Bước đi mới trong chính sách bảo hộ

Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 1/3 đã công bố quyết định đặt mức thuế cao đối với thép và nhôm nhập khẩu để bảo vệ nhà sản xuất trong nước.

Cụ thể, mức thuế 25% áp dụng với thép và 10% với nhôm sẽ được chính thức thông báo vào tuần tới, Tổng thống Mỹ cho biết. Theo ông Trump: “Chúng ta sẽ xây dựng lại hai ngành công nghiệp nhôm và thép của Mỹ”.

Người phát ngôn Nhà Trắng Sarah Sanders từ chối tiết lộ thông tin chi tiết về chuyện áp thuế sắp tới, chỉ cho biết các khoản thuế đang trong quá trình hoàn thiện.

Theo số liệu của hãng nghiên cứu Wood Mackhenzie và nhà cung cấp dữ liệu Global Trade Tracker, năm 2017, Mỹ nhập khẩu 35,6 triệu tấn thép với trị giá 33,6 tỷ USD, chiếm 36% lượng thép tiêu thụ trên toàn thế giới.

Canada chiếm 16% lượng thép nhập vào Mỹ và là nhà cung cấp lớn nhất, tiếp sau đó là Brazil và Hàn Quốc. Canada cũng là nhà cung cấp nhôm lớn nhất của Mỹ, chiếm 41% số nhôm nhập khẩu. Trung Quốc chỉ chiếm 3% lượng thép nhập khẩu của Mỹ. Chính vì vậy, các nhà phân tích nhận định rằng mức thuế này sẽ gây tổn hại cho các đồng minh và đối tác của Mỹ nhiều hơn là Trung Quốc.

Kế hoạch của ông chủ Nhà Trắng đã vấp phải sự phản đối dữ dội từ nhiều nước và tổ chức quốc tế.

Ngày 2/3, Cục trưởng Cục Phòng vệ và Điều tra Thương mại, Bộ Thương mại Trung Quốc Vương Hạ Quân nói rằng việc Mỹ áp thuế lên nhôm và thép sẽ "phá hoại nghiêm trọng cơ chế thương mại đa phương được đại diện bằng Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) và chắc chắn sẽ tác động lớn đến trật tự thương mại quốc tế bình thường".

Cùng ngày, Thủ tướng Canada Justin Trudeau chỉ trích kế hoạch của Tổng thống Mỹ là "hoàn toàn không thể chấp nhận", đồng thời cảnh báo nguy cơ chia rẽ kinh tế "nghiêm trọng và đáng kể" đối với cả Mỹ và Canada. Ông Trudeau cũng cho rằng, dựa trên mức độ hợp tác an ninh giữa hai nước, không có lý do gì để khẳng định Canada và các sản phẩm thép và nhôm của nước này có thể là mối đe dọa an ninh đối với Mỹ.

Tổng giám đốc Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) Roberto Azevedo cũng bày tỏ lo ngại về tuyên bố của ông Trump cho rằng việc nâng mức áp thuế đối với thép và nhôm nhập khẩu là để bảo vệ an ninh quốc gia.

Ông Azevedo nhấn mạnh, một cuộc chiến thương mại không thuộc lợi ích của bất kỳ quốc gia nào, đồng thời cho biết WTO sẽ theo dõi chặt chẽ tình hình.

Trong khi đó, Giám đốc điều hành Trung tâm Thương mại quốc tế (ITC) Arancha Gonzalez bày tỏ quan ngại về nguy cơ xảy ra một cuộc chiến thương mại sau khi Mỹ nâng thuế nhập khẩu đối với các mặt hàng thép và nhôm. Bà Gonzalez cảnh báo, chiến tranh thương mại là cuộc chiến mà không ai giành chiến thắng.

Chung tâm lý lo ngại, Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) cảnh báo kế hoạch tăng thuế của Mỹ có thể đe dọa các nền kinh tế Mỹ nói riêng và thế giới nói chung. Theo IMF, động thái của Mỹ làm gia tăng quan ngại về khả năng các nước khác có thể sử dụng cái cớ bảo vệ an ninh quốc gia để biện hộ cho các biện pháp hạn chế nhập khẩu. Thể chế tài chính đa phương này đồng thời hối thúc các nước hợp tác trên tinh thần xây dựng để giải quyết các bất đồng thương mại mà không cần phải đưa ra các biện pháp cứng rắn.

