Tăng trưởng chưa tương xứng với tiềm năng

Sáng nay (7/6), Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với Ngân hàng Thế giới tổ chức tọa đàm “Hướng tới tăng trưởng chất lượng cao giai đoạn 2021-2030: Định hướng ưu tiên chính sách” nhằm trao đổi, thảo luận, nhận diện và dự báo các xu thế thời đại lớn sẽ tác động trực tiếp và tạo ra những vấn đề mới nổi trong phát triển của Việt Nam, cùng những khuyến nghị cho Việt Nam về định hướng ưu tiên chính sách có tính đột phá trong thời gian tới.

Phát biểu khai mạc, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, việc thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2011-2020 và Kế hoạch 5 năm 2016-2020 đã đạt nhiều kết quả nổi bật.

Cụ thể, kinh tế vĩ mô ổn định vững chắc hơn, các cân đối lớn của nền kinh tế được bảo đảm và ngày càng được cải thiện; tăng trưởng kinh tế đạt khá, chất lượng được nâng lên; thực hiện ba đột phá chiến lược đạt kết quả bước đầu; cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng theo hướng tích cực.

Bên cạnh đó, quy mô, tiềm lực, sức cạnh tranh của nền kinh tế được nâng lên. Phát triển văn hóa, thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội đạt được những kết quả quan trọng; an sinh xã hội cơ bản được bảo đảm, phúc lợi xã hội và đời sống nhân dân tiếp tục được nâng lên...

Tuy nhiên, do tác động không thuận của bối cảnh kinh tế thế giới và một số nguyên nhân chủ quan, kết quả phát triển kinh tế - xã hội vẫn chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế, thiếu tính bền vững và còn nhiều hạn chế.

“Chẳng hạn như việc tạo nền tảng để đưa Việt Nam cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại chưa đạt yêu cầu; năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế chưa cao; các đột phá chiến lược chưa có những bứt phá lớn, đặc biệt là về nguồn nhân lực và cơ sở hạ tầng; khoảng cách giàu nghèo có xu hướng gia tăng...”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nói.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng phát biểu tại tọa đàm

Đồng tình với Bộ trưởng Dũng, ông Ousmane Dione, Giám đốc Quốc gia, Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam dự báo: "Mô hình thương mại toàn cầu đang thay đổi, châu Á sẽ tiếp tục tăng trưởng và dự kiến sẽ trở thành trung tâm thúc đẩy nền kinh tế toàn cầu trong thập niên tới. Các thị trường tiêu dùng châu Á đang trỗi dậy mang đến những cơ hội lớn cho Việt Nam".

Đồng thời, theo ông Ousmane Dione, việc áp dụng ngày càng nhiều các công nghệ tiên tiến trong sản xuất như robot, in 3D, sản xuất thông minh tại các nền kinh tế khan hiếm lao động và ở Trung Quốc có thể thách thức khả năng Việt Nam tiếp tục dựa vào mô hình tăng trưởng theo định hướng xuất khẩu.

Ông Ousmane Dione nhận định, ở trong nước, Việt Nam sẽ phải đối mặt với dân số già hóa nhanh chóng, tăng năng suất chậm lại và tăng trưởng đầu tư thấp, ảnh hưởng đến tiềm năng tăng trưởng trung hạn. Nhiều động lực thúc đẩy sự tăng trưởng của đất nước trước đây sẽ giảm dần trong thập niên tới.

Trong khi đó, những lợi ích thu được từ quá trình chuyển đổi cơ cấu - công nhân chuyển từ hoạt động nông nghiệp năng suất thấp sang sản xuất và dịch vụ với năng suất cao hơn – đang diễn ra và sẽ kết thúc một cách tự nhiên. Tiền lương đang tăng lên và sẽ bắt đầu làm xói mòn lợi thế so sánh hiện nay của Việt Nam tại những phân khúc có giá trị gia tăng tương đối thấp và sử dụng nhiều lao động trong các chuỗi giá trị toàn cầu.

"Vì vậy, mặc dù có mọi tiềm năng để duy trì thành công sự phát triển của đất nước, Việt Nam sẽ phải nắm bắt cơ hội, quản lý rủi ro và thúc đẩy các cải cách mạnh mẽ", ông nói thêm.

