EU chính thức gia hạn trừng phạt Nga thêm 6 tháng

Ngày 21/12, EU đã chính thức gia hạn thêm sáu tháng lệnh trừng phạt kinh tế đối với Nga liên quan đến cuộc xung đột tại Ukraine từ hơn ba năm rưỡi qua.

Hội đồng Liên minh châu Âu bao gồm 28 quốc gia thành viên đã kéo dài thời hạn thực hiện những biện pháp trừng phạt đối với các lĩnh vực kinh tế đặc thù của Nga đến ngày 31/7/2018 và lấy làm tiếc là các thỏa thuận về thực thi Hiệp định Minsk về thiết lập lệnh ngừng bắn ở miền Đông Ukraine đã không được thực thi đầy đủ.

Các biện pháp trừng phạt của EU đối với Nga chủ yếu nhằm vào những lĩnh vực đặc thù như năng lượng, quốc phòng và tài chính và cấm người châu Âu đầu tư tại Nga.

Phía Moskva cũng đã đáp trả bằng việc thiết lập lệnh cấm vận đối với các sản phẩm thực phẩm chế biến của châu Âu.

Nhật Bản quyết định duy trì chính sách nới lỏng tiền tệ mạnh mẽ

Ngày 21/12, Ngân hàng Nhật Bản (BoJ) đã quyết định tiếp tục duy trì chính sách nới lỏng tiền tệ với lợi suất trái phiếu chính phủ dài hạn (10 năm) ở mức 0% và lãi suất ngắn hạn âm 0,1%, trong bối cảnh nền kinh tế trong nước có những phục hồi thuận lợi, dù lạm phát vẫn ở mức thấp chưa đạt mục tiêu 2%.

Với 8/9 phiếu tán thành, Ủy ban Chính sách BoJ đã nhất trí tiếp tục duy trì chính sách nới lỏng tiền tệ. Bên cạnh đó, ủy ban này đã thông qua các quyết định như phương châm mua vào tài sản từ quỹ đầu tư danh mục chỉ số chứng khoán (ETF) với 9/9 ủy viên tán thành cũng như thống nhất thảo luận ảnh hưởng từ việc tăng lãi suất của Ngân hàng Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) và tác dụng phụ của môi trường lãi suất quá thấp.

IMF thông qua kế hoạch giải ngân 2 tỷ USD cho Ai Cập

IMF ngày 20/12 đã thông qua kế hoạch giải ngân thứ 3 trị giá 2 tỷ USD cho Ai Cập.

Khoản tiền này nằm trong gói vay có tổng trị giá 12 tỷ USD trong thời hạn ba năm được Ai Cập và IMF nhất trí hồi tháng 11/2016 để hỗ trợ kinh tế quốc gia Trung Đông này phục hồi sau cuộc chính biến năm 2011. Như vậy, với kế hoạch giải ngân thứ 3 này, Ai Cập nhận được tổng cộng 6 tỷ USD, tương đương 50% gói vay.

Quyết định giải ngân trên được đưa ra sau khi IMF ghi nhận nỗ lực của Chính phủ Ai Cập trong tiến trình cải cách kinh tế, tập trung vào một số lĩnh vực như thuế, cắt giảm trợ cấp ngành năng lượng và tiền tệ.

Ngân sách 2018 của Hy Lạp chịu ảnh hưởng các biện pháp khắc khổ

Ngày 19/12, Quốc hội Hy Lạp đã thông qua ngân sách 2018, năm tài khóa cuối cùng vẫn chịu ảnh hưởng chi phối của các điều khoản khắt khe nhằm đổi lấy gói cứu trợ trị giá hàng tỷ Euro từ các chủ nợ quốc tế và EU, buộc nước này phải áp dụng hàng loạt biện pháp "thắt lưng buộc bụng" trong suốt 7 năm qua.

Phát biểu trước Quốc hội, Thủ tướng Hy Lạp Alexis Tsipras khẳng định lần đầu tiên sau 7 năm, chính phủ nước này có thể chắc chắn đây là bản dự thảo ngân sách cuối cùng phải tuân thủ theo các điều khoản cứu trợ.

Ông cũng nhấn mạnh Hy Lạp đã gây dựng lại lòng tin về khả năng quản lý công quỹ.

Tổng thống Mỹ phê chuẩn dự luật cải cách thuế, ngân sách ngắn hạn

Ngày 22/12, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã ký ban hành dự luật cải cách thuế do đảng Cộng hòa đề xuất trị giá 1.500 tỷ USD, củng cố chiến thắng lập pháp lớn nhất của ông Trump trong năm đầu lên nắm quyền.

Tổng thống Trump cũng đồng thời phê chuẩn một dự luật chi tiêu ngắn hạn giúp Mỹ tạm tránh khỏi nguy cơ phải đóng cửa chính phủ.

Theo dự luật này, đa số người Mỹ sẽ được giảm thuế, nhưng thành phần được hưởng lợi nhiều nhất là những người giàu có. Trung tâm Chính sách thuế, một cơ quan nghiên cứu độc lập, hôm 18/12 kết luận rằng dự luật cải cách sẽ cắt giảm thuế cho 95% người Mỹ trong năm 2018, nhưng mức giảm thuế trung bình cho thành phần có thu nhập cao nhất vượt xa mức giảm thuế cho những người có thu nhập thấp. Dự luật này sẽ hủy bỏ một phần Đạo luật Chăm sóc y tế giá rẻ (Obamacare) và tăng mức nợ liên bang lên gần 1.500 tỷ USD trong thập niên tới./.