eMagazine
Việt Nam vững vàng trong cuộc đua FDI năm 2022

16:28 | 16/02/2022

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho rằng, trên nền tảng thành công của năm 2021, năm 2022, dòng vốn FDI sẽ tiếp tục chọn Việt Nam, không chỉ vì những lợi thế vốn có của nền kinh tế, mà còn bởi các cơ chế, chính sách mới của Việt Nam trong thu hút các nhà đầu tư nước ngoài đã bắt kịp xu hướng phát triển cũng như có tính cạnh tranh quốc tế.

Việt Nam vững vàng trong cuộc đua FDI năm 2022

Mặc dù cơ hội đón vốn FDI là rất lớn, nhưng cuộc cạnh tranh thu hút đầu tư FDI đang ngày càng quyết liệt nhất là trong bối cảnh nguồn cung vốn hạn chế và ảnh hưởng nặng nề của đại dịch Covid-19. Vì thế, Việt Nam cần có những giải pháp khắc phục các điểm nghẽn hiện nay.

Việt Nam vững vàng trong cuộc đua FDI năm 2022

THU HÚT FDI – ĐIỂM SÁNG TRONG NĂM 2021

Đại dịch Covid-19 đã khiến “bức tranh” FDI tại Viêt Nam 2021 gặp nhiều khó khăn, thách thức. Tuy nhiên, trong 2 năm Covid-19, 2020-2021, thu hút FDI vẫn là điểm sáng trong bức tranh kinh tế của nước ta.

Thống kê của Cục Đầu tư nước ngoài - Bộ Kế hoạch Đầu tư cho thấy, tính đến ngày 20/12/2021, tổng vốn đăng ký cấp mới, điều chỉnh và góp vốn mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài đạt 31,15 tỷ USD, tăng 9,2% so với cùng kỳ năm 2020. Trong đó, cả vốn đăng ký mới và vốn điều chỉnh đều tăng, duy chỉ có phần góp vốn mua cổ phần vẫn giảm, song mức giảm đã cải thiện rất nhiều so với các tháng trước. Cụ thể, có 1.738 dự án mới được cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư (giảm 31,1%) với tổng vốn đăng ký đạt trên 15,2 tỷ USD (tăng 4,1%); 985 lượt dự án đăng ký điều chỉnh vốn (giảm 13,6%) với tổng vốn đăng ký tăng thêm đạt trên 9 tỷ USD (tăng 40,5%). Ngoài ra, có 3.797 lượt góp vốn mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài (giảm 38,2%) với giá trị gần 6,9 tỷ USD (giảm 7,7%).

Tín hiệu đáng mừng là chính sách thu hút đầu tư có chọn lọc của nước ta theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả thu hút FDI đã bắt đầu phát huy tác dụng. Các dự án đầu tư mới dưới 5 triệu USD giảm nhiều, làm tăng quy mô bình quân của dự án FDI so với năm 2020, hai dự án công nghệ cao điều chỉnh vốn đầu tư tăng hơn 2,66 tỷ USD.

Việt Nam vững vàng trong cuộc đua FDI năm 2022Việt Nam vững vàng trong cuộc đua FDI năm 2022
Việt Nam vững vàng trong cuộc đua FDI năm 2022
Việt Nam vững vàng trong cuộc đua FDI năm 2022

GS, TSKH. Nguyễn Mại - Chủ tịch Hiệp hội DN FDI (VAFIE) cho biết, các nhà đầu tư và nhiều tổ chức quốc tế đánh giá cao việc nhà nước Việt Nam nỗ lực hoàn thiện thể chế, cải cách nền hành chính quốc gia, giảm thiểu hàng nghìn thủ tục hành chính, chuyển nhanh sang Chính phủ số, do đó số doanh nghiệp FDI dự kiến mở rộng sản xuất và kinh doanh chiếm tỷ lệ trên 65%.

Tính đến thời điểm 20/12/2021, các nhà đầu tư nước ngoài đã đầu tư vào 18 ngành trong tổng số 21 ngành kinh tế quốc dân. Trong đó, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo dẫn đầu với tổng vốn đầu tư đạt trên 18,1 tỷ USD, chiếm 58,2% tổng vốn đầu tư đăng ký. Ngành sản xuất, phân phối điện mặc dù thu hút được số lượng dự án mới, điều chỉnh cũng như góp vốn mua cổ phần không nhiều, song có dự án có quy mô vốn lớn, nên đứng thứ 2 với tổng vốn đầu tư trên 5,7 tỷ USD, chiếm 18,3% tổng vốn đầu tư đăng ký. Tiếp theo lần lượt là các ngành kinh doanh bất động sản; bán buôn, bán lẻ với tổng vốn đăng ký đạt lần lượt là trên 2,6 tỷ USD và trên 1,4 tỷ USD.

