Thủ tướng tham dự Diễn đàn Doanh nghiệp Á-Âu lần thứ 14

Chiều 16/10 (giờ Việt Nam), tại Trung tâm Hội nghị Thành phố Milan của Italy, đã diễn ra cuộc đối thoại giữa các đại biểu tham dự Diễn đàn Doanh nghiệp Á-Âu (AEBF) lần thứ 14 với các nhà lãnh đạo tham dự Hội nghị cấp cao Á-Âu lần thứ 10 (ASEM 10).
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cùng Chủ tịch Hội đồng châu Âu, Thủ tướng nước chủ nhà Italy, Chủ tịch Ủy ban châu Âu, Thủ tướng Nhật Bản và Malaysia… đã thay mặt các thành viên ASEM tham dự.
Với chủ đề “Tăng cường quan hệ doanh nghiệp nhằm thúc đẩy hội nhập kinh tế Á-Âu,” Diễn đàn có sự tham dự của khoảng 800 đại diện của các tập đoàn hàng đầu ở hai châu lục.Diễn đàn Doanh nghiệp Á-Âu (AEBF) lần thứ 14, diễn ra trong hai ngày 15 và 16/10, cùng với Diễn đàn Nghị viện Á-Âu (ngày 6 đến 8/10 vừa qua) và Diễn đàn Nhân dân Á-Âu (họp ngày 10 đến 12/10 vừa qua) là những hoạt động hướng tới Hội nghị cấp cao Diễn đàn hợp tác ASEM lần thứ 10 họp từ ngày 16 đến17/10 cũng tại thành phố Milan.
Tham dự Diễn đàn Doanh nghiệp năm nay có đại diện của nhiều tập đoàn, doanh nghiệp lớn của Việt Nam, như Tổng công ty Hàng không Việt Nam, Tập đoàn Dầu khí Quốc gia, Ngân hàng Thương mại Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV).

EU chưa nới lỏng các biện pháp trừng phạt kinh tế đối với Nga

Theo báo chí Đức ngày 13/10, mặc dù Nga đã thông báo rút quân khỏi khu vực biên giới giáp miền Đông Ukraine song hành động này chưa đủ để Liên minh châu Âu (EU) nới lỏng các biện pháp trừng phạt kinh tế đối với Moskva.

Người phát ngôn Chính phủ Đức Steffen Seibert cho biết việc rút quân nêu trên là bước đi góp phần làm giảm căng thẳng liên quan cuộc khủng hoảng Ukraine. Tuy nhiên, theo người phát ngôn này, từ những kinh nghiệm ở một số trường hợp trước đây, Moskva trước các cuộc gặp quốc tế quan trọng luôn đưa ra những thông báo mà họ không không giữ lời hoặc hoàn toàn không tuân thủ.
Người phát ngôn cho rằng hiện chưa có lý do để xem xét lại các biện pháp trừng phạt hiện nay với Nga. Ủy viên phụ trách quan hệ với Nga của Chính phủ Đức, ông Gernot Erler kêu gọi Moskva tiếp tục có hành động giúp giảm căng thẳng.
Cụ thể, Nga phải có trách nhiệm trong nhóm tiếp xúc, rút mọi thiết bị quân sự và binh sỹ cũng như cho phép Tổ chức An ninh và Hợp tác châu Âu (OSCE) kiểm soát một cách độc lập khu vực biên giới Nga - Ukraine.

Các chỉ số chứng khoán Mỹ tiếp tục lao dốc do lo ngại dịch Ebola

Ngày 13/10, ngày nghỉ lễ Columbus Day, thị trường chứng khoán Mỹ vẫn mở cửa nhưng các chỉ số chứng khoán chủ lực lại tiếp tục lao dốc, nhất là cổ phiếu của các hãng hàng không vì các nhà đầu tư lo ngại ngành công nghiệp này có thể bị tác động mạnh bởi đại dịch Ebola đã và đang hoành hành tại châu Phi.

Từ sàn giáo dịch New York cho biết trong phiên cuối cùng trước khi đóng cửa ngày 13/10, cả ba chỉ số chứng khoán chủ lực là Dow Jones, Standard & Poor 500 và Nasdaq Composite đều giảm điểm mạnh với các mức tương đương 1,35%, 1,65% và 1,46%.

Ngân hàng Trung ương Anh trì hoãn kế hoạch tăng lãi suất cơ bản

Trong một động thái khá bất ngờ, sáng 17/10, Nhà kinh tế trưởng Ngân hàng Trung ương Anh (BoE), ông Andy Haldane cho biết, ông đã ngả sang hướng ủng hộ việc trì hoãn kế hoạch tăng lãi suất cơ bản nhằm đảm bảo sự phục hồi bền vững và lâu dài của nền kinh tế nước này.
Phát biểu của ông Haldane đã gây bất ngờ cho giới đầu tư, khiến đồng Bảng Anh giảm giá 0,4% so với đồng USD, và 0,2% so với đồng Euro.
Theo quan điểm của ông Haldane, kinh tế toàn cầu chưa thực sự phục hồi bền vững, đà tăng trưởng kinh tế vẫn còn yếu.
Trong bối cảnh tại Anh áp lực lạm phát thấp và tốc độ tăng trưởng của tiền lương còn chậm, ông Haldane cho rằng cần phải đánh giá lại thực trạng cũng như triển vọng tăng trưởng của nền kinh tế Xứ sở sương mù./.