Triển khai thực hiện chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm và lập kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025, Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức buổi làm việc với Bộ Giao thông vận tải, nhằm đánh giá việc thực hiện những nhiệm vụ chủ yếu của ngành giao thông vận tải trong 5 năm vừa qua, tình hình đầu tư công 5 năm giai đoạn 2016-2020 và các vướng mắc kiến nghị, các giải pháp cụ thể giải ngân nguồn vốn đầu tư công, thực hiện phát triển quy hoạch ngành giao thông vận tải, kế hoạch phát triển và xử lý các nhiệm vụ trọng tâm, các chương trình, đề án kế hoạch thực hiện trong 5 năm tới.

Phát biểu tại buổi làm việc, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho rằng, chúng ta đang ở thời điểm rất quan trọng, đó là kết thúc chiến lược 10 năm, kế hoạch 5 năm giai đoạn 2016-2020 và chuẩn bị cho kỳ Đại hội Đảng lần thứ XIII sắp tới. Vì vậy, sắp tới chúng ta sẽ xây dựng một chiến lược mới, kế hoạch phát triển mới với những “đột phá” và tầm nhìn dài hạn.

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng phát biểu tại cuộc họp. Ảnh: Đức Trung.

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng mong muốn được lắng nghe những kết quả đã đạt được của ngành giao thông vận tải, đồng thời, chia sẻ kịp thời những khó khăn, vướng mắc trong việc thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2016-2020 của ngành giao thông vận tải. Từ đó, cùng với Bộ Giao thông vận tải xây dựng một bản kế hoạch phát triển phù hợp và hiệu quả trong giai đoạn tới.

Báo cáo khái quát tình hình thực hiện kế hoạch đầu tư công giai đoạn 2016-2020 và kết quả thực hiện Nghị quyết số 13-NQ/TW, ngày 16/1/2012, Hội nghị lần thứ 4 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ nhằm đưa nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại vào năm 2020, ông Nguyễn Danh Huy – Vụ trưởng Vụ Kế hoạch đầu tư (Bộ Giao thông vận tải) cho biết, trong kế hoạch trung hạn 2016-2020, Bộ Giao thông vận tải đã được giao 233.211 tỷ đồng, gồm 90.846 tỷ đồng vốn nước ngoài và 142.365 tỷ đồng vốn trong nước, phân bổ cho 573 danh mục dự án.

Lũy kế đến hết năm 2019 đã giải ngân được 113.879 tỷ đồng; năm 2020 tổng kế hoạch vốn 39.762 tỷ đồng, đến tháng 7/2020 giải ngân được 16,587 tỷ đồng (chiếm 41,7%) và phấn đấu hết năm 2020 giải ngân toàn bộ kế hoạch.

Kết quả dự kiến trong thời kỳ trung hạn 2016-2020 là hoàn thành đưa vào khai thác được 468km đường cao tốc, nâng cấp được 600km quốc lộ, 31 cầu lớn và cầu trung; hoàn thành xây dựng 13km đường sắt đô thị Cát Linh-Hà Đông; cải tạo một số tuyến luồng hàng hải, đường nội địa cấp bách; một số cầu yếu trên tuyến đường sắt Thống Nhất.

Toàn cảnh buổi làm việc giữa Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Bộ Giao thông vận tải. Ảnh: Đức Trung

Đánh giá về những kết quả trên, ông Nguyễn Danh Huy cho biết, kế hoạch đầu tư trung hạn mới chỉ đáp ứng khoảng 24% nhu cầu (khoảng 952.000 tỷ đồng). Do vậy, các dự án khởi công mới chưa được bố trí, nhiều nhiệm vụ ưu tiên chưa thể cân đối, bố trí đủ; kế hoạch trung hạn dược giao muộn (tháng 4/2017), đặc biệt là 2 dự án quan trọng quốc gia (Cảng Hàng không quốc tế Long Thành và đường bộ cao tố Bắc Nam) đến nửa cuối kỳ mới hoàn thiện thủ tục để bố trí vốn; danh mục dự án chuyển tiếp nhiều nên chưa thể khắc phục được hết sự dàn trải.

Bên cạnh đó, khả năng cân đối ngân sách hàng năm có hạn, đến nay tổng số vốn thực bố trí theo kế hoạch năm hết năm 2020 chỉ được 161.000 tỷ đồng (đạt 69% kế hoạch trung hạn), nên một số mục tiêu đặt ra theo kế hoạch chưa thể hoàn thành.

Do hạn chế trong cân đối, huy động nguồn lực, nên so với Nghị quyết số 13-NQ/TW, ngày 16/1/2012, thì một số nhiệm vụ, mục tiêu đề ra chưa hoàn thành được, trong đó, hệ thống đường bộ mới đưa vào khai thác khoảng 1.163km đường bộ cao tốc (so với yêu cầu 2.000km); chưa nối thông đường Hồ Chí Minh; chưa nâng cấp, hiện đại hóa hệ thống tuyến đường sắt Bắc – Nam; chưa hoàn thành nâng cấp một số tuyến đường thủy nội địa quan trọng; Cảng hàng không quốc tế Nội Bài chưa thành cảng cửa ngõ quốc tế của miền Bắc…

Tại buổi làm việc, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cho biết, Bộ Giao thông vận tải rất trăn trở đối với sự chậm trễ trong việc triển khai các dự án động lực, cũng như chưa tạo ra được sự chuyển biến lớn trong giao thông cả nước. Việc triển khai thực hiện kế hoạch đầu tư công thời gian qua cho thấy, cần sớm xây dựng sớm một kế hoạch phát triển 5 năm sát thực, có tính khả thi cao.

Theo người đứng đầu Bộ Giao thông vận tải, vai trò của Bộ Kế hoạch và Đầu tư là rất quan trọng, bởi nguồn vốn của chúng ta có hạn, nhu cầu xã hội lại lớn, nên việc lựa chọn như thế nào để chắt lọc được những công trình mang tính “đột phá” không dễ dàng.

Chính vì vậy, Bộ Giao thông vận tải mong muốn nhận được sự hỗ trợ của Bộ Kế hoạch và Đầu tư trong công tác xây dựng kế hoạch trong giai đoạn tới, quan tâm phân bổ nguồn lực và tư vấn giúp ngành giao thông vận tải khơi thông nguồn lực ngoài ngân sách.

Đánh giá về việc xây dựng kế hoạch phát triển giai đoạn 2021-2025, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng Đánh đề cao sự chủ động của Bộ Giao thông vận tải trong việc xây dựng kế hoạch, song, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề xuất, Bộ Giao thông vận tải cần lựa chọn những dự án ưu tiên, tập trung vào cải tạo các điểm đen, điểm nghẽn, điểm bức xúc để giải quyết, chú không đầu tư ồ ạt… Quan trọng nhất là Bộ cần có giải pháp để huy động, hấp dẫn được các nhà đầu tư nước ngoài, đầu tư xã hội chứ không thể trông chờ vào ngân sách nhà nước./.