Đã có 106 quốc gia và vùng lãnh thổ có đầu tư tại Việt Nam trong năm 2021. Trong đó, Singapore dẫn đầu với tổng vốn đầu tư trên 10,7 tỷ USD, chiếm 34,4% tổng vốn đầu tư vào Việt Nam; Hàn Quốc đứng thứ hai với gần 5 tỷ USD, chiếm 15,9%; và Nhật Bản đứng thứ 3 với tổng vốn đầu tư đăng ký gần 3,9 tỷ USD, chiếm 12,5%. Đáng chú ý, trong năm 2021, vốn đầu tư của Singapore gấp gần 2,2 lần vốn đầu tư của Hàn Quốc và gấp hơn 2,7 lần vốn đầu tư của Nhật Bản, do Singapore có 1 dự án đầu tư mới và 1 trường hợp góp vốn mua cổ phần có vốn đầu tư lớn.

Việt Nam vững vàng trong cuộc đua FDI năm 2022
Trong tháng 01/2022, Hải Phòng có 5 dự án cấp mới và điều chỉnh với tổng vốn đầu tư cấp mới và tăng thêm khoảng 229 triệu USD (gồm 3 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài - 140 triệu USD và 2 dự án đầu tư trong nước - 2.048 tỷ đồng). 5 dự án được trao chứng nhận đăng ký đầu tư tại hội nghị gồm: Dự án Trung tâm sản xuất điện tử Chilisin tại Việt Nam của Công ty TNHH Điện tử Chilisin (Hồng Kông) tại Khu công nghiệp VSIP Hải Phòng với mục tiêu đầu tư nhà máy sản xuất và gia công các loại linh kiện điện tử cung cấp cho các đối tác Samsung, Apple, điều chỉnh tăng tổng vốn đầu tư từ 96,5 triệu USD lên 170.2 triệu USD (tăng 73,7 triệu USD).

FDI TOÀN CẦU NĂM 2022 CÓ THỂ KHÔI PHỤC Ở MỨC NĂM 2019

Theo Báo cáo Đầu tư thế giới (World Investment) 2021 của Diễn đàn Thương mại và Phát triển Liên hiệp quốc (UNCTAD), đại dịch Covid-19 đã làm thay đổi bức tranh đầu tư nước ngoài của thế giới. Dòng vốn FDI toàn cầu năm 2020 giảm 35%, xuống còn 1.000 tỷ USD, trong đó FDI vào các nền kinh tế phát triển giảm 58% do các nước này đang tái cơ cấu doanh nghiệp và có nguồn tài chính ổn định; FDI vào các nền kinh tế mới nổi và các nước đang phát triển giảm ít hơn, ở mức 8%, chủ yếu do chu chuyển vốn linh hoạt ở châu Á. Năm 2020, các nền kinh tế đang phát triển chiếm 2/3 tổng vốn FDI toàn cầu, tăng so với mức gần 1/2 trong năm 2019. Theo khu vực địa lý, FDI giảm trên khắp thế giới, ngoại trừ châu Á.

Do dịch Covid-19, nhiều quốc gia phải đóng cửa biên giới, đã làm trì hoãn các dự án đầu tư hiện có, bên cạnh đó, do suy thoái kinh tế toàn cầu nên các doanh nghiệp đa quốc gia đã đánh giá lại các dự án mới. Sự thu hẹp tổng thể trong xúc tiến dự án mới, kết hợp với sự trì hoãn trong hoạt động mua - bán và sáp nhập xuyên biên giới dẫn đến dòng vốn đầu tư cổ phần giảm hơn 50% là các nguyên nhân làm suy giảm đầu tư nước ngoài trong năm 2020.

Cũng theo UNCTAD, năm 2021, FDI toàn cầu phục hồi tương đối khiêm tốn do khả năng tiếp cận vắc xin thấp, sự xuất hiện của các biến thể virus mới và các nền kinh tế chậm mở cửa trở lại.

UNCTAD dự báo, do dịch bệnh được kiểm soát tốt, nhiều nước ban hành cơ chế, chính sách mới ưu đãi đầu tư, nên FDI toàn cầu năm 2022 có thể khôi phục mức năm 2019.

Nguồn vốn FDI vào châu Á, trong đó có một số nước lớn trong ASEAN, có thể đạt mức cao hơn năm 2021. Đặc biệt, các chính sách hướng đầu tư vào cơ sở hạ tầng và chuyển đổi năng lượng, đồng thời tăng cường tính tự chủ của nền kinh tế và chăm sóc sức khoẻ người dân.

