eMagazine
Ước cả năm 2023, ít nhất có 10/15 chỉ tiêu đạt và vượt mục tiêu đề ra

13:23 | 16/10/2023

Theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, trong suốt từ đầu nhiệm kỳ khóa XV đến nay, Quốc hội luôn đồng hành và tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất cho Chính phủ. Không chỉ tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc về thể chế, mà còn tạo mọi điều kiện thuận lợi cho việc triển khai thực hiện của Chính phủ…

Ước cả năm 2023, ít nhất có 10/15 chỉ tiêu đạt và vượt mục tiêu đề ra

Ước cả năm 2023, ít nhất có 10/15 chỉ tiêu đạt và vượt mục tiêu đề ra

Theo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, trong suốt từ đầu nhiệm kỳ khóa XV đến nay, Quốc hội luôn đồng hành và tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất cho Chính phủ. Không chỉ tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc về thể chế, mà còn tạo mọi điều kiện thuận lợi cho việc triển khai thực hiện của Chính phủ…

Nền kinh tế “khát” vốn nhưng khó hấp thụ vốn

Dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, sáng nay (ngày 16/10), Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) cho ý kiến về các nội dung liên quan đến kinh tế - xã hội. Dự phiên họp có Phó Thủ tướng Lê Minh Khái, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng, cùng đại diện các bộ, ngành…

Trình bày Báo cáo thẩm tra kết quả thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023; dự kiến Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024; đánh giá giữa nhiệm kỳ thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2021-2025; Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021-2025, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh cho hay, trên cơ sở kết quả của 9 tháng, ước cả năm 2023, ít nhất có 10/15 chỉ tiêu đạt và vượt mục tiêu đề ra theo Nghị quyết số 68/2022/QH15.

Ước cả năm 2023, ít nhất có 10/15 chỉ tiêu đạt và vượt mục tiêu đề ra

Nền kinh tế đang đối mặt với nhiều khó khăn, do tăng trưởng kinh tế giảm tốc đáng kể; công nghiệp chế biến, chế tạo từng được coi là động lực dẫn dắt tăng trưởng trong nhiều năm, hiện giờ suy giảm.

“Nền kinh tế khát vốn nhưng khó hấp thụ vốn. Doanh nghiệp còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc liên quan đến công tác quản lý nhà nước ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh. Thu ngân sách nhà nước 9 tháng giảm 8,3% so với cùng kỳ năm trước…”, ông Thanh cho biết.

Theo Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Lê Quang Huy, tính đến tháng 9/2023, năng suất lao động mới chỉ tăng 4,8%, như vậy rất khó đạt được mục tiêu đề ra 5% - 6%. Các chuyên gia, nhà khoa học quốc tế cũng đánh giá, nếu chỉ tăng 1% năm suất sẽ tác động rất lớn đến tăng GDP. Do vậy, Chính phủ cần quan tâm thêm về chất lượng nguồn nhân lực, giúp năng suất, vốn, kỹ thuật công nghệ và năng lực quản trị phát triển. Bởi nguồn nhân lực là động lực nội sinh và cốt lõi của nền kinh tế.

“Đối với ba đột phá chiến lược, hai yếu tố là thể chế và hạ tầng đã được triển khai tích cực và hiệu quả, nhưng nhân lực vẫn chưa có đột phá mặc dù đã được quan tâm. Vì vậy, Chính phủ cần nhận diện các điểm nghẽn để có giải pháp cụ thể, gắn với các chương trình, đề án, gắn với các giải pháp về khoa học, công nghệ…”, ông Huy đề xuất.

Về dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 2024, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề nghị, cần bổ sung thêm mục tiêu chung của năm 2024. Trong thời gian tới, tinh thần phải phấn đấu quyết liệt hoàn thành cao nhất các nhiệm vụ, chỉ tiêu của năm 2023, hoàn thành toàn diện kế hoạch năm 2024, để góp phần cho hoàn thành nhiệm vụ của cả nhiệm kỳ. Tiếp thu ý kiến tại Hội nghị trung ương, cần tập trung giải quyết vấn đề ngắn hạn, những vấn đề cấp bách trước mắt mà Nghị quyết Kỳ họp thứ 5 Quốc hội khóa XV hay trong các kết luận của Trung ương của Bộ Chính trị đã chỉ rõ; đồng thời phải gắn với các mục tiêu dài hạn như: cơ cấu lại nền kinh tế; nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả cạnh tranh nền kinh tế…, cũng như các mục tiêu phát triển lâu dài.

