- Theo Thứ trưởng Bộ Công Thương Cao Quốc Hưng, một trong những giải pháp trọng tâm để giảm thiểu các vụ cháy nổ gây tổn thất về người và của là tăng cường công tác tuyên truyền nhằm nâng cao ý thức của cộng đồng về an toàn khí GAS.
Nhận định này được đưa ra tại Hội nghị “An toàn khí gas và phòng chống cháy nổ” do Tạp chí Kinh tế và Dự báo phối hợp với Cục Kỹ thuật An toàn và Môi trường Công nghiệp tổ chức ngày 26/08, tại Hà Nội. Đây là hoạt động nằm trong chuỗi các sự kiện của "Tuần lễ An toàn khí GAS và Phòng chống cháy nổ", nhằm đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao ý thức của cộng đồng và người dân đối với công tác an toàn khí và phòng chống cháy nổ.
Trước đó, Triển lãm ảnh "An toàn khí GAS và phòng chống cháy nổ" và Chương trình diễn tập phòng cháy chữa cháy với chủ đề "Ngày hội Phòng chống cháy nổ" đã diễn ra sôi nổi vào ngày 25/08 tại số 16 phố Ngô Quyền, Hà Nội, Thao diễn chữa cháy tại 160 phố Hoàng Hoa Thám, Hà Nội. Các sự kiện đều đã thu hút được đông đảo người dân, doanh nghiệp và các cơ quan truyền thông, báo chí.
Các tin, bài và ảnh về họat động của tuần lễ "An toàn khí GAS và phòng chống cháy nổ" đồng thời cũng được diễn ra trên internet tại địa chỉ www.phongchongchayno.info và www.antoankhi.com
Báo động về gia tăng số lượng và mức độ các vụ cháy, nổ
Phát biểu tại Hội nghị, Đại tá Đoàn Hữu Thắng, Phó Cục trưởng Cục Phòng cháy Chữa cháy và Cứu nạn Cứu hộ cho biết, hiện nay, trên cả nước có khoảng 17.477 cơ sở kinh doanh và sử dụng khí gas, bao gồm: cửa hàng kinh doanh khí gas; các phương tiện vận chuyển khí gas; các cơ sở, công trình có sử dụng hệ thống gas trung tâm. Tuy nhiên, việc thực hiện các quy định về phòng cháy chữa cháy tại các cơ sở này chưa tốt dẫn đến xảy ra các vụ cháy, nổ, gây hậu quả nghiêm trọng về người và tài sản. Ví dụ: vụ nổ gas tại Công ty Gas An Dương, Khu Công nghiệp Khai Sơn, Bắc Ninh, ngày 05/12/2012, khiến 56 người bị thương; hay vụ nổ gas tại Công ty Đặng Huỳnh, TP. Hồ Chí Minh, ngày 17/10/2014 khiến 3 người tử vong, 5 người bị thương nặng, 7 căn nhà bị hư hỏng và 150 căn nhà bị ảnh hưởng…
Đồng tình với ý kiến trên, ông Đỗ Quang Vinh, Cục trưởng Cục Kỹ Thuật An toàn và Môi trường Công nghiệp, Bộ Công Thương cho biết, mặc dù có nhiều quy định về an toàn gas, nhưng tình hình cháy nổ vẫn diễn biến rất phức tạp và cảm nhận là vẫn chưa kiểm soát được hoàn toàn.
Các nguyên nhân gây ra cháy nổ chủ yếu được các đại biểu đưa ra tại Hội nghị, đó là: (1) các cơ sở kinh doanh gas không đảm bảo các điều kiện an toàn; (2) san chiết trái phép; (3) vi phạm quy định an toàn trong quá trình vận chuyển, xuất, nhập khí hóa lỏng (LPG); (4) thiếu những kiến thức cơ bản về sử dụng gas an toàn; (5) những bất cập trong chính sách, tạo lỗ hổng pháp lý dẫn đến việc các cơ sở kinh doanh lợi dụng thực hiện những hành vi trái phép gây hại đến cộng đồng; (6) sự chồng chéo trong quản lý về an toàn khí và phòng chống cháy nổ của 04 bộ: Bộ Công an, Bộ Công Thương, Bộ Lao động - Thương binh - Xã hội, Bộ Khoa học và Công nghệ
Trong các nguyên nhân trên, ông Trần Văn Nghị, Phó Giám đốc Công ty Khí Việt Nam đặc biệt bày tỏ những lo ngại trong việc san chiết gas lậu tràn lan, kéo dài chưa được giải quyết triệt để, dẫn tới hậu quả là các thiết bị sử dụng, như: bình chứa, van dầu... không được kiểm tra kiểm định, các hư hỏng không được phát hiện; bị sửa chữa, cải tạo, làm nhái không tuân thủ kỹ thuật chế tạo...
Nâng cao ý thức của cộng đồng là giải pháp cốt lõi
Theo ông Đỗ Quang Vinh, để giảm thiểu các vụ cháy nổ về khí gas cần phải thực hiện đồng bộ các giải pháp, từ những giải pháp liên quan đến văn bản quy phạm pháp luật đến việc quản lý, xử lý vi phạm về an toàn khí và phòng chống cháy nổ.
Tuy nhiên, giải pháp mà Cục trưởng Đỗ Quang Vinh đặc biệt nhấn mạnh, đó là nâng cao ý thức trách nhiệm của cá nhân, hộ gia đình và doanh nghiệp, bằng cách tăng cường tuyên truyền, phổ biến kiến thức pháp luật về an toàn khí và phòng chống cháy nổ.
Đồng tình với ý kiến trên, ông Trần Văn Đồng, Giảng viên Trường Đại học Phòng cháy Chữa cháy đưa ra cảnh báo về việc cộng đồng đang sống cùng những “quả bom hẹn giờ” có thể phát nổ bất cứ lúc nào, nếu chúng ta không có ý thức tuân thủ các quy định về an toàn khí và phòng chống cháy nổ.
“Các cá nhân, doanh nghiệp và hộ gia đình cần phải tự nắm bắt và hiểu rõ các quy định về an toàn khí và phòng chống cháy nổ, bởi lực lượng công an phòng cháy chữa cháy không thể theo sát đến từng hộ gia đình được”, ông Đồng nhấn mạnh.
Phát biểu kết thúc Hội nghị, Thứ trưởng Cao Quốc Hưng đánh giá cao những ý kiến đóng góp của các vị đại biểu và nhất trí với các giải pháp:
Thứ nhất, cần lưu ý tiếp tục nâng cao năng lực của các tổ chức, cán bộ hoạt động trong công tác an toàn cháy nổ.
Thứ hai, cần tập trung nghiên cứu, rà soát những bất cập trong các văn bản quy phạm pháp luật về an toàn khí và phòng chống cháy nổ trong thời gian qua, để đề xuất nội dung sửa đổi.
Thứ ba, tăng cường công tác hướng dẫn, chỉ đạo kiểm tra, kiểm soát về an toàn và phòng chống cháy nổ, áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật về an toàn phòng chống cháy nổ.
Thứ tư, tăng cường công tác tuyên truyền về an toàn khí và phòng chống cháy nổ cho cộng đồng.
Thứ năm, tăng cường công tác phối hợp giữa các bộ, ngành và trao đổi kinh nghiệm, hợp tác quốc tế về an toàn khí và phòng chống cháy nổ. /.