eMagazine
KỲ 3: “HÀNH TRÌNH” CÒN NHIỀU CHÔNG GAI, DOANH NGHIỆP CẦN THÊM SỰ HỖ TRỢ

09:59 | 30/09/2024

Việc phát triển mô hình KCN sinh thái là một hành trình “không chỉ có hoa hồng”, mà có nhiều khó khăn, đòi hỏi sự trợ lực rất lớn từ các bên liên quan.
BÀI 3: CẦN THÊM NHIỀU TRỢ LỰC TỪ NHÀ NƯỚC, TƯ NHÂN VÀ ĐỐI TÁC QUỐC TẾKhu xử lý nước thải tại KCN Nam Cầu Kiền (Hải Phòng) từ trên cao

KỲ 3: “HÀNH TRÌNH” CÒN NHIỀU CHÔNG GAI, DOANH NGHIỆP CẦN THÊM SỰ HỖ TRỢ

Tại Việt Nam, để đạt được mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 theo cam kết tại COP 26, thì việc phát triển bền vững, chuyển đổi mô hình khu công nghiệp truyền thống sang khu công nghiệp (KCN) sinh thái là vô cùng cần thiết. Tuy nhiên, việc phát triển mô hình KCN sinh thái là một hành trình “không chỉ có hoa hồng”, mà có nhiều khó khăn, đòi hỏi sự trợ lực rất lớn từ các bên liên quan.

BÀI 1: KCN KIỂU TRUYỀN THỐNG CẦN THAY ĐỔI MÔ HÌNH THÀNH KCN SINH THÁI

Tại Việt Nam, để đạt được mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 theo cam kết tại COP 26, thì việc phát ...

BÀI 2: NHỮNG TRÁI NGỌT ĐẦU TIÊN TRÊN "HÀNH TRÌNH VẠN DẶM"

Tại Việt Nam, để đạt được mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 theo cam kết tại COP 26, thì việc phát ...

Còn nhiều chông gai trên “hành trình vạn dặm”

Theo ông Lê Thành Quân, Vụ trưởng Vụ Quản lý các khu kinh tế, có thể thấy việc xây dựng và chuyển đổi sang mô hình KCN sinh thái mang lại hiệu quả bền vững về kinh tế, môi trường và xã hội cho phát triển công nghiệp, là yêu cầu bức thiết, xu thế tất yếu trong phát triển công nghiệp hiện nay.

Đến nay, mô hình KCN sinh thái đang được nhân rộng tại một số địa phương và qua quá trình phát triển, mô hình này được cộng đồng doanh nghiệp đón nhận rất tích cực. Không chỉ chuyển đổi thành KCN sinh thái, thì nhiều nhà đầu tư hạ tầng KCN đã đề xuất các dự án đầu tư hạ tầng KCN sinh thái mới ngay từ đầu, với những cam kết mạnh mẽ trên con đường phát triển bền vững ngay từ khi lập quy hoạch, lập hồ sơ tiếp cận chủ trương đầu tư, cũng như định hướng thu hút các nhà đầu tư thứ cấp vào KCN.

Tuy nhiên trong thực tế, quá trình chuyển đổi và phát triển các KCN mới lại đang gặp rào cản. Trao đổi với báo chí, ông Bruno Jaspaert, Giám đốc điều hành KCN Deep C (Hải Phòng) ví von rằng, hành trình tới KCN sinh thái không phải là hành trình “trải đầy hoa”. Ông Bruno Jaspaert chia sẻ rằng, việc xây dựng một KCN sinh thái không chỉ khó khăn, đòi hỏi sự kiên trì, sự cố gắng và thời gian mà còn cần cả tài chính.

Điều được vị CEO này nhấn mạnh, đó là những vướng mắc về luật pháp. Ông cho biết, để lắp đặt cột điện gió, doanh nghiệp phải nhiều lần trình các cấp có thẩm quyền và thực hiện trong 3 năm vì chưa có các tiêu chuẩn kỹ thuật về xây dựng cột điện gió trong KCN.

