1. DN được thành lập và rút lui khỏi thị trường thuận lợi và ít chi phí hơn

Kể từ năm 2007 – khi thủ tục đăng ký kinh doanh được thực hiện liên thông với thủ tục đăng ký thuế và các thủ tục liên quan đến con dấu, đến nay, quy trình, thủ tục đăng ký kinh doanh đã từng bước được đơn giản hóa, giúp tiết kiệm đáng kể thời gian, chi phí cho doanh nghiệp khi gia nhập và hoạt động trên thị trường.

Cụ thể, thời gian thực hiện các thủ tục cơ bản của quá trình gia nhập thị trường theo quy định đã được giảm từ 32 ngày làm việc (giai đoạn trước năm 2005) xuống 22 ngày làm việc (từ khi Luật Doanh nghiệp năm 2005 có hiệu lực), 15 ngày làm việc (kể từ năm 2007), 5 ngày làm việc (kể từ năm 2008 đến năm 2014) và hiện nay chỉ còn tối đa 3 ngày làm việc.

Thậm chí, thời gian xử lý hồ sơ thực tế còn thấp hơn thời gian so với quy định.

Cụ thể, theo thống kê từ Hệ thống Thông tin Quốc gia về đăng ký doanh nghiệp, thì thời gian trung bình xử lý hồ sơ đăng ký thành lập doanh nghiệp mới của cả nước hiện nay chỉ còn 2,9 ngày, thời gian trung bình xử lý hồ sơ đăng ký thay đổi thông tin đăng ký doanh nghiệp là 2,05 ngày, nhanh hơn so với quy định của Luật Doanh nghiệp năm 2014. Tỷ lệ hồ sơ được chấp thuận ngay lần đầu tiên đạt gần 86%, tỷ lệ hồ sơ trả kết quả đúng hẹn đạt gần 90%.

Các quy định về giải thể doanh nghiệp cũng đơn giản và rõ ràng hơn, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường và để chuẩn bị cho các cơ hội kinh doanh mới.

2. Là cơ sở cho sự phối hợp tốt hơn giữa các cơ quan quản lý nhà nước

Có thể nói rằng, sự phối hợp liên thông giữa cơ quan đăng ký kinh doanh và các cơ quan quản lý nhà nước khác như thuế, công an, sở hữu trí tuệ đã tạo thuận lợi cho công tác quản lý nhà nước đối với doanh nghiệp, cũng như trực tiếp hỗ trợ doanh nghiệp trong khâu gia nhập, phát triển sản xuất kinh doanh cũng như rút lui khỏi thị trường.

Giao diện của Cổng thông tin Đăng ký doanh nghiệp quốc gia

Ví dụ, từ năm 2010 đến nay, cơ quan đăng ký kinh doanh và cơ quan thuế đã thực hiện việc kết nối, trao đổi thông tin giữa Hệ thống Thông tin Quốc gia về đăng ký doanh nghiệp và Hệ thống Thông tin Đăng ký thuế; cùng với đó là việc phối hợp việc rà soát, đồng bộ thông tin đăng ký doanh nghiệp, qua đó đã góp phần nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về đăng ký doanh nghiệp, đảm bảo việc cung cấp kịp thời đầy đủ các thông tin có giá trị pháp lý về đăng ký doanh nghiệp cho các cơ quan có liên quan, cộng đồng doanh nghiệp và các tổ chức cá nhân có nhu cầu, tăng tính minh bạch của môi trường kinh doanh…

3. Các thông tin về DN được công khai, minh bạch

Trên cơ sở các thông tin có giá trị pháp lý được chiết xuất từ Cơ sở dữ liệu quốc gia về đăng ký doanh nghiệp, Cổng Thông tin Quốc gia về đăng ký doanh nghiệp đã cung cấp các công cụ tìm kiếm, cho phép người sử dụng tra cứu các thông tin cơ bản, miễn phí, có giá trị pháp lý của doanh nghiệp.

Những thông tin đó bao gồm: tên doanh nghiệp, tên doanh nghiệp viết tắt, tên doanh nghiệp viết bằng tiếng nước ngoài, mã số doanh nghiệp, loại hình doanh nghiệp, tình trạng doanh nghiệp, người đại diện theo pháp luật, địa chỉ trụ sở chính, danh sách ngành nghề kinh doanh, thông báo về mẫu con dấu và danh sách các bố cáo đã công bố của doanh nghiệp.

Như vậy, tất cả các tổ chức, cá nhân đều có thể tiếp cận nhanh hơn, dễ dàng hơn với các thông tin pháp lý về doanh nghiệp thông qua một đầu mối thông tin duy nhất và có giá trị pháp lý, thay thế phương thức tiếp cận thông tin truyền thống là cơ chế “xin - cho”.

4. DN được tiếp cận và sử dụng các dịch vụ công hiện đại

Ngày 15/04/2013, Cổng Thông tin Quốc gia về đăng ký doanh nghiệp đã chính thức đi vào hoạt động với tư cách là một cổng thông tin điện tử được sử dụng để các tổ chức, cá nhân thực hiện đăng ký doanh nghiệp qua mạng điện tử, truy cập, tra cứu các thông tin về doanh nghiệp cũng như để được sử dụng các dịch vụ công trực tuyến.

Trong những năm qua, cùng với nhiều đợt nâng cấp để phù hợp với các quy định mới của Luật Doanh nghiệp năm 2014, Luật Đầu tư năm 2014 và các văn bản hướng dẫn, Cổng Thông tin Quốc gia về đăng ký doanh nghiệp đã trở thành một địa chỉ quen thuộc cho người sử dụng thực hiện các dịch vụ công trực tuyến, như: đăng ký doanh nghiệp qua mạng điện tử; dịch vụ thông tin đăng ký doanh nghiệp; công bố nội dung đăng ký doanh nghiệp (bố cáo điện tử); chuẩn hóa dữ liệu đăng ký doanh nghiệp.../.

Theo số liệu của Cục Quản lý Đăng ký Kinh doanh, tính đến ngày 23/05/2017, tổng số lượng truy cập Cổng thông tin đạt 114.665.336. Có thể thấy, Cổng Thông tin ngày càng trở thành một địa chỉ quen thuộc giúp người dân, doanh nghiệp khai thác và sử dụng các tiện ích, dịch vụ công trực tuyến, cũng như tra cứu các thông tin có giá trị pháp lý của doanh nghiệp để qua đó giảm thiểu các chi phí, cũng như rủi ro cho doanh nghiệp.