Nhiều điểm sáng...

Tổng cục Thống kê cho biết, tăng trưởng kinh tế 6 tháng đầu năm 2018 đạt 7,08% so với cùng kỳ năm trước. Đây là mức tăng cao nhất của 6 tháng trong 8 năm qua.

Tổng sản phẩm trong nước quý I/2018 tăng 7,45% (cao hơn số ước tính 0,07%), GDP quý II/2018 tăng 6,79% (quý II/2017 đạt 6,36%), GDP quý II/2018 tăng cả 3 khu vực so với quý II/2017. Tổng sản phẩm trong nước 6 tháng đầu năm 2018 tăng 7,08%.

Lạm phát ổn định, CPI bình quân 6 tháng đầu năm tăng 3,29% so với bình quân cùng kỳ năm trước. Xuất khẩu hàng hóa tăng 16%, nhập khẩu hàng hóa tăng 10%. Tiêu dùng cuối cùng tăng cao 7,13%, tích lũy tài sản tăng 7,06%.

Tính đến ngày 20/6/2018, tăng trưởng tín dụng ở mức 6,35% so với cuối năm 2017; tổng phương tiện thanh toán tăng 7,96%; huy động vốn tăng 7,78%; thanh khoản Việt Nam đồng của toàn hệ thống vẫn tiếp tục được đảm bảo, hoạt động của các tổ chức tín dụng, thị trường tiền tệ về cơ bản được ổn định và thông suốt. Các chỉ tiêu kinh tế vĩ mô này khẳng định tính kịp thời và hiệu quả trong việc Chính phủ chỉ đạo quyết liệt các cấp, các ngành, các địa phương cùng nỗ lực thực hiện mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2018.

Điều đáng lưu ý, theo như Tổng cục Thống kê, thì tiêu dùng cuối cùng tăng 7,13% so với cùng kỳ năm 2017; tích lũy tài sản tăng 7,06%; xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ tăng 15,72%; nhập khẩu hàng hóa và dịch vụ tăng 14,83% xét về góc độ sử dụng GDP 6 tháng đầu năm.

Bên cạnh đó, một số chỉ tiêu kinh tế khác đã cho thấy dấu hiệu tích cực của nền kinh tế.

Cụ thể, theo báo cáo của Nikkei, tâm lý kinh doanh vẫn rất lạc quan khi chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) luôn ở mức mở rộng. Chỉ số này tăng từ mức 52,7 điểm trong tháng 4 lên 53,9 trong tháng 5.

Kết quả này báo hiệu sự ổn định và cải thiện mạnh mẽ sức khỏe của lĩnh vực sản xuất và các điều kiện kinh doanh trong năm 2018.

Ngoài ra, đầu tư của khu vực tư nhân dự kiến được hưởng lợi từ việc Việt Nam đã tăng 14 bậc trong Bảng xếp hạng môi trường kinh doanh của Ngân hàng Thế giới năm 2018.

Theo Nikken, số lượng đơn đặt hàng xuất khẩu tăng kỷ lục, tính đến tháng 5, tốc độ tăng mạnh và nhanh nhất trong 14 tháng. Chỉ số tiêu thụ toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo 6 tháng đầu năm 2018 tăng 11,9% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm 2017 tăng 8,4%).

Tỷ lệ tồn kho ngành chế biến, chế tạo bình quân 6 tháng đầu năm là 63,4%, là mức tồn kho thấp nhất nhiều năm qua. Số lao động đang làm việc trong các doanh nghiệp công nghiệp tại thời điểm 1/6/2018 tăng 1,2% so tháng trước và tăng 3,1% so với cùng thời điểm năm trước.

Kim ngạch hàng hóa xuất khẩu 6 tháng đầu năm 2018 ước tính đạt 113,93 tỷ USD, tăng 16% so với cùng kỳ năm 2017, trong đó khu vực kinh tế trong nước đạt 33,07 tỷ USD, tăng 19,9%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) đạt 80,86 tỷ USD (chiếm 71% tổng kim ngạch xuất khẩu), tăng 14,5%. Loại trừ yếu tố giá, kim ngạch hàng hóa xuất khẩu 6 tháng đầu năm tăng 15,2% so với cùng kỳ năm 2017.