Ở thực tế tại doanh nghiệp, ông Phạm Hồng Điệp, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Shinec, chủ đầu tư KCN Nam Cầu Kiền (Hải Phòng) chia sẻ, Nhà máy xử lý nước thải tập trung của KCN Nam Cầu Kiền là Nhà máy xử lý nước thải đầu tiên và duy nhất tại Việt Nam đáp ứng về công năng kỹ thuật. Tuy nhiên, chỉ có 25% lượng nước thải trong KCN sau xử lý được tái sử dụng cho mục đích tưới cây, rửa đường, nuôi cá…

BÀI 3: CẦN THÊM NHIỀU TRỢ LỰC TỪ NHÀ NƯỚC, TƯ NHÂN VÀ ĐỐI TÁC QUỐC TẾ
Chất lượng nước thải sau xử lý tại KCN DEEP C còn tốt hơn chất lượng nước thô... (Ảnh: KCN DEEP C)

Trong năm 2024, Shinec đã hợp tác nghiên cứu triển khai dự án tái sử dụng nước thải công nghiệp bằng công nghệ màng lọc Nano sợi rỗng. Nước được thu hồi sau khi lọc sẽ được sử dụng cho mục đích công nghiệp trong KCN, bảo đảm mô hình tuần hoàn khép kín. “Tuy nhiên, cho đến nay vẫn chưa có hướng dẫn...”, ông cho biết.

Ông Bruno Jaspaert, Tổng Giám đốc KCN DEEP C khẳng định, chất lượng nước thải sau xử lý còn tốt hơn chất lượng nước thô, nhưng cũng chưa thể đưa nước thải đã qua xử lý quay trở lại quy trình sản xuất công nghiệp, dù nhiều nhà đầu tư thứ cấp sẵn sàng tái sử dụng nguồn nước này…

Ông Bruno Jaspaert lo lắng, nếu không tạo ra cơ chế cộng sinh tốt, sẽ rất khó thực hiện mô hình kinh tế tuần hoàn trong KCN mới.

Ông cũng chia sẻ rằng, nếu KCN được phép thực hiện các hoạt động tái chế, tái xử lý nguyên vật liệu thải trong nội bộ mà không phải xin giấy phép thu gom và xử lý chất thải, thì có thể tạo ra được rất nhiều hoạt động cộng sinh và kinh tế tuần hoàn thay vì mang các chất thải này ra bãi rác đổ…

“Vấn đề lớn nhất là Việt Nam đang phát triển rất nhanh chóng, nhưng các quy định pháp luật lại chưa theo kịp tốc độ đó. Vì thế, nếu muốn xây dựng một KCN bền vững, thì vẫn làm được nhưng mất rất nhiều thời gian và công sức…”, đại diện KCN DEEP C chỉ rõ rào cản lớn nhất.

Bên cạnh đó, Tổng Giám đốc KCN DEEP C cũng thắng thắn chỉ ra rằng: “Tại thời điểm này, chúng tôi chưa thấy có một ưu đãi nào cho các KCN sinh thái”. Ông chia sẻ rằng, sự khác nhau giữa đầu tư thông thường và đầu tư bền vững là vấn đề thời gian. Để có được cùng một lượng doanh thu, thì đầu tư bền vững sẽ cần nhiều thời gian hơn. “Chính vì thế, cách tốt nhất trong chính sách ưu đãi các nhà đầu tư hạ tầng là Chính phủ xem xét, nếu nhà đầu tư xây dựng thành công KCN sinh thái, thì sẽ được gia hạn thời gian dự án là 70 năm (thay vì 50 năm như quy định hiện nay). Điều này sẽ giúp cho các NĐT có thời gian phân bổ chi phí khấu hao dài hơn…”, ông đề xuất.

