|
Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết, phía Việt Nam sẵn sàng đẩy mạnh hợp tác với Romania nói chung, tỉnh Prahova nói riêng, làm mới những động lực hợp tác cũ và thúc đẩy những động lực hợp tác mới, nhất là trong những lĩnh vực mới nổi, là xu thế lớn của thế giới và hai bên đều có mục tiêu phát triển như: kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế chia sẻ. |
Việt Nam sẽ là "con hổ" tiếp theo của châu Á |
Trong chương trình thăm chính thức Romania, sáng 21/1 (giờ địa phương), Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam, trong đó có Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng đã tới thăm, làm việc tại tỉnh Prahova. Prahova là một trung tâm công nghiệp, dầu khí, du lịch và văn hóa quan trọng hàng đầu của Romania. Đặc biệt, Prahova là nơi có nhà máy lọc dầu đầu tiên của Romania, cùng trường Đại học Dầu khí Ploiesti có truyền thống hợp tác với Việt Nam, đóng góp quan trọng vào hợp tác dầu khí giữa hai nước. Giai đoạn từ 1955-1985, có khoảng 253 kỹ sư Việt Nam đã tốt nghiệp từ Học viện Dầu khí và Địa chất Bucarest và Đại học Dầu khí Ploiesti. Việc hợp tác đào tạo kỹ sư dầu khí giữa hai nước được khôi phục từ năm 2002 và tới năm 2015, đã có trên 70 kỹ sư dầu khí của Việt Nam tốt nghiệp Đại học Dầu khí Ploiesti. |
Theo Bộ trưởng Kinh tế, Doanh nghiệp và Du lịch Romania Radu Stefan Oprea, Việt Nam phát triển "thần kỳ" với mức tăng trưởng nhanh trong nhiều năm, quy mô dân số đã đạt 100 triệu người, nhiều hiệp định thương mại tự do được ký kết và tận dụng tốt những cơ hội từ biến chuyển của tình hình kinh tế, chính trị toàn cầu. |
Bộ trưởng kêu gọi doanh nghiệp Romania và tỉnh Prahova nắm bắt cơ hội hợp tác, đầu tư với Việt Nam. Romania cũng có thể là cửa ngõ để hàng hóa Việt Nam vào thị trường châu Âu 500 triệu dân. Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Prahova, ông Aurelian Gogulescu đánh giá Việt Nam sẽ là "con hổ" tiếp theo của châu Á. |
Hai bên có cơ hội và mong muốn hợp tác lớn, phạm vi hợp tác rộng mở |
Phát biểu tại cuộc làm việc, Thủ tướng Phạm Minh Chính bày tỏ ấn tượng với sự phát triển của tỉnh Prahova, đặc biệt là đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số, quản lý dịch vụ công và bảo đảm an sinh xã hội. Đồng tình với các ý kiến về kết quả hợp tác giữa hai nước trên các lĩnh vực, Thủ tướng nhấn mạnh, những thành tựu trong hợp tác đào tạo giữa hai nước trong lĩnh vực dầu khí - ngành non trẻ nhưng đóng góp quan trọng, tích cực vào sự phát triển của Việt Nam trong gần 40 năm đổi mới. Hợp tác địa phương còn tiềm năng lớn và đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy hợp tác giữa hai quốc gia. Dự kiến nhân dịp chuyến thăm này, một số địa phương của hai nước sẽ ký biên bản ghi nhớ hợp tác. Thủ tướng cho biết phía, Việt Nam sẵn sàng đẩy mạnh hợp tác với Romania nói chung và tỉnh Prahova nói riêng, làm mới những động lực hợp tác cũ và thúc đẩy những động lực hợp tác mới, nhất là trong những lĩnh vực mới nổi, là xu thế lớn của thế giới và hai bên đều có mục tiêu phát triển như: kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế chia sẻ. Hai nền kinh tế có nhiều thế mạnh có thể bổ sung, hỗ trợ lẫn nhau. Thủ tướng lấy ví dụ, Việt Nam có diện tích khoảng 330.000 km2, dân số khoảng 100 triệu dân, trong khi Romania có diện tích khoảng 238.000 km2 với khoảng 23 triệu dân, nên hợp tác lao động hoàn toàn có thể là một động lực hợp tác mới. Mặt khác, Việt Nam sẽ tiếp tục đầu tư, mở rộng các công trình lớn trong lĩnh vực dầu khí, hai bên có thể đẩy mạnh hợp tác về đầu tư, chuyển giao công nghệ, đào tạo nhân lực...