Nhập khẩu hàng hóa: Kim ngạch hàng hoá nhập khẩu 6 tháng đầu năm 2018 ước tính đạt 111,22 tỷ USD, tăng 10% so với cùng kỳ năm trước, trong đó khu vực kinh tế trong nước đạt 46,01 tỷ USD, tăng 12,9%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đạt 65,21 tỷ USD, tăng 8,1%. Loại trừ yếu tố giá, kim ngạch hàng hóa nhập khẩu 6 tháng tăng 8,9% so với cùng kỳ năm 2017.

Cán cân thương mại hàng hóa duy trì xuất siêu từ tháng 1 đến tháng 4, bắt đầu nhập siêu trong tháng 5 và tháng 6. Tính chung 6 tháng đầu năm nền KT xuất siêu 2,71 tỷ USD, trong đó khu vực KT trong nước nhập siêu 12,94 tỷ USD, khu vực có vốn đầu tư nước ngoài xuất siêu 15,65 tỷ USD.

Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 6/2018 tăng 0,61% so với tháng trước, là tháng Sáu có CPI tăng cao nhất trong 7 năm qua. Có 10/11 nhóm hàng hóa và dịch vụ có chỉ số giá tăng so với tháng trước, trong đó nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống có mức tăng cao nhất 1,08%, chủ yếu do nhóm thực phẩm tăng 1,75% trong khi nhóm lương thực giảm 0,45%. Nhóm giao thông tăng 1,04% do giá xăng dầu tăng 2,38%. Nhóm nhà ở và vật liệu xây dựng tăng 0,65%, chủ yếu do giá vật liệu bảo dưỡng nhà ở tăng 0,2% và thời tiết nắng nóng nên nhu cầu sử dụng điện, nước tăng cao. Riêng nhóm bưu chính viễn thông giảm 0,11% so với tháng trước.

CPI bình quân 6 tháng đầu năm 2018 tăng 3,29% so với bình quân cùng kỳ năm 2017; CPI tháng 6/2018 tăng 2,22% so với tháng 12/2017 và tăng 4,67% so với cùng kỳ năm trước.

Nền kinh tế nửa năm đầu 2018 đã có rất nhiều điểm sáng

...song hành với những nỗi lo

Theo Tổng cục Thống kê, trong thời gian tới, nền kinh tế vẫn còn nhiều nỗi lo.

Trước hết, vấn đề hiện nay đang là xu hướng tăng trưởng GDP quý sau thấp hơn quý trước .

Cụ thể, tăng trưởng GDP 6 tháng đầu năm nay không theo quy luật các năm trước đây (quý sau cao hơn quý trước), mà theo hướng thấp dần trong các quý tiếp theo: Sơ bộ quý I tăng 7,45% (cao hơn 0,07 điểm % so với số ước tính cuối tháng Ba); quý II tăng 6,79% (thấp hơn 0,66 điểm % so với quý I), chủ yếu do:

Ngành công nghiệp tăng chậm lại (Giá trị tăng thêm toàn ngành công nghiệp quý I tăng 10,44% nhưng quý II chỉ đạt 8,34%).

Trong đó, ngành khai khoáng từ mức tăng 0,98% của quý I đã giảm xuống (- 3,06%) trong quý II; ngành công nghiệp chế biến từ mức tăng cao 14,24% của quý I giảm xuống còn tăng 12,05% trong quý II/2018 (chủ yếu do ngành điện tử tăng chậm lại), làm tăng trưởng chung của khu vực II từ mức tăng 9,92% trong quý I xuống còn tăng 8,40% trong quý II.

Khu vực I từ mức tăng 4,24% trong quý I xuống còn tăng 3,79 trong quý II (chủ yếu do trồng trọt tăng khá trong quý I).

Điểm đáng lo thứ hai đó là công nghiệp chế biến, chế tạo khó duy trì tốc độ tăng cao trong những tháng cuối năm.

Theo đánh giá của Tổng cục Thống kê, dự kiến 6 tháng cuối năm 2018 sản xuất công nghiệp tăng chậm hơn 6 tháng đầu năm.

Cụ thể, 6 tháng đầu năm chỉ số IIP tăng 10,5% (quý I tăng 12,9%; quý II tăng 8,4%), nhưng dự kiến cả năm 2018 sản xuất công nghiệp không tăng cao như 6 tháng đầu năm.