Việt Nam vững vàng trong cuộc đua FDI năm 2022

VIỆT NAM VỮNG VÀNG TRONG CUỘC ĐUA FDI NĂM 2022

Năm 2022, nhiều tổ chức quốc tế, như: Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), Ngân hàng Thế giới (WB), Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) đã đưa ra những nhận định khá lạc quan về triển vọng khôi phục và phát triển kinh tế Việt Nam, với dự báo tốc độ tăng GDP đạt 6,5%-7%. Các nhà đầu tư quốc tế vẫn tiếp tục coi Việt Nam là đối tác quan trọng về thương mại và đầu tư.

Năm 2022, cùng với việc triển khai thực thi CPTPP và EVFTA, Việt Nam cũng sẽ tiếp tục thực hiện một số FTA thế hệ mới khác, nhiều doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp FDI đã tích lũy được kinh nghiệm trong thương mại với những đối tác của FTA thế hệ mới, nên đã chuẩn bị điều kiện để mở rộng quan hệ song phương trong bối cảnh bình thường mới.

Báo cáo riêng của UNCTAD về ASEAN công bố cuối năm 2021 cũng dự báo, Việt Nam vẫn là quốc gia tương đối thành công, điểm đến hứa hẹn với nhà đầu tư nước ngoài.

Các cuộc điều tra của Amcham, Eurocham, Kocham… công bố trong những tháng gần đây cho thấy, 60-65% doanh nghiệp nước ngoài đang hoạt động tại Việt Nam có ý định mở rộng hoạt động năm 2022 và những năm tiếp theo. Đó là tỷ lệ khá cao so với rất nhiều nước.

Gần đây, các lãnh đạo cấp cao nước ta như Chủ tịch nước, Chủ tịch Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ… đi thăm Mỹ, châu Âu, một số nước ASEAN, Hàn Quốc, Ấn Độ… Tại hội đàm cấp cao hoặc hội nghị xúc tiến đầu tư, các tập đoàn của Mỹ, EU đã cam kết đầu tư rất lớn vào Việt Nam, trong đó có những dự án điện gió ngoài khơi, điện khí giá trị tới vài tỷ USD.

GS, TSKH. Nguyễn Mại dự báo, năm 2022 vốn đăng ký vào Việt Nam tăng trưởng khoảng 10-15%, tương đương từ 31 tỷ USD lên 35-36 tỷ USD. Đạt được mức này là đạt chỉ tiêu Nghị quyết 50-NQ/TW ngày 20-8-2019 của Bộ Chính trị về định hướng hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao chất lượng, hiệu quả hợp tác đầu tư nước ngoài đến năm 2030 đặt ra.

Điều đáng mừng là trong tháng đầu tiên của năm 2022, dòng vốn FDI vào Việt Nam đạt 2,1 tỷ USD, tăng 4,2% so với cùng kỳ năm 2021. Không chỉ có vốn đăng ký mới, mà vốn FDI thực hiện trong tháng cũng đạt 1,61 tỷ USD, tăng 6,8% so với cùng kỳ năm ngoái. Đó là tín hiệu tích cực cho dòng vốn FDI vào Việt Nam trong năm 2022, cũng khẳng định sự vững vàng của Việt Nam trong cuộc canh tranh thu hút FDI.

Việt Nam vững vàng trong cuộc đua FDI năm 2022

CẦN KHẮC PHỤC NHỮNG ĐIỂM NGHẼN ĐỂ FDI TIẾP TỤC LÀ ĐIỂM SÁNG

Mặc dù cơ hội đón vốn FDI là rất lớn nhưng cuộc cạnh tranh thu hút đầu tư FDI đang ngày càng quyết liệt nhất là trong bối cảnh nguồn cung vốn hạn chế và ảnh hưởng nặng nề của đại dịch Covid-19, các quốc gia đều tranh thủ thu hút nguồn lực bên ngoài để duy trì và phục hồi nền kinh tế. Do đó, cạnh tranh thu hút FDI giữa các quốc gia đang phát triển có sự tương đồng về thị trường, trình độ phát triển, công nghệ và lao động đang ngày càng gay gắt.