BÀI 3: CẦN THÊM NHIỀU TRỢ LỰC TỪ NHÀ NƯỚC, TƯ NHÂN VÀ ĐỐI TÁC QUỐC TẾ
KCN sinh thái đòi hỏi vốn đầu tư lớn và sự cam kết mạnh mẽ của các nhà đầu tư hạ tầng (Ảnh minh họa tư internet)

Lắng nghe sự chia sẻ cũng doanh nghiệp, bà Vương Thị Minh Hiếu, Phó Vụ trưởng Vụ Quản lý các Khu kinh tế (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cũng đồng quan điểm rằng, khó khăn mà doanh nghiệp gặp phải trong chuyển đổi sang mô hình công nghiệp sinh thái là tái sử dụng các chất thải; tiếp cận nguồn lực về tài chính, tín dụng, ưu đãi.

Đồng quan điểm rằng, KCN sinh thái đòi hỏi vốn đầu tư lớn và sự cam kết mạnh mẽ của các nhà đầu tư hạ tầng, bà Hiếu cũng cho rằng, cần có chính sách hỗ trợ phù hợp, khuyến khích để doanh nghiệp có động lực triển khai theo mô hình phát triển bền vững”.

Trợ lực ra sao và thế nào?

Trước những khó khăn, vướng mắc trong quá trình chuyển đổi và thực hiện KCN sinh thái, TS. Phan Hữu Thắng, Chủ tịch Liên chi hội Tài chính KCN Việt Nam (VIPFA) đề xuất Chính phủ cần sớm hoàn chỉnh và đồng bộ về thể chế, chính sách, mô hình phát triển, phương thức quản lý KCN theo mô hình các KCN sinh thái.

Ông gợi ý rằng, quá trình này có thể học hỏi kinh nghiệm từ các quốc gia khác trong việc sớm có định hướng phát triển KCN phù hợp với bối cảnh của quốc gia và xu thế phát triển của kinh tế thế giới, nhất là xu hướng phát triển tăng trưởng xanh, thích ứng biến đổi khí hậu toàn cầu.

Ðồng thời, cần xác định và xây dựng hệ thống chính sách pháp luật đầy đủ, đồng bộ cho phát triển hệ thống KCN với yêu cầu dễ áp dụng và thực hiện cho cả các chủ thể, gồm doanh nghiệp và bộ máy giám sát, quản lý hoạt động xây dựng và kinh doanh của các KCN.

Cũng cần có thông tin về những bài học kinh nghiệm, những thực tiễn tốt ở các địa phương và chính sách khuyến khích, tạo thuận lợi để các địa phương có sự sáng tạo, linh hoạt nhằm đạt mục tiêu chuyển đổi KCN theo mô hình KCN sinh thái với chi phí thấp nhất và thời gian ngắn nhất.

Về góc độ thể chế, chính sách, TS. Vương Thị Minh Hiếu - Phó Vụ trưởng Vụ Quản lý các khu kinh tế (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho biết, đến nay là tròn 2 năm Nghị định 35/2022/NĐ-CP của Chính phủ quy định về quản lý KCN và khu kinh tế có hiệu lực và điều đáng mừng là phản hồi từ cộng đồng nhà đầu tư rất tích cực.

Bà Hiếu cho biết, Nghị định 35/2022 mang một tinh thần hoàn toàn mới, theo hướng hoàn thiện quy trình đầu tư hạ tầng các KCN, khu kinh tế. Đặc biệt, nhiều quy trình, thủ tục còn rườm rà trước đó bị lược bớt.

Không những vậy, Nghị định còn mang lại sự cân bằng trong phát triển công nghiệp khi đảm bảo cân đối phát triển giữa các địa phương, tạo điều kiện cho các địa phương khó khăn thu ngắn khoảng cách phát triển với các địa phương có điều kiện thuận lợi. Ví dụ, không áp dụng quy định về tỷ lệ lấp đầy tối thiểu 60% với các KCN hiện hữu trước khi mở thêm dự án mới.

“Nghị định 35/2022 được xem là bước tiến dài và tạo tiền đề, nền tảng cho việc phát triển các KCN theo mô hình sinh thái. Thậm chí, trong khu vực, Việt Nam là nước “đi sớm” khi thể chế hóa điều này, trong khi nhiều quốc gia mới chỉ là các hướng dẫn, định hướng”, bà Hiếu chia sẻ.

