Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) ngày 22/1 đưa ra dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu sẽ đạt 3,9% trong năm nay và năm 2019, tăng 0,2% so với dự báo hồi tháng 10/2017. Đây sẽ là tốc độ tăng trưởng cao nhất kể từ năm 2011.

“Lần điều chỉnh này phản ánh động lực tăng trưởng kinh tế toàn cầu tăng lên cũng như tác động tích cực của chính sách thuế mới của Mỹ vừa được thông qua”, IMF cho biết trong một báo cáo công bố trước thềm Diễn đàn Kinh tế Thế giới tại Davos, Thụy Sỹ.

IMF dự báo kinh tế Mỹ sẽ tăng trưởng 2,7% trong năm nay, nhanh hơn đáng kể so với dự báo trước đó ở mức 2,3%. Tăng trưởng của nền kinh tế lớn nhất thế giới dự kiến sẽ “hạ nhiệt” xuống 2,5% trong năm 2019 nhưng vẫn cao hơn dự báo trước đó của IMF ở mức 1,9%.

Các đối tác thương mại lớn của Mỹ cũng sẽ hưởng lợi từ chính sách thuế mới của nước này, đặc biệt là hai quốc gia láng giềng Canada và Mexico.

Tuy nhiên, trong báo cáo cập nhật về Triển vọng Kinh tế thế giới, IMF cảnh báo tăng trưởng của Mỹ có thể bắt đầu yếu đi sau năm 2022 do những biện pháp kích thích chi tiêu tạm thời được đưa ra nhờ chính sách cắt giảm thuế bắt đầu hết hiệu lực. Theo nhà kinh tế hàng đầu của IMF Maurice Obsstfeld, các biện pháp cắt giảm thuế có thể sẽ làm gia tăng thâm hụt tài khoản vãng lai, đồng USD mạnh lên và tác động đến các nguồn đầu tư quốc tế.

Trước đó, ngày 22/12/2017, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã ký ban hành luật cải cách thuế do đảng Cộng hòa đề xuất trị giá 1.500 tỷ USD. Việc lưỡng viện Quốc hội Mỹ thông qua dự luật cải cách thuế lớn nhất kể từ những năm 1980 này được coi là một thắng lợi pháp lý quan trọng trong năm cầm quyền đầu tiên của Tổng thống Trump.

Ngoài ra, IMF cũng dự báo tăng trưởng nhanh hơn tại châu Âu và châu Á. Kinh tế khu vực Eurozone dự kiến sẽ tăng trưởng 2,2% trong năm nay và 2% trong năm tới, cùng tăng 0,3% so với dự báo trước đó. Tại châu Á, tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc và Ấn Độ lần lượt đạt 6,6% và 7,4%.

“Đây là tin tốt lành. Tuy nhiên, lãnh đạo các nước nên nhớ rằng tăng trưởng phản ánh hàng loạt yếu tốt vốn không duy trì lâu”, ông Maurice Obstfeld, cố vấn kinh tế của IMF, cho biết. Theo ông, các nước cũng nên tranh thủ cơ hội này để thực hiện “những cải cách khó khăn” để giải quyết tình trạng bất bình đẳng, giảm nợ công và chuẩn bị cho cuộc khủng hoảng tiếp theo./.