|
Theo Thủ tướng, hai bên có cơ hội và mong muốn hợp tác lớn, phạm vi hợp tác rộng mở. Hội nghị WEF Davos 2024 có chủ đề "Tái thiết lòng tin" cho thấy, lòng tin là yếu tố hết sức quan trọng, trong khi Việt Nam và Romania đã có sẵn lòng tin. Trở ngại lớn nhất cho hợp tác giữa hai bên là khoảng cách địa lý, nhưng khó khăn, thách thức này có thể được tháo gỡ, hóa giải thông qua đẩy mạnh chuyển đổi số, phát triển thương mại điện tử... và các cơ quan liên quan như phòng thương mại và công nghiệp, các bộ, ngành tăng cường hỗ trợ, giúp đỡ các doanh nghiệp kết nối hợp tác, đầu tư. |
Thủ tướng cho biết, trong chuyến thăm lần này, ông sẽ hội đàm, gặp gỡ với các nhà lãnh đạo cao nhất của Romania, xác định những phương hướng, giải pháp thúc đẩy quan hệ hai nước thời gian tới trên các lĩnh vực, trong đó có lĩnh vực kinh tế, thương mại, đầu tư. Thủ tướng mong muốn các doanh nghiệp, địa phương tích cực hợp tác, đầu tư, chia sẻ, học hỏi để góp phần hiện thực hóa tầm nhìn, mục tiêu của lãnh đạo hai nước. Chính phủ Việt Nam tạo mọi điều kiện thuận lợi để khuyến khích trao đổi, liên kết, hợp tác giữa các doanh nghiệp, địa phương hai bên thông qua những dự án cụ thể. |
Đề nghị Viện ICI coi Việt Nam là một đối tác ưu tiên trong quá trình mở rộng hợp tác quốc tế |
Trong chương trình thăm chính thức Romania, cũng trong sáng 21/1 (giờ địa phương), Thủ tướng Phạm Minh Chính đã thăm và làm việc tại Viện nghiên cứu và Phát triển tin học quốc gia Romania. Chào mừng Thủ tướng Phạm Minh Chính - cựu du học sinh và cán bộ ngoại giao Việt Nam tại Romania, Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Phát triển tin học quốc gia Romania (ICI) Adrian Victor Vevera cho biết, ICI là Viện nghiên cứu chiến lược hàng đầu và có bề dày lịch sử hơn 50 năm về phát triển nguồn nhân lực công nghệ thông tin cho Romania. ICI có vai trò quan trọng trong đào tạo nguồn nhân lực công nghệ thông tin; đã đóng góp động lực cho sự tiến bộ, phát triển của Romania. Các dự án nghiên cứu và ứng dụng công nghệ của ICI không chỉ mang lại những giải pháp tiên tiến, mà còn đóng góp vào việc tối ưu hóa các nguồn lực và cải thiện chất lượng cuộc sống. Viện là cơ quan thiết lập mạng internet ở Romania, trung tâm dữ liệu; xây dựng dự án điện toán đám mây cho các cơ sở của nhà nước; xây dựng siêu máy tính; thành lập trung tâm ngoại giao trên không gian mạng; tiên phong trong phát triển công nghệ chuỗi khối (block chain); thành lập trung tâm phục hồi dữ liệu di động; xây dựng sàn giao dịch ảo… Viện ICI hướng đến tương lai với sự tự tin, sẵn sàng cùng với Việt Nam thúc đẩy lĩnh vực này. |
Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết, quan hệ Việt Nam - Romania đã trải qua gần 75 năm, có những lúc thăng trầm và nhiều đột phá. Năm 1957, khi Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm Romania, hàng trăm nghìn người dân Romania đã nồng nhiệt chào đón. Romania dành tình cảm đặc biệt cho Chủ tịch Hồ Chí Minh với việc lấy tên Người đặt cho một con đường. Khi Việt Nam giành độc lập, hàng trăm nghìn người Romania đã xuống đường mừng chiến thắng cùng Việt Nam. Trong quá trình xây dựng đất nước sau này, Romania tiếp tục sát cánh, hỗ trợ Việt Nam, nhất là trong lúc Việt Nam