Khủng hoảng chính trị kéo dài

Việc chính quyền Catalonia đòi ly khai đối với người Tây Ban Nha không quá xa lạ bởi việc đẩy mạnh quyền tự trị Catalonia đã tồn tại từ thế kỷ 20. Song, một phong trào độc lập toàn diện Catalonia chỉ thực sự bùng lên sau cuộc khủng hoàng tài chính toàn cầu năm 2008.

Trước đây, Catalonia đã tổ chức một cuộc trưng cầu mang tính biểu tượng vào năm 2014, trong đó 80% cử tri ủng hộ ly khai hoàn toàn. Trong khi cuộc trưng cầu ngày 1/10/2017 được chính thức đưa ra bởi chính quyền và cơ quan Nghị viện của xứ Catalonia.

Thủ tướng Tây Ban Nha Mariano Rajoy tuyên bố phản đối mọi hành động gây ra sự chia cắt đất nước mà Catalonia đang hướng đến và gọi đây là "động thái không thể chấp nhận". Ngày 27/10/2017, Madrid tuyên bố tước bỏ quyền lực của chính quyền Catalonia chỉ vài giờ sau khi nghị viện Catalonia thông qua nghị quyết tuyên bố độc lập với 70 phiếu thuận, 10 phiếu chống và hai phiếu trắng.

Sau khi Catalonia tuyên bố độc lập, Bộ Kinh tế Tây Ban Nha đã tiến hành các biện pháp gia tăng kiểm soát tài chính đối với vùng tự trị này, ngăn chặn việc sử dụng quỹ nhà nước phục vụ quá trình ly khai. Cũng theo đề xuất của Thủ tướng Rajoy, Madrid có thể sẽ kiểm soát Catalonia hoàn toàn về vấn đề tài chính. Theo một số chuyên gia, có khả năng một số người ủng hộ độc lập ở Catalonia sẽ ngừng nộp thuế cho nhà nước Tây Ban Nha.

Tiếp đến, Thủ tướng Tây Ban Nha Mariano Rajoy đã đề xuất tiến hành bầu cử với hy vọng ổn định cho Catalonia, song kết quả cuộc bầu cử ngày 21/12 với việc phe ly khai của Catalonia chiếm đa số 70/135 ghế trong quốc hội khu vực đã khiến cuộc khủng hoảng chính trị ở khu vực Catalonia quay về điểm xuất phát ban đầu.

Ngành du lịch vẫn đứng vững

Du lịch là một trong những lĩnh vực bị ảnh hưởng mạnh mẽ nhất bởi sự bất ổn chính trị vùng Catalonia. Song, theo Viện Thống kê quốc gia Tây Ban Nha (INE), lượng khách du lịch quốc tế đến Tây Ban Nha vẫn tăng với 77,8 triệu lượt du khách nước ngoài trong 11 tháng năm 2017, cao hơn so với mức 75,6 triệu trong cả năm 2016. Đến hết năm 2017, lượng du khách nước ngoài đã đạt khoảng 81,5 triệu lượt.

Chi tiêu cho du lịch ước tính đạt khoảng 87 tỷ Euro, tăng 12% so với năm trước. Khách du lịch từ Anh đến Tây Ban Nha chiếm tỷ lệ cao nhất với 23%, trong khi du khách Đức và Pháp chiếm 14%.

Quần đảo Canaria là điểm đến hấp dẫn khách du lịch nhất ở Tây Ban Nha với 1,24 triệu khách du lịch nước ngoài, tăng 6,7% so với tháng 11/2016. Đến hết năm 2017, số lượng du khách đến quần đảo Canaria đạt 13 triệu lượt.

Còn Catalonia là khu vực nổi tiếng thứ hai và trong năm 2017 đã đón nhiều khách du lịch hơn năm 2016 bất chấp các cuộc tấn công khủng bố vào khu vực vào tháng 8/2017 khiến 16 người thiệt mạng. Trong 11 tháng đầu năm 2017, 18,2 triệu du khách nước ngoài đã đến thăm Catalonia, tăng 6,06% so với cùng kỳ năm 2016, vượt qua tất cả các khu vực khác về số lượng khách du lịch nước ngoài./.

Nguồn tham khảo:

https://www.thelocal.es/20171228/spain-smashes-foreign-tourism-records-2017
https://elpais.com/elpais/2017/12/28/inenglish/1514457943_007118.html
http://www.aif.ru/politics/world/puchdemon_otkazalsya_ot_pensii_polozhennoy_byvshim_glavam_avtonomii
https://www.bbvaresearch.com/wp-content/uploads/2017/12/Observatorio_actividad_dic17_ing-1-1.pdf