Hong Kong là nền kinh tế tự do nhất thế giới

Đây là năm thứ 24 liên tiếp, khu hành chính đặc biệt này trụ vững ở vị trí trên kể từ khi Chỉ số Tự do kinh tế toàn cầu do Heritage Foundation đánh giá và lần đầu công bố vào năm 1995.

Cụ thể, theo báo cáo công bố ngày 2/2, tổng điểm của Hong Kong là 90,2/100 điểm, tăng 0,4 điểm so với năm 2017 và là nền kinh tế duy nhất có tổng điểm thành tích trên 90.
Trong số 12 yếu tố đánh giá mà báo cáo nêu ra, Hong Kong có 8 yếu tố đạt trên 90 điểm và các lĩnh vực đạt được thành tích tốt nhất bao gồm "sức khỏe" tài khóa, tự do kinh doanh, tự do thương mại và tự do tài chính.

Bên cạnh đó, Hong Kong cũng được đánh giá là nền kinh tế linh hoạt, có khung pháp lý tiêu chuẩn cao, tỷ lệ tham nhũng thấp, công tác điều hành minh bạch, khung quy định hiệu quả và cởi mở với hoạt động thương mại toàn cầu.

Chính quyền đặc khu Hong Kong hoan nghênh kết quả đánh giá nói trên. Vụ trưởng Tài chính Hong Kong Paul Chan cam kết chính quyền địa phương sẽ tiếp tục duy trì và phát huy tính hiệu quả của các nguyên tắc thị trường tự do, vốn là nền tảng thúc đẩy sự thịnh vượng của kinh tế cũng như sức cạnh tranh quốc tế của Hong Kong.

Ấn Độ áp dụng mọi biện pháp ngăn chặn giao dịch tiền ảo

Ngày 1/2, Ấn Độ tuyên bố sẽ áp dụng mọi biện pháp để xóa bỏ việc giao dịch tiền ảo. Phát biểu tại buổi công bố dự toán ngân sách thường niên trước Quốc hội Ấn Độ, Bộ trưởng Tài chính Arun Jaitley cho biết tiền ảo không phải là tiền tệ hợp pháp và chính phủ đã có kế hoạch ngăn chặn việc sử dụng đồng tiền này như là một phương thức thanh toán.

Cũng như nhiều quốc gia trên thế giới, các nhà quản lý Ấn Độ cảm thấy bất an về đồng tiền ảo do giá trị dao động quá lớn và liên quan đến các hoạt động đáng ngờ. Do tiền ảo không được chính phủ bảo đảm nên nhà chức trách lo sợ chúng có thể bị sử dụng vào các hoạt động bất hợp pháp như rửa tiền.

Hồi tháng 1, trả lời chất vấn của các nghị sỹ, ông Jaitley cũng từng tuyên bố tiền ảo không phải là tiền tệ hợp pháp. Trước đó, tháng 12/2017, Bộ Tài chính Ấn Độ cũng đã cảnh báo các nhà đầu tư tiền ảo và so sánh hoạt động đầu tư này như mô hình kinh doanh Ponzi (một loại hình kinh doanh đa cấp).

Hàn Quốc đầu tư hơn 32 tỷ USD phát triển các mẫu ôtô tương lai

Bộ Thương mại, Công nghiệp và Năng lượng Hàn Quốc cho biết nước này sẽ đầu tư 35.000 tỷ Won (32,4 tỷ USD) để phát triển các mẫu ôtô điện, ôtô tự hành và các dòng xe cho tương lai trong thời gian từ nay đến năm 2022 nhằm đảm bảo động lực tăng trưởng mới trên thị trường ôtô luôn biến chuyển nhanh.

Một cuộc hội thảo với khoảng 50 chuyên gia đến từ các doanh nghiệp, viện nghiên cứu và trường đại học, cao đẳng, Bộ Thương mại, Công nghiệp và Năng lượng Hàn Quốc và Bộ Đất đai, Hạ tầng và Vận tải đã phác thảo kế hoạch phát triển các dòng xe cho tương lai và thiết lập “hệ thống giao thông thông minh” để hỗ trợ các dòng xe tự hành.

Trong một nỗ lực lớn nhằm mở ra “một kỷ nguyên ôtô điện”, Chính phủ Hàn Quốc sẽ hợp tác với các doanh nghiệp như Hyundai Motor Group để phát triển một loại ôtô hoàn toàn chạy bằng điện có thể di chuyển hơn 500km sau một lần sạc điện và đến năm 2022 sẽ tăng số trạm sạc điện lên 10.000, không kém bao nhiêu so với con số 12.000 trạm xăng của nước này.

Trung Quốc hối thúc Mỹ không "chính trị hóa" các vấn đề thương mại

Theo Tân hoa xã, Bộ Thương mại Trung Quốc ngày 1/2 hối thúc Mỹ không "chính trị hóa" các vấn đề kinh tế và thương mại giữa hai nước sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump coi Trung Quốc và Nga là các đối thủ thách thức nền kinh tế, những lợi ích và giá trị của Mỹ.

Phát biểu tại họp báo, người phát ngôn của bộ trên Cao Phong nêu rõ: "Trong lĩnh vực thương mại, chúng tôi có chiều hướng xem Mỹ là đối tác của chúng tôi”.

Người phát ngôn này kêu gọi Mỹ từ bỏ tâm lý Chiến tranh Lạnh nhằm thúc đẩy quan hệ thương mại giữa hai bên đi đúng hướng.

Phản ứng trước việc Tổng thống Trump tiếp tục đề cập đến vấn đề thương mại qua lại và công bằng trong thông điệp liên bang đầu tiên của mình, ông Cao Phong cho rằng thương mại công bằng cần dựa trên luật lệ quốc tế thay vì những tiêu chuẩn đơn phương./.