Đây là thông điệp của Báo cáo Rà soát Đầu tư và Chi tiêu công cho Biến đổi khí hậu (CPEIR) do Bộ Kế hoạch và Đầu tư thực hiện với sự hỗ trợ của Ngân hàng Thế giới và Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) được công bố hôm nay (21/6).

Cần lồng ghép ứng phó biến đổi khí hậu trong Kế hoạch 5 năm

Mặc dù tăng trưởng kinh tế nhanh chóng trong những năm qua đã tạo ra nhiều cơ hội cho người dân và doanh nghiệp Việt Nam, song bên cạnh đó, do phát triển kinh tế, lượng phát thải khí nhà kính và mật độ carbon của Việt Nam đã tăng lên đáng kể. Ngày càng có nhiều bằng chứng cho thấy, biến đổi khí hậu đang đe dọa tiến trình phát triển của đất nước.

Báo cáo CPEIR đề xuất những sáng kiến trong ngắn hạn và dài hạn để lồng ghép vấn đề biến đổi khí hậu vào các chính sách, quy trình lập kế hoạch và dự toán ngân sách của Việt Nam, và để xác định các khoản đầu tư và hoạt động ưu tiên nhằm tăng cường ứng phó với biến đổi khí hậu của đất nước.

Giám đốc Quốc gia của Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam, bà Victoria Kwakwa cho biết, Báo cáo cung cấp thông tin hỗ trợ việc đưa ra quyết sách, đồng thời đưa ra mô hình sử dụng quy trình ngân sách để xác định, lập kế hoạch và theo dõi chi tiêu cho biến đổi khí hậu. Báo cáo cũng cho ta một cơ sở để tích hợp ứng phó với biến đổi khí hậu và tăng trưởng xanh vào qui trình lựa chọn và thẩm định các dự án đầu tư trong và ngoài nước. Tất cả những yếu tố đó góp phần củng cố công tác lập kế hoạch và huy động nguồn lực phục vụ ứng phó biến đổi khí hậu và tăng trưởng xanh của Chính phủ.

Với việc thực hiện các khuyến nghị nêu trong Báo cáo, Chính phủ sẽ củng cố được giai đoạn đầu thực hiện các chính sách trọng yếu về biến đổi khí hậu và tăng trưởng xanh. Bước đầu tiên trong quá trình này sẽ là lồng ghép ứng phó biến đổi khí hậu vào qui trình xây dựng Kế hoạch phát triển kinh tế xã hội 5 năm giai đoạn 2016–2020, và dự trù ngân sách nhà nước. Đây sẽ mở ra một bước chuyển đổi quan trọng hướng tới đầu tư xanh trong tất cả các ngành và địa phương tại Việt Nam.

Các sáng kiến tập trung vào những hành động trước mắt để xác định các ưu tiên chiến lược trong kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và chu trình lập kế hoạch, dự toán ngân sách và tài chính cũng như cách thức để xây dựng chính sách tốt hơn, tăng cường thể chế và phối hợp thực hiện nhằm hỗ trợ những hoạt động ứng phó với biến đổi khí hậu và đầu tư cụ thể.

Việt Nam được đánh giá cao

Theo Ngân hàng Thế giới, Việt Nam là một trong những nước tiên phong ứng phó với biến đổi khí hậu một cách quyết liệt và đặt mục tiêu dành những nguồn lực lớn cho các hoạt động ứng phó tổng thể. Chính phủ đang nỗ lực hết mình để đảm bảo các nguồn lực đáp ứng được yêu cầu, và được sử dụng một cách hiệu quả, phù hợp với các chính sách, hoạt động và ngân sách cho ứng phó biến đổi khí hậu.

Chi ngân sách cho ứng phó với biến đổi khí hậu chiếm phần khá lớn (18%) trong tổng chi ngân sách của các bộ trong nghiên cứu của báo cáo này (Bộ Giao thông, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Công Thương, Bộ Xây dựng, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn). Điều này thể hiện nỗ lực đang thực hiện giải quyết thách thức biến đổi khí hậu ở Việt Nam.

Tài trợ cho ứng phó biến đổi khí hậu ở trung ương chủ yếu dành cho các hoạt động chống chịu với biến đổi khí hậu (88%) thông qua các dự án hạ tầng quy mô lớn ở Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Bộ Giao thông vận tải, với trọng tâm là tăng cường khả năng chống chịu của hệ thống thủy lợi và xây dựng hệ thống giao thông có thêm lợi ích về khí hậu. Trong khi đó, một tỷ lệ nhỏ được dành cho phát triển khoa học và công nghệ (ST - 9%) và các hoạt động chính sách - quản trị (PG - 3%).

Chi phí ứng phó với biến đổi khí hậu hầu hết là nguồn vốn đầu tư (chiếm 92% tổng chi của chính phủ cho ứng phó với biến đổi khí hậu được nghiên cứu trong báo cáo CPEIR). Tuy nhiên, mặc dù chi thường xuyên cho biến đổi khí hậu thấp hơn rất nhiều, vẫn cần phải lập bản đồ và theo dõi nguồn vốn này bởi nó đóng vai trò quan trọng trong các hoạt động tạo điều kiện thực hiện ứng phó với biến đổi khí hậu, hỗ trợ về mặt hành chính, thể chế và kỹ thuật trong công tác quản lý các khoản đầu tư cho biến đổi khí hậu.

Chính phủ đã rất cố gắng huy động nội lực thực hiện các hành động ứng phó biến đổi khí hậu, chiếm tới hơn một nửa (69%) các khoản chi cho ứng phó biến đổi khí hậu được nghiên cứu trong CPEIR. ODA dành cho ứng phó biến đổi khí hậu cũng quan trọng và chủ yếu là các khoản vay cho các dự án đầu tư với trọng tâm ban đầu là có các kết quả ứng phó biến đổi khí hậu và hiện đang tăng cho các hoạt động chính sách - quản trị (PG)./.