Chủ tịch OPEC lên tiếng bảo vệ khối này trước những chỉ trích của Mỹ

Chủ tịch Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) Suhail al-Mazrouei ngày 9/7 đã lên tiếng bảo vệ khối này trước những yêu cầu tăng sản lượng của Tổng thống Mỹ Donald Trump.

Trả lời phỏng vấn với hãng tin Reuters, Chủ tịch OPEC Suhail al-Mazrouei nói rằng một mình OPEC không thể chịu trách nhiệm cho tất cả các vấn đề đang xảy ra trong ngành công nghiệp dầu mỏ. OPEC đã có phản ứng phù hợp thông qua những biện pháp được thực hiện trong cuộc họp mới nhất của khối này vào tháng Sáu.

Ông Mazrouei cho biết OPEC sẵn sàng lắng nghe các nước sản xuất dầu lớn, trong đó có Mỹ. Trước đó trong thỏa thuận vừa đạt được ngày 22/6, OPEC cho biết sẽ tăng sản lượng khoảng 1 triệu thùng/ngày. Động thái trên diễn ra sau khi Saudi Arabia đã thuyết phục được đối thủ cạnh tranh Iran cùng hợp tác, trong bối cảnh các nước tiêu thụ chủ chốt đang kêu gọi OPEC kiềm chế đà tăng của chi phí nhiên liệu.

Giá dầu thế giới đã tăng khá ổn định kể từ đầu năm tới nay, chủ yếu nhờ nhu cầu đi lên. Hồi tháng Năm vừa qua, giá “vàng đen” đã lần đầu tiên vượt trong vòng 3 năm rưỡi qua mức 80 USD/thùng.

Chủ tịch Trung Quốc cam kết cho các nước Arab vay 20 tỷ USD

Ngày 10/7, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã kêu gọi các quốc gia Arab cùng nhau thúc đẩy hòa bình và công lý, đấu tranh chống chủ nghĩa cực đoan và sự kích động hận thù trên không gian mạng.

Phát biểu khai mạc phiên họp cấp bộ trưởng lần thứ 8 của Diễn đàn Hợp tác Trung Quốc-các nước Arab ở thủ đô Bắc Kinh, ông Tập Cận Bình nhấn mạnh: "Điều vô cùng quan trọng là cùng nhau hợp tác để xây dựng một môi trường và văn hóa mạng vững mạnh, cùng nhau đối phó với hành động gieo rắc tư tưởng cực đoan và những tuyên bố kích động thù hận trên mạng."

Nhà lãnh đạo Trung Quốc cho rằng nền văn minh Trung Quốc và các nước Arab có chiều dài lịch sử ủng hộ lẫn nhau, và ngày nay hai bên có đủ lý do để học hỏi kinh nghiệm của nhau. Theo đó, hai bên "cần phát đi thông điệp và ý tưởng về hòa bình, sự hòa thuận và công lý, duy trì đối thoại văn minh giữa Trung Quốc và các nước Arab, và việc thực hiện những nỗ lực chung nhằm diệt trừ chủ nghĩa cực đoan có thể là một trong những phương thức giúp đạt được mục tiêu trên."

Cũng tại phiên họp nêu trên, Chủ tịch Trung Quốc đã cam kết cho các nước Arab vay 20 tỷ USD để phát triển kinh tế. Theo ông Tập Cận Bình, khoản vay này sẽ được dành cho những dự án có khả năng tạo những cơ hội thuận lợi cho việc tìm kiếm việc làm và có ảnh hưởng tích cực về mặt xã hội đối với các nước Arab vốn đang có nhu cầu tái thiết nền kinh tế.

Mỹ công bố danh sách hàng hóa Trung Quốc trị giá 200 tỷ USD bị áp thuế

Tối 10/7 theo giờ địa phương, tức sáng 11/7 theo giờ Hà Nội, Mỹ đã bất ngờ công bố danh sách hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc trị giá đến 200 tỷ USD sẽ bị đánh thuế sớm nhất là trong tháng Chín tới đây.

Động thái mới được cho là sẽ làm cuộc chiến thương mại giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới leo thang.

Văn phòng Đại diện Thương mại Mỹ sẽ có buổi điều trần về các sản phẩm bị đánh thuế này. Một quan chức Mỹ khẳng định sẽ mất 2 tháng để hoàn thành danh sách hàng hóa mới này.

Sau đó, Tổng thống Mỹ Donald Trump sẽ đưa ra quyết định cuối cùng về việc đánh thuế số hàng hóa này.

Chính phủ Argentina ra sắc lệnh cắt giảm chi tiêu công

Ngày 10/7, Chính phủ Argentina ban hành một sắc lệnh cắt giảm chi tiêu công, ngừng tuyển dụng nhân sự cho các cơ quan nhà nước nhằm tiết kiệm hơn 860 triệu USD ngân sách, trong bối cảnh quốc gia này đang đối mặt với tỷ lệ lạm phát cao, tăng trưởng giảm và đồng nội tệ peso mất giá mạnh.

Theo nghị định mới, các cơ quan nhà nước sẽ ngừng tuyển dụng nhân sự cho đến ngày 31/12 năm tới, ngoại trừ Cơ quan Tình báo liên bang, Kho bạc, Cục quản lý trại giam liên bang, các đơn vị nghiên cứu phát triển khoa học công nghệ, Trường đại học quốc gia, lực lượng vũ trang và an ninh.