còn khó khăn. Romania đã giúp Việt Nam đào tạo nhiều cán bộ trong suốt thời kỳ chiến tranh và sau chiến tranh. Nhiều người trong đó đã trưởng thành, trở thành những nhà khoa học, quản lý cấp cao, nhất là trong các lĩnh vực công nghệ thông tin, xây dựng… Năm 2019, với vai trò là Chủ tịch Liên minh châu Âu (EU), Romania đóng vai trò quan trọng giúp EU và Việt Nam ký Hiệp định Thương mại tự do (EVFTA); Romania là một trong những nước đầu tiên phê chuẩn Hiệp định Bảo hộ đầu tư Việt Nam - EU (EVIPA). Điều này góp phần đưa thương mại song phương Việt Nam – EU và kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam nói chung tăng trưởng vượt bậc. Năm 2022, kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam đạt 735 tỷ USD, gần gấp 2 lần GDP của đất nước. Năm 2023, trong bối cảnh thế giới có nhiều khó khăn, thách thức, kim ngạch xuất khẩu vẫn đạt hơn 700 tỷ USD. Thủ tướng đề nghị, tiếp nối thành tựu hợp tác suốt gần 75 năm qua, thời gian tới Việt Nam và Romania cần tăng cường, thúc đẩy hợp tác trên tất cả các lĩnh vực, trong đó có hợp tác để chia sẻ kinh nghiệm, kiến thức và khoa học công nghệ. “Việt Nam huy động mọi nguồn lực phục vụ phát triển đất nước nhanh và bền vững, dựa chủ yếu vào khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo. Trong đó, Việt Nam đã xây dựng và triển khai Chiến lược chuyển đổi số Quốc gia; Chiến lược quốc gia về nghiên cứu, phát triển và ứng dụng trí tuệ nhân tạo; thành lập Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia…”, Thủ tướng cho biết. |
Nhấn mạnh tầm quan trọng của lĩnh vực chuyển đổi số và đánh giá cao tầm nhìn xa của Romania về công nghệ thông tin, Thủ tướng đề nghị Viện ICI coi Việt Nam là một đối tác ưu tiên trong quá trình mở rộng hợp tác quốc tế, trước mắt hai bên cử các đoàn công tác tới để tìm hiểu, cùng xây dựng kế hoạch, chương trình hợp tác; Viện ICI giúp Việt Nam đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao trong lĩnh vực này. Thủ tướng khích lệ các chuyên gia Việt Nam và Romania cùng nhau nghiên cứu và phát triển các dự án hợp tác, đặc biệt là trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo (AI), an ninh mạng và ứng dụng công nghệ thông tin trong các lĩnh vực đời sống xã hội. Thời gian có giới hạn, song hợp tác giữa hai nước, nhất là trong lĩnh vực khoa học công nghệ, AI, blockchain… là không có giới hạn. Người đứng đầu Chính phủ Việt Nam tin tưởng, hợp tác giữa hai nước trong lĩnh vực tin học và công nghệ thông tin sẽ tạo ra những cơ hội mới và góp phần thúc đẩy quan hệ hai nước; sự kết hợp các ý tưởng và nghiên cứu sẽ làm tăng sức mạnh và tầm nhìn, tạo động lực mới để thúc đẩy tăng trưởng cho cả Việt Nam và Romania. |
Ngay tại buổi làm việc, thực hiện ý kiến của Thủ tướng Phạm Minh Chính, lãnh đạo các bộ, ngành của Việt Nam đã gợi mở, đề xuất các lĩnh vực hợp tác với ICI. Trong đó, Bộ Công an đã kết nối và ngay sau đó sẽ làm việc với ICI để tìm hiểu cơ hội hợp tác trong lĩnh vực an ninh mạng. Cũng tại cuộc làm việc, dưới sự chứng kiến của Thủ tướng Phạm Minh Chính, Viện Nghiên cứu và Phát triển tin học quốc gia Romania và Viện Công nghệ số và chuyển đổi số quốc gia Việt Nam đã trao Biên bản ghi nhớ về hợp tác.../. |
T.Văn Ảnh: VGP |