Vượt qua dịch bệnh, các KCN tỉnh Vĩnh Phúc tiếp tục phát triển
Toàn cảnh KCN Khai Quang, tỉnh Vĩnh Phúc

PV: Thưa ông, được biết thời gian qua các KCN trong Tỉnh đã thu hút được lượng vốn đầu tư lớn ở trong và ngoài nước, cùng với đó là tình hình hoạt động đầu tư, kinh doanh trong các KCN Tỉnh tiếp tục diễn ra sôi động. Ông đánh giá thế nào về nhận định trên?

Ông Vũ Kim Thành: Từ đầu năm đến nay, dịch bệnh Covid-19 đã tác động tiêu cực đến hoạt động đầu tư trong Tỉnh nói chung và tại các khu công nghiệp (KCN) nói riêng. Tại các KCN trên địa bàn, Ban Quản lý các KCN Vĩnh Phúc (Ban Quản lý) đã phải đối phó với nhiều khó khăn, thách thức trên nhiều phương diện. Song với nỗ lực và quyết tâm cao của toàn hệ thống chính trị Tỉnh Vĩnh Phúc nói chung và Ban Quản lý nói riêng, tình hình thu hút đầu tư và phát triển các KCN trên địa bàn Tỉnh tiếp tục có nhiều chuyển biến tích cực. Các KCN đã thu hút được nhiều dự án quy mô lớn đạt cả chất và lượng (đặc biệt có dự án đầu tư hạ tầng KCN); cùng với đó, các KCN cũng chứng kiến nhiều dự án mới đi vào hoạt động sản xuất kinh doanh, góp phần tạo nên môi trường đầu tư sôi động trong các KCN.

Tháng 10/2021, tỉnh Vĩnh Phúc quyết định thành lập mới KCN Thái Hòa-Liễn Sơn-Liên Hòa khu vực II (Giai đoạn 1) với quy mô diện tích 145,27 ha và tổng vốn đầu tư 774,827 tỷ đồng. Đồng thời Ban Quản lý các KCN tỉnh Vĩnh Phúc (Ban Quản lý) đã cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư mới cho 01 dự án DDI với tổng vốn đầu tư đăng ký 22 tỷ đồng; điều chỉnh tăng vốn đầu tư cho 02 lượt dự án FDI với tổng vốn đầu tư đăng ký tăng thêm 1,5 triệu USD. Như vậy, trong tháng 10/2021 tổng vốn đầu tư đăng ký cấp mới và tăng thêm trong các KCN Tỉnh là 796,83 tỷ đồng và 1,5 triệu USD.

Trong 10 tháng đầu năm 2021, các KCN trên địa bàn Tỉnh đã thu hút được 24 dự án FDI mới và 21 lượt tăng vốn đầu tư, với tổng vốn đăng ký là 930,49 triệu USD (trong đó, vốn cấp mới là 840,91 triệu USD; vốn tăng thêm là 89,58 triệu USD), gấp 3,5 lần về vốn đầu tư so với cùng kỳ năm 2020 và đạt 100% kế hoạch năm 2021; thu hút 12 dự án DDI mới và 02 lượt điều chỉnh tăng vốn đầu tư với tổng vốn đầu tư đăng ký là 5.812,24 tỷ đồng (trong đó vốn cấp mới là 5.645,34 tỷ đồng; vốn tăng thêm là 166,9 tỷ đồng), gấp 8 lần về vốn đầu tư so với cùng kỳ năm 2020 và đạt 125% so với kế hoạch năm 2021.

Tính đến ngày 15/10/2021, số dự án còn hiệu lực đầu tư trong các KCN Vĩnh Phúc là 406 dự án, gồm 77 dự án DDI với tổng vốn đầu tư 20.342,44 tỷ đồng và 329 dự án FDI với tổng vốn đầu tư 5.379,93 triệu USD.

Đến nay tỉnh Vĩnh Phúc đã có 14 KCN được quyết định chủ trương đầu tư/cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư với tổng diện tích quy hoạch là 2.773,948 ha, trong đó diện tích đất công nghiệp quy hoạch là 2.020,196 ha, trong đó có 09 KCN đã đi vào hoạt động.

Về tình hình triển khai của các dự án, hiện các KCN Vĩnh Phúc có 334 dự án đang hoạt động sản xuất kinh doanh, chiếm 82% tổng số dự án (đầu tư trong các KCN); 28 dự án đang triển khai xây dựng và lắp đặt máy móc thiết bị nhà xưởng, chiếm 7% tổng số dự án; 40 dự án mới cấp và đang làm các thủ tục triển khai dự án, chiếm 10% tổng số dự án; 04 dự án FDI thuộc diện giãn tiến độ, đang làm thủ tục chấm dứt hoạt động, chiếm 1% tổng số dự án. Vốn thực hiện tháng 10/2021 của các dự án đạt 31,4 triệu USD và 297 tỷ đồng.

