển và ứng dụng các công nghệ mới, việc xây dựng Nghị định quy định cơ chế, chính sách ưu đãi và khuyến khích đối với Trung tâm đổi mới sáng tạo quốc gia là rất cần thiết.

Kinh nghiệm quốc tế và trong nước cho thấy, ưu đãi và khuyến khích là điều kiện tiên quyết để thu hút đầu tư và nhân tài cho các hoạt động nghiên cứu phát triển và đổi mới sáng tạo, từ đó tạo ra công nghệ mới, sản phẩm, dịch vụ, mô hình kinh doanh mới, nâng cao năng suất và hiệu quả của nền kinh tế.

Theo Dự thảo, mục đích xây dựng Nghị định nhằm quy định về cơ chế, chính sách ưu đãi và khuyến khích đối với Trung tâm đổi mới sáng tạo quốc gia để tạo cơ sở pháp lý cho việc áp dụng cơ chế chính sách ưu đãi cao nhất trong khung khổ pháp luật, phấn đấu tạo ra một môi trường kinh doanh thuận lợi tối đa, là yếu tố quan trọng hàng đầu để Trung tâm đổi mới sáng tạo quốc gia thành công. Bên cạnh đó, tạo sức hấp dẫn để thu hút nhân tài, chuyên gia trong và ngoài nước, các tập đoàn công nghệ lớn từ các nước có trình độ công nghệ phát triển, đóng góp tích cực vào việc chuyển đổi mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất và năng lực cạnh tranh quốc gia trong dài hạn.

Ngoài ra, việc xây dựng Nghị định góp phần thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, Quốc hội, Chính phủ và chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về đổi mới mô hình tăng trưởng theo hướng dựa trên khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo và xây dựng Chính phủ kiến tạo.

Phối cảnh Trung tâm đổi mới sáng tạo quốc gia

Dự thảo Nghị định được xây dựng phải bảo đảm phù hợp với Hiến pháp và các quy định của pháp luật có liên quan, tính thống nhất trong hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, đất đai, đầu tư, đầu tư công, đấu thầu, thuế thu nhập doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, Nghị định phải phù hợp với tình hình kinh tế- xã hội của Việt Nam, định hướng của Chính phủ về hoàn thiện hạ tầng và chính sách nâng cao năng lực hấp thụ công nghệ và đổi mới sáng tạo của doanh nghiệp, khuyến khích, tạo điều kiện để doanh nghiệp tham gia nghiên cứu, phát triển và chuyển giao khoa học - công nghệ và thúc đẩy khởi nghiệp, đổi mới, sáng tạo.

Đồng thời, phù hợp với chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về đề xuất cơ chế chính sách, giải pháp đột phá, thông thoáng, thuận lợi để huy động nguồn lực từ các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước, góp phần tạo lợi thế cạnh tranh cho Việt Nam trong cuộc chạy đua phát triển kinh tế và đổi mới sáng tạo hiện nay.

Đáp ứng yêu cầu hội nhập sâu rộng của Việt Nam trong nền kinh tế thế giới, hỗ trợ doanh nghiệp khai thác các tiềm năng, lợi ích của hội nhập kinh tế.

Dự thảo đề xuất các cơ chế, chính sách ưu đãi và khuyến khích đối với Trung tâm đổi mới sáng tạo quốc gia. Điển hình như: Trung tâm được áp dụng cơ chế tiền lương như doanh nghiệp; được miễn áp dụng quy định chi trả tiền lương theo lương ngạch, bậc, chức vụ cho cán bộ, nhân viên của Trung tâm; được tự chủ tuyển dụng, thuê lao động và trả lương, thưởng cho cán bộ quản lý, điều hành và nhân viên theo nguyên tắc thị trường.

Đồng thời, Trung tâm còn được thuê đất trong tối đa 50 năm trong Khu nghiên cứu và Phát triển của Khu Công nghệ cao Hòa Lạc và được miễn toàn bộ tiền thuê đất cho cả thời hạn thuê theo quy định tại Khoản 2, Điều 14 Nghị định số 35/2017/NĐ-CP ngày 03/4/2017 của Chính phủ về thu tiền sử dụng đất, tiền thuê đất, thuê mặt nước trong Khu kinh tế, Khu công nghệ cao; Được ngân sách nhà nước bố trí kinh phí để bồi thường giải phóng mặt bằng, san lấp mặt bằng; không phải hoàn trả tiền bồi thường giải phóng mặt bằng; không phải trả tiền sử dụng hạ tầng cho chủ đầu tư hạ tầng trong trường hợp diện tích đất được thuê nằm trong khu vực phải trả tiền sử dụng hạ tầng.

