Việt Nam phát triển khu công nghiệp sinh thái, thu hút nguồn vốn FDI chất lượng
Một góc KCN Nam Cầu Kiền- KCN sinh thái tiên phong của TP. Hải Phòng |
KCN đang là đích đến trong định hướng chuyển đổi đối với mô hình KCN truyền thống
Trên cơ sở đường lối đổi mới của Đảng, nhằm thực hiện chủ trương mở cửa, phát triển nền kinh tế hàng hóa nhiều thành phần, thu hút nguồn lực từ các thành phần kinh tế để phát triển kinh tế - xã hội đất nước, năm 1991 mô hình Khu chế xuất (KCX), KCN xuất hiện ở Việt Nam.
Từ đó đến nay, cả nước có 435 KCN, KCX được thành lập với quỹ đất công nghiệp khoảng 90,2 nghìn ha, thu hút lượng vốn đầu tư lớn, bổ sung nguồn lực quan trọng cho đầu tư phát triển kinh tế - xã hội của đất nước nói chung và các địa phương nói riêng. Tính đến hết tháng 7/2024, cả nước đã có 431 KCN, KCX được thành lập với tổng diện tích khoảng 132.300 ha, tạo ra quỹ đất công nghiệp khoảng 89.900 ha. Các KCN, KCX này đã thực sự trở thành các khu vực trọng điểm, thu hút các nguồn vốn đầu tư cùng các dự án lớn trong và ngoài nước, đóng vai trò quan trọng trong thành tựu tăng trưởng, cũng như phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương và của cả nước.
Tuy nhiên, bên cạnh những đóng góp tích cực, việc phát triển các KCN trong thời gian qua cũng bộc lộ những hạn chế cần sớm khắc phục để phát triển bền vững và giữ được lợi thế cạnh tranh. Trong đó, hạn chế rõ nhất đó là việc hệ thống các KCN tại Việt Nam tiềm ẩn nguy cơ gây ô nhiễm môi trường sinh thái, ảnh hưởng đến đời sống của người dân. Cộng sinh công nghiệp giữa các doanh nghiệp trong KCN hoặc giữa các KCN còn hạn chế. Các dịch vụ trong một số KCN chưa được cung cấp đầy đủ hoặc chất lượng chưa cao. Cùng với đó là an sinh xã hội trong các KCN có nơi còn chưa được bảo đảm.
KCN sinh thái là mô hình KCN được thiết kế và vận hành dựa trên nguyên tắc bền vững, tối ưu hóa việc sử dụng tài nguyên và giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường. KCN sinh thái không chỉ là xu hướng phát triển toàn cầu, mà còn trở thành nhu cầu thiết yếu trong bối cảnh hiện tại, khi vấn đề bảo vệ môi trường ngày càng được chú trọng. Các KCN được quy hoạch theo hướng đồng bộ, hiện đại và thân thiện với môi trường cũng đang được các nhà đầu tư FDI quan tâm, tìm kiếm.
Trong bối cảnh đó, tại Việt Nam, KCN sinh thái đang được quan tâm chú trọng xây dựng và là đích đến trong định hướng chuyển đổi đối với mô hình KCN truyền thống. Nhiều địa phương và nhà đầu tư hạ tầng KCN đã xác định, việc phát triển KCN theo mô hình KCN sinh thái là nhu cầu tất yếu, cấp bách để kiến tạo lợi thế cạnh tranh bền vững.
Đơn cử như quá trình chuyển đổi từ truyền thống sang sinh thái của các KCN An Phát (Hải Dương), Nam Cầu Kiền và Deep-C (Hải Phòng) đã tạo ra hiệu quả vượt trội cho chuỗi kinh tế tuần hoàn. Những mô hình này đang tạo sức cạnh tranh lớn trong thu hút đầu tư nước ngoài, đồng thời, là xu thế tất yếu trong quá trình chuyển đổi xanh. KCN Deep C nổi bật với hệ thống năng lượng tái tạo (điện mặt trời áp mái, điện gió); khu tổ hợp dịch vụ xã hội trong KCN. Các công trình nơi đây đều dựa vào tự nhiên ứng phó biến đổi khí hậu.