Bà cũng cho biết, quá trình phát triển KCN sinh thái tại Việt Nam đã qua 2 giai đoạn: Thí điểm chuyển đổi KCN cũ sang mô hình sinh thái (Ninh Bình, Đà Nẵng, Cần Thơ) và hiện ở giai đoạn nâng cấp KCN sinh thái ở các địa phương có thế mạnh phát triển KCN (Hải Phòng, Đồng Nai, TP. Hồ Chí Minh).

Đến hiện tại, Việt Nam đang dần hoàn thiện cơ chế, chính sách, tạo ra khuôn khổ pháp lý tương đối đầy đủ, trong đó có cả những điểm rất mới và theo xu hướng chung toàn cầu, chẳng hạn các tiêu chí về môi trường - xã hội - quản trị (ESG).

BÀI 3: CẦN THÊM NHIỀU TRỢ LỰC TỪ NHÀ NƯỚC, TƯ NHÂN VÀ ĐỐI TÁC QUỐC TẾ

Bà Sibylle Bachmann, Trưởng Cơ quan Hợp tác phát triển, Đại sứ quán Thụy Sĩ tại Việt Nam cho biết, với sự hỗ trợ của Dự án, Việt Nam đã ban hành các quy định liên quan đến quản lý chất thải rắn công nghiệp, tái sử dụng và tái chế nước thải. Trong giai đoạn sắp tới, Chính phủ Thụy Sĩ sẽ tiếp tục hỗ trợ Việt Nam thông qua UNIDO trong việc hiện thực hóa các chính sách vào thực tiễn. Bà Sibylle nhấn mạnh tầm quan trọng của các chính sách thúc đẩy ứng dụng các giải pháp công nghệ mới nhằm thực hiện kinh tế tuần hoàn và thúc đẩy sự cam kết của khu vực tư nhân trong đầu tư xanh. Ngoài ra, việc Dự án đang xây dựng các tiêu chí và chỉ số của KCN sinh thái dựa trên các tiêu chuẩn quốc tế tốt nhất sẽ là công cụ thiết yếu để giám sát hoạt động của các KCN và KCN sinh thái.

Theo ông Lê Thành Quân, Vụ trưởng Vụ Quản lý các khu kinh tế, cho rằng, bên cạnh yêu cầu tiếp tục đồng bộ, hoàn thiện khung pháp lý còn đòi hỏi việc thay đổi tư duy, cập nhật kiến thức, kinh nghiệm và nguồn lực rất lớn của Nhà nước và doanh nghiệp.

Ông Quân cũng nhấn mạnh rằng, việc đổi mới mô hình KCN hiện tại sang hướng sinh thái, hiệu quả cao cần lấy khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo làm trụ cột (chủ động kiến tạo, tạo môi trường cho các doanh nghiệp công nghệ, start-up được hình thành và phát triển).

Bên cạnh đó, các địa phương cần ưu tiên dành quỹ đất và nguồn lực cho các dự án R&D, nghiên cứu thử nghiệm sản phẩm mới, ứng dụng công nghệ cao, chuyển đổi số, tiết kiệm năng lượng... Mục tiêu là phát triển sản xuất, công nghiệp, dịch vụ trên nguyên tắc tiết kiệm và sử dụng hiệu quả nguồn lực đất đai, gắn với liên kết phát triển vùng, hình thành cụm liên kết ngành.

Để làm được những điều này, ông Quân cho rằng cần nâng cao hiệu lực và hiệu quả công tác quản lý nhà nước. Cụ thể là kiện toàn bộ máy quản lý cả trung ương và địa phương theo hướng tinh gọn, một đầu mối, đủ thẩm quyền, đủ năng lực để phát triển các mô hình mới, tiếp cận phương thức hiện đại.

