Trung Quốc cho phép nước ngoài kiểm soát công ty chứng khoán

Ủy ban Chứng khoán Trung Quốc (CSRC) đã công bố dự thảo quy định cho phép các thể chế tài chính nước ngoài giành quyền kiểm soát các công ty chứng khoán Trung Quốc, đồng thời cam kết sẽ từng bước mở rộng phạm vi kinh doanh được cấp phép đối với các hãng môi giới liên doanh.

Cụ thể, theo quy định, mức trần đối với quyền sở hữu nước ngoài trong một doanh nghiệp chứng khoán Trung Quốc sẽ được nâng từ 49% hiện nay lên 51%, và mức trần này sẽ được loại bỏ hoàn toàn trong thời gian 3 năm sau khi các quy định mới có hiệu lực.

Việc xóa bỏ hạn chế đối với quyền sở hữu nước ngoài sẽ hoàn thành một cam kết mà Chính phủ Trung Quốc đưa ra hồi tháng 11 năm ngoái.

Ngoài ra, CSRC cũng nâng tiêu chuẩn đối với các nhà đầu tư nước ngoài, cho rằng họ phải là các thể chế tài chính với uy tín quốc tế và kết quả hoạt động tốt.

Tổng thống Mỹ ký sắc lệnh áp mức thuế mới với thép và nhôm nhập khẩu

Ngày 8/3, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã ký sắc lệnh công bố áp mức thuế suất mới, 25% đối với mặt hàng thép và 10% đối với mặt hàng nhôm nhập khẩu. Các quy định mới về thuế của chính quyền Tổng thống Trump sẽ bắt đầu có hiệu lực trong vòng 15 ngày tới.

Mexico và Canada là hai nước được miễn trừ chính sách này. Tuy nhiên, việc hai nước láng giềng của Mỹ có tiếp tục được hưởng chính sách này hay không sẽ phụ thuộc một phần vào tiến triển của các cuộc đàm phán về hiện đại hóa Hiệp định Thương mại Tự do Bắc Mỹ (NAFTA).

Bên cạnh đó, tất cả các nước có “mối quan hệ an ninh” với Mỹ có thể thảo luận với chính quyền Mỹ về "những cách thức thay thế" nhằm giải quyết mối đe dọa đối với an ninh quốc gia do hoạt động xuất khẩu các mặt hàng thép và nhôm vào thị trường Mỹ.

Ngân hàng Trung ương Nhật Bản giữ nguyên chính sách nới lỏng tiền tệ

Ngày 9/3, Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BOJ) thông báo sẽ giữ nguyên chính sách nới lỏng tiền tệ, động thái cho thấy nước này quyết tâm đạt mục tiêu lạm phát 2% trong bối cảnh kinh tế đang duy trì đà tăng trưởng.

Sau hai ngày làm việc, ban lãn đạo BOJ đã quyết định giữ nguyên cơ chế kiểm soát lãi suất trái phiếu, trong đó duy trì chính sách lãi suất ngắn hạn là -0,1% và mua lại trái phiếu chính phủ nhằm giữ lãi suất dài hạn ở mức 0%.

Việc duy trì lãi suất âm đối với một số tài khoản của các cơ quan tài chính thuộc BOJ nhằm khuyến khích các ngân hàng thương mại cho vay.

Cuba áp đặt hạn chế mới với nhập khẩu có trị giá trên 100.000 USD

Chính phủ Cuba ngày 6/3 đã ra nghị định yêu cầu các doanh nghiệp nhà nước cần được cấp thư tín dụng từ Ngân hàng Trung ương đối với các đơn hàng nhập khẩu có trị giá trên 100.000 USD.

Theo Nghị định 19/2018 của Ngân hàng Trung ương Cuba, bắt đầu có hiệu lực từ tháng Ba này, biện pháp trên nhằm đảm bảo các doanh nghiệp có đủ nguồn vốn để thực hiện các nghĩa vụ bên ngoài của mình, và để ngăn chặn nợ nước ngoài tiếp tục gia tăng.

Một lãnh đạo ngân hàng phương Tây đề nghị giấu tên cho biết, phương thức này sẽ dẫn đến sự sụt giảm trong ngắn hạn việc nhập khẩu và cung cấp vật tư chậm hơn, cũng như việc đóng cửa các công ty không cần thiết và có khả năng vỡ nợ.

Kinh tế Eurozone tăng trưởng cao nhất trong 10 năm qua

Cơ quan Thống kê của Liên minh châu Âu (Eurostat) ngày 7/3 công bố số liệu cho hay kinh tế của Khu vực sử dụng đồng tiền chung euro (Eurozone) tăng trưởng 2,3% trong năm 2017, thấp hơn mức dự báo 2,5% đưa ra hồi tháng Một nhưng cao hơn mức tăng trưởng 1,8% của năm 2016.

Dù thấp hơn kỳ vọng song đây vẫn là mức tăng trưởng cao nhất trong kể từ năm 2007 khi khu vực chứng kiến kinh tế Eurozone tăng trưởng 3%, cho thấy châu Âu vẫn đang là tâm điểm của quá trình phục hồi kinh tế toàn cầu. Mức tăng trên vẫn thấp hơn các mức tăng trưởng ghi nhận trước cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu.

Bên cạnh đó, theo số liệu của Eurostat, nhịp độ tăng trưởng của EU gồm 28 quốc gia thành viên cũng được điều chỉnh từ mức 2,5% đưa ra trước đó, xuống còn 2,4%./.