Lý giải vì sao chỉ số IIP năm 2018 không thể cao như 6 tháng đầu năm, Tổng cục Thống kê cho biết, trong 6 tháng cuối năm tình hình thời tiết không thuận lợi cho khai thác than và khai thác dầu, khí. Do vậy, Tập đoàn Dầu khí và Tập đoàn Than đặt kế hoạch khai thác nhiều hơn trong 6 tháng đầu năm và giảm khai thác trong 6 tháng cuối năm.

Ngành chế biến, chế tạo 6 tháng đầu năm tăng 12,7%, cuối năm sẽ tăng chậm lại do ngành sản xuất sản phẩm điện tử, máy tính và sản phẩm quang học 6 tháng cuối năm dự kiến tăng chậm hơn nhiều so với 6 tháng đầu năm do kế hoạch sản xuất và xuất khẩu không thuận lợi của Công ty Samsung.

Ngành sản xuất kim loại 6 tháng đầu năm tăng 20,7%, sẽ giảm dần vào 6 tháng cuối năm chủ yếu do tác động của Formosa trong 6 tháng cuối năm 2017 đã đi vào sản xuất (Formosa 6 tháng đầu năm sản lượng tăng 706% nhưng dự kiến cả năm chỉ còn tăng 220%).

Ngành sản xuất và phân phối điện 6 tháng cuối năm dự kiến tăng thấp hơn 6 tháng đầu năm do nhu cầu sử dụng điện cho sản xuất và tiêu dùng của dân cư 6 tháng cuối năm giảm so với 6 tháng đầu năm.

Thứ ba, lạm phát vẫn trong tầm kiểm soát nhưng tiềm ẩn nguy cơ tăng cao hơn mục tiêu Quốc hội đề ra.

CPI tháng 5/2018 tăng 0,55% so với tháng trước; tháng 6/2018 tăng 0,61%, là tháng Sáu có CPI tăng cao nhất trong 7 năm qua với 10/11 nhóm hàng hóa và dịch vụ có chỉ số giá tăng. CPI bình quân 6 tháng đầu năm 2018 tăng 3,29% so với bình quân cùng kỳ năm 2017.

Tiến độ giải ngân và thực hiện vốn đầu tư công so với kế hoạch còn thấp cũng là nỗi lo đối với tăng trưởng kinh tế năm 2018.

Vốn đầu tư từ ngân sách Nhà nước thực hiện 6 tháng tuy tăng 9,4% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm 2017 tăng 6,1%) nhưng mới đạt 36% kế hoạch năm, thấp hơn cùng kỳ một số năm (6 tháng năm 2015 đạt 43,7% kế hoạch năm; 6 tháng năm 2016 đạt 38,9%; 6 tháng năm 2017 đạt 36,9%).

Nỗi lo thứ năm đó là cán cân thương mại nhập siêu 2 tháng liên tiếp, đặc biệt nhập siêu lớn ở các nước có ký FTA

Cán cân thương mại hàng hóa duy trì xuất siêu hàng tháng từ tháng 1 đến tháng 4 nhưng đã bắt đầu nhập siêu trong tháng 5 (nhập siêu 814 triệu USD) và tháng 6/2018 (nhập siêu 100 triệu USD).

Đáng lưu ý, trong 6 tháng đầu năm cán cân thương mại hàng hóa của Việt Nam vẫn thặng dư 2,7 tỷ USD nhưng lại thâm hụt với hầu hết các nước có ký kết FTA. Trong 3 năm trở lại đây, Việt Nam luôn nhập siêu từ các nước có ký kết FTA, trong đó 6 tháng đầu năm 2016 nhập siêu 26,7 tỷ USD (trong khi cả nước xuất siêu 1,3 tỷ USD); 6 tháng đầu năm 2017 nhập siêu từ các thị trường FTA 32,5 tỷ USD, tăng hơn so với cùng kỳ 2016 (cả nước nhập siêu 2,9 tỷ USD); 6 tháng đầu năm 2018 ước nhập siêu từ các thị trường này ở mức 29,1 tỷ USD, trong khi cả nước xuất siêu 2,7 tỷ USD.

Bên cạnh đó, một số yếu tố tác động đến tình hình xuất, nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam trong thời gian tới như: Giá xuất, nhập khẩu hàng hóa phụ thuộc vào giá thế giới, việc áp dụng phòng vệ thương mại của một số nước và chiến tranh thương mại giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc nếu xảy ra sẽ ảnh hưởng đến tình hình xuất nhập khẩu của Việt Nam./.