Mục đích của kế hoạch nhằm góp phần tuyên truyền, giáo dục ý nghĩa, tác dụng của việc trồng cây, trồng rừng; nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành, các tầng lớp nhân dân về vai trò, tác dụng, giá trị của rừng, của việc trồng cây, bảo vệ rừng gắn liền với phát triển kinh tế-xã hội, văn hóa-du lịch và bảo vệ môi trường sinh thái, giảm nhẹ thiên tai, thích ứng với biến đổi khí hậu; đồng thời, giữ ổn định tỷ lệ che phủ rừng 25% theo chỉ tiêu Đại hội Đảng bộ Tỉnh lần thứ XVII đã đề ra.

Đại diện lãnh đạo UBND tỉnh Vĩnh Phúc cho biết, theo kế hoạch, Lễ phát động trồng cây bắt đầu từ ngày 30/11/2022 đến hết ngày 19/1/2023 trong toàn Tỉnh. Vĩnh Phúc phấn đấu trồng từ 600.000 cây phân tán trở lên; các huyện, thành phố chỉ đạo thực hiện hoàn thành chỉ tiêu kế hoạch được UBND Tỉnh phân bổ năm 2023.

Vĩnh Phúc phát động trồng 600.000 cây vì mục tiêu phát triển du lịch và bảo vệ môi trường

Vĩnh Phúc phát động Lễ trồng cây năm 2023 vì mục tiêu phát triển du lịch và bảo vệ môi trường

Trên cơ sở kế hoạch của Tỉnh, xây dựng kế hoạch và tổ chức lễ phát động trồng cây của địa phương; các huyện, thành phố tổ chức tuyên truyền, vận động các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân tích cực trồng cây theo chỉ tiêu kế hoạch giao; trồng rừng, chăm sóc cây trồng đúng quy trình, kỹ thuật, tăng tỷ lệ sử dụng giống mô, hom, ứng dụng tiến bộ kỹ thuật trong trồng rừng gỗ lớn, nâng cao năng suất, chất lượng và giá trị rừng trồng... Lập hồ sơ theo dõi và giao rõ trách nhiệm quản lý, bảo vệ để cây sau trồng sinh trưởng, phát triển tốt; vận động mỗi người dân trên địa bàn Tỉnh trồng từ 1 - 2 cây xanh trở lên.

Các hoạt động du lịch gắn với môi trường xanh hướng tới phát triển du lịch bền vững, từ đó đáp ứng nhu cầu của du khách và người dân bản địa song hành cùng vào cuộc bảo tồn cảnh quan, nguồn tài nguyên du lịch, bảo vệ môi trường cho phát triển du lịch trong tương lai.

Giám đốc Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch tỉnh Vĩnh Phúc Bùi Hồng Đô cho biết: thời gian qua, Tỉnh đã có nhiều quyết sách, chương trình hành động về du lịch với mục tiêu xây dựng hệ thống sản phẩm du lịch dựa trên lợi thế về tài nguyên, gìn giữ và bảo vệ môi trường du lịch, văn hóa ứng xử với khách du lịch, thúc đẩy phát triển du lịch.

Tuy nhiên, hoạt động du lịch và bảo vệ môi trường còn nhiều hạn chế trong việc phối hợp, liên kết giữa các ngành, tổ chức liên quan và những biện pháp khuyến khích người dân tham gia công tác bảo vệ môi trường. Sự phát triển nhanh chóng của ngành du lịch thời gian qua, không chỉ góp phần tích cực vào phát triển kinh tế - xã hội, mà còn gây áp lực tới môi trường sống, cảnh quan thiên nhiên...

Xác định phát triển du lịch theo hướng bền vững, vấn đề bảo vệ tài nguyên môi trường được đặt ra cấp thiết. Thời gian qua, Tỉnh đã chỉ đạo tổ chức các hoạt động du lịch, lễ hội, bảo vệ và phát huy giá trị di tích; đồng thời, tăng cường quản lý môi trường trong các khu du lịch, bảo tồn; ngăn chặn và xử lý kịp thời những hành vi gây ô nhiễm môi trường trong kinh doanh dịch vụ du lịch.

Nâng cao năng lực chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ chuyên trách công tác môi trường; nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, giáo dục về môi trường nhằm tạo sự chuyển biến và nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật bảo vệ môi trường trách nhiệm xã hội của người dân, doanh nghiệp trong việc gìn giữ và bảo vệ môi trường, phát triển du lịch bền vững.

“Du lịch được tỉnh Vĩnh Phúc xác định là một trong những ngành kinh tế quan trọng. Bảo vệ môi trường trong hoạt động du lịch do đó đã và đang được Tỉnh đặc biệt quan tâm chú trọng trong thời gian qua. Đặc biệt, hoạt động trồng cây năm 2023 được Tỉnh phát động vì mục tiêu 'Phát triển du lịch và bảo vệ môi trường tỉnh Vĩnh Phúc' sẽ góp phần giảm nhẹ thiên tai, thích ứng với biến đổi khí hậu và thúc đẩy phát triển ngành du lịch”, đại diện lãnh đạo Tỉnh nhấn mạnh./.