Đặc biệt, KCN Nam Cầu Kiền với vai trò tích cực của nhà đầu tư đã trở thành mô hình đang chuyển đổi sang KCN sinh thái thí điểm, đã có hơn 1 triệu cây xanh được trồng, chiếm đến 33% diện tích đất KCN. Hệ thống quan trắc nguồn thải tự động liên tục truyền dẫn thông tin về Sở Tài nguyên và Môi trường Hải Phòng (24/24 giờ) tất cả các ngày trong tuần. 81,4 kWh điện đã được tạo ra từ dự án điện mặt trời áp mái và được sử dụng trong vận hành KCN, 25% lượng nước thải trong Khu sau xử lý được tái sử dụng cho mục đích tưới cây, rửa đường, giảm lượng xả thải ra ngoài môi trường, tiết kiệm được 6 tỷ đồng mỗi năm chi phí mua nước sạch. 65% hệ sinh thái trong KCN được phục hồi sau khi mô hình sinh thái đang được từng bước áp dụng tại Nam Cầu Kiền. Mô hình chuyển đổi này đang được nhân rộng trên cả nước, với tổng quy mô quỹ đất lên đến 3.500 ha.
Toàn cảnh KCN DEEP C Hải Phòng |
Xây dựng các KCN sinh thái đón nguồn vốn FDI thế hệ mới, FDI xanh
Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trong những năm gần đây, vốn FDI trong KCN, KKT chiếm khoảng 35%-40% tổng vốn FDI đăng ký tăng thêm của cả nước; nếu tính riêng trong lĩnh vực chế biến, chế tạo, thì vốn FDI trong KCN, KKT chiếm 70%-80% tổng vốn đăng ký cả nước. KCN và KKT đã thực sự trở thành các khu vực trọng điểm thu hút các nguồn vốn đầu tư và dự án lớn trong và ngoài nước, là điểm đến của nhiều tập đoàn hàng đầu thế giới, như: Samsung, LG, Canon, Foxconn, Lego, Gortek, Hyosung, Formosa…, đóng vai trò quan trọng trong tổng thu ngân sách nhà nước, tạo việc làm, góp phần nâng cao sức cạnh tranh, đẩy nhanh quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa, tái cơ cấu nền kinh tế và thúc đẩy quá trình hội nhập kinh tế thế giới của Việt Nam.
Để hiện thực hóa mục tiêu phát triển bền vững và để các KCN đáp ứng yêu cầu của các nhà đầu tư trong làn sóng đầu tư mới, cũng như để đón được dòng vốn FDI thế hệ mới, chất lượng cao, việc phát triển KCN sinh thái là nhu cầu tất yếu, là cấp bách để đảm bảo lợi thế cạnh tranh của Việt Nam. Đây cũng là cơ hội giúp Việt Nam trở thành điểm đến cho các dự án FDI chất lượng cao, đặc biệt trong các ngành, như: năng lượng tái tạo, công nghệ xanh, và sản xuất tiên tiến.
Thực tế quá trình chuyển đổi từ mô hình truyền thống sang mô hình sinh thái KCN An Phát (Hải Dương), KCN Nam Cầu Kiền và Deep-C (Hải Phòng) đã tạo ra hiệu quả vượt trội cho chuỗi kinh tế tuần hoàn. Những mô hình này đang tạo sức cạnh tranh lớn trong thu hút FDI, đồng thời cũng là minh chứng cho xu thế tất yếu trong quá trình chuyển đổi xanh.
Để tận dụng sự chuyển dịch của dòng vốn FDI, các nhà đầu tư phát triển hạ tầng KCN và doanh nghiệp cần lưu ý các trọng tâm:
Thứ nhất, mạnh dạn thay đổi hướng phát triển theo các mô hình KCN, KKT mới trong đó có KCN sinh thái.