Ước cả năm 2023, ít nhất có 10/15 chỉ tiêu đạt và vượt mục tiêu đề ra

Chủ tịch Quốc hội đề nghị bổ sung nội dung về rà soát hệ thống pháp luật, bao gồm các luật pháp lệnh, nghị quyết, nghị định, thông tư và có giải pháp để tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật theo yêu cầu tại Nghị quyết số 101/2023/QH15 của Quốc hội, Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV. Cùng với chuẩn bị sớm, bảo đảm tiến độ, chất lượng các dự án luật đã đưa vào Chương trình xây dựng pháp luật năm 2024, cần tiếp tục đẩy mạnh thực hiện các cơ chế, chính sách đặc thù ở các địa phương và lĩnh vực mà đã được Quốc hội ban hành.

Ước cả năm 2023, ít nhất có 10/15 chỉ tiêu đạt và vượt mục tiêu đề ra

Khắc phục hạn chế, yếu kém của một số ngành, lĩnh vực như công tác lập và triển khai thực hiện quy hoạch, cổ phần hóa, thoái vốn. Chủ tịch Quốc hội lưu ý, trong quy hoạch cần nhấn mạnh tiếp tục đẩy mạnh, đẩy nhanh quá trình phê duyệt quy hoạch tỉnh, sớm ban hành Kế hoạch triển khai Quy hoạch điện VIII. Trong kế hoạch triển khai quy hoạch điện phải ban hành sớm, công khai và minh bạch; đề nghị tích cực để sớm ban hành được Quy hoạch tổng thể không gian biển quốc gia.

“Đối với kế hoạch sử dụng đất phải có giải pháp để rà soát, xem xét điều chỉnh theo thẩm quyền hoặc trình cấp có thẩm quyền điều chỉnh kế hoạch sử dụng đất, nhất là đất cho khu công nghiệp, khu kinh tế khu công nghiệp…”, ông Vương Đình Huệ lưu ý.

Quốc hội luôn đồng hành và tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất cho Chính phủ

Phát biểu tiếp thu, giải trình làm rõ một số nội dung được nêu tại phiên thảo luận, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, Bộ sẽ phối hợp với các bộ, ngành để hoàn thiện Báo cáo đánh giá kinh tế - xã hội sâu hơn về các vấn đề mà UBTVQH quan tâm.

Về tăng trưởng kinh tế, trong bối cảnh khó khăn nhưng với những nỗ lực của cả hệ thống chính trị, sự lãnh đạo của Đảng, sự quyết liệt của Chính phủ, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng khẳng định, trong suốt từ đầu nhiệm kỳ khóa XV đến nay, Quốc hội luôn đồng hành và tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất cho Chính phủ. Không chỉ tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc về thể chế, mà còn tạo mọi điều kiện thuận lợi cho việc triển khai thực hiện của Chính phủ như: trong quá trình phục hồi kinh tế - xã hội, các cơ chế, chính sách đặc thù hiện nay có sự ủng hộ kịp thời, hiệu quả của Quốc hội.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng đã rà soát lại các phương án dự báo tăng trưởng kinh tế đạt khoảng 5% trong năm nay. Tuy không đạt kế hoạch, nhưng so với tình hình chung của thế giới, đây là kết quả rất đáng khích lệ và trân trọng. Chính phủ không điều chỉnh mục tiêu, vì tinh thần chung của Chính phủ quyết tâm thực hiện cao nhất mục tiêu của năm nay và đang tập trung chỉ đạo thực hiện.

Về một số chỉ tiêu quan trọng, Chính phủ và các bộ, ngành sẽ cố gắng đạt các chỉ tiêu về: tốc độ tăng trưởng và GDP bình quân đầu người; tỷ trọng công nghiệp chế biến, chế tạo trong GDP hay năng suất lao động, tỷ trọng lao động nông nghiệp trên tổng lao động xã hội.

