Với vốn chủ sở hữu trên 2.000 tỷ đồng, nhiều cổ đông đại chúng chờ đợi, BVSC sẽ sớm tăng vốn điều lệ để đủ điều kiện tham gia thị trường chứng khoán phái sinh Việt Nam, mở rộng con đường phát triển.

Báo cáo tài chính quý II/2021 của BVSC cho biết, Công ty đạt vốn chủ sở hữu 2.046 tỷ đồng, cao hơn con số 1.874,7 tỷ đồng ghi nhận vào đầu năm 2021. Tổng tài sản của BVSC tăng lên mức 4.757 tỷ đồng, trong khi đầu năm 2021, chỉ tiêu này là 3.412,9 tỷ đồng.

Tính trên vốn điều lệ 722,3 tỷ đồng, cổ phiếu BVSC đạt giá trị sổ sách 28.326 đồng/cổ phiếu vào thời điểm 30/6/2021, cao hơn khá nhiều công ty chứng khoán lớn trong ngành. BVSC có cổ đông lớn nhất là Tập đoàn Bảo Việt, nắm 59,92% vốn điều lệ; các cổ đông lớn khác (nắm giữ từ 1-5%) chiếm 9,58%, còn lại 30,51% vốn của BVSC do các nhà đầu tư đại chúng sở hữu. Với tình hình tài chính như trên, nhiều cổ đông đại chúng chờ đợi, BVSC sẽ sớm tăng vốn điều lệ để đủ điều kiện tham gia thị trường chứng khoán phái sinh Việt Nam, mở rộng con đường phát triển của doanh nghiệp.

Vốn chủ sở hữu của BVSC vượt mốc 2.000 tỷ đồng
Thương hiệu BVSC được giới trẻ biết đến nhiều hơn khi Công ty phát triển một chương trình tuyển dụng hoàn toàn mới “Future Broker” vào năm 2020

Báo cáo tài chính quý II của BVSC cho biết, doanh thu hoạt động đạt 344,4 tỷ đồng, tăng 109% so với cùng kỳ năm trước, lợi nhuận trước thuế quý II đạt 109,3 tỷ đồng, tăng hơn 28% so với cùng kỳ năm trước. Khấu trừ thuế, Công ty đạt 89,5 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế trong quý này.

Lũy kế 6 tháng đầu năm, BVSC ghi nhận doanh thu 557 tỷ đồng, gấp 2,2 lần nửa đầu năm 2020. Lợi nhuận sau thuế đạt 153,2 tỷ đồng, tăng 196% so với cùng kỳ năm 2020.

BVSC là công ty chứng khoán nhận giấy phép hoạt động đầu tiên trên TTCK Việt Nam, kiên định chọn mục tiêu phát triển bền vững. Công ty hiện là nơi làm việc của khoảng 600 người lao động và được bình chọn trong TOP 50 doanh nghiệp Việt có thương hiệu nhà tuyển dụng hấp dẫn nhất Việt Nam năm 2020. Chương trình bình chọn do Anphabe phối hợp với VCCI đồng tổ chức.

Khối có lượng nhân sự chiếm tỷ trọng lớn nhất tại BVSC là môi giới và dịch vụ khách hàng, chiếm khoảng 73% nhân sự toàn Công ty. Với quan điểm phát triển bền vững, BVSC dành nhiều nỗ lực cho công tác đào tạo nhân sự thông qua các hình thức như đào tạo nội bộ, đào tạo nghiệp vụ chứng khoán (chứng chỉ hành nghề), đào tạo các nghiệp vụ, kỹ năng khác. Thương hiệu BVSC được giới trẻ biết đến nhiều hơn khi Công ty phát triển một chương trình tuyển dụng hoàn toàn mới “Future Broker” vào năm 2020, đào tạo, tuyển dụng hàng trăm ứng viên và trở thành kênh tuyển dụng chủ lực, đáp ứng nguồn nhân lực cho nhu cầu phát triển trung và dài hạn của BVSC.

Năm 2020 là năm thứ ba liên tiếp BVSC được vinh danh trong TOP 100 doanh nghiệp phát triển bền vững tại Việt Nam. Trong báo cáo thường niên BVSC công bố tháng 5/2021, Tổng giám đốc Nhữ Đình Hòa chia sẻ, đại dịch Covid-19 như một sự cảnh tỉnh với nhân loại về những biến đổi quá nhanh và có tầm ảnh hưởng sâu rộng trên phạm vi toàn cầu. Với mỗi doanh nghiệp, Covid-19 là phép thử, đánh giá khả năng thích ứng và năng lực chống chịu trước những thay đổi không mong muốn từ bên ngoài. “Điều này một lần nữa tái khẳng định tầm quan trọng và giá trị của sự phát triển bền vững đối với sự tồn tại và phát triển của mỗi doanh nghiệp”, ông chia sẻ.

Là công ty lâu đời nhất trên TTCK Việt Nam, BVSC khác biệt ở tư duy quản trị rủi ro của người lãnh đạo. Chỉ tiêu an toàn vốn khả dụng của BVSC luôn đạt cao hơn nhiều so với quy định của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước. Trong năm gần nhất, 2020, tỷ lệ an toàn vốn khả dụng tại BVSC đạt 518%, bằng 2,88 lần so với mức tỷ lệ an toàn cho phép (180%) của nhà quản lý. Chỉ số này cho thấy, BVSC có tình hình tài chính lành mạnh, kiểm soát tốt các rủi ro về đầu tư, thanh toán, hoạt động của Công ty./.