Thứ hai, lấy khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo làm trụ cột cho sản xuất và thu hút đầu tư, tạo điều kiện thu hút các doanh nghiệp công nghệ, start-up, dành quỹ đất và nguồn lực cho các dự án R&D, nghiên cứu thử nghiệm sản phẩm mới, ứng dụng công nghệ cao, chuyển đổi số, tiết kiệm năng lượng...
Thứ ba, thu hút đầu tư có chọn lọc, chủ động tiếp xúc, bám sát các yập đoàn hàng đầu thế giới trong các ngành, lĩnh vực mà Việt Nam ưu tiên, đặc biệt các dự án công nghệ hiện đại, có cam kết chuyển giao công nghệ, tác động lan tỏa tới các ngành, lĩnh vực, mở rộng thị trường. Phát triển chuỗi cung ứng, phát triển nguồn nhân lực cho doanh nghiệp trong nước tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu.
Thứ tư, đảm bảo phát triển bền vững về môi trường và triển khai các giải pháp xây dựng nhà ở và các công trình dịch vụ, tiện ích công cộng cho người lao động trong KCN; nghiên cứu và thực hiện các tiêu chuẩn EGS, đáp ứng yêu cầu của các chuỗi ngành hàng.
Thứ năm, nâng cao năng lực cạnh tranh và sức hấp dẫn của từng KCN thông qua việc chuyển mình theo hướng bền vững trên cả 3 trụ cột: Kinh tế, Xã hội và Môi trường.
Để thúc đẩy quá trình chuyển đổi KCN sinh thái, theo bà Vương Thị Minh Hiếu, Phó Vụ trưởng Vụ Quản lý Các khu kinh tế, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng, cần thể chế tốt, khung pháp lý hoàn thiện. Bộ Kế hoạch và Đầu tư hiện đang phối hợp với các bộ, ngành, cơ quan liên quan thúc đẩy các giải pháp nêu trên để tạo môi trường thuận lợi và khuyến khích triển khai KCN sinh thái. Đối với việc hoàn thiện thể chế liên quan đến KCN, KKT, hiện Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang tham mưu, trình Chính phủ xem xét, thông qua đề nghị xây dựng Luật Khu công nghiệp – Khu kinh tế, trong đó tập trung vào một số điểm chính như sau:
Một là, thể chế hóa các quan điểm, chủ trương, chính sách và định hướng của Đảng và Nhà nước về xây dựng và phát triển các KCN, KKT; tạo hành lang pháp lý thống nhất về KCN, KKT
Hai là, quy định các điều kiện về quy hoạch KCN, KKT nhằm đảm bảo tính đồng bộ trong hệ thống quy hoạch quốc gia, quy hoạch ngành, lĩnh vực, nguyên tắc tiết kiệm và sử dụng hiệu quả nguồn lực đất đai, gắn với khả năng thu hút đầu tư, gắn với liên kết vùng, hình thành các vùng công nghiệp trọng điểm, bảo tồn hệ sinh thái, phát triển bền vững về kinh tế, xã hội, môi trường. Quy định các chính sách khuyến khích, thu hút đầu tư, hỗ trợ đầu tư xây dựng và phát triển KCN, KKT tại địa bàn khó khăn; bổ sung quy định các chính sách khuyến khích và hỗ trợ đầu tư xây dựng và phát triển các loại hình KCN mới, khu chức năng mới trong KKT, KKT mới, ngành nghề mới (chíp, chất bán dẫn, đổi mới sáng tạo...), phát triển liên kết ngành, cụm liên kết ngành trong KCN, KKT.
Ba là, hoàn thiện, nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước về KCN, KKT theo nguyên tắc “một cửa, tại chỗ”; đẩy mạnh phân cấp, phân quyền; xây dựng mô hình tổ chức và quản lý tinh gọn, đủ thẩm quyền, đơn giản hóa TTHC, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh tại Việt Nam./.
Bình luận