Trung tâm còn được miễn thủ tục thẩm định nhu cầu sử dụng đất. Không phải ký quỹ bảo đảm thực hiện dự án. Được sử dụng diện tích đất được cho thuê để kinh doanh, liên doanh, liên kết với các nhà đầu tư phù hợp để thực hiện các chức năng, nhiệm vụ của Trung tâm mà không phải nộp tiền sử dụng đất. Bên cạnh đó, còn được hưởng mức thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp 10% trong 30 năm.

Trung tâm cũng sẽ được hưởng các ưu đãi tín dụng đầu tư của Nhà nước theo quy định tại Nghị định số 32/2017/NĐ-CP, ngày 31/3/2017 của Chính phủ về tín dụng đầu tư; được nhận tài trợ, cho vay, bảo lãnh vốn vay, hỗ trợ của Quỹ phát triển khoa học và công nghệ quốc gia và các quỹ phát triển khoa học và công nghệ của các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Đặc biệt, Trung tâm còn được tiếp nhận nguồn viện trợ chính thức (ODA), viện trợ phi chính phủ nước ngoài, tài trợ, cho tặng của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước để đầu tư xây dựng cơ sở vật chất và chi cho phí quản lý và hoạt động của Trung tâm.

Được thành lập Quỹ Hỗ trợ phát triển đổi mới sáng tạo quốc gia (sau đây gọi chung là Quỹ). Quỹ được tiếp nhận ODA, viện trợ phi chính phủ, tài trợ, cho tặng của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước phục vụ cho hoạt động của Trung tâm. Quỹ được sử dụng các nguồn tài chính huy động được để chi cho các hoạt động của Trung tâm, bao gồm cả chi thường xuyên và chi đầu tư, phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của Trung tâm theo yêu cầu thực tế.

Ngoài ra, Dự thảo nghị định còn quy định các cơ chế, chính sách ưu đãi và khuyến khích đối với các doanh nhân đổi mới sáng tạo và doanh nghiệp đổi mới sáng tạo đến đầu tư, nghiên cứu, phát triển công nghệ và ứng dụng công nghệ tại Trung tâm. Bên cạnh đó, còn có các chính sách thu hút đầu tư của các công ty công nghệ lớn đến đầu tư, hoạt động tại Trung tâm, thu hút đối tác hỗ trợ đổi mới sáng tạo hoạt động tại Trung tâm…/.

Tháng 7/2018, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư nghiên cứu, xây dựng Đề án thành lập Trung tâm đổi mới sáng tạo quốc gia (NIC). Hiện nay, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang hoàn thiện Đề án thành lập Trung tâm và hồ sơ thành lập Trung tâm để có thể ban hành quyết định thành lập Trung tâm trong thời gian sớm nhất theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

Theo đó, NIC sẽ được xây dựng tại Khu nghiên cứu và phát triển thuộc Khu Công nghệ cao Hòa Lạc (Hà Nội), bên cạnh Đại học FPT và khu Trung tâm của Khu Công nghệ cao Hòa Lạc.

Quy mô của NIC dự kiến 23ha. Mặt bằng xây dựng: 80.000m2 sàn. Vốn đầu tư dự kiến khoảng 1.900 tỷ đồng (khoảng 82 triệu USD), trong đó 1.700 tỷ đồng (khoảng 74 triệu USD) là vốn đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, 200 tỷ đồng là vốn lưu động và cần khoảng 5 - 6 triệu USD mỗi năm trong giai đoạn vận hành ổn định.

Dự án sẽ được thực hiện trong 3 năm kể từ ngày khởi công 2019 và có thể bắt đầu hoạt động từ năm thứ 2. Vốn đầu tư xây dựng huy động từ đóng góp của DN trong và ngoài nước dưới các hình thức đa dạng, thích hợp và thông qua xã hội hóa đầu tư; không sử dụng vốn đầu tư từ ngân sách.