Xây dựng các cơ chế, chính sách đặc thù, vượt trội cho TP. Hồ Chí Minh |
Về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP. Hồ Chí Minh, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Đỗ Thành Trung nêu rõ mục tiêu xây dựng các cơ chế, chính sách đặc thù, vượt trội. |
Tạo đột phá, giải quyết các điểm nghẽn về phát triển kinh tế - xã hội của TP. Hồ Chí Minh |
Để chuẩn bị cho nội dung cho Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV sắp khai mạc, hôm nay (ngày 16/5), Ủy ban Tài chính – Ngân sách của Quốc hội tổ chức phiên họp thẩm tra dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP. Hồ Chí Minh. Trình bày Tờ trình của Chính phủ tại phiên họp, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Đỗ Thành Trung nêu rõ mục tiêu xây dựng các cơ chế, chính sách đặc thù, vượt trội, nhằm tạo cơ sở pháp lý hữu hiệu để phát huy tiềm năng, lợi thế, tạo đột phá, giải quyết các điểm nghẽn, nút thắt về phát triển kinh tế - xã hội của Thành phố, góp phần xây dựng và phát triển TP. Hồ Chí Minh đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 như mục tiêu đã đặt ra tại Nghị quyết số 24-NQ/TW, Nghị quyết số 31-NQ/TW của Bộ Chính trị và Nghị quyết số 81/2023/QH15 của Quốc hội. Dự thảo Nghị quyết quy định thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP. Hồ Chí Minh về quản lý đầu tư; tài chính, ngân sách nhà nước; quản lý đô thị và tài nguyên môi trường; ngành, nghề ưu tiên thu hút nhà đầu tư chiến lược vào Thành phố; quản lý khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo; tổ chức bộ máy của chính quyền Thành phố và TP. Thủ Đức. Cũng theo dự thảo Nghị quyết, Hội đồng nhân dân Thành phố được phân bổ nguồn tăng thu ngân sách địa phương cho các chương trình, dự án, nhiệm vụ mới sau khi bố trí đủ vốn ngân sách địa phương cho các chương trình, dự án, nhiệm vụ trong tổng số vốn đầu tư công trung hạn ngân sách địa phương; bố trí vốn đầu tư công để hỗ trợ giảm nghèo, giải quyết việc làm… |
Dự thảo Nghị quyết quy định thí điểm mô hình phát triển đô thị theo định hướng phát triển giao thông (TOD); quy định mở rộng lĩnh vực được áp dụng đầu tư theo phương thức đối tác công - tư đối với các dự án đầu tư trong lĩnh vực thể thao, công nghiệp văn hóa, bảo tàng, di tích và di sản văn hóa; quy định Thành phố được áp dụng hợp đồng BOT đối với dự án đầu tư xây dựng nâng cấp, mở rộng, hiện đại hóa công trình đường bộ hiện hữu. Thành phố được thực hiện dự án đầu tư theo Hợp đồng BT; quyết định sử dụng vốn ngân sách Thành phố và bố trí vốn chuẩn bị đầu tư, dự toán ngân sách hàng năm để thanh toán cho nhà đầu tư căn cứ vào giá trị, tiến độ quy định trong Hợp đồng BT. Dự thảo Nghị quyết còn quy định ngành nghề ưu tiên thu hút nhà đầu tư chiến lược; các điều kiện mà nhà đầu tư chiến lược cần đáp ứng; trình tự thủ tục đăng ký thực hiện dự án và lựa chọn nhà đầu tư chiến lược; các ưu đãi nhà đầu tư chiến lược được hưởng…
|
Dự thảo Nghị quyết lần này đã hướng đến nhiều nhóm chính sách đột phá |
Thảo luận tại phiên họp, các đại biểu đều bày tỏ ủng hộ và cho rằng, việc có chính sách vượt trội là cần thiết không chỉ đối với TP. Hồ Chí Minh, mà cả Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và cả đất nước. Theo Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính – Ngân sách Lê Thanh Vân, dự thảo Nghị quyết lần này đã hướng đến nhiều nhóm chính sách đột phá trong các lĩnh vực đầu tư, tài chính ngân sách, quy hoạch và nhân sự, nhưng chưa thực sự toàn diện. Do đó, đề nghị cần phải phân loại các nhóm chính sách, trong đó tập trung vào những chính sách thực sự đột phá, những nội dung chưa có trong luật. “Đối với thí điểm thực hiện mô hình TOD, cần trao thẩm quyền lớn hơn cho Thành phố, tạo điều kiện cho Thành phố đi tiên phong thực hiện, phát huy vai trò của giao thông đi trước dẫn dắt phát triển để trở thành mô hình mẫu cho cả nước…”, ông Vân đề xuất.