Gậy ông đập lưng ông?

Người đứng đầu nước Mỹ tin rằng, việc áp thuế cao hơn đối với mặt hàng thép, nhôm nhập khẩu sẽ bảo vệ công việc cho người dân Mỹ, nhưng nhiều nhà kinh tế lại khẳng định, tác động từ việc tăng giá của mặt hàng nhôm và thép sẽ khiến ngành ô tô và dầu khí khó khăn, thậm chí còn triệt tiêu công việc hơn là tạo ra việc làm. Các chuyên gia cũng tin rằng, khả năng tăng chi phí cho các ngành công nghiệp sẽ làm thất bại cam kết gia tăng công việc trong nước.

Trong khi các nhà sản xuất thép Mỹ đã mất 3/4 việc làm trong khoảng thời gian 1962-2005, một nghiên cứu của Hiệp hội Kinh tế Mỹ cho thấy, nguyên nhân chính là do công nghệ sản xuất được cải thiện, với sản lượng của người lao động tăng gấp 5 lần.

"Như vậy, ngay cả khi bảo hộ thương mại dẫn đến tăng sản xuất trong nước, điều này cũng không đồng nghĩa với việc tăng thêm việc làm như kỳ vọng", một báo cáo của mạng lưới kinh tế độc lập Econofact cho biết vào tuần trước.

Ngân hàng đầu tư Barclays ước tính việc tăng thuế này sẽ tăng 0,1 điểm% vào lạm phát cơ bản và cắt giảm tăng trưởng kinh tế 0,1-0,2 điểm % trong trước mắt.

Cổ phiếu của các nhà sản xuất thép và nhôm nội địa Mỹ đã tăng giá nhưng cổ phiếu các nhà sản xuất ô tô và máy bay lại giảm khi khả năng họ phải mất chi phí cao hơn cho mặt hàng kim loại gia tăng.

Nhiều nước đang xem xét việc đáp trả quyết định của Washington. “Nếu các quy định áp đặt lên mặt hàng nhôm và thép của Canada, chúng tôi sẽ có biện pháp bảo vệ lợi ích và công nhân của chúng tôi”, Bộ trưởng Ngoại giao Canada Chrystia Freeland cho biết. Washington hiện vẫn còn đang tái đàm phán Hiệp định thương mại Bắc Mỹ (NAFTA) với Ottawa và Mexico.

Một mặt hàng xuất khẩu quan trọng khác của Mỹ sang Trung Quốc chính là đậu nành. Trang Bloomberg khẳng định đậu nành là “vũ khí lợi hại nhất mà Trung Quốc có thể dùng chống lại Mỹ”. Giá trị xuất khẩu của mặt hàng này sang Trung Quốc giai đoạn 12/2016-11/2017 đạt 13,5 tỷ USD. "Đó thực sự là một cú sốc vô cùng lớn với ngành nông nghiệp Mỹ” - nhà nghiên cứu kinh tế Nicholas Lardy tại Viện Kinh tế thế giới Peterson cho hay.

Trong khi đó, các bang miền Trung Tây - thủ phủ đậu nành của Mỹ lại là nơi mà Tổng thống Trump rất cần sự ủng hộ nếu muốn tái đắc cử vào năm 2020. Năm 2016, ông Trump cũng đã chiến thắng nhờ vào số phiếu bầu từ các bang nông thôn.

Đại diện cho các công ty sản xuất máy móc hạng nặng như Caterpillar, cho rằng áp thuế đối với nhôm, thép nhập khẩu có thể đẩy tăng giá nhôm thép trong nước, khiến chi phí sản xuất xe ủi, xe tải khai thác mỏ các máy móc khác tốn kém hơn.

Theo nhà phân tích Ann Duignan từ ngân hàng JPMorgan, thép là chi phí đầu vào lớn nhất đối với các nhà sản xuất máy móc hạng nặng, chiếm khoảng 65% chi phí vật liệu thô ở Caterpillar, trong khi đó, con số này đối với nhôm là 10%.

Bà cho rằng các nhà sản xuất máy móc nông nghiệp như Deere dễ bị tổn thương hơn trước nguy cơ lạm phát giá vật liệu thô, trừ khi họ có thể tăng giá bán sản phẩm mà vẫn bảo đảm doanh thu không sụt giảm./.