Hành động “bây giờ hoặc không bao giờ”!

Làm thế nào để Việt Nam có thể duy trì tăng trưởng cao nhưng có chất lượng? Làm thế nào để Việt Nam có thể hiện đại hóa các thể chế thị trường trong nước để tạo ra một môi trường kinh doanh, nơi các doanh nghiệp thuộc khu vực tư nhân, bao gồm cả các doanh nghiệp trong nước, có thể phát triển? Hay lực lượng lao động Việt Nam cần những kỹ năng gì để có thể cạnh tranh, không chỉ trong sản xuất cơ bản mà còn tiến lên trên chuỗi giá trị, bắt kịp với các công nghệ thay đổi nhanh chóng, đồng thời không để lại các nhóm người bị tụt lại phía sau? Làm thế nào để Việt Nam có thể đảm bảo sự tăng trưởng của đất nước mà không gây hại cho môi trường?

"Tìm ra giải pháp chính sách cho những câu hỏi này không hề dễ dàng và thực hiện chúng có lẽ còn khó hơn. Nhưng với tư duy đúng đắn, cùng sự quyết tâm và phối hợp mạnh mẽ giữa các ngành, các cấp, tôi tin chắc Việt Nam có thể làm được", Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam khẳng định.

Toàn cảnh tọa đàm

Ông Sebastian Eckardt, chuyên gia kinh tế trưởng Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam kiến nghị, Việt Nam phải hành động rất nhanh, bởi thời gian dân số vàng của nền kinh tế chỉ còn khoảng 22 năm. Ông nhấn mạnh: "Bây giờ hoặc không bao giờ!".

Để thúc đẩy đầu tư và đẩy mạnh tăng trưởng, ông Sebastian Eckardt đưa ra 3 khuyến nghị cho Việt Nam:

Thứ nhất, nâng cao hiệu quả trung gian tài chính. Cụ thể, Việt Nam cần nâng cao chất lượng và sự ổn định, giảm tính tổn thương của khu vực ngân hàng để bảo vệ khu vực kinh tế thực thông qua cải thiện khung pháp lý, khả năng giám sát, xử lý nợ... Bên cạnh đó, Việt Nam cũng cần phát triển chiều sâu thị trường vốn để tạo thêm nguồn vốn dài hạn cho doanh nghiệp.

Thứ hai, giải quyết các cản trở đối với khu vực sản xuất. Chuyên gia Ngân hàng Thế giới gợi ý, cần đẩy mạnh và nâng cao chất lượng cải cách doanh nghiệp nhà nước thông qua cổ phần hoá, cạnh tranh công bằng. Việt Nam cũng cần cải cách môi trường kinh doanh thế hệ 2 để tạo điều kiện cho doanh nghiệp cạnh tranh và tăng trưởng. Ngoài ra, cần thực thi các thị trường cạnh tranh và hoàn thiện thị trường đất đai.

Thứ ba, đẩy mạnh đổi mới sáng tạo. Ông Sebastian Eckardt đặc biệt lưu ý đến việc thực thi hiệu quả bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ bởi điều này, như Tổng thống Mỹ Abraham Loncoln nhận định là "dầu tiếp vào ngọn lửa ham muốn của tài năng".

Ngoài ra, Việt Nam cũng cần quan tâm đến một số vấn đề khác như khung pháp quy, chính sách về cạnh tranh, hệ sinh thái khuyến khích khởi nghiệp.../.

Tại tọa đàm, PGS, TS. Bùi Tất Thắng, Chánh văn phòng của Tổ biên tập của Tiểu ban Kinh tế - xã hội cho biết, mục tiêu phấn đấu đến năm 2030 Việt Nam cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại, có thu nhập trung bình cao. Đến năm 2045, trở thành nước công nghiệp phát triển hiện đại, theo định hướng xã hội chủ nghĩa.

Theo đó, Tổ biên tập sẽ định hướng nội dung: tăng trưởng đủ nhanh để chống lại nguy cơ tụt hậu; tăng trưởng có chất lượng để đảm bảo tính bền vững (tăng trưởng có hiệu suất, tăng trưởng xanh, tăng trưởng bao trùm); phát triển bền vững về xã hội và môi trường và thể chế kinh tế thị trường đầy đủ, hiện đại, hội nhập.