Hiện nay, theo chức năng, nhiệm vụ quản lý nhà nước về KCN, khu kinh tế, ông Quân cho hay, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang phối hợp với các bộ, ngành, cơ quan liên quan thúc đẩy các giải pháp nêu trên để tạo môi trường thuận lợi và khuyến khích triển khai KCN sinh thái.

Một là, đẩy mạnh hỗ trợ xây dựng chính sách, hướng dẫn liên quan đến KCN sinh thái, xây dựng hệ thống thông tin hỗ trợ đánh giá, chứng nhận KCN sinh thái, đồng thời, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan nghiên cứu, đề xuất phương án tháo gỡ các rào cản và giải quyết các khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện KCN sinh thái.

Hai là, tiếp tục đẩy mạnh việc hỗ trợ kỹ thuật tại các KCN để hoàn thành các yêu cầu, điều kiện của KCN sinh thái theo quy định trong nước và hướng tới các tiêu chuẩn quốc tế; hỗ trợ hoàn thiện việc công nhận một số KCN sinh thái.

Ba là, tăng cường kết nối giữa khu vực công và khu vực tư nhân để huy động nguồn lực, đặc biệt nguồn lực từ khu vực tư nhân, đẩy nhanh việc thực hiện KCN sinh thái; vận động, huy động thêm nguồn lực từ các tổ chức quốc tế, hiệp hội doanh nghiệp, quỹ tài chính khí hậu, đối tác chuyển đổi năng lượng và các nguồn lực khác cho biến đổi khí hậu cũng như kết nối với các ngân hàng thương mại, tổ chức tài chính xanh để huy động thêm nguồn lực thực hiện KCN sinh thái.

Bốn là, tăng cường các hoạt động tập huấn đào tạo nâng cao năng lực cho các cơ quan quản lý nhà nước ở trung ương, địa phương, doanh nghiệp phát triển hạ tầng KCN và doanh nghiệp trong KCN; đẩy mạnh hơn nữa hoạt động truyền thông, phổ biến về KCN sinh thái.

Năm là, tiếp tục phối hợp với các nhà tài trợ, cơ quan, tổ chức liên quan vận động tài trợ phát triển KCN sinh thái.

BÀI 3: CẦN THÊM NHIỀU TRỢ LỰC TỪ NHÀ NƯỚC, TƯ NHÂN VÀ ĐỐI TÁC QUỐC TẾ
Ông Lê Thành Quân, Vụ trưởng Vụ Quản lý các khu kinh tế - Bộ Kế hoạch và Đầu tư

Để trợ lực cho quá trình chuyển đổi sang mô hình KCN sinh thái, theo ông Lê Thành Quân, Vụ trưởng Vụ Quản lý các khu kinh tế - Bộ Kế hoạch và Đầu tư, bên cạnh yêu cầu tiếp tục đồng bộ, hoàn thiện khung pháp lý còn đòi hỏi việc thay đổi tư duy, cập nhật kiến thức, kinh nghiệm và nguồn lực rất lớn của Nhà nước và doanh nghiệp.

Ông Quân cũng nhấn mạnh rằng, việc đổi mới mô hình KCN hiện tại sang hướng sinh thái, hiệu quả cao cần lấy khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo làm trụ cột (chủ động kiến tạo, tạo môi trường cho các doanh nghiệp công nghệ, start-up được hình thành và phát triển).

Bên cạnh đó, các địa phương cần ưu tiên dành quỹ đất và nguồn lực cho các dự án R&D, nghiên cứu thử nghiệm sản phẩm mới, ứng dụng công nghệ cao, chuyển đổi số, tiết kiệm năng lượng... Mục tiêu là phát triển sản xuất, công nghiệp, dịch vụ trên nguyên tắc tiết kiệm và sử dụng hiệu quả nguồn lực đất đai, gắn với liên kết phát triển vùng, hình thành cụm liên kết ngành./.

.

Phương Anh

Ảnh: Tổng hợp từ nhiều nguồn

Tạp chí Kinh tế và Dự báo 09:59 | 30/09/2024