Chính phủ Argentina cũng sẽ không cung cấp dịch vụ hỗ trợ kỹ thuật cho các trường đại học quốc gia, trung tâm giáo dục tư nhân và của các tỉnh kể từ ngày 1/1/2019. Bên cạnh đó, quyết định mới cấm việc cấp tiền thưởng, phần thưởng, các khoản ưu đãi và bổ sung ngân sách cho những tổ chức, cá nhân từ nay đến hết năm tới.

Mỹ dỡ bỏ lệnh cấm đối với tập đoàn ZTE của Trung Quốc

Ngày 13/3, Mỹ đã chính thức dỡ bỏ một lệnh cấm bán phần mềm và linh kiện cho tập đoàn viễn thông ZTE của Trung Quốc - một trong những nhà sản xuất thiết bị viễn thông lớn nhất thế giới.

Bộ Thương mại Mỹ cho hay bộ này sẽ vẫn giám sát tập đoàn ZTE nhằm ngăn ngừa những vi phạm trong tương lai các lệnh trừng phạt của Mỹ nhằm vào Iran và Triều Tiên.

Trong một tuyên bố, Bộ trưởng Thương mại Mỹ Wilbur Ross nêu rõ: "Trong khi chúng tôi đã dỡ bỏ lệnh cấm đối với ZTE, Bộ sẽ vẫn cảnh giác và giám sát chặt chẽ các hoạt động của ZTE nhằm đảm bảo sự tuân thủ mọi điều luật và quy chế của Mỹ."

Trong thông báo ngày 11/7, Bộ Thương mại Mỹ cho biết ZTE đã ký một thỏa thuận với Mỹ, theo đó chấp nhận nộp một khoản "tiền đặt cọc" 400 triệu USD trong trường hợp tái phạm các biện pháp trừng phạt của Mỹ trong tương lai.

Theo thỏa thuận này, sau khi ZTE nộp khoản tiền nói trên, Mỹ sẽ lập tức dỡ bỏ trừng phạt, mở đường cho tập đoàn này nối lại một số hoạt động chính.

Thỏa thuận về khoản tiền cọc này là một phần trong thỏa thuận dàn xếp trị giá 1,4 tỷ USD mà Mỹ và Trung Quốc đạt được ngày 7/6 vừa qua. ZTE đã buộc phải đình chỉ các hoạt động kinh doanh chính trên toàn thế giới sau khi Bộ Thương mại Mỹ hồi giữa tháng Tư cấm các công ty Mỹ bán phần mềm và linh kiện cho hãng này trong bảy năm do nhiều lần tái phạm các biện pháp trừng phạt của Mỹ đối với Triều Tiên và Iran.

Các nhà sản xuất ô tô Bắc Mỹ kêu gọi nối lại đàm phán NAFTA

Những cuộc đàm phán nhằm sửa đổi NAFTA ba bên đã bị đình trệ từ tháng 2/2018 sau hơn 6 tháng, khi Ottawa và Mexico thẳng thừng bác bỏ các yêu cầu của Washington về một điều khoản sẽ kết thúc trong vòng 5 năm về thỏa thuận cũng như yêu cầu của Mỹ đối với ô tô.

Nỗ lực khởi động lại các cuộc tái đàm phán NAFTA tiếp tục bị đình trệ sau cuộc bầu cử tổng thống ở Mexico ngày 1/7 khi ông Andres Manuel Lopez Obrador giành chiến thắng.

Có những lo ngại rằng liệu vị Tổng thống mới của Mexico này có loại bỏ NAFTA hoàn toàn không vì ngay khi thắng cử, ông đã tuyên bố sẽ tiến hành sửa đổi hiệp định thương mại.

Tuyên bố chung từ các hiệp hội ngành công nghiệp ô tô ở cả ba quốc gia kêu gọi các nhà lãnh đạo tận dụng thời điểm này để tiến hành các cuộc đàm phán, dù đến tận tháng 12 vị Tổng thống mới này mới nhậm chức.

Tháng 6, dự trữ ngoại hối Trung Quốc tăng bất ngờ

Dữ liệu của Ngân hàng Trung ương Trung Quốc công bố vào thứ Hai (9/7) cho biết, dự trữ ngoại hối đã tăng 1,51 tỷ USD trong tháng 6 lên 3.112 nghìn tỷ USD, so với mức giảm 14,23 tỷ USD trong tháng 5 ngay cả khi trong bối cảnh căng thẳng thương mại với Mỹ leo thang.

Trước đó, các nhà kinh tế được hãng tin Reuters thăm dò ý kiến dự báo ​​dự trữ ngoại hối của Trung Quốc giảm 10,6 tỷ USD trong tháng 6.

Sự gia tăng này là do thay đổi giá tài sản, Cục Quản lý Ngoại hối Nhà nước (SAFE) cho biết trong một tuyên bố.

Thị trường tiền tệ và chứng khoán của Trung Quốc đã đứng trên bờ vực ngay trước khi Mỹ và Trung Quốc chính thức áp thuế lên 34 tỷ USD hàng hóa của nhau vào hôm thứ Sáu tuần trước (6/7).

Xung đột thương mại leo thang khiến giới quan sát lo ngại về một đợt thoái vốn mạnh mới khỏi Trung Quốc, gây áp lực lên tỷ giá NDT.

Trong tháng 6, đồng NDT đạt mức thấp kỷ lục, giảm 3,25% so với đồng USD. Tháng 6 cũng là tháng tồi tệ nhất đối với chứng khoán Trung Quốc trong hơn hai năm qua./.