Bên cạnh đó, cần phải thấy rằng, sau 30 năm thu hút FDI, đặc biệt là sau khi Nghị quyết số 50/NQ-TW được ban hành, Việt Nam đã thể hiện quan điểm về việc “nâng cấp” dòng vốn FDI, thu hút đầu tư các dự án công nghệ cao, công nghệ nguồn, tác động lan tỏa tới kinh tế - xã hội Việt Nam… Tuy nhiên, theo các chuyên gia, chúng ta chưa làm được nhiều. Chúng ta chưa thu hút được dự án công nghệ tương lai thích ứng với Cách mạng công nghiệp 4.0 và chuyển đổi số, chưa có biến chuyển nhanh sang kinh tế xanh, ít phát thải khí nhà kính, chưa xây dựng được nhiều khu công nghiệp sinh thái, đô thị xanh…

Trao đổi trên Tạp chí Kinh tế và Dự báo, GS, TSKH. Nguyễn Mại nhận định, vẫn còn không ít điểm nghẽn nếu chậm được khắc phục sẽ tác động tiêu cực đến quá trình phát triển kinh tế, thu hút FDI và hoạt động của khu vực kinh tế FDI như hoàn thiện thể chế và thực thi thể chế, đơn giản hơn nữa thủ tục hành chính, loại bỏ các thủ tục gây phiền hà cho nhà đầu tư và doanh nghiệp, xử lý nghiêm minh và kịp thời mọi vi phạm pháp luật liên quan đến đầu tư như đất đai, môi trường, trốn thuế, lậu thuế, chuyển giá, tranh chấp lao động, bảo đảm đòi hỏi của FTA thế hệ mới như kinh doanh có trách nhiệm, xóa bỏ lao động cưỡng bức, không sử dụng lao động trẻ em, trả lương theo lao động bình đẳng giới tính.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho rằng, trên nền tảng thành công của năm 2021, năm 2022 và các năm tiếp theo, dòng vốn FDI sẽ tiếp tục chọn Việt Nam, không chỉ vì những lợi thế vốn có của nền kinh tế, mà còn bởi các cơ chế, chính sách mới của Việt Nam trong thu hút các nhà đầu tư nước ngoài đã bắt kịp xu hướng phát triển cũng như có tính cạnh tranh quốc tế.

Tại Quyết định số 29/2021/QĐ-TTg, ngày 06/10/2021, Thủ tướng đã ban hành Quy định về ưu đãi đầu tư đặc biệt, theo đó, các dự án công nghệ cao, dự án có quy mô lớn… sẽ được hưởng các ưu đãi tương ứng về thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp; về thời gian miễn giảm thuế thu nhập doanh nghiệp; tiền thuê đất, thuê mặt nước…

Cùng với đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng đã trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 1831/QĐ-TTg, ngày 01/11/2021 về Danh mục quốc gia các dự án kêu gọi đầu tư nước ngoài giai đoạn 2021-2025. Theo đó, Danh mục quốc gia gồm 157 dự án thuộc 9 lĩnh vực: hạ tầng giao thông; hạ tầng khu công nghiệp, khu kinh tế; hạ tầng năng lượng; hạ tầng công nghệ thông tin; hệ thống xử lý rác, nước thải; hạ tầng giáo dục và y tế; hạ tầng văn hóa, thể thao, du lịch; ngành nông, lâm, thủy sản; lĩnh vực sản xuất và dịch vụ. Thủ tướng Chính phủ cũng giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, hướng dẫn, kiểm tra việc thi hành Quyết định 1831/QĐ-TTg, đồng thời giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư, chủ trì phối hợp các bộ, ngành, địa phương xây dựng chi tiết nội dung thông tin dự án, phù hợp với tình hình thực tế trong từng thời kỳ.

Để tăng tính cạnh tranh của Việt Nam trong cuộc đua FDI năm 2022 và trong trung và dài hạn, theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, Việt Nam cần chuẩn bị sẵn sàng các điều kiện cần thiết để thu hút đầu tư như rà soát, bổ sung quỹ đất sạch; rà soát lại quy hoạch điện; đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao; bổ sung chính sách để phát triển công nghiệp hỗ trợ; xây dựng các quy định, tiêu chuẩn như một bộ lọc mới nhằm lựa chọn các nhà đầu tư FDI có công nghệ tiên tiến, có khả năng chống chịu sức ép từ bên ngoài để phát triển bền vững và bảo đảm an ninh quốc gia.

“Bên cạnh đó, sẽ chủ động lên danh sách các doanh nghiệp đang quan tâm đến đầu tư tại Việt Nam để tiếp cận, trao đổi, mời vào đầu tư”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết thêm thông tin./.

Trên nền tảng thành công của năm 2021, tôi tin rằng, năm 2022 và các năm tiếp theo, dòng vốn FDI sẽ tiếp tục chọn Việt Nam, không chỉ vì những lợi thế vốn có của nền kinh tế, mà còn bởi các cơ chế, chính sách mới của Việt Nam trong thu hút các nhà đầu tư nước ngoài đã bắt kịp xu hướng phát triển cũng như có tính cạnh tranh quốc tế.
-Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng-

Việt Nam vững vàng trong cuộc đua FDI năm 2022

Bài: Trí Dũng

Tạp chí Kinh tế và Dự báo 16:28 | 16/02/2022