Bên cạnh đó công tác quy hoạch được quan tâm đẩy mạnh. Trong tháng 10/2021, Ban Quản lý đã trình UBND Tỉnh xem xét, phê duyệt quy hoạch chi tiết xây dựng tỉ lệ 1/2000 KCN Thăng Long (lần 3); quy hoạch chi tiết xây dựng tỉ lệ 1/500 dự án nhà máy sản xuất vòi rửa ToTo Việt Nam tại KCN Thăng Long; đề nghị các sở ngành, địa phương có liên quan cho ý kiến về điều chỉnh, mở rộng quy hoạch chi tiết xây dựng tỉ lệ 1/2000 KCN Khai Quang (lần 7) và quy hoạch chi tiết xây dựng tỉ lệ 1/500 KCN Bá Thiện; báo cáo UBND Tỉnh về hồ sơ đề nghị chấp thuận chủ trương đầu tư dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng KCN Đồng Sóc; thỏa thuận ký quỹ bảo đảm dự án đầu tư KCN Sông Lô I.

PV: Xin ông cho biết mục tiêu và nhiệm vụ trọng tâm mà Ban Quản lý cần thực hiện để thúc đẩy các KCN bứt phá về đích trong năm 2021?

Vượt qua dịch bệnh, các KCN tỉnh Vĩnh Phúc tiếp tục phát triển
KCN Bá Thiên II, huyện Bình Xuyên, tỉnh Vĩnh Phúc

Ông Vũ Kim Thành: Những tháng cuối năm 2021 Ban Quản lý phấn đấu đạt được một số chỉ tiêu chính sau: Thu hút 5-8 dự án FDI với tổng vốn đầu tư cấp mới và tăng vốn 30-40 triệu USD và 03 dự án DDI với tổng vốn đầu tư 270 tỷ đồng; có thêm 5-6 dự án đi vào hoạt động sản xuất kinh doanh; vốn thực hiện của các dự án FDI đạt 90-92 triệu USD, vốn thực hiện của các dự án đầu tư trong nước đạt 60-70 tỷ đồng.

Cùng với đó, các doanh nghiệp tiếp tục hoạt động ổn định, các chỉ tiêu kinh tế đạt kế hoạch đề ra, phấn đấu số doanh nghiệp FDI đạt doanh thu 1.895,24 triệu USD; giá trị xuất khẩu đạt 1.056,07 triệu USD; nộp ngân sách nhà nước đạt 1.108,35 tỷ đồng. Doanh nghiệp DDI đạt doanh thu đạt 3.711 tỷ đồng; giá trị xuất khẩu đạt 15 tỷ đồng; nộp ngân sách đạt 130 tỷ đồng.

Dự kiến thu hút thêm khoảng 3.000 lao động trong và ngoài Tỉnh, nâng tổng số lao động lũy kế làm việc tại các doanh nghiệp trong KCN lên khoảng hơn 109 nghìn lao động.

Riêng trong tháng 11 này, Ban Quản lý dự kiến sẽ cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho 2-3 dự án FDI với tổng vốn đầu tư đăng ký khoảng 5-10 triệu USD và 01 dự án DDI với số vốn đầu tư đăng ký khoảng 200 tỷ đồng.

Đồng thời tiếp tục hướng dẫn, hỗ trợ doanh nghiệp triển khai dự án, dự kiến có thêm 2-3 dự án đi vào hoạt động sản xuất kinh doanh. Tiếp tục chỉ đạo các công ty phát triển hạ tầng đẩy nhanh tiến độ xây dựng các KCN theo tiến độ đã được UBND Tỉnh phê duyệt; hướng dẫn; triển khai các thủ tục tiếp theo liên quan đến các KCN: Thái Hòa - Liễn Sơn - Liên Hòa; Nam Bình Xuyên; KCN Sông Lô I; Tam Dương I- khu vực 2; Sông Lô II; Đồng Sóc và KCN Bình Xuyên II (giai đoạn 2); giải quyết các vấn đề liên quan đến KCN Chấn Hưng.

Để hoàn thành toàn diện các chỉ tiêu nêu trên, Ban Quản lý tiếp tục đẩy mạnh một số nhiệm vụ trọng tâm sau:

Một là, đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh và hỗ trợ doanh nghiệp. Theo đó, tiếp tục thực hiện các Kế hoạch, Chương trình hành động, Nghị quyết của Tỉnh và Chính phủ về việc tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp Tỉnh và quốc gia năm 2021; Tiếp tục đẩy mạnh dịch vụ công trực tuyến; nâng cao số lượng và chất lượng các thủ tục hành chính thực hiện mức độ 4 và giao dịch thanh toán trực tuyến để nâng cao mức độ hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước.

Tiếp thu, tổng hợp ý kiến tham gia của các sở, ngành, đơn vị có liên quan, hoàn thiện dự thảo Hồ sơ đề nghị xây dựng Nghị quyết HĐND Tỉnh về ban hành chính sách thu hút dự án đầu tư vào lĩnh vực điện tử công nghệ cao trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc giai đoạn 2021-2033 báo cáo UBND Tỉnh.

