Thắng lợi vẻ vang

Theo số liệu sơ bộ của Ủy ban Bầu cử Trung ương Nga (CEC), sau khi 97% số phiếu đã được kiểm, ông Putin đang dẫn đầu cuộc bầu cử tổng thống Nga với 76,6% số phiếu.

Trong khi đó, ứng cử viên đảng Cộng sản Pavel Grudinin có 11,87% số phiếu, lãnh đạo đảng Dân chủ Xã hội Vladimir Zhirinovsky giành được 5,73%. Ksenia Sobchak, nữ ứng viên đảng Sáng kiến dân sự giành được 1,64%. Grigory Yavlinsky từ đảng Yabloko có 1,02%. Số phiếu bầu của 3 ứng viên còn lại đều ít hơn 1%.

Với kết quả này, ông Putin sẽ đắc cử nhiệm kỳ thứ tư và trở thành người lãnh đạo nước Nga trong 6 năm tới.

Ngay sau khi những kết quả kiểm phiếu đầu tiên được công bố, Tổng thống Putin đã có bài phát biểu trước đông đảo người ủng hộ tại lễ mít tinh ở Quảng trường Đỏ, Moscow. Ông cảm ơn các cử tri đã bỏ phiếu cho mình và trả lời các câu hỏi về các vấn đề chính trị.

“Cảm ơn rất nhiều vì sự ủng hộ của các bạn. Tôi muốn cảm ơn những ai có mặt tại đây, ở thủ đô Moscow và những người ủng hộ trên khắp lãnh thổ của chúng ta. Cảm ơn rất nhiều vì kết quả này”, Tổng thống Putin nói.

Ông Putin luôn được bình chọn là nhà lãnh đạo quyền lực và có tầm ảnh hưởng lớn nhất thế giới. Trong 4 năm liên tiếp (từ 2013-2016), ông Putin đã giữ vững vị trí quán quân trong bảng xếp hạng các nhân vật quyền lực nhất thế giới của tạp chí Forbes.

Theo Forbes, ông Putin đã phủ sóng ảnh hưởng của nước Nga đến gần như mọi ngõ ngách trên toàn thế giới, từ trong nước đến chiến trường Syria và cả ở Mỹ.

Tổng thống Putin lần đầu được bầu làm lãnh đạo Điện Kremlin vào năm 2000 và tiếp tục giành chiến thắng trong cuộc bầu cử 4 năm sau đó. Do hiến pháp Nga giới hạn 2 nhiệm kỳ liên tiếp với tổng thống nên ông Putin không tranh cử vào năm 2008 - thời điểm Nga thông qua việc tăng nhiệm kỳ tổng thống từ 4 lên 6 năm.

Năm 2012, ông Putin tiếp tục giành chiến thắng trong cuộc bầu cử Nga với kết quả 63,6% số phiếu ủng hộ. Trong nhiệm kỳ 6 năm qua của ông Putin đánh dấu sự sụp đổ trong quan hệ giữa Nga với Mỹ và các nước châu Âu chủ yếu bắt đầu từ cuộc nội chiến ở Ukraine năm 2014. Sau khi vị tổng thống thân Moscow là Viktor Yanukovich bị lật đổ và buộc phải chạy trốn khỏi Kiev, Cộng hoà tự trị Crimea tuyên bố ly khai khỏi Ukraine để sáp nhập vào Nga. Đến nay, các nước phương Tây vẫn khẳng định Nga ủng hộ lực lượng nổi dậy ở miền Đông Ukraine khiến nội chiến ở nước này vẫn chưa thể kết thúc, dù Moscow luôn phủ nhận cáo buộc.

Những thách thức phía trước

Theo các nhà phân tích, chiến thắng vang dội của đương kim Tổng thống Vladimir Putin cũng đồng nghĩa với những thách thức và trọng trách mà người dân Nga tin tưởng đặt lên vai nhà lãnh đạo của mình. Báo chí Nga và phương Tây đã ngay lập tức đăng tải những bài viết, trong đó nhận định các thách thức mà ông Putin sẽ phải đối mặt trong nhiệm kỳ Tổng thống thứ 4 của mình.

Đài CNBC nhận định, kinh tế là một trong những vấn đề quan tâm hàng đầu của cử tri Nga, trong bối cảnh đất nước đối mặt với hàng loạt sức ép như tăng trưởng thấp, các biện pháp trừng phạt của phương Tây và giá dầu biến động.

Trong bài phát biểu vận động tranh cử đầu tháng 3, ông Putin cũng thừa nhận những thách thức này khi tập trung vào các vấn đề trong nước, với cam kết giảm tỉ lệ người nghèo xuống một nửa trong nhiệm kỳ 6 năm tới và đưa Nga trở thành một trong 5 nền kinh tế hàng đầu thế giới.

Đây được xem là một nhiệm vụ không dễ, nhất là khi quan hệ giữa Nga và phương Tây không những không được cải thiện mà có chiều hướng xấu thêm sau vụ một cựu điệp viên Nga và con gái bị tấn công bằng chất độc thần kinh ở Anh.

Ngoài ra, ông Putin còn phải xử lý mối quan hệ đang căng thẳng với Mỹ và châu Âu, liên quan đến các cuộc xung đột ở Ukraine và Syria.

Tuy nhiên, nhiệm kỳ 6 năm sắp tới của ông Putin cũng đứng trước những cơ hội lớn khi các Ngân hàng UBS (Thụy Sĩ) và Ngân hàng J.P. Morgan (Mỹ) đồng thời đưa ra những đánh giá lạc quan về tương lai gần của nước Nga.

Theo UBS, kinh tế Nga đã hồi phục sau cuộc suy thoái kéo dài 2 năm và đạt mức tăng trưởng 1,4% năm ngoái, chủ yếu nhờ nhu cầu tiêu dùng và đầu tư nội địa tăng. Ngân hàng này dự báo tổng sản phẩm quốc nội của Nga tiếp tục tăng trưởng trong 2 năm tới.

Trong khi đó, J.P. Morgan dự đoán chi tiêu tiêu dùng ở Nga vẫn mạnh mẽ trong lúc giá dầu ổn định dần. Và hơn hết, kết quả cuộc bỏ phiếu ngày 18/3 đã một lần nữa cho thấy sự ủng hộ và tín nhiệm cao mà các cử tri Nga dành cho vị lãnh đạo tối cao của mình trong cả 4 nhiệm kỳ trong gần 18 năm qua.

Người dân Nga tin tưởng vào những gì mà vị Tổng thống của mình đã mang lại cho nước Nga, đưa nước Nga trỗi dậy một cách mạnh mẽ trong điều kiện bị tác động từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008, cũng như các lệnh trừng phạt và sức ép mạnh mẽ của phương Tây.

Và hơn hết, kết quả cuộc bỏ phiếu ngày hôm qua đã một lần nữa cho thấy sự ủng hộ và tín nhiệm cao mà các cử tri Nga dành cho vị lãnh đạo tối cao của mình trong cả 4 nhiệm kỳ trong gần 18 năm qua./.