Ước cả năm 2023, ít nhất có 10/15 chỉ tiêu đạt và vượt mục tiêu đề ra

Về năng suất lao động của năm 2023, dự kiến thấp hơn mục tiêu đề ra, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho rằng, nguyên nhân chủ yếu của vấn đề này sẽ được Bộ tiếp tục làm rõ hơn trong báo cáo với Quốc hội.

Thứ nhất là do tốc độ tăng trưởng kinh tế nước ta đạt thấp. Thứ hai là do sản xuất công nghiệp, xây dựng và bất động sản khó khăn. Một bộ phân người lao động chuyển sang bộ phận dịch vụ phi chính thức với năng suất thấp hơn. Thứ ba, là do một bộ phận người lao động chuyển việc mới, nên cần thời gian đào tạo lại, do đó đã ảnh hưởng nhiều đến năng suất lao động hiện nay.

Ước cả năm 2023, ít nhất có 10/15 chỉ tiêu đạt và vượt mục tiêu đề ra

Vì vậy, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, Bộ sẽ tiếp tục phân tích rõ hơn, tiếp thu và làm sâu hơn các vấn đề mà UBTVQH đã nêu như: phòng chống cháy nổ, phòng chống tham nhũng, chất lượng của doanh nghiệp gắn với khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo…

Chính phủ sẽ tiếp thu tối đa các ý kiến tại phiên họp

Phát biểu tại phiên thảo luận, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái khẳng định, Chính phủ sẽ tiếp thu tối đa các ý kiến tại phiên họp để hoàn thiện Báo cáo tốt nhất; đồng thời thông tin thêm về một số vấn đề thành viên UBTVQH nêu.

Theo đó, về chỉ tiêu tăng trưởng, Phó Thủ tướng cho biết, dự kiến mục tiêu năm 2023 không đạt nhưng tăng trưởng 5%, vẫn cao so với dự báo, thuộc nhóm nước có mức tăng trưởng cao ở khu vực Đông Nam Á. Có được kết quả tích cực này là nhờ sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự chỉ đạo sát sao của Bộ Chính trị, sự đồng hành của Quốc hội, Chính phủ vào cuộc quyết liệt.

Về các quy hoạch, mặc dù đã có cố gắng đẩy nhanh tiến độ, nhưng vẫn chậm. Gần 90% quy hoạch đã được phê duyệt, được thẩm định là sự cố gắng rất lớn. Hiện đã có 14 tỉnh đã phê duyệt quy hoạch; trong đó có sự đóng góp và hỗ trợ của Quốc hội trong việc phê duyệt Quy hoạch tổng thể quốc gia và Kế hoạch sử dụng đất.

Ước cả năm 2023, ít nhất có 10/15 chỉ tiêu đạt và vượt mục tiêu đề ra

Về giải ngân kế hoạch đầu tư công, Phó Thủ tướng cho biết, mặc chưa đạt như mong đợi, nhưng đã có cải thiện so với năm 2022. Đây là nỗ lực lớn của các bộ, ngành, địa phương.

Thời gian tới, Chính phủ tiếp tục rà soát triển khai các chính sách, cơ chế đặc thù đã có, tăng cường hoạt động của hội đồng vùng, cổ phần hóa và thoái.

Phát biểu kết luận nội dung phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải đề nghị Chính phủ, Ủy ban Kinh tế tiếp thu đầy đủ, nghiên cứu kỹ lưỡng các ý kiến đã được nêu tại phiên họp, để hoàn thiện các báo cáo đạt chất lượng cao, đảm bảo toàn diện, sâu sắc, bao trùm các khía cạnh, các lĩnh vực và sát với tình hình thực tiễn, nhìn nhận rõ những vấn đề, thách thức, phân tích rõ nguyên nhân và nêu rõ giải pháp thực hiện, để tiếp tục thực hiện tốt hơn nữa các kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế trong thời gian tới…/.

T.Văn

Ảnh: quochoi.vn

Tạp chí Kinh tế và Dự báo 13:23 | 16/10/2023