Hai là, tập trung công tác quản lý quy hoạch và phát triển các KCN. Ban Quản lý tiếp tục phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Xây dựng, đơn vị tư vấn triển khai các nội dung Kế hoạch lập quy hoạch tỉnh Vĩnh Phúc thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, trong đó tập trung rà soát, điều chỉnh quy hoạch KCN trong phù hợp với tình hình và điều kiện thực tế, quy hoạch diện tích cụ thể cho từng KCN đảm bảo hợp lý, phù hợp với quỹ đất của địa phương và khả năng thu hút đầu tư.

Phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư triển khai có hiệu quả chương trình đầu tư công về đầu tư xây dựng hạ tầng ngoài hàng rào các KCN. Phát triển đồng bộ hạ tầng đến chân hàng rào KCN để đảm bảo cho sự phát triển ngày càng bền vững góp phần cải thiện môi trường thu hút đầu tư, gắn kết các KCN trên địa bàn Tỉnh.

Ba là, quản lý chặt chẽ các dự án sau cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư: Tăng cường quản lý nhà nước về đầu tư, giám sát chặt chẽ, thanh tra, kiểm tra hoạt động của các dự án sau cấp phép; tổng hợp, rà soát, phân loại để theo dõi, kiên quyết thu hồi các dự án không có khả năng triển khai để giao cho các dự án khác. Phối hợp với Cục thuế Tỉnh kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý nghiêm tình trạng chuyển giá, trốn thuế của các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài.

Đôn đốc các dự án đầu tư khẩn trương triển khai và giải ngân theo đúng tiến độ; theo dõi tình hình sản xuất kinh doanh, nắm bắt những khó khăn, vướng mắc, biến động của doanh nghiệp để thực hiện các giải pháp hỗ trợ, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc nhằm nâng cao năng lực hoạt động và khả năng cạnh tranh cho doanh nghiệp. Đối với những khó khăn vướng mắc, những kiến nghị vượt thẩm quyền giải quyết, tổng hợp, đề xuất cấp có thẩm quyền chỉ đạo, hướng dẫn giải quyết cho doanh nghiệp.

Phối hợp với Sở Lao động Thương binh và Xã hội tiếp tục triển khai các chủ trương, chính sách về phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao; tiếp tục khảo sát nhu cầu tuyển dụng lao động của các doanh nghệp trong KCN làm cơ sở tham mưu, đề xuất với tỉnh xây dựng cơ chế chính sách đào tạo theo nhu cầu của doanh nghiệp, có hình thức đào tạo theo đơn đặt hàng của doanh nghiệp.

Tăng cường các hoạt động gắn kết giữa cơ quan nhà nước, các cơ sở đào tạo và doanh nghiệp trong đào tạo và giải quyết việc làm đáp ứng yêu cầu ngày càng cao về chất lượng nguồn lao động.

Tiếp tục đẩy mạnh công tác hướng dẫn, giám sát các doanh nghiệp xây dựng mối quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ trong doanh nghiệp; tăng cường công tác tuyên truyền, hướng dẫn các doanh nghiệp thực hiện các chính sách, văn bản, pháp luật; thường xuyên đổi mới cách thức quản lý lao động để đạt hiệu quả tốt nhất, tạo mọi điều kiện cho doanh nghiệp an tâm sản xuất kinh doanh.

Xây dựng hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu về môi trường tại các KCN trên địa bàn tỉnh; phối hợp với sở Tài nguyên và Môi trường, các đơn vị có liên quan giám sát quản lý hoạt động xả thải, đặc biệt đối với hoạt động xả thải liên quan đến hóa chất tại các KCN, nhằm đảm bảo phòng ngừa và kiểm soát các nguồn gây ô nhiễm môi trường.

Bốn là, quan tâm đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến, kiểm tra công tác chống dịch Covid-19 tại các KCN. Đôn đốc các doanh nghiệp khẩn trương thực hiện các quy định về phòng, chống dịch và đánh giá nguy cơ lây nhiễm dịch Covid-19 tại nơi làm việc và ký túc xá cho người lao động; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong việc quản lý, theo dõi tình hình dịch bệnh Covid-19 tại các doanh nghiệp trong KCN: Khai báo y tế, quét mã QR.

Kịp thời nắm bắt thông tin, hỗ trợ hoặc đề xuất cấp có thẩm quyền hỗ trợ khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp về thiếu hụt lao động, tuyển dụng lao động, hỗ trợ về chỗ ở, phương tiện chuyên chở đối với chuyên gia, người quản lý, công nhân lao động từ các tỉnh, thành đến Vĩnh Phúc làm việc.

PV: Xin trân trọng cảm ơn Ông!

Cảnh Dáp (thực hiện)