|
Bà Phạm Thị Thanh Mai, Phó trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn Đại biểu Quốc hội TP. Hà Nội cho rằng, cần phân cấp mạnh mẽ hơn nữa cho Thành phố, tăng quyền quyết định cho Thành phố với giới hạn tối đa trên địa bàn. Tăng cường hơn nữa vai trò của Thường trực Hội đồng nhân dân. Dự thảo Nghị quyết cần bổ sung thêm thẩm quyền của Thường trực Hội đồng nhân dân, để giải quyết kịp thời những vấn đề phát sinh của Thành phố, chắt lọc nội dung để giao thẩm quyền cho Thường trực Hội đồng nhân dân Thành phố quyết định. Ủng hộ cách tiếp cận trên, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội Đỗ Thị Lan cho biết, qua giám sát việc thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia cho thấy, có đến 14 cơ chế quản lý thực hiện cần Hội đồng nhân dân cấp tỉnh quyết định, nhưng thực tế việc xem xét các nội dung thông qua Hội đồng nhân dân mất nhiều thời gian. Do đó, đề nghị cần nghiên cứu các nội dung để khi giao cho Thường trực Hội đồng nhân dân xem xét quyết định định sẽ đẩy nhanh tiến độ triển khai, kịp thời hơn. Đại biểu Nguyễn Thiện Nhân, Đoàn Đại biểu Quốc hội TP. Hồ Chí Minh đề nghị rút kinh nghiệm từ việc triển khai thực hiện Nghị quyết số 54/2017/QH14, bởi việc chậm ban hành các văn bản hướng dẫn làm ảnh hưởng đến tiến độ, hiệu quả của việc thực hiện các chính sách. Do đó, lần này dự thảo Nghị quyết cần quy định rõ giới hạn thời gian hoàn thành việc ban hành đồng bộ các văn bản hướng dẫn tổ chức triển khai thực hiện nghị quyết; đồng thời cần có yêu cầu về việc định kỳ báo cáo Quốc hội kết quả thực hiện hàng năm và việc sơ kết triển khai. Theo Phó Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh Bùi Xuân Cường, các chính sách được đề xuất lần này có hàm lượng lớn, phủ kín các nhóm lĩnh vực, trong đó có các chính sách để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, khơi thông nguồn lực cho sự phát triển của Thành phố liên quan đến vấn đề tài chính, ngân sách, đất đai, môi trường đầu tư, quản lý đô thị, tổ chức bộ máy... Trong quá trình thiết kế chính sách, Thành phố cũng quan tâm chú trọng đến việc bảo đảm tính hiệu quả, khả thi. “Các chính sách được đề xuất đều giúp Thành phố giải quyết những vấn đề còn tồn đọng, những vấn đề được người dân và doanh nghiệp mong đợi, kỳ vọng…”, ông Cường cho hay. |
Đánh giá cao sự chuẩn bị của Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, TP. Hồ Chí Minh |
Kết luận nội dung thảo luận, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính – Ngân sách của Quốc hội Vũ Thị Lưu Mai cho rằng, các ý kiến đều đánh giá cao sự chuẩn bị của Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, TP. Hồ Chí Minh trong việc xây dựng đề xuất các chính sách, hoàn thiện hồ sơ trình Quốc hội. “Qua mỗi quy định, mỗi nội dung trong dự thảo Nghị quyết đều có thể thấy được sự trăn trở và gửi gắm nhiều kỳ vọng của Thành phố…”, bà Mai cảm nhận. |
Tán thành với sự cần thiết ban hành Nghị quyết lần này với quyết tâm hoàn thiện bảo đảm chất lượng tốt nhất, để có thể trình Quốc hội xem xét thông qua theo quy trình tại một kỳ họp, bà Mai cho biết, cơ quan thẩm tra tiếp tục phối hợp chặt chẽ với cơ quan trình và cơ quan hữu quan để hoàn thiện hồ sơ, tài liệu, dự thảo Nghị quyết. Bà lưu ý, Chính phủ cần tiếp tục rà soát để hoàn thiện dự thảo Nghị quyết nhằm quy định chặt chẽ, có những chính sách thực sự đột phá, bảo đảm tính hợp lý, khả thi, bảo đảm tính thống nhất với các văn bản trong hệ thống pháp luật theo hướng không cần quy định lại những nội dung đã có trong luật, đối chiếu với các nội dung có trong các dự án luật đang được sửa đổi, bổ sung…/.
|
Tân Văn